"Bộ đội Thu Hà” là đơn vị nữ vũ trang đầu tiên của tỉnh Bến Tre trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và được phát triển chuyên nghiệp tiếp nối thời kỳ "đội quân tóc dài” sinh ra trong phong trào Đồng Khởi. Tính kiên cường, khí phách của đơn vị nữ lực lượng vũ trang này đã có tác động mạnh mẽ đến các lực lượng kháng chiến khác khi cùng hợp sức chiến đấu chống giặc cứu nước và giành toàn thắng cho quê hương xứ dừa Bến Tre.

Tinh nhuệ như bộ đội chủ lực

Bà Lê Thị Điệp (bí danh Thu Hà) là một chiến sĩ trong "đội quân tóc dài” huyền thoại của Bến Tre. Sau Đồng Khởi, bà Thu Hà gia nhập lực lượng vũ trang của tỉnh Bến Tre. Đến năm 1964, tỉnh Bến Tre thành lập đơn vị bộ đội địa phương lấy phiên hiệu C710, bà Thu Hà được phân công làm chỉ huy trưởng.

Chú thích ảnh
Bà  Lê Thị Điệp - người lãnh đạo đơn vị Bộ đội Thu Hà của tỉnh Bến Tre trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Kể lại với chúng tôi về một thời oanh liệt của mình, bà Thu Hà cho biết: "Ngày 4/1/1964, tại huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Bến Tre đã quyết định thành lập đơn vị lực lượng vũ trang nữ đầu tiên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ mang phiên hiệu Đại đội 710 (C710), gồm 46 chị em được tuyển chọn từ các phong trào đấu tranh chính trị của "đội quân tóc dài" trong thời kỳ Đồng Khởi. Sau này, có lúc quân số của đơn vị được bổ sung lên đến hơn 150 người tham gia chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược".

"Được tiếng là Đại đội nhưng thực tế bộ đội Bến Tre chỉ có một Trung đội với 2 Tiểu đội chiến đấu lúc công khai, lúc bí mật, khi cùng bộ đội chủ lực tham gia nhiều trận đánh lớn trong các chiến dịch. Trung đội nữ có đủ lực lượng pháo binh, bộ binh, tình báo, quân báo, trinh sát, biệt động… Qua chiến đấu, nhiều chị đã trở thành những nữ biệt động xuất sắc, những tay súng bắn tỉa giỏi, sử dụng thành thạo các loại vũ khí và những nữ đặc công nước tài ba tham gia đánh chìm hàng trăm tàu giặc trên các dòng sông”, bà Thu Hà nói thêm.

Chú thích ảnh
Các chị, các mẹ trong "Đội quân tóc dài" và "Bộ đội Thu Hà" trong một lần giao lưu, gặp mặt tại Bến Tre.

Khi nói về chiến công của đồng đội mình trong thời chiến, bà Thu Hà cho biết, lực lượng "Bộ đội Thu Hà” có rất nhiều chị em chiến đấu kiên cường và đáng nhớ, các chị, các em ai cũng có những trận đánh để đời. Chẳng hạn như chị Thắng Lợi, nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2. Năm 1966, chị Thắng Lợi đã ngoan cường bắn tới 120 viên đạn súng trường K44 tiêu diệt nhiều tên địch để giữ vững trận địa tại huyện Chợ Lách và tham gia nhiều trận đánh "xuất quỷ nhập thần” khác khiến kẻ thù kinh hoàng khiếp vía.

Hoặc trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, hai chị Thanh Hùng và Trung Lập không may bị địch bắt giam tại chi khu Giồng Trôm. Khi quân ta nổ súng tấn công từ bên ngoài vào, hai chị bất ngờ cướp súng của địch tấn công chúng từ trong ra, tạo điều kiện cho bộ đội từ bên ngoài nhanh chóng đánh chiếm toàn bộ chi khu của địch. Sau trận đánh, Trung Lập và Thanh Hùng được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì.

Nữ tướng Nguyễn Thị Định, Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chỉ huy trưởng của "Đội quân tóc dài” năm xưa đã từng khẳng định: "Nữ "Bộ đội Thu Hà” là điểm sáng vẻ vang của lực lượng vũ trang tỉnh Bến Tre nói riêng và Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, chiến công vang dội của các chị đã góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước…”.

Lớn lên từ nhân dân

Theo bà Lê Thị Điệp, trong thời chiến, "Bộ đội Thu Hà” ra đời và phát triển mạnh mẽ là từ tình yêu thương, bao bọc, che chở vĩ đại của nhân dân. Nhờ tình yêu thương, sự bao bọc, che trở của người dân nên các chiến sỹ bộ đội Thu Hà có thêm động lực chiến đấu chống lại kẻ thù. Nhờ tình yêu thương của nhân dân mà bộ đội Bến Tre trong suốt thời chiến được nhân dân tin yêu đặt cho tên gọi thân thương là "Bộ đội Thu Hà”. Đây cũng là thể hiện sự kính phục của nhân dân đối với người nữ chỉ huy Thu Hà khi đó.

Chú thích ảnh
Các chị em trong đơn vị "Bộ đội Thu Hà" gặp nhau tại tỉnh Bến Tre để ôn lại những kỉ niệm chiến đấu năm xưa. Ảnh: Phạm Tuyết

"Sự kiện nổi dậy của quần chúng tại huyện Mỏ Cày (nay là Mỏ Cày Nam), có bà lão bị bệnh nhưng khi người ta đưa thuốc cho bà uống thì bà nhất quyết không uống vì bà cho rằng, thuốc của Mỹ ngụy là thuốc của kẻ xâm lược, chỉ khi nào có thuốc của "Bộ đội Thu Hà” thì bà mới uống. Tinh thần khẳng khái của người dân Bến Tre yêu nước dành cho đơn vị "Bộ đội Thu Hà” khi đó như một liều thuốc bổ, góp phần động viên "Bộ đội Thu Hà” nỗ lực vươn lên góp công sức của mình cho sự nghiệp giải phóng quê hương xứ dừa”, bà Thu Hà nhớ lại.

Nói về "Bộ đội Thu Hà”, cố Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị, (tên thường gọi Tám Vị) - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bến Tre, đã từng nhận xét: "Bộ đội Thu Hà”, hay còn gọi là "Đội quân tóc dài cầm súng - Đội nữ vũ trang Thu Hà” phát triển trong cuộc khởi nghĩa Đồng Khởi năm xưa. Trải qua 10 năm xây dựng (1964-1974), chiến đấu và trưởng thành, "Đội quân tóc dài” cầm súng đã tỏ rõ vai trò của mình trên các lĩnh vực như: Làm nòng cốt cho phong trào du kích chiến tranh, vũ trang tuyên truyền vùng yếu, phát động quần chúng chống lại âm mưu tập trung dân lập ấp chiến lược của địch và vận động thanh niên tòng quân. Đồng thời, đơn vị cũng đã trực tiếp cầm súng chiến đấu, cải trang "xuất quỷ nhập thần”, xâm nhập sâu vào vùng yếu để trừ gian, diệt ác ôn đầu sỏ. Thực tế, các chị cũng đã từng tham gia bao vây đồn bót và kiên cường chiến đấu phòng ngự trong đội hình binh chủng hợp thành của chiến tranh nhân dân.

Dẫu cho năm tháng trôi qua, nhưng phiên hiệu C710 cùng những người con gái xứ dừa đã cống hiến tuổi thanh xuân, thời con gái cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc trên vùng đất quê hương sẽ sống mãi cùng lịch sử chiến tranh nhân dân và đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bến Tre.

Trong những năm kháng chiến từ 1964 đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, "Bộ đội Thu Hà” đã chiến đấu hàng trăm trận lớn nhỏ như: Bao vây bắn tỉa đồn địch ở xã Lương Phú, tiêu diệt một đại đội lính bảo an và dân vệ; tiêu diệt và làm bị thương 13 tên địch ở chợ Cái Mơn, huyện Chợ Lách; tiêu diệt 3 tên địch và làm bị thương nặng 19 tên khác ở ấp Tân Quý, xã Long Thới, huyện Thanh Bình; tiêu diệt 6 tên mật vụ tại chợ Tân Thạnh Hòa; tiêu diệt 3 tên địch tại căn cứ địch ở huyện Ba Tri; tiêu diệt 20 tên địch tại chi khu Giồng Trôm…

Khí chất anh hùng, bất khuất của người phụ nữ cầm súng không hề mâu thuẫn với đức tính hiền hòa, nhân hậu, thủy chung của người phụ nữ trên quê hương Đồng Khởi anh hùng. Tiếng tăm của "Bộ đội Thu Hà” đã lan rộng, vang xa đến khu, đến miền. Những lời khen của bộ đội nữ vũ trang xứ Dừa còn vượt trùng dương đến tận Côn Đảo, Phú Quốc xa xôi. Nơi ấy, có những chiến sĩ cộng sản còn trong lao tù đã tự hào về các chị và thêm vững tin, thêm sức mạnh tinh thần để đối mặt với những thử thách.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975, các nữ "Bộ đội Thu Hà” rời tay súng, trở thành những cán bộ nữ chủ chốt trên các lĩnh vực. Cho đến khi nghỉ hưu, các nữ cựu chiến binh trở về đời thường vẫn tích cực tham gia công tác chi bộ, tổ dân phố và các tổ chức đoàn thể tại địa phương, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh. Năm 2009, đơn vị nữ bộ đội Bến Tre - "Bộ đội Thu Hà” đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Chia sẻ thêm về lực lượng của đơn vị "Bộ đội Thu Hà” năm xưa, bà Thu Hà cho biết, hiện nay "Bộ đội Thu Hà” còn hơn 80 chị em (sinh sống tại Bến Tre, TP Hồ Chí Minh và một số nơi). Trong đó, nhiều chị em hiện có cuộc sống khá khó khăn. Vừa qua, đơn vị cũng đã vận động tổ chức nhiều cuộc họp mặt, giúp chị em xây dựng nhà tình thương để các chị có mái ấm khi về già. Đây là tinh thần tương thân tương ái của "Bộ đội Thu Hà” năm xưa luôn giữ vững trong thời bình. Các chị em bộ đội Thu Hà vẫn tiếp tục phấn đấu vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống, làm tấm gương sáng và dạy dỗ, bồi đắp lý tưởng cách mạng cho con cháu mai sau.



                                           Theo TTXVN

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục