(HBĐT) - Cùng với tiếng chiêng, mo Mường luôn giữ một vị trí đặc biệt trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào Mường Hoà Bình. Mo gắn liền với cuộc đời con người từ khi sinh ra cho đến khi sang thế giới bên kia. Người Mường sinh ra có lời mo mụ để báo cáo với bà mụ và xin mụ độ trì cho đứa trẻ hay ăn chóng lớn; mo hai bát cơm để người đi học, đi làm xa lên đường thuận lợi, gặp nhiều may mắn; mo thanh minh hàng năm cầu cho một năm mưa thuận gió hoà, làm ăn phát tài phát lộc; mo ma đưa linh hồn người đã khuất về với Mường trời…
Bài 1: Những nốt trầm của "bản nhạc” mo Mường
Ban chủ nhiệm câu lạc bộ mo Mường xã Phong Phú (Tân Lạc) thường xuyên gặp gỡ, trao đổi về những bài mo.
Nguy cơ thất truyền mo Mường
Mo không đơn giản chỉ là những bài dân ca được truyền miệng qua bao thế hệ người Mường, mà còn chứa đựng trong đó các giá trị loại hình văn hoá dân gian, là di sản vô giá của dân tộc Mường nói riêng và của Việt Nam nói chung. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, như những giai điệu mo có lúc trầm, lúc bổng, mo Mường đã không ít lần đứng trước nguy cơ mai một, biến mất trước khi được trân trọng và gìn giữ như ngày hôm nay.
Ánh mắt nhìn xa xăm, bồi hồi nghĩ về những tháng ngày mo Mường chưa được công nhận, thầy mo Bùi Văn Xiên, xóm Sơn Phú, xã Phong Phú (Tân Lạc) kể: Tôi năm nay 71 tuổi, hành nghề mo được 43 năm. Vào khoảng những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, mo Mường còn bị coi là tuyên truyền mê tín dị đoan, không phù hợp, không cho phép các thầy mo hành nghề. Gia đình nào có việc cần mời thầy mo đến cũng vía, giải hạn hoặc thanh minh thì phải mời lén lút, không được công khai. Do không được hành nghề đường đường chính chính, nhiều người đang học mo cũng đành bỏ dở giữa chừng, số thầy mo trong xã ngày càng giảm dần, số còn lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Rồi nhiều thầy mo giỏi lần lượt già đi, cứ thế theo nhau về với tổ tiên, mang theo cả những áng mo đi sang thế giới bên kia. Đến năm 1976, mo Mường mới chính thức được hoạt động trở lại và phát triển cho đến ngày nay.
Chung nỗi niềm cùng thầy mo Xiên, thầy mo Bùi Hồng Bào, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) mo Mường xã Phong Phú chia sẻ: Gia đình tôi có nổ (dòng dõi) mo từ đời ông cụ cố, trước đây thường xuyên đến mo cho nhà quan lang trong vùng, đến tôi là truyền nhân đời thứ 5. Tuy nhiên, có một khoảng thời gian mo bị xem là mê tín nên các cụ chỉ truyền lại cho con cháu trong nhà những bài mo thông thường để dùng những dịp lễ, Tết. Do bận công tác nên tôi không hành nghề mo được thường xuyên. Đến năm