(HBĐT) - Ở quần đảo Trường Sa, những chú chó không chỉ là người bạn thân thiết của lính đảo, mà còn còn tham gia làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.



Những chú chó là người bạn của cán bộ, chiến sỹ công tác trên quần đảo Trường Sa thân yêu.

Trong chuyến công tác đến với các đảo trên quần đảo Trường Sa, đến đảo nào, chúng tôi cũng quan sát, trò chuyện để thấu hiểu cuộc sống của lính đảo. Và cũng là để thấy được những hình ảnh thân thuộc của đất nước Việt Nam trên các đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Đó những giậu mồng tơi xanh tốt, những luống rau muống tươi mơn mởn hay những chú lợn mập mạp. Hình ảnh những chú chó sinh trưởng trên đảo vui đùa với cán bộ, chiến sỹ và cả với những khách lạ từ đất liền thật gần gũi, thân thuộc.

Tuyến phía Nam của quần đảo Trường Sa, Đá Lát là điểm đảo đầu tiên chúng tôi đặt chân đến. Trông thấy khách lạ lên đảo, ban đầu, những chú chó tỏ ra cảnh giác với vẻ mặt lạnh lùng. Thế nhưng, khi được cán bộ, chiến sỹ trên đảo "giới thiệu”, chúng không còn giữ vẻ mặt "hình sự" nữa mà vẫy đuôi, ôm lấy chân của những vị khách từ đất liền. Trung úy Nguyễn Thành Trung, đảo Đá Lát chia sẻ: Ở các đảo, chó là bạn chứ không phải nuôi làm thực phẩm. Mỗi chú chó đều có tên riêng với những tính cách riêng, chúng khôn và bơi lội rất giỏi. Cuối năm ngoái, 6 chú chó của đảo bơi ra bãi cạn, lúc mải chơi quên đường về. Hôm đấy, biển động dữ dội, cứ tưởng chúng sẽ bị cuốn ra biển, nhưng sau đó đều bơi trở vào đảo an toàn.

Trong số các đảo, điểm đảo, chúng tôi ấn tượng nhất có lẽ là đàn chó trên đảo Thuyền Chài. Những chú chó ở đảo Thuyền Chài cao lớn, mập mạp và rất quấn người. Ở đảo này còn có một chú chó đặc biệt có tên "Bảy Chột”, hay còn gọi là CR7. Chú chó này đặc biệt ở chỗ bị chột một mắt và là chú chó hiếm hoi còn sót lại sau cơn bão Tembin quét qua đảo hồi cuối năm 2017. Theo cán bộ, chiến sỹ trên đảo chia sẻ: Những chú chó không chỉ là người bạn thân thiết, mà còn là một chiến sỹ canh giữ biển trời quê hương thực thụ. Với đôi tai thính, mắt sáng và khả năng phát hiện mục tiêu từ xa, đặc biệt là mục tiêu lạ trên biển, những chú chó luôn đồng hành cùng cán bộ, chiến sỹ trong những ca gác hay đi tuần tra. Khi cán bộ, chiến sỹ chăm sóc chúng hoàn thành nhiệm vụ, đến ngày trở về đất liền, chúng cũng buồn bã, quyến luyến. Có những chú chó nhảy xuống biển bơi theo xuồng tiễn cán bộ, chiến sỹ trở về đất liền.

Với những chiến sỹ trẻ lần đầu ra đảo công tác thì những chú chó thực sự là người tâm tình, giúp chiến sỹ nhanh chóng vơi đi nỗi nhớ nhà, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chiến sỹ trẻ Lý Văn Cảnh, đảo Thuyền Chài vẫn nhớ như in ngày đầu ra đảo nhiều bỡ ngỡ, lo lắng. Nhưng khi bước chân lên đảo, Cảnh và đồng đội đã nhận được sự chào đón nhiệt thành của cán bộ, chiến sỹ và những chú chó được nuôi ở trên đảo. "Khi chúng tôi đứng gác, chúng nằm dưới chân bầu bạn cùng. Trong sinh hoạt đời thường, chúng cũng luôn đồng hành cùng chiến sỹ. Những giây phút chơi đùa với chúng khiến chúng tôi quên đi nỗi nhớ nhà, vững tay súng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”- chiến sỹ Cảnh bộc bạch.

Mặc dù thời gian được nô đùa với những lính đảo "bốn chân” không nhiều, nhưng chúng tôi cảm thấy lưu luyến với những chú chó tinh khôn, thân thiện ở nơi đầu sóng, ngọn gió. Trên chuyến tàu trở về đất liền, chúng tôi được nghe bài thơ rất xúc động của đại úy Hoàng Hải Lý, Trường Sỹ quan không quân Nha Trang về giây phút chia tay giữa cán bộ, chiến sỹ trên đảo với những người bạn thân thiết của mình: "Bơi vào đi, Vàng ơi, tao về đây/ Đừng ra xa, thân thể mày bé lắm/ Sóng thì to, nước biển kia rất mặn/ Mày cứ bơi ra, sao tao thể cầm lòng/ Bơi vào đi, Vàng ơi, có nghe không/ Mày quyến luyến làm lòng tao chợn sóng/ Đại dương mênh mông, thân thể mày bé bỏng/ Cứ ngước về tàu, sao tao thể cách xa…


Viết Đào


Các tin khác


"Bài toán" thiếu - thừa chưa có lời giải

(HBĐT) - Sau khi thực hiện Đề án "Thí điểm sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố thuộc tỉnh Hòa Bình” (Đề án 1084) và Nghị quyết số 830 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hòa Bình (Nghị quyết 830), tỉnh đã giảm được nhiều đầu mối đơn vị hành chính. Tuy nhiên trên thực tế, việc thừa, thiếu và quản lý, sử dụng các trụ sở làm việc, trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hóa thôn, xóm của một số đơn vị hành chính sau sáp nhập như thế nào là vấn đề còn đang bỏ ngỏ. 

Trên mảnh đất Quảng Nam trung dũng kiên cường

Nếu Củ Chi được tặng danh hiệu "Đất thép thành đồng” thì Quảng Nam là vùng đất "Trung dũng kiên cường” trong cuộc trường chinh vệ quốc.

Kỷ niệm 45 năm giải phóng Thừa Thiên - Huế - Bài 1: Khúc ca khải hoàn trên đất Cố đô

Giữa tháng 3/1975, khi quân địch thất thủ ở mặt trận Tây Nguyên, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã kịp thời chỉ đạo Mặt trận Trị Thiên Huế chớp lấy thời cơ, nhanh chóng chuyển hướng tấn công, tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Huế đỏ cờ bay

Cách đây 45 năm (ngày 26/3/1975), lá cờ cách mạng tung bay trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu (Huế), đánh dấu mốc lịch sử Thừa Thiên - Huế hoàn toàn giải phóng. Nhân dịp này,  trân trọng giới thiệu bài viết "Huế đỏ cờ bay" của nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng đã trực tiếp tham gia tác nghiệp khi Huế giải phóng ngày ấy.

Thắm tình quân dân trên đảo tiền tiêu Hòn Chuối

(HBĐT) - Đảo Hòn Chuối nằm cách đất liền gần 32 km về phía Tây, là một trong những đảo tiền tiêu quan trọng phía Tây Nam của Tổ quốc. Trên đảo có các đơn vị đứng chân như: Trạm rada 615, Đồn Biên phòng 704, Trạm hải đăng. Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, những người lính đảo vẫn hàng ngày, hàng giờ nắm chắc tay súng vững vàng nơi đầu sóng.

Ký ức hào hùng của người lính Trường Sơn

(HBĐT) - Trung tá Nguyễn Tài Ba, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một những những người đầu tiên của tỉnh tham gia xây dựng tuyến đường Trường Sơn. Những năm tháng chiến đấu, cống hiến xây dựng tuyến đường Trường Sơn huyền thoại luôn sâu đậm trong ký ức của ông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục