(HBĐT) - Sau khi thực hiện Đề án "Thí điểm sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố thuộc tỉnh Hòa Bình” (Đề án 1084) và Nghị quyết số 830 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hòa Bình (Nghị quyết 830), tỉnh đã giảm được nhiều đầu mối đơn vị hành chính. Tuy nhiên trên thực tế, việc thừa, thiếu và quản lý, sử dụng các trụ sở làm việc, trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hóa thôn, xóm của một số đơn vị hành chính sau sáp nhập như thế nào là vấn đề còn đang bỏ ngỏ. 



Nhà văn hóa xóm Chanh Trên (cũ) nay là xóm Đoàn Kết, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) sau sáp nhập ít được sử dụng do không đáp ứng được sức chứa khi số hộ dân tăng lên. 

Thừa và thiếu nhà văn hóa xóm

 Khu phố 3 và khu phố 4 thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) là 2 trong tổng số 6 xóm, khu phố được huyện Yên Thủy chọn làm điểm sáp nhập theo Đề án 1084. Sau khi sáp nhập, 2 khu phố được đổi tên thành khu phố 3-4, nhưng 2 cổng khu phố vẫn để là 1 cổng khu phố 3 và 1 cổng ghi là khu phố 4, tồn tại song song 2 nhà văn hóa. Đồng chí Nguyễn Huy Sơn, Bí thư chi bộ khu 3 - 4, thị trấn Hàng Trạm cho biết: Sau khi sát nhập số nhân khẩu, đoàn viên, hội viên tăng lên gấp đôi. Trong khi đó, các nhà văn hóa khu phố cũ chỉ có diện tích giới hạn, mỗi khi hội họp không đủ sức chứa người dân đến họp, để giải quyết trước mắt chúng tôi đã cho bắn mái tôn cơi nới mái hiên 1 nhà văn hóa để đủ chỗ cho nhân dân hội họp, còn 1 nhà văn hóa vẫn đang để không. 

Đó không chỉ là băn khoăn của người dân khu 3 - 4 thị trấn Hàng Trạm. Hiện nay, sau sáp nhập, nhiều nhà văn hóa thuộc diện sáp nhập 2 xóm thành một chưa biết sử dụng thế nào cho hợp lý... Công trình này từng là niềm vui, niềm tự hào của người dân các xóm, thế nhưng, từ ngày thực hiện việc sáp nhập, nó lại trở thành nỗi trăn trở của bà con. Với chi phí hàng trăm triệu, thậm chí có nhà văn hóa được xây dựng với kinh phí hàng tỷ đồng, công trình chính là mồ hôi, công sức, tiền của của người dân, nhưng sau khi sáp nhập, nó có còn được sử dụng? Đồng chí Lã Xuân Trường, Chủ tịch UBND thị trấn Hàng Trạm cho biết: Các khu phố đã sáp nhập khó khăn nhất là về nơi cho nhân dân sinh hoạt, nếu tập trung 1 nơi, 1 điểm thì không đủ sức chứa, sinh hoạt 2 nơi thì bất tiện. Ở thị trấn chúng tôi rất khó khăn về quỹ đất, nếu giờ đập phá nhà văn hóa ra làm lại thì nhân dân không đủ kinh phí, tìm chỗ đất mới cũng rất khó khăn và tốn kém.


Những năm qua, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước thì Nhân dân thị trấn Hàng Trạm đã phát huy nội lực đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa hóa cơ sở. Đến nay, toàn thị trấn có 12 nhà văn hóa. Toàn huyện có 269 nhà văn hóa với tổng kinh phí xây dựng lên tới hơn 134 tỷ đồng, trong đó có 200 công trình đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH-TT&DL. Hai xóm sáp nhập lại sẽ thừa 1 nhà văn hóa, thậm chí là thừa cả 2 nhà văn hóa vì không đáp ứng được sức chứa. Như vậy, để có nơi sinh hoạt cộng đồng thì các xóm sáp nhập hoặc sẽ phải xây mới nhà văn hóa hoặc cơi nới, mở rộng 1 nhà văn hóa trên cơ sở hiện có.

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều xóm sau sáp nhập hiện nay. Theo báo cáo của UBND tỉnh, sau khi thực hiện Đề án 1084, toàn tỉnh còn 1.482 thôn, xóm, tổ dân phố, giảm 576 thôn, xóm, tổ dân phố so với thời điểm trước tháng 6/2017. Tổng số nhà văn hóa xóm không sử dụng cũng còn gần 500 nhà. Điều đáng nói, nhiều nhà văn hóa xóm mới được đầu tư xây dựng, nhưng sau sáp nhập gần như không đáp ứng được nhu cầu do dân số của xóm tăng lên. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc sinh hoạt tập trung của xóm. Đồng chí Bùi Văn Chiến, Bí thư chi bộ  xóm Bai Vớn, xã Định Cư (Lạc Sơn) cho biết: Sau khi sáp nhập xóm Bai Vớn và xóm Bai Lòng, xóm mới có tên là Bai Vớn. Hiện nay, xóm mới phải sinh hoạt tập trung ở nhà văn hóa xóm Bai Vớn cũ. Tuy nhiên, như chi hội Phụ nữ có hơn 100 hội viên, chi hội Nông dân có 120 hội viên, chi hội Người cao tuổi cũng có 74 hội viên… nên việc hội họp diễn ra khó khăn. Do nhà văn hóa xóm quá chật lại là nhà sàn cũ nên bà con đành ngồi tạm dưới sân, gầm sàn. Trong khi đó, nhiều nhà văn hóa thừa không sử dụng lại đang xuống cấp nghiêm trọng. 

Thôn sau sáp nhập từ 2 hoặc nhiều thôn sẽ có nhiều nhà văn hóa nhưng không thể sử dụng vì diện tích cũng như quy mô không thể đáp ứng yêu cầu mới. Trong khi để thực hiện xây dựng NTM, hoặc xây dựng NTM nâng cao thì nhất thiết phải đáp ứng được tiêu chí thiết chế văn hóa, trong đó có hạng mục nhà văn hóa thôn. Vì thế, rất nhiều thôn sau khi sáp nhập sẽ phải tính tới phương án xây mới nhà văn hóa. Nhưng trước đây, khi xây dựng nhà văn hóa thôn (cũ) đã vận động Nhân dân trong thôn tham gia đóng góp. Do vậy, để kêu gọi đóng góp một lần nữa cho xây dựng nhà văn hóa là điều không hề dễ, nhất là đối với những thôn có điều kiện kinh tế khó khăn.


Trụ sở xã đóng cửa bỏ không

Xã Kim Lập (Kim Bôi) do 3 xã Hợp Kim, Kim Sơn và Lập Chiệng hợp nhất. Từ tháng 2/2020, bộ máy chính quyền mới của xã đã chính thức đi vào hoạt động. Cũng tại thời điểm đó, trụ sở xã chuyển ra trụ sở UBND xã Hợp Kim cũ, toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức tập trung ra nơi làm việc mới. Trụ sở UBND xã Lập Chiệng và Kim Sơn cũ vẫn đang được xã lên kế hoạch sử dụng. Đồng chí Bùi Văn Lục, Chủ tịch UBND xã Kim Lập chia sẻ: Thực tế, để thuận lợi cho người dân làm thủ tục hành chính, bộ máy chính quyền của xã đã chuyển về tập trung tại nơi làm việc mới.  Hiện nay, trụ sở xã Kim Sơn và xã Kim Lập đều mới được đầu tư nâng cấp với một dãy nhà hai tầng, khuôn viên rộng vẫn đang bỏ không. Tuy nhiên, ở trụ sở xã Kim Sơn và xã Lập Chiệng cũ chúng tôi chỉ duy trì 2 phòng họp trực tuyến để dành cho những buổi họp trực tuyến, vì thực tế nếu họp họp toàn thể Đảng bộ xã như học tập, triển khai Nghị quyết thì hội trường trụ sở mới không đủ. Vì vậy, xã vẫn phải cắt cử cán bộ bảo vệ để trông coi trụ sở. Sắp tới đây, khi Công an chính quy về xã, chúng tôi sẽ giao 1 trụ sở làm nơi làm việc cho Công an xã, còn 1 trụ sở chúng tôi đang chờ hướng dẫn từ huyện, tuy nhiên mong muốn của chúng tôi là dự định cho doanh nghiệp thuê để mở xưởng may cho công nhân. Tuy nhiên, đây là một bài toán không dễ vì kết cấu trụ sở làm việc khác với nhà xưởng của doanh nghiệp. 

Tương tự, xã Thành Sơn (Mai Châu) do 3 xã Thung Khe, Pù Bin, Noong Luông hợp nhất thành. Trụ sở xã được đặt tại xã Noong Luông cũ. Trụ sở cũ của xã Thung Khe, xã Pù Bin hiện nay chưa có kế hoạch sử dụng. Do 3 xã sáp nhập làm một, hiện cán bộ, công chức của xã lên đến 116 người. Điều kiện phòng làm việc chật hẹp nên không tránh khỏi những bất tiện trong quá trình làm việc, nhất là đối với bộ phận hành chính một cửa. Sau sáp nhập, nhiều bộ phận trước đây chỉ 1 người làm nay tăng lên 2 - 3 người cùng phụ trách. Trụ sở làm việc không đáp ứng được nên rất khó khăn trong bố trí chỗ làm việc cho cán bộ, công chức. 

Đồng chí Nguyễn Thị Hoa, Phó Bí thư Đảng ủy phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình) chia sẻ: Phường Kỳ Sơn được thành lập trên cơ sở hợp nhất thị trấn Kỳ Sơn cũ và xã Dân Hạ. Trụ sở của phường đặt tại trụ sở UBND thị trấn Kỳ Sơn cũ. Với gần 60 người cả khối UBND và khối Đảng, đoàn thể thực sự rất khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp chỗ ngồi, nơi làm việc. Phòng chật chội, nhiều thiết bị văn phòng cũng đã hư hỏng. Trong khi đó, nhiều trụ sở là cơ quan của các ngành thuộc UBND huyện Kỳ Sơn trước đây nay đã chuyển lên TP Hòa Bình lại bỏ không rất lãng phí. Vì vậy, mong thành phố tạo điều kiện cấp cho phường trụ sở làm việc cũ của các ngành đã bỏ không để có thể bố trí nơi làm việc phù hợp. 

Thành phố Hòa Bình được xem là địa phương có nhiều biến động sau sáp nhật do toàn bộ huyện Kỳ Sơn được nhập vào thành phố. Cùng với đó, nhiều phường cũng tiến hành sáp nhập. Thành phố Hòa Bình thành lập phường Dân Chủ, phường Thống Nhất, phường Kỳ Sơn, xã Quang Tiến, xã Thịnh Minh. Sau khi sắp xếp, thành phố Hòa Bình có 19 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 10 phường và 9 xã. Tại cuộc giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết 830, đồng chí Ngô Ngọc Đức, Chủ tịch UBND TP Hòa Bình cũng thẳng thắn bày tỏ: Hiện trạng trụ sở làm việc của đa số đơn vị hành chính cũ chật hẹp, ít phòng làm việc, một số nơi xây dựng đã lâu và bị xuống cấp, do đó gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp chỗ làm viêc cho cán bộ, công chức sau khi sắp xếp. 

Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trong tình hình hiện nay theo tinh thần Nghị quyết 830 là hết sức cần thiết, nhằm tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở. Tuy nhiên, việc sử dụng các công sở, trung tâm học tập cộng đồng xã sau sáp nhập sao cho phù hợp, hạn chế thấp nhất sự lãng phí tiền của của Nhà nước và Nhân dân vẫn đang là bài toán khó đối với hầu hết các địa phương trong tỉnh. Để sử dụng trụ sở dôi dư phù hợp, hiệu quả, các địa phương mong muốn và đề nghị sớm có hướng dẫn cụ thể, giúp các địa phương có căn cứ áp dụng, tránh tình trạng lãng phí.

Đinh Hòa

 
Nhà văn hóa thường gắn liền với sân chơi, nên có kế hoạch sử dụng 

Nguyễn Thị Dung Xóm Đồng Giang, xã Mông Hóa (TP Hòa Bình)

Nhà văn hóa xóm thường gắn liền với sân chơi. Chúng tôi thường tổ chức chơi đánh bóng chuyền vào các buổi chiều, là nơi sinh hoạt vui chơi của trẻ nhỏ. Nhà văn hóa xóm cũng do Nhân dân đóng góp công sức, tiền của, nó gắn liền với hoạt động hàng ngày của hàng trăm hộ dân nơi đây. Hiện nay, sau sáp nhập, nhiều nhà văn hóa không dùng đến nhưng vẫn là nơi vui chơi của chúng tôi hàng ngày. Nếu bây giờ bán đi thì người dân, nhất là người già, trẻ nhỏ không có chỗ sinh hoạt chung. Do đó, nên có kế hoạch làm sao tận dụng được các nhà văn hóa này thay vì bán đi. 



Mong muốn sớm có hướng dẫn về việc xử lý các trụ sở UBND xã sau sáp nhập

Bùi Mạnh Thởm Trưởng Phòng Nội vụ huyện Kim Bôi. 

Hiện nay, trên địa bàn huyện Kim Bôi đã hoàn thành việc sáp nhập xã theo Nghị quyết số 830 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các xã đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 2/2020 theo đúng lộ trình, kế hoạch. Tuy nhiên, ngoài công tác cán bộ thì một trong những vấn đề phát sinh là việc quản lý, hướng dẫn khai thác, sử dụng các công trình trụ sở UBND cũ và giải quyết vướng mắc về sắp xếp, ổn định chỗ làm việc cho cán bộ tại các xã mới sáp nhập. Cụ thể, nhiều công trình trụ sở UBND xã mới được đầu tư xây dựng khang trang, nhưng sau sáp nhập thì chưa có kế hoạch sử dụng như trụ sở UBND các xã Kim Bình, Nật Sơn, Kim Sơn cũ... Hiện nay, UBND huyện vẫn đang chờ hướng dẫn về việc sử dụng, quản lý vấn đề này. Vì vậy, chúng tôi mong muốn sớm có hướng dẫn để triển khai thực hiện, tránh tình trạng trụ sở để lâu không sử dụng bị xuống cấp, trong khi vẫn phải thuê người trông coi bảo vệ. 



