(HBĐT) - Đến thăm đảo Trường Sa Lớn, trái tim của Trường Sa, chúng tôi ấn tượng với 2 quả cầu lớn hiện diện trên đảo. Quả cầu đó chính là đôi "mắt thần" của Trạm rađa 11 (Quân chủng Phòng không Không quân) đặt ở trên đảo, với nhiệm vụ trông giữ bầu trời, bảo đảm phát hiện ngay máy bay lạ, vật thể lạ xâm nhập trên cao trong bất cứ tình huống nào. 


Cán bộ, chiến sỹ Trạm rađa 11, đảo Trường Sa Lớn bảo quản trang thiết bị sau khi huấn luyện, canh trực.


Hai ngày lưu trú trên đảo Trường Sa Lớn, chúng tôi có cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu về công việc của những trắc thủ ngày đêm canh giữ "mắt thần”, phát hiện tất cả các mục tiêu bay trên vùng trời của Tổ quốc.

Đại úy Lê Đình Quân, Trạm phó Trạm rađa 11 mở đầu câu chuyện về công việc hàng ngày của những người lính rađa: "Chúng tôi quản lý, theo dõi hoạt động của không quân nước ngoài, các máy bay cứu hộ cứu nạn, máy bay chiến đấu của ta bay huấn luyện. Kịp thời phát hiện các vật thể bay trong mọi điều kiện thời tiết, ngày cũng như đêm, không để Tổ quốc bị bất ngờ với các tình huống trên không. Công việc của chúng tôi tính bằng phút, bằng giây chứ không phải tính bằng giờ. Dù căng thẳng cũng không bao giờ được phép chủ quan, lơ là, luôn luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu với tinh thần cao nhất”.

Quê ở Bến Tre, trước khi ra công tác tại Trạm rada 11, Đại úy Lê Đình Quân đã có thời gian công tác ở Trạm rađa 21, đặt tại đảo Song Tử Tây. Mỗi năm đơn vị cấp nghỉ phép 2 lần, do đặc thù công việc, trạm luôn duy trì quân số theo quy định, bố trí kíp trực 24/24h. Theo Đại úy Quân chia sẻ, ưu thế của bố trí rađa trên đảo là không bị ảnh hưởng bởi địa hình đồi núi, thung khe như trên đất liền. Do vậy, cánh sóng sẽ vươn xa nhất theo tính năng thiết kế, các loại thiết bị bay, kể cả đang bay rất thấp, bám mặt biển cũng bị phát hiện. Những dữ liệu, thông số được tất cả các kíp trực ghi chép, báo cáo về đất liền và đưa ra hướng xử lý, đảm bảo vững chắc chủ quyền vùng trời của đất nước.

Theo Trung tá Trần Văn Thuấn, người đã công tác ở 17 đảo thuộc quần đảo Trường Sa, ở các trạm rađa, khí tài phải luôn đảm bảo kỹ thuật để hoạt động trong tình trạng tốt nhất. Để bảo vệ khí tài trước muối biển, trạm rađa được bao bọc bảo vệ bằng 2 quả cầu composite màu trắng khổng lồ. Vất vả nhất là mùa gió bấc, vì độ ẩm cao, gió lớn mang theo lượng muối cao. Qua 1 đêm, các thiết bị đều bị muối bám trắng tinh. Bộ đội chăm sóc khí tài còn hơn cả chăm con mọn. 4h30, người trực đã mở máy kiểm tra, lau chùi. Sáng lau sương, chiều lau bụi. Một tí bụi cũng không được phép để lại.

Công việc của những người lính ở trạm rađa cần sự tập trung cao độ, lúc nào mắt cũng dán vào màn hình để không bỏ lọt các mục tiêu. Chỉ mấy phút trong buồng máy, ai nấy áo ướt đẫm mồ hôi vì nóng, mắt hoa, nhòe sau một thời gian tập trung trước màn hình rađa. Khác với các lực lượng trên đảo Trường Sa, bộ đội Trạm rađa 11 có thời gian làm nhiệm vụ kéo dài liên tục 2 năm, có người đến 2 năm rưỡi. Suốt thời gian này, việc liên lạc với gia đình chỉ qua thư từ, điện thoại. Công tác ở đảo xa, những cán bộ, chiến sỹ của Trạm rađa 11, cũng như các lực lượng khác trên đảo luôn đoàn kết, yêu thương gắn bó với nhau. Với họ, "Đảo là nhà, biển cả là quê hương” và phía trên đầu là bầu trời của Tổ quốc. Trong bất kỳ thời điểm nào, những người canh "mắt thần” luôn duy trì trực 24/24h, để những cánh sóng rađa luôn vươn xa, góp phần quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng trời, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


Viết Đào


Các tin khác


​​Thúc đẩy tiến trình dồn điền, đổi thửa

(HBĐT) - Từ sau thành công của huyện Yên Thủy đối với công tác dồn điền, đổi thửa (DĐ, ĐT), BTV Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 35, ngày 22/12/2017 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác DĐ, ĐT. UBND tỉnh có Kế hoạch số 141, ngày 6/11/2018 về kế hoạch DĐ, ĐT trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện. Trong đó, chú trọng tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về DĐ, ĐT, vận động Nhân dân tự nguyện, tự giác thực hiện.
Bài 1 - Thành công bước đầu trong thực hiện dồn điền, đổi thửa

Giữ “vàng” ở đỉnh Tà Xông

(HBĐT) - Ngày 11/2/2020, khi nghe tin trên đỉnh Tà Xông A  có 3 cây thông Pà Cò bị Vàng A Trớ (SN 1984), trú tại xóm Hang Kia, xã Hang Kia chặt hạ, ngay lập tức, anh Bùi Văn Công, cán bộ phụ trách địa bàn xã Hang Kia - Pà Cò (Ban Quản lý (BQL) Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Hang Kia - Pà Cò (Mai Châu) bất chấp cả mưa rét, chạy thẳng vào khu vực có 3 cây thông bị chặt hạ... 


Giữ “vàng” ở đỉnh Tà Xông

(HBĐT) - Cây thông là một loại cây mà suốt nhiều năm qua, mỗi cán bộ Ban quản lý (BQL) Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Hang Kia - Pà Cò (Mai Châu) vẫn coi là thứ "vàng 10”. Họ bảo nhau phải giữ bằng được loài cây ấy. Cây còn, Khu bảo tồn còn...

Ký ức về những ngày phục vụ chiến dịch

(HBĐT) - 66 năm đã trôi qua kể từ ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954), với những người lính bộ đội Cụ Hồ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa luôn tự hào về những năm tháng gian khổ, nhưng cũng đầy oanh liệt ấy.

Trên đồi A1 hôm nay

Là một trong những cứ điểm quan trọng bảo vệ Sở Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, được người Pháp gọi với cái tên mỹ miều Eliane 2, song với chúng ta tên gọi đồi A1 lại gần gũi, thiêng liêng hơn cả. Bởi chỉ ở đồi A1 năm ấy (1954) mới có một tiếng nổ rung trời mà bộ đội ta theo lệnh tổng tấn công.

Trường Sa trong lần gặp gỡ đầu tiên

Bài 2 - Có một Trường Sa "gần” như thế
(HBĐT) - Trong lần gặp gỡ đầu tiên, Trường Sa quả thật mới lạ, độc đáo và cho chúng tôi nhiều trải nghiệm thú vị. Nhưng mỗi lần đặt chân đến mỗi đảo lại cho cảm giác thân thương như khi trở về nhà.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục