Chịu nhiều đau thương trong chiến tranh nhưng bằng nghị lực, sức lực và trí lực, chính quyền và nhân dân xứ Quảng đồng lòng để tái thiết lại quê hương. Sau 45 năm giải phóng, từ một tỉnh nghèo, Quảng Nam vươn lên thành một tỉnh phát triển khá với những bước phát triển vững chắc.
Tri ân những người nằm xuống cho quê hương
Nằm trên ngọn đồi cao 43 mét trong cụm đồi núi ở xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tiếp giáp với đường sắt Bắc Nam và Quốc lộ 1A, cách sân bay Chu Lai 4 km là một tượng đài uy nghi, ghi dấu chiến tích lẫy lừng của quân dân Quảng Nam trong trận đầu đánh Mỹ. 55 năm trước, nơi đây diễn ra trận tấn công đánh tan đại đội Mỹ, mở đầu cho phong trào "Tìm Mỹ mà đánh" trên toàn miền Nam, được Đảng và Bác Hồ khen tặng 8 chữ vàng "Trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ".
Thành kính trước anh linh các Anh hùng liệt sĩ, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tam Nghĩa Bùi Thị Lan Phương chia sẻ: Tượng đài chiến thắng Núi Thành là biểu tượng về tinh thần yêu nước, lòng quả cảm và ý chí quật cường của các thế hệ cha ông. Thế hệ trẻ chúng em rất tự hào về điều này. Tự hào về truyền thống quê hương anh hùng và mãi mãi tri ân những người đã ngã xuống, chúng em ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc góp phần xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Đi qua các cuộc trường chinh vệ quốc của dân tộc, Quảng Nam có trên 65.500 liệt sỹ, trên 36.000 thương binh, bệnh binh, trên 135.000 thân nhân và trên 56.000 người có công giúp đỡ cách mạng, người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị bắt tù đày và hàng chục ngàn đối tượng có công khác. Đặc biệt, cả tỉnh có trên 15.000 bà mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; gần 900 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đã được các địa phương, cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng đến cuối đời.
Nhằm thể hiện trách nhiệm, tình cảm và lòng biết ơn đối với những người đã hy sinh vì Tổ quốc, nhiều năm qua, công tác chăm lo đến đời sống của các đối tượng là thương bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, người có công luôn luôn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh, giúp cho các đối tượng chính sách có đời sống vật chất và tinh thần bằng hoặc cao hơn so với mức sống trung bình ở khu dân cư.
Hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật
Trước ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tam Kỳ chỉ là thị xã, nhiều tuyến đường không có tên. Đến nay, quy mô thành phố Tam Kỳ được mở rộng hàng chục lần và đang phấn đấu trở thành đô thị loại I vào năm 2025. Không riêng thành phố Tam Kỳ có sự đổi thay vượt bậc, kết cấu hạ tầng ở tất cả 18 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, nhiều nơi đạt chuẩn nông thôn mới, đô thị văn minh. Những chiến trường ác liệt như Điện Bàn, Núi Thành, Duy Xuyên, Đại Lộc đã và đang lần lượt tiến lên đạt chuẩn đô thị loại III, cấp hành chính tương đương là thị xã.
Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Trần Úc chia sẻ: Là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, thị xã đang hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng liên vùng, đầu tư kết nối giao thông đô thị, kể cả khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, phát triển mạnh về hướng biển, kết nối Điện Bàn với Hội An và thành phố Đà Nẵng. Với hướng phát triển này, thị xã đảm bảo khả năng cung cấp cơ sở hạ tầng dịch vụ, du lịch, nhà ở, cơ sở thương mại, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tạo ra chuỗi giá trị cao. Thị xã đang hướng đến những ngành công nghiệp phụ trợ để thay thế cho ngành công nghiệp khai thác giá nhân công rẻ không còn phù hợp, đủ sức cạnh tranh và hướng ưu tiên vào ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh và không gây nguy hại đến môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.
Đi cùng với phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, phát triển công nghiệp là vấn đề then chốt để Điện Bàn phát triển đô thị và chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc đã cơ bản hoàn thành đi vào hoạt động có hiệu quả cao. Nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp này đã chuyển hướng quản lý, sản xuất theo hướng công nghệ cao, phát triển bền vững. Thị xã cũng có một Nghị quyết riêng để phát triển 9 cụm công nghiệp trên địa bàn.
Theo đó, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, bình quân mỗi năm, thị xã sẽ đầu tư 120 - 150 tỷ đồng để hoàn thiện kết cấu hạ tầng 9 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 500 ha. Đây là mục tiêu phát triển cơ bản và trọng tâm của thị xã song song với phát triển hạ tầng đô thị - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Trần Úc cho biết.
Phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao bền vững
Sau khi chia tách tỉnh vào năm 1997, Quảng Nam định hướng lại sự phát triển kinh tế. Dù lĩnh vực nông nghiệp là chủ lực song các khu kinh tế, khu công nghiệp được hình thành đã tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế. Phía Bắc có khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc đã hoàn thành, các nhà đầu tư dần chuyển vào giai đoạn quản lý và sản xuất theo hướng công nghệ cao. Phía Nam, Khu kinh tế mở Chu Lai đã trở thành vùng kinh tế động lực của Quảng Nam và các tỉnh trong khu vực. Công nghiệp phát triển giúp kinh tế Quảng Nam tạo sức bật mới với quy mô gấp hơn 30 lần, giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 160 lần so với năm đầu tái lập. Thu ngân sách trên địa bàn năm 2018, 2019, mỗi năm đạt trên 20 nghìn tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 61 triệu đồng/năm. Quang Nam đang phấn đấu trở thành một tỉnh khá về thu nhập vào năm 2025.
Bí thư Huyện ủy Núi Thành Nguyễn Tri Ấn cho biết: Là đầu tàu của ngành công nghiệp và dịch vụ của tỉnh, huyện tiếp tục tạo mọi điều kiện để thu hút nhà đầu tư đến làm ăn lâu dài. Đến nay, huyện Núi Thành thu hút 115 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 39.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 17.000 lao động. Những năm gần đây, đóng góp của ngành công nghiệp huyện Núi Thành cho tỉnh chiếm tỷ trọng trên 60% và đóng góp hơn 60% cho ngân sách của tỉnh. Thành quả lớn nhất trong phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư là chuyển dịch cơ cấu lao động từ thuần nông trở thành lực lượng lao động mạnh, có tay nghề vững vàng, chuyên nghiệp hóa. Núi Thành tiếp tục thu hút những dự án lớn, nhất là dự án công nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ phục vụ công nghiệp chế biến, làm đầu tàu cho tỉnh và các tỉnh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh chia sẻ: Năm 2020 dự kiến có 195 dự án đầu tư trực tiếp với quy mô vốn gần 6 tỷ USD, 380 dự án đầu tư trong nước đã được cấp phép và đang triển khai xây dựng. Địa phương có 9 khu công nghiệp và gần 50 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 70 nghìn lao động. Lao động trong nông nghiệp đã chuyển dịch tích cực, tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn 11%, lao động trong lĩnh vực này chỉ chiếm 38%. Đây là những tín hiệu tốt trong thu hút đầu tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Những năm tới, Quảng Nam đã xác định các nhóm dự án động lực. Theo đó, tỉnh tiếp tục thu hút mạnh các ngành nghề cơ khí, chế tạo, công nghiệp ô tô, phát triển dịch vụ cảng biển, sân bay; đầu tư phát triển khu du lịch chất lượng cao, tiêu chuẩn và quy mô quốc tế, phát triển mạnh du lịch cộng đồng; phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp phục vụ công nghiệp, nông nghiệp thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu.
Ngành công nghiệp không khói của Quảng Nam cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2019, Quảng Nam đón gần 7,7 triệu lượt khách (trong đó có 4,6 triệu lượt khách quốc tế), doanh thu từ du lịch đạt 6.000 tỷ đồng, thu nhập xã hội đạt 14.000 tỷ đồng. Với đà phát triển này, Quảng Nam cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp trong năm 2020, tạo tiền đề để phát triển nhanh và bền vững ở giai đoạn tới.
Theo Baotintuc.vn