Nhà nông Cao Văn Dân (bên trái), xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy giới thiệu những chiếc máng ăn, máng uống tự chế, thuận tiện trong chăn nuôi gia cầm.
Không phải trí thức, càng chưa từng học qua trường lớp đào tạo, nhưng bằng trí thông minh và thực tiễn lao động giúp họ nảy sinh những sáng kiến phục vụ nông nghiệp "không phải dạng vừa". Đa phần các sáng kiến, sáng chế đang ứng dụng tốt và mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất. Có những giải pháp mang về cho những nhà khoa học, nhà sáng chế không chuyên này giải thưởng "Nhà khoa học của nhà nông".
Là chủ trại gà quy mô chăn nuôi từ 5.000 - 7.000 con, nhưng anh Cao Văn Dân ở xã Phú Thành (Lạc Thủy) không hề cảm thấy áp lực, mệt nhọc, thậm chí cũng không cần thuê thêm nhân công phụ giúp. Những chiếc máng ăn, máng uống bằng vật liệu tôn, ống nhựa hiện chưa có mặt trên thị trường do anh Dân sáng chế chính là lời giải giúp công việc chăn nuôi trở nên nhàn nhã.
Chia sẻ về công trình này, anh Dân cho biết: Cách đây 3 năm, anh lập trang trại, tổng đàn gà chỉ bằng 1/3 hiện tại mà việc chăm sóc không đơn giản chút nào. Một nhà 2 lao động như gia đình anh nhiều lúc tất bật, chỉ riêng khâu cho đàn gà ăn, uống đã không xuể thời gian. Đó cũng là trăn trở để anh nuôi ý tưởng làm ra những chiếc máng ăn, máng uống khác biệt hẳn so với loại máng nhựa thông thường.
Lựa chọn vật liệu là tôn để làm máng ăn, anh Dân tự lên bản vẽ thiết kế máng ăn dạng phễu, kích thước dài 1,4m, rộng 38cm. Bản vẽ ngay sau đó được anh mang đến Nhà máy tôn gần đó đặt thợ làm. Giữa máng có khung sắt cố định nhằm chia thành khe giúp thức ăn rơi đều sang hai cửa máng, thuận tiện cho gà ăn. Cũng với thiết kế máng ăn hình phễu, đường cám được chảy xuống từ từ, gà mổ đến đâu cám rơi đến đó, thức ăn không bị lãng phí. Máng còn có nắp đậy giúp thức ăn không bị mưa, nắng làm ảnh hưởng đến chất lượng, mùi vị.
Theo tính toán, với 1 đàn gà 2.500 con cần 40 máng ăn nhựa thông thường, chi phí bỏ ra khoảng 2 triệu đồng, nhưng nhược điểm là đựng được ít thức ăn, nhanh bị hư hỏng do mưa nắng, việc chia thức ăn vào các máng nhỏ tốn rất nhiều thời gian. Với máng ăn chất liệu tôn, kinh phí mỗi máng 300.000 đồng nhưng đựng được nguyên bao cám, nhà nông sử dụng vĩnh viễn, mỗi chuồng nuôi 2.500 con chỉ cần 10 máng ăn.
Một sáng chế khác cũng rất hữu dụng trong chăn nuôi của anh Dân là máng uống. Những chiếc máng uống dài 2,2m được làm bằng ống nhựa PVC Tiền Phong phi 110. Nước từ bình chứa khi mở van sẽ tự động dẫn về các máng uống. Với mỗi máng, anh tự chế phao để ngắt mực nước ở chừng nhất định giúp gà uống dễ dàng và hàng rào sắt ở rìa máng khiến gà không tùy tiện dẫm chân hoặc nhảy qua làm bẩn nguồn nước uống.
Nhờ sáng chế của chính mình mà giờ đây, vợ chồng anh Dân chỉ phải bỏ ra 1-2 giờ đồng hồ mỗi ngày cho việc chăm sóc trại gà. Thay vì bận túi bụi với việc cho ăn, cho uống, anh chỉ việc mở van tự động để gà tự uống, đưa nguyên bao cám vào các máng ăn, đậy nắp là xong. Thời gian rộng dài của một ngày, anh thảnh thơi đi chơi hoặc bố trí công việc khác. Gần đây, nhiều chủ trang trại, gia trại chăn nuôi trong huyện và tỉnh bạn như Phú Thọ, Thanh Hóa biết đã tìm đến anh Dân để tham khảo, học hỏi và vận dụng vào nông trại của gia đình.
Đối với việc chăm sóc cây ăn quả có múi lâu nay, nông dân thường xây bể chứa có dạng hình vuông đặt trong vườn để pha, khuấy thuốc BVTV. Từ thực tiễn sản xuất của gia đình, anh Phạm Văn Cường ở thị trấn Cao Phong (Cao Phong) đã mày mò tìm ra giải pháp cải tiến từ bể phun thuốc BVTV hình vuông sang hình trụ. Với thiết kế bể hình trụ tạo dòng xoáy ở tâm bể giúp việc khuấy thuốc đều hơn và tiết kiệm thuốc hơn. Anh Cường còn làm thêm rốn bể ở dưới đáy, lắp ống dẫn để thu hồi triệt để những chất cặn bã lắng đọng từ bể đem đổ đúng nơi quy định, không gây ô nhiễm môi trường.
Cải tiến kỹ thuật xây bể hình trụ phun thuốc BVTV cho cây ăn quả được anh Cường hiện thực hóa ý tưởng vào năm 2014. Từ đó đến nay, cải tiến đã được ứng dụng khá phổ biến ở các vùng trồng cây ăn quả có múi trong, ngoài tỉnh. Đặc biệt, cải tiến này là minh chứng nhà nông sáng tạo KHCN khi thuyết phục đạt giải nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ năm (2014 - 2015). Năm 2018, lần đầu tiên T.Ư Hội Nông dân Việt Nam và Bộ NN&PTNT phối hợp tổ chức chương trình xét chọn và tôn vinh "Nhà khoa học của nhà nông". Anh Phạm Văn Cường vinh dự là 1 trong 53 cá nhân nhà khoa học, sáng chế không chuyên trong cả nước được tôn vinh.
Ông Trần Bảo Toàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho rằng, thực tiễn sản xuất chính là "trường học lớn" sản sinh ra nhà nông - nhà khoa học. Nhiều sáng kiến, giải pháp khác nảy sinh qua lao động sáng tạo của nông dân trong tỉnh đang được ứng dụng hiệu quả như sáng kiến "sử dụng thảo dược phòng trị bệnh đường ruột và chế biến thức ăn lên men nhằm nâng cao hiệu quả nuôi chim cút" của anh Hà Văn Thành, xã Tây Phong (Cao Phong); cải tiến máy cấy lúa mini của anh Nguyễn Thái Học, thị trấn Bo (Kim Bôi), máy bảo quản bưởi và nông sản tự động của chị Đào Thanh Nga (Tân Lạc)... Các sáng kiến, cải tiến với tính mới, ưu việt đã giúp tăng hiệu quả sản xuất, giảm sức lao động, chi phí nhân công.
Kể từ năm 2014, thông qua Hội thi Sáng tạo kỹ thuật được tổ chức 2 năm/lần đã thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo toàn dân trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Những nhà nông - nhà khoa học "chân đất" như anh Phạm Văn Cường, Cao Văn Dân, Nguyễn Thái Học... với những sáng kiến, cải tiến của mình đã thúc đẩy việc áp dụng hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển KT-XH, thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.
(Còn nữa)
Bùi Minh