(HBĐT) -Khi nghe tiếng sấm báo hiệu thời khắc chuyển sang mùa mưa, cũng là lúc nhiều người dân ở xã vùng cao, vùng sâu của huyện Tân Lạc xuyên màn đêm leo lên những ngọn núi cao để tìm bắt ốc núi. Gặp may, có những người kiếm được nửa triệu đồng mỗi đêm, cũng có những hôm tay không trở về. Công việc thời vụ giúp bà con có thêm nguồn thu nhập, nhưng cũng tiềm ẩn không ít nguy hiểm.

 


Sau mỗi đêm đi soi, nếu gặp may, chị Bùi Thị Dỏn (bên trái), xóm Rên, xã Gia Mô (Tân Lạc) kiếm được 4 - 5 kg ốc núi, tương đương khoảng 200 nghìn đồng. 

Ở các xã vùng cao, vùng sâu có dãy núi Trường Sơn chạy qua, từ nhiều đời nay, vào mùa mưa, bà con người Mường nơi đây lại lên rừng bắt cua núi, ốc núi. Trước đây, bà con chỉ đi bắt cua núi, ốc núi vào ban ngày để chế biến thành món ăn cho gia đình. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, với hương vị đặc biệt, ốc núi trở thành món ngon được các khu du lịch tìm mua phục vụ du khách. Từ đó đến nay, thay vì đi bắt ban ngày, bà con đi soi ốc núi vào ban đêm. Năm nay, vụ ốc đến sớm, suốt nửa tháng qua, bà con ở một số xã vùng cao, vùng sâu các huyện: Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn đã lên núi "săn" ốc. Ở các thôn, xóm, tư thương đã tìm mua, trên mạng xã hội, nhiều người cũng đăng tin mua, bán ốc núi.

Ở xóm Rên, xã Gia Mô (Tân Lạc), chị Bùi Thị Dỏn cùng nhiều chị em khác trong xóm đã có thâm niên gần chục năm đi soi ốc núi. Ban ngày, chị Dỏn và các chị em vẫn làm các công việc tăng gia sản xuất. Từ tháng 4 - tháng 8 hàng năm, khi mặt trời xuống núi, ăn tạm nắm cơm nguội lót dạ, các chị lại leo lên những ngọn núi cao xa xôi thuộc dãy Trường Sơn để soi ốc núi. Áo mưa, đôi ủng, con dao dắt lưng và một chiếc đèn pin được sạc đầy pin, thế là đủ dụng cụ "hành nghề”. 

"Trong thời gian mùa thu và mùa đông, ốc núi vùi mình dưới lá cây, dưới đất. Chỉ khi mưa xuống, ốc mới bò ra. Muốn bắt được nhiều ốc, phải đi vào hẳn trong rừng sâu, cách nhà đến 4 km. Chúng tôi bắt đầu đi khi trời còn sáng, lên đến khu vực có ốc thì đã 19h. Soi trong khoảng 3 – 4 tiếng đồng hồ, nếu gặp may thì được 5 – 6 kg ốc, tương đương hơn 200.000  đồng, cũng có những hôm chỉ được vài con” - chị Dỏn chia sẻ. Theo chị Dỏn, những năm trước, bình quân mỗi năm, chị kiếm được từ 5 – 7 triệu đồng từ công việc đi soi ốc núi. Năm nay, vụ ốc đến sớm hơn, trong nửa tháng qua, lần nào đi soi chị cũng được từ 4 – 5 kg ốc núi. 

Ở xóm Rên, ông Bùi Văn Ngộn là một trong những người thu mua ốc nhiều năm nay. Theo ông Ngộn, bình quân, mỗi vụ ông thu mua trên 1 tấn ốc núi của bà con trong xóm và một số xã lân cận. Số ốc núi này ông giao cho các thương lái của huyện Mai Châu. Những năm đầu, giá ốc chỉ từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, mấy năm gần đây và thời điểm hiện tại, giá ốc ổn định 50.000 đồng/kg. "Từ trước đến nay, nhiều người đi soi được 6 - 7 kg ốc mỗi đêm, còn soi được nhiều nhất là 10 kg, tính ra tiền được trên nửa triệu đồng”, ông Ngộn cho biết thêm.

Đó là số tiền không nhỏ đối với bà con nơi đây, thế nhưng, công việc thời vụ này cũng lắm vất vả, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Chị Bùi Thị Bương cùng nhóm đi soi ốc núi với chị Dỏn kể: Để bắt được mấy cân ốc, chúng tôi phải mò mẫm trên từng tảng đá, qua nhiều bụi cây rậm rạp. Mưa xuống đất ẩm thì ốc mới ngoi lên, nhưng cũng là thời điểm rắn, rết nhiều. Trong màn đêm, với chiếc đèn pin và đôi mắt chăm chú quan sát dưới mặt đất để tìm ốc, nhiều người đi soi ốc núi đã hú vía khi bất ngờ chạm mặt rắn, rết, hay bị ong rừng đốt sưng tay chân, mắt mũi. Theo lời kể của bà con, đã có không ít tai nạn thương tâm xảy ra. Trường hợp của chị Bùi Thị S. là một điển hình. Vốn là người soi ốc giỏi nhất nhì ở xóm Rên, nhưng 2 vụ ốc gần đây, chị S. không còn đi rừng nữa, vì bị gãy chân trong một lần đi soi ốc núi. Gia đình phải huy động nhiều người vào rừng sâu mới đưa được chị về. Thương tâm hơn, ở xã Lỗ Sơn (Tân Lạc) đã từng có trường hợp một phụ nữ tử vong do gặp tai nạn khi đi soi ốc núi. 

Mùa "săn” ốc núi còn kéo dài đến tháng 8, sau mỗi trận mưa, bà con của nhiều địa phương trong tỉnh lại cầm đèn pin lên rừng tìm ốc núi. Những con ốc màu nâu, vỏ dày cứng cáp, đặc biệt là thịt ốc thơm ngon, được nhiều người đồn rằng "có tác dụng chữa bệnh” thực sự là một đặc sản đáng để thưởng thức. Thế nhưng, để săn được "lộc” rừng này, bà con cần chú ý an toàn, bởi đã có những tai nạn thương tâm xảy ra khi đi soi ốc núi.


Viết Đào

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục