Cách đây 45 năm (ngày 26/3/1975), lá cờ cách mạng tung bay trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu (Huế), đánh dấu mốc lịch sử Thừa Thiên - Huế hoàn toàn giải phóng. Nhân dịp này,  trân trọng giới thiệu bài viết "Huế đỏ cờ bay" của nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng đã trực tiếp tham gia tác nghiệp khi Huế giải phóng ngày ấy.



Hai anh em nhà báo Trần Mai Hạnh, Trần Mai Hưởng gặp nhau ngay sau ngày Huế giải phóng.

Cuối tháng 3/1975, đoàn phóng viên, cán bộ của TTXVN tăng cường cho mặt trận Trị Thiên vào đến Đông Hà (Quảng Trị) khi tình hình đang rất khẩn trương. Quân giải phóng đang siết chặt vòng vây quanh Huế. Ngày 25/3 đã có tin Huế sắp giải phóng. Đoàn trưởng Tư Phác họp và quyết định cử một tổ lên đường vào Huế, đi ngay trong ngày. Mũi đi trước này có các anh Lâm Hồng Long, Ngọc Quả, Đức Kiều, Trần Tuấn và tôi. Sau ít giờ chuẩn bị đồ đạc, chúng tôi lên đường ngay.

Chúng tôi đi bằng xe com-măng-ca đít vuông do Ngô Bình lái, từ Đông Hà chạy dọc theo đường 1, qua Quảng Trị và đi tiếp vào trong. Khoảng chập tối thì nghe tin những cánh quân đầu của chúng ta đã vào Huế. Mọi người đều rất sốt ruột. Đúng lúc ấy, một điều không ngờ đã diễn ra. Đến cầu Mỹ Chánh, chúng tôi phải dừng lại. Khi rút chạy, quân Sài Gòn đã phá huỷ cây cầu này nên xe ô tô không thể nào qua được. Sau ít phút hội ý, anh em trong tổ quyết định vượt cầu và hành quân bằng đường bộ. Một quyết định khá mạo hiểm vì đây là vùng quân Sài Gòn vừa rút, không có cơ sở dẫn đường, không ai biết phía trước sẽ ra sao. Theo bản đồ, từ Mỹ Chánh vào Huế cũng phải hơn 30 ki lô mét. Chúng tôi phải đi bộ suốt đêm thì sáng mới đến nơi. Nhưng trong hoàn cảnh đó, không có sự lựa chọn khác. Nếu không, thời cơ sẽ qua đi không bao giờ trở lại. Cho đến giờ tôi vẫn thầm khâm phục sự chín chắn của các anh Lâm Hồng Long và Ngọc Quả. Hai anh đứng mũi chịu sào cho việc đưa ra những quyết định quan trọng và động viên cánh phóng viên trẻ noi theo.

Chúng tôi chia tay Ngô Bình và xe, leo qua cây cầu chênh vênh đã bị phá, rồi cứ dọc đường 1 mà hành quân. Anh em đi cách xa nhau đề phòng có phục kích thì thiệt hại ở mức thấp nhất. Không khí căng thẳng. Trời tối như bưng, vẫn còn tiếng súng nổ ở đây đó. Đường 1 vắng lặng, các làng xóm chìm trong bóng đêm. Mọi người cắm cúi bước. Thỉnh thoảng, có điểm dừng chân cho đỡ mệt anh em mới chuyện trò.

Tôi nhớ anh Lâm Hồng Long, khi đó là người duy nhất đã từng qua Huế khi còn trẻ. Anh đã từng hoạt động ở miền Nam trước khi tập kết ra Bắc, có thời gian bị giam ở Đà Nẵng. Anh Long kể về Huế cho anh em trong đoàn. Tôi hình dung cảnh cố đô, thành nội, cầu Tràng Tiền, chợ Đông Ba… theo cách của mình. Tôi nhớ lại những tư liệu ít ỏi đọc được trước đây để hình dung xem mọi việc khi vào đến Huế sẽ ra sao… Những ý nghĩ ấy cuốn hút làm tôi không nghĩ gì đến những nguy hiểm đang rình rập.

Anh Lâm Hồng Long lấy trong túi xách ra một gói sâm nhỏ, chia cho mọi người. Lần đầu trong đời tôi ngậm một mẩu sâm và có lẽ do yếu tố tâm lý nhiều hơn, cảm thấy rất đỡ mệt. Anh Ngọc Quả nêu vấn đề và mọi người bàn cách làm việc khi vào đến Huế. Chúng tôi sẽ chia nhau đi các hướng, đến những địa bàn quan trọng nhất để chụp ảnh, viết bài. Ảnh thì khỏe hơn vì chụp xong, chỉ cần cuộn phim lại và gửi về. Nhưng còn bài viết làm sao cho có sớm. Mấy anh em nhất trí là mỗi người sẽ viết một đoạn rồi gom lại gửi về. Về Đông Hà, anh em ở đó sẽ xem lại, lắp ghép rồi chuyển ra Hà Nội. Trong hoàn cảnh ấy, việc bàn bạc để cùng nhau tác nghiệp là điều rất cần thiết.

Chúng tôi đến gần thành phố vào lúc trời rạng sáng. Đi bộ suốt đêm nên ai cũng thấm mệt. Lúc ấy, trên đường đã có người đi lại, rồi có cả xe lam, xe ô tô chở khách. Chúng tôi hỏi thăm thì biết chiều qua, quân giải phóng đã vào thành phố rồi. Quân Sài Gòn đã bỏ chạy vào Đà Nẵng và ra cửa Thuận An. Vẫn còn những va chạm nhỏ giữa hai bên, nhưng sáng nay tình hình đã yên tĩnh.

Một chiếc xe đò chạy qua rồi vòng lại, hướng về phía thành phố. Anh em hội ý chớp nhoáng rồi vẫy xe dừng lại. Anh Ngọc Quả nói với bác lái xe:

- Chúng tôi là những nhà báo của Thông tấn xã Giải Phóng. Xin bác cho vào thành phố gấp.

Bà con ngồi trên xe chắc bữa qua sơ tán, nay thấy yên nên tìm đường về nhà. Họ đều ngạc nhiên vì lần đầu gặp các nhà báo giải phóng. Chắc lúc đó trông chúng tôi cũng rất lạ, vì sau cả đêm đi bộ đường dài. Mọi người chủ động nhường chỗ cho anh em trong đoàn. Thế là đoạn cuối của cuộc hành quân, chúng tôi đàng hoàng ngồi trên xe ô tô tiến vào Huế trong buổi sáng đầu tiên thành phố này được giải phóng.

Khi nhìn thấy Phu Văn Lâu, sông Hương, cầu Tràng Tiền… và cả thành phố trải ra trước mắt, tôi cứ nghĩ là mình đang trong một giấc mơ vậy. Vì có một thời gian gắn bó với miền Trung, nên cảm giác được có mặt ở Huế, cố đô xinh đẹp và nổi tiếng càng làm cho tôi xúc động. Khi xe chạy, vừa quan sát, hỏi chuyện mọi người, tôi vừa nghĩ đến những điều cần phải làm của mình. Phải làm sao có được tin, bài, ảnh nhanh nhất và chuyển được về tổng xã. Kinh nghiệm của một phóng viên chiến trường cho tôi hiểu điều ấy.

Huế đang trong một ngày hội lớn. Không khí thật tưng bừng. Cờ nửa đỏ nửa xanh của Mặt trận DTGP tung bay trên Phu Văn Lâu, trên các tòa nhà lớn, trên các đường phố. Ghe tàu tấp nập sông Hương. Vẫn còn dấu vết cuộc tháo chạy lớn của quân đội Sài Gòn ở khắp nơi. Nhưng thành phố lịch sử, cổ kính và xinh đẹp này đang thực sự là của những người dân lao động. Một hình ảnh làm tôi nhớ mãi khi cùng anh em trong tổ xuống xe gần cầu Tràng Tiền: Các cô nữ sinh Huế áo dài trắng thướt tha đang vây quanh mấy chiến sĩ giải phóng trò chuyện rất thân mật như những người thân lâu ngày gặp lại.