Rà soát và có kế hoạch cụ thể đối với nhiều công trình bỏ không, tránh thất thoát, lãng phí
                 
 Bùi Văn Dương   Xã Thanh Cao (Lương Sơn)

Qua các phươn tiện thông tin đại chúng và xuất phát từ thực tế tại địa phương mình, tôi thấy hiện nay rất nhiều công trình do Nhà nước đầu tư bỏ không, gây lãng phí. Ngay tại địa phương tôi có phòng khám đa khoa khu vực gần như không có người điều trị, bỏ không đã lâu. Đến nay, xã lại sáp nhập đã có 2 trạm y tế xã. Ngoài ra, số nhà văn hóa xóm, trụ sở UBND xã, trung tâm học tập cộng đồng cũng chưa sử dụng hết công năng, gây lãng phí công trình. Nhiều công trình để lâu đã xuống cấp. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, tỉnh cần rà soát, kiểm tra, đánh giá lại các công trình này. Công trình nào bán, công trình nào có thể tận dụng phục vụ nhân dân để từ đó đưa vào tu sửa, nâng cấp, quản lý, sử dụng, tránh lãng phí, thất thoát tiền của Nhà nước và công sức của Nhân dân. 

Các tin khác


Ký ức hào hùng của người lính Trường Sơn

(HBĐT) - Trung tá Nguyễn Tài Ba, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một những những người đầu tiên của tỉnh tham gia xây dựng tuyến đường Trường Sơn. Những năm tháng chiến đấu, cống hiến xây dựng tuyến đường Trường Sơn huyền thoại luôn sâu đậm trong ký ức của ông.

Trạm rada 610... vững vàng nơi biển Tây Nam Tổ quốc

(HBĐT) - Một ngày trên đảo Thổ Chu, thuộc xã đảo Thổ Châu, huyện Phú Quốc (Kiên Giang) cho chúng tôi cảm nhận về cuộc sống rất đỗi bình dị mà đầy ắp tiếng cười của quân và dân trên đảo. Khi được hỏi về những người lính đảo, ai nấy đều hồ hởi, dành những lời ngợi khen, như thể họ đã trở thành một phần máu thịt của nơi đảo xa xôi này. Vượt con dốc dài từ bến cảng, chúng tôi gặp gỡ những người lính Trạm rada 610 thuộc Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân.

Đánh thức Mai Châu

(HBĐT) - Mai Châu là địa phương duy nhất trong tỉnh đã xác định phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ đề xuyên suốt 2 nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ huyện. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trên con đường phát triển mới, hướng tới mục tiêu trở thành điểm DLCĐ gắn với xây dựng NTM tiêu biểu nhất toàn tỉnh. Sau 10 năm biến quyết tâm thành hành động, khát vọng đánh thức Mai Châu đang dần hiện thực hóa.

Chuyện về những người thầy “cõng” chữ lên non

(HBĐT) - Thực hiện chủ trương của T.Ư Đảng và Chính phủ, tháng 9/1959, Bộ Giáo dục (nay là Bộ GD&ĐT) đã động viên và tổ chức đưa 860 giáo viên từ các tỉnh đồng bằng, trung du Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An tình nguyện lên giảng dạy, công tác ở các tỉnh miền núi phía Bắc (đợt 1). Theo đó, sáng ngày 30/9/1959, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình đã hân hoan đón chào hơn 100 giáo viên và 20 sinh viên lên công tác tại tỉnh. Họ là những người tiên phong "cõng” chữ lên non và góp phần tạo nền cho giáo dục Hòa Bình phát triển.

Chuyện về vợ chồng “Mai An Tiêm” nơi địa đầu Tổ quốc

(HBĐT) - Trong những năm tháng đi đánh bắt hải sản thuê, anh Hoàng Văn Hiển, quê ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) gặp chị Nguyễn Thị Cảnh. Họ nên duyên vợ chồng. Sau khi cưới, anh chị làm ở vùng biển thuộc huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh). Ban đầu đi về. Năm 2005, anh chị quyết định ra đảo Trần, thuộc xã Thanh Lân, huyện Cô Tô mưu sinh lập nghiệp lâu dài.

Còn mãi tinh thần và khí phách Gạc Ma

32 năm trước, vào ngày 14/3/1988, trong một cuộc chiến không cân sức, 64 chiến sỹ hải quân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển sâu để bảo vệ chủ quyền của đất nước tại các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục