Bài 1- Xác lập thương hiệu nông sản đặc trưng, nổi bật


(HBĐT) - Từng long đong, lép vế khi chưa xây dựng được thương hiệu, với quyết tâm và sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, người dân, cam Cao Phong đã trở thành thương hiệu nông sản mạnh nhất của tỉnh, một trong những "thương hiệu vàng" của nông nghiệp Việt Nam.


Cam Cao Phong được người tiêu dùng lựa chọn tại siêu thị Intimex Hà Nội. 

Thương hiệu nông sản mạnh nhất      

Huyện Cao Phong có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nông hóa phù hợp với cây cam. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, cam đã được trồng thành vùng tại huyện. Với chất lượng thơm ngon đặc trưng, cam Cao Phong từng được xuất khẩu sang Liên Xô (cũ). Sau đó, vì nhiều nguyên nhân, diện tích, sản lượng cam giảm dần. Tới những năm đầu tái lập tỉnh, khi thực hiện cơ chế khoán, cam Cao Phong bắt đầu hồi sinh nhưng ở quy mô nhỏ lẻ. Dấu ấn quan trọng khi Huyện ủy ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 8/5/2006 về phát triển vùng cây ăn quả, cây công nghiệp giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020. Nghị quyết đã tạo sức bật mới cho cây cam.

Phó Bí thư TT Huyện ủy Cao Phong Đinh Đức Lân cho biết: Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong các nhiệm kỳ đại hội Đảng đều đánh giá lại việc thực hiện nghị quyết và đề ra định hướng cho cây cam. Nếu giai đoạn 2006 - 2010, mục đích là tăng thu nhập cho người dân, đến nhiệm kỳ 2010 - 2015, chuyển sang giai đoạn sản xuất theo tiêu chuẩn, xây dựng thương hiệu. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, tiếp tục bảo vệ thương hiệu, phát triển chỉ dẫn địa lý (CDĐL), nâng cao giá trị sản phẩm. Đại hội Đảng bộ huyện đã đưa ra chỉ tiêu: Nâng cao hiệu quả diện tích cây có múi đã được quy hoạch. Nhiệm vụ và giải pháp là: Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tích cực ứng dụng KH-KT. Huy động các nguồn lực liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. 

Cụ thể hóa các nghị quyết của Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành các văn bản nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu cam Cao Phong. Phó Chủ tịch UBND huyện Hồ Xuân Dũng cho biết: UBND huyện đã phê duyệt dự án phát triển vùng cây ăn quả, cây công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010, định hướng các năm tiếp theo. Thành lập Ban chỉ đạo dự án phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010, định hướng các năm tiếp theo. Ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM. Phê duyệt Dự án hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ cam Cao Phong theo hướng nâng cao chứng nhận chất lượng và quản lý thương hiệu... Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp chất lượng cao.

Từ các nghị quyết, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền huyện, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh và các ban, ngành, các khâu quy hoạch, đầu vào, kỹ thuật trồng, chăm sóc, hỗ trợ vay vốn, đầu ra… được thực hiện bài bản. Diện tích, sản lượng, chất lượng cam tăng mạnh. Năm 2010, diện tích 557 ha, sản lượng 9.000 tấn. Năm 2014, diện tích trên 1.200 ha, sản lượng 16.500 tấn. Từ năm 2014, huyện triển khai sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP với 235 hộ tham gia, diện tích 248,36 ha. Đến niên vụ 2019 - 2020, huyện có 3.015,6 ha cây ăn quả có múi, sản lượng trên 40.000 tấn; trong đó, 1.018,34 ha cam được cấp chứng nhận VietGAP với 759 hộ tham gia.

 Với những bước đi đúng đắn, bài bản, cam Cao Phong dần khẳng định chất lượng, ưu thế vượt trội trên thị trường. Năm 2007, cam Cao Phong được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận lô gô nhãn hiệu hàng hóa, được Tạp chí Thương hiệu Việt bình chọn top 100 thương hiệu Việt. Năm 2010, được Hội Sở hữu trí tuệ cấp bằng công nhận nhãn hiệu cạnh tranh Việt Nam. Đặc biệt, thành quả và điểm nhấn nổi bật nhất là tháng 11/2014, Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận CDĐL Cao Phong cho sản phẩm cam của huyện. Cụ thể cho 4 giống cam (CS1, Xã Đoài lùn, Xã Đoài cao, cam Canh) tại thị trấn Cao Phong và 5 xã. Đây là hình thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cao nhất dùng cho các sản phẩm có chất lượng đặc thù do các điều kiện địa lý của khu vực đó quyết định. Cam Cao Phong được bảo hộ toàn lãnh thổ Việt Nam, là 1 trong 39 CDĐL của Việt Nam được bảo hộ tại EU (Liên minh châu Âu).