Chúng tôi hội ý và đưa ra phương án phối hợp. Anh em trong tổ chia ra làm ba nhóm đi các hướng với lời hẹn khoảng 11h trưa gặp nhau ở chân cột cờ Phu Văn Lâu. Tôi đi cùng anh Lâm Hồng Long, một điều may mắn vì anh đã biết về Huế và là người rất nhiều kinh nghiệm. Chúng tôi đến cửa chợ Đông Ba, vừa đi vừa chụp ảnh, hỏi chuyện mọi người. Một chiếc xe Jeep làm công tác tuyên truyền cắm cờ cách mạng dừng ngay cửa chợ, biết chúng tôi là nhà báo, cô gái nhỏ bé tên Hoa đội mũ tai bèo mời lên xe ngay:

- Các anh đi với chúng em chụp ảnh Huế giải phóng nhé!

Thật là may! Anh Lâm Hồng Long và tôi lên xe. Theo yêu cầu của chúng tôi, các bạn trẻ trong phong trào sinh viên ấy cho xe chạy dọc hai bờ sông, rồi vòng về khu An Cựu, qua khu Vĩ Dạ, ngược lên phía cầu Bạch Hổ rồi vào thành nội… Chúng tôi vừa mải mốt chụp ảnh, phỏng vấn và dừng lại những điểm cần thiết để có thêm tư liệu. Chỉ tiếc là thời gian quá ít. Chừng hơn 10h, tôi nói với anh Long là phải quay về chân Phu Văn Lâu. Giờ hẹn để gom bài là 11h mà tôi còn cần thời gian để viết.

Khi đi trên đường, lúc trò chuyện, quan sát, tôi đã nghĩ về bài viết của mình. Cái khó nhất là không thể viết dài. Mỗi người phải tự viết phần của mình rồi ở nhà sẽ biên tập và sử dụng theo cách hợp lý nhất. Tôi nghĩ về bài viết, các chi tiết, ý từ cần tập trung. Đối với tôi, cái khó nhất là đầu đề. Đặt được tên bài viết là mình cũng tìm ra được cách viết và cấu tứ để sao cho ổn, khi đó việc diễn đạt sẽ dễ dàng hơn, đặc biệt là khi cần phải viết nhanh.

Về đến Phu Văn Lâu, trong khi anh Long tranh thủ ghi tiếp các hình ảnh, tôi chọn một góc riêng, lấy quyển sổ công tác, kê lên ba lô ngồi viết. Tôi lấy ra mấy trang giấy mỏng, đặt bút viết bài đầu tiên với đầu đề "Sáng xuân Huế đỏ cờ bay”. Đấy là ấn tượng mạnh nhất của tôi về Huế trong buổi sáng đầu tiên ấy. Tôi viết liền một mạch ba trang, một ghi chép nhỏ, gần như không dừng lại. Mọi điều đều đã nghĩ và cái chính là không còn thời gian nữa. Tôi cũng chẳng để ý gì cho đến lúc viết xong. Khi đứng dậy, tôi thấy mấy bạn thanh niên đang đứng xung quanh ngó tôi với vẻ lạ lẫm. Tôi vui vẻ giới thiệu mình là nhà báo ở Hà Nội vào, viết bài để gửi về nhà. Mọi người đều rất vui. Có lẽ lần đầu họ được gặp một nhà báo ở ngoài Bắc vào và làm việc theo cách như vậy!

Tôi viết từ những điều đang được chứng kiến đến những suy nghĩ về lịch sử lâu dài của Huế, từ những cuộc gặp gỡ với bác đạp xích lô Lý An Liên ở khu An Cựu, về những suy nghĩ của anh Nguyễn Văn Bân, học sinh trường trung học Gia Hội vừa tham gia lực lượng tự vệ của thành phố…Tôi cố gắng viết chữ to và rõ ràng để anh em điện báo viên ở nhà dễ đọc trong lúc vội sẽ đỡ được sai sót.


Bài viết "Huế đỏ cờ bay".
Khoảng 11 giờ, anh em trong tổ toả đi các ngả về gặp mặt. Anh Ngọc Quả gom các bài viết, cho vào một phong bì. Tất cả phim ảnh đều cho vào một túi ni lông kèm chú thích. Ngay sau đó, chúng tôi tìm được người chở xe máy cùng một anh trong tổ phóng ra Đông Hà. Các bài được phát ngay ra Hà Nội chiều hôm ấy. Phim được tráng và phát telephoto một phần, còn một phần được xe ô tô chở suốt đêm thẳng ra Hà Nội! Đấy là những thông tin đầu tiên của Thông tấn xã và cũng là của chung lực lượng báo chí về Huế giải phóng - một chiến thắng lớn tiếp theo Buôn Ma Thuột, mở đầu cho một mùa xuân lịch sử.

Ngay đêm hôm ấy, nằm nghe bài viết của mình được đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi rất mừng. Có lẽ vội quá, nên ở nhà cũng không kịp tổng hợp lại thành một bài viết chung mà phát riêng từng bài như anh em đã viết. Rất may là trong khi viết, tôi cũng có ý thức viết cho tương đối hoàn chỉnh để có thể dùng riêng hoặc ghép chung lại cũng được. Tổng xã nhắn vào cho biết, các báo ở Hà Nội sáng hôm sau đều kín đặc hình ảnh và bài viết về Huế của anh em trong đoàn. Một niềm vui lớn, một sự khởi đầu tốt đẹp đối với chúng tôi.


                          Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Chuyện về những người thầy “cõng” chữ lên non

(HBĐT) - Thực hiện chủ trương của T.Ư Đảng và Chính phủ, tháng 9/1959, Bộ Giáo dục (nay là Bộ GD&ĐT) đã động viên và tổ chức đưa 860 giáo viên từ các tỉnh đồng bằng, trung du Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An tình nguyện lên giảng dạy, công tác ở các tỉnh miền núi phía Bắc (đợt 1). Theo đó, sáng ngày 30/9/1959, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình đã hân hoan đón chào hơn 100 giáo viên và 20 sinh viên lên công tác tại tỉnh. Họ là những người tiên phong "cõng” chữ lên non và góp phần tạo nền cho giáo dục Hòa Bình phát triển.

Chuyện về vợ chồng “Mai An Tiêm” nơi địa đầu Tổ quốc

(HBĐT) - Trong những năm tháng đi đánh bắt hải sản thuê, anh Hoàng Văn Hiển, quê ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) gặp chị Nguyễn Thị Cảnh. Họ nên duyên vợ chồng. Sau khi cưới, anh chị làm ở vùng biển thuộc huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh). Ban đầu đi về. Năm 2005, anh chị quyết định ra đảo Trần, thuộc xã Thanh Lân, huyện Cô Tô mưu sinh lập nghiệp lâu dài.

Còn mãi tinh thần và khí phách Gạc Ma

32 năm trước, vào ngày 14/3/1988, trong một cuộc chiến không cân sức, 64 chiến sỹ hải quân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển sâu để bảo vệ chủ quyền của đất nước tại các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Lính Hải quân làm nông nghiệp “sạch”

(HBĐT) - "Làm lính thời chiến, làm nông thời bình”, đó là điều được nhắc đến nhiều nhất khi chúng tôi tiếp xúc, trò chuyện với mỗi cán bộ, chiến sỹ Hải quân Tiểu đoàn 565 thuộc Vùng 5 Hải quân, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Không chỉ vững chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc, họ còn là những "nhà nông” thực thụ với những sản phẩm nông nghiệp "sạch” do chính mình làm ra nhằm tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống người lính.

Huyện Yên Thủy - hòa quyện ý Đảng lòng dân

Bài 2 - Từ ý tưởng đến hiện thực

(HBĐT) - Để phát huy được tối đa hiệu quả cũng như bảo vệ, quản lý đất thì công tác đánh giá đất đai có vai trò quan trọng. Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Yên Thủy Bùi Văn Mậu chia sẻ: Qua nghiên cứu, tham khảo, chúng tôi thấy rõ đánh giá đất đai phải được xem xét trên phạm vi rộng, gồm cả không gian và thời gian, tự nhiên và KT-XH.

Huyện Yên Thủy - Hòa quện ý Đảng lòng dân

Bài 1 - Những khó khăn, bất cập trên vùng đất thuần nông

(HBĐT) - Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của huyện Yên Thủy có nhiều chuyển biến rõ nét. Đặc biệt, sau khi triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đẩy mạnh thực hiện dồn điền, đổi thửa gắn với xây dựng NTM, Yên Thủy là địa phương đầu tiên của tỉnh triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng bản đồ thổ nhưỡng. Theo đó, sản xuất nông nghiệp của huyện đã phát triển theo hướng bền vững, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập, làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, manh mún, người dân chủ động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, tạo ra các sản phẩm có chất lượng ngày càng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục