(HBĐT) - Ở đảo Hòn Chuối thuộc xã Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), có một lớp học đặc biệt mang tên "Lớp học tình thương” do thầy giáo, binh nhất Lê Hon Đa, Đồn Biên phòng Hòn Chuối (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau) đứng lớp. Trong căn phòng nhỏ vài chục m2 nhưng có đến 3 tấm bảng của 3 khối lớp khác nhau. Lớp học thực sự trở thành "mái nhà tình thương” thứ hai của 23 học sinh trên đảo.
Thầy giáo Lê Hon Đa tận tình hướng dẫn từng nét chữ cho học sinh.
Chuyện về lớp học "6 trong 1”
Mỗi sáng thức dậy, những tiếng gọi nhau đến lớp của học sinh trên đảo lại rộn ràng cho một ngày mới ở nơi đảo tiền tiêu phía Tây Nam của Tổ quốc. Trên đảo có vài chục hộ dân sinh sống, con em họ đều trong độ tuổi cắp sách đến trường, tuy nhiên, đa phần các em có tuổi học lớn hơn so với khối lớp đang học. Xuất phát từ tình quân dân, lớp học tình thương trên đảo ra đời nhiều năm nay. Lớp học đơn sơ và một khu vui chơi nho nhỏ là nơi học chữ, rèn người cho 23 em từ lớp 1 đến lớp 6. "Đối với người dân trên đảo, công việc chính là mưu sinh với nghề đi biển. Việc cho con em cắp sách đến trường là chuyện mơ ước. Lớp học tình thương ra đời đáp ứng nguyện vọng lớn của bà con” - thầy giáo Lê Hon Đa cho biết.
Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòn Chuối, thượng tá Nguyễn Quốc Thái chia sẻ: Chúng tôi quyết tâm không để lớp học bị gián đoạn, làm ảnh hưởng tới việc học tập của các em, nên đơn vị đã chọn binh nhất Lê Hon Đa đứng lớp thay những người thầy trước đang dang dở công việc. Những lúc các thầy bận phải vào đất liền, đơn vị đều bố trí giáo viên đứng lớp tạm thời để duy trì lớp học thường xuyên.
Tinh thần đó đã truyền lửa cho những người chiến sỹ trẻ như binh nhất Lê Hon Đa. Đã dạy học được hơn nửa năm, có nhiều kỷ niệm với học sinh, thầy giáo trẻ dành nhiều tâm huyết để hiểu, chia sẻ và truyền đạt tối đa kiến thức cho những học sinh đặc biệt của mình. Theo thầy Lê Hon Đa, việc học chung như vậy khiến các em đôi khi khó tập trung, những học sinh lớp 4-6 từ 14-16 tuổi có tâm lý ngại khi phải học chung lớp với các em nhỏ hơn mình nhiều tuổi. Tuy nhiên, với những phương pháp sư phạm sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Đồng Tháp, Khoa Sư phạm mỹ thuật, thầy giáo trẻ luôn giữ được sự ổn định của lớp học, tạo không khí vui vẻ, đoàn kết, để các em thực sự hạnh phúc mỗi ngày đến lớp. Ngoài những môn học chính căn bản, thầy giáo Lê Hon Đa còn dạy thêm cho các em năng khiếu về vẽ, tuyên truyền về biển, đảo, bảo vệ môi trường.
Những ước mơ mang lại niềm hạnh phúc
Giờ nghỉ giải lao, học sinh tìm đến sân chơi với những trò chơi quen thuộc hằng ngày.
Không chỉ chăm lo dạy kiến thức, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng còn nhận đỡ đầu cho 2 "em nuôi” có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của lớp là em Ngô Trúc Vy và Trần Hoàng Kiệt. Chúng tôi cũng được nghe những tâm nguyện, ước mơ mang lại niềm hạnh phúc cho người dân trên đảo của các em. Kiêu Hồng Anh, học sinh lớp 3 tâm sự: "Em mong muốn được học đến hết lớp 12 và theo học ngành sư phạm, để sau này có cơ hội làm giáo viên trở về dạy cho chính các em trên ốc đảo của mình”.
Cũng như Kiêu Hồng Anh, người chị lớp 4 Ngô Tường Vy ngoài mong muốn trở thành cô giáo, còn mong nhận được nhiều hơn sự quan tâm của các mạnh thường quân giúp cho học sinh trên đảo có lớp học và khu vui chơi khang trang, đầy đủ hơn. Em Kim Ngọc Thanh, học lớp 6, năm nay 16 tuổi lại có mong ước trở thành một cầu thủ bóng đá vì niềm đam mê đối với bộ môn thể thao này.
Năm nay, thầy Lê Hon Đa xuất ngũ, 23 học sinh không khỏi bùi ngùi khi phải xa thầy. Em Thuý An gửi gắm: "Thầy phải trở về, chúng em nhớ lắm. Để không phụ lòng thầy, chúng em sẽ tiếp tục cố gắng phấn đấu học tập, rèn luyện thật tốt và mong sớm được gặp lại thầy”.
Đối với người lính trẻ, trong thời gian công tác, anh đã luôn hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc cũng như truyền đạt kiến thức cho con trẻ nơi đảo xa. Binh nhất Lê Hon Đa chia sẻ: "Xuất ngũ rồi, hành trang khi trở về của tôi sẽ nặng hơn về kỷ niệm bên những đứa trẻ thơ ngây, nặng hơn về tình đồng chí, đồng đội. Sau này, nếu có cơ hội, tôi vẫn mong được trở lại đây và tiếp tục chèo lái con đò kiến thức, góp phần đưa các em nhỏ đến gần hơn với ước mơ của mình”.
Thanh Sơn
(HBĐT) - Đà Bắc là huyện vùng cao có điều kiện tự nhiên tương đối đặc thù, nhiều đồi, núi, sông, suối xen kẽ tạo thành nhiều dải hẹp bị cắt phá mạnh mẽ nên đất có độ dốc lớn, bình quân 350. Địa hình bị chia cắt mạnh không chỉ gây trở ngại đặc biệt cho giao thông mà còn tạo nhiều thách thức cho nỗ lực khai thác tài nguyên và phát triển kinh tế của địa phương. Hiện, Đà Bắc là huyện duy nhất của tỉnh còn thuộc danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018 - 2020 theo Quyết định số 275 của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2019 khoảng 32%, cao nhất so với các huyện, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung của toàn tỉnh là 11,64%.
(HBĐT) - Trên quần đảo Trường Sa có 9 ngọn hải đăng. Đây được coi là những "mắt thần” đặc biệt, dù có giông bão thì hải đăng vẫn không bao giờ tắt. Giữa muôn trùng khơi, những người giữ hải đăng ngày đêm âm thầm làm nhiệm vụ hoa tiêu soi đường cho ngư dân và các phương tiện giao thông trên biển. Họ được gọi thân mật là "người giữ đèn”.
(HBĐT) - Biển, đảo là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Ở nơi đó có những chiến sỹ, đồng bào ta vẫn ngày đêm âm thầm bám biển, giữ đất, giữ chủ quyền trên biển của đất nước. Cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình đã có nhiều hoạt động tuyên truyền về biển, đảo, đồng thời, thực hiện nhiều việc làm ý nghĩa gửi hơi ấm, tình cảm đến chiến sỹ và nhân dân những vùng đảo xa xôi.
Tết cổ truyền dân tộc, cả nước đã hướng về Trường Sa với tình cảm, trách nhiệm, sự sẻ chia sâu sắc. Nhưng có lẽ những ai có dịp đến tận Trường Sa mới cảm nhận được một cách đầy đủ nhất sự thiêng liêng của một vùng biển đảo quê hương nơi đầu sóng, ngọn gió.
(HBĐT) - Sau 2 ngày lênh đênh trên biển, tàu thả neo khi màn đêm đã buông xuống mù mịt, xa xa là những ánh đèn rọi lại cách tàu chúng tôi chừng 2 hải lý. Chỉ huy trưởng cho biết, đó chính là đảo Đá Lát, đảo tiền tiêu nằm gần đất liền nhất trong số các đảo thuộc quần đảo Trường Sa thân yêu.
Thời trai trẻ, ông Nguyễn Văn Ước thường theo bạn bè xuôi bờ sông Đà đi ngắm núi Chẹ và xem người ta trèo bẫy chim sáo, trong lòng nhớ như in câu chuyện dân gian người Mường vùng hạ lưu sông Đà vẫn kể. Đó là chuyện ông Đùng đi gánh đá chặn dòng nước sông Đà dữ dằn để bảo vệ dân làng. Hai hòn đá to nặng đã khiến đòn gánh bị gãy, một hòn văng xa mãi tận thác Bờ (nay thuộc thành phố Hòa Bình), một hòn rơi xuống, thành núi Chẹ bây giờ - nên người quanh vùng thường gọi là "núi ông Đùng".