Sự kiện này là bước đột phá, tạo lập vị thế nông sản đặc trưng, nổi bật, mở ra nhiều cơ hội vươn ra thị trường lớn, là bước ngoặt trong hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu cam Cao Phong. Hơn 6 năm qua, cam Cao Phong vẫn là sản phẩm đầu tiên và duy nhất của tỉnh được chứng nhận CDĐL, khẳng định là thương hiệu nông sản mạnh nhất của tỉnh, niềm tự hào của tỉnh Hòa Bình.

Kinh nghiệm được rút ra, sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ là nhân tố quyết định hiệu quả việc xây dựng, phát triển thương hiệu.

Vươn xa thương hiệu cam Cao Phong

Việc xây dựng được thương hiệu cho cam Cao Phong có ý nghĩa quan trọng, chấm dứt nỗi oan đội lốt cam Vinh, nhầm với cam Trung Quốc hay phải chịu lép vế, ép giá khi ra thị trường... Những năm 2000, giá cam Cao Phong chỉ trên dưới 3.000 đồng/kg. Từ khi được bảo hộ CDĐL, quy mô sản xuất hàng hóa và hiệu quả kinh tế tăng mạnh. Năm 2011, giá trị bình quân cây có múi đạt 250-350 triệu đồng/ha, năm 2019 đạt 500 - 625 triệu đồng/ha. Nhiều triệu phú, tỉ phú xuất hiện. Thị trấn Cao Phong từng là một trong những thị trấn có nhiều tỉ phú nhất cả nước.

Từ chỗ là nông sản địa phương ít người biết, cam Cao Phong đã trở thành thương hiệu sáng giá, một trong những "thương hiệu vàng" nông nghiệp Việt Nam, khắc được chữ tín với khách hàng miền Bắc và đang vươn tới miền Nam. Kênh tiêu thụ sản phẩm ngày càng đa dạng, chuyên nghiệp. Cam Cao Phong đã có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị lớn như Big C, Vinmart, Metro, Intimex... Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines từng chọn cam Cao Phong là món tráng miệng phục vụ hành khách hạng thương gia trên các đường bay nội địa và quốc tế. Hoạt động mua bán online cũng sôi động.

Huyện tiếp tục triển khai nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ kết nối tiêu thụ ở trong và ngoài tỉnh. Dịp Giỗ tổ Hùng Vương 2019 tại tỉnh Phú Thọ, cam Cao Phong kết hình 2 con rồng hiện diện tại sân khấu chính của sự kiện và là cam tiến vua dâng lên vua Hùng. Tham gia "Tuần lễ nông sản, thực phẩm tỉnh Hòa Bình năm 2019" tại hệ thống Saigon Co.op Hà Nội, cam Cao Phong được ký kết tiêu thụ. Tham gia Hội chợ Nông nghiệp sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc và Lễ hội cây ăn quả có múi tỉnh; Tuần lễ giới thiệu "Sản phẩm cây ăn quả có múi và nông, thủy sản an toàn, chất lượng tỉnh Hòa Bình năm 2019” tại siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội). HTX Hà Phong được ký hợp đồng tiêu thụ cam Cao Phong với Tập đoàn Central Retail Việt Nam để có mặt tại hệ thống các siêu thị của Tập đoàn ở nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc. Huyện cũng tham gia các hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm ở các tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai...

Từ huyện miền núi thuần nông, Cao Phong đã trở thành vựa cam của tỉnh, một điển hình thành công trong phát triển cây có múi của cả nước. Tên Cao Phong trở nên nổi tiếng bởi đặc sản cam. Chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm "Cam Cao Phong” trên Google, trong 0,61 giây đã có 159 triệu kết quả. Cam Cao Phong tiếp tục khẳng định thương hiệu trên thị trường.

(Còn nữa)
        
Cẩm Lệ

Các tin khác


Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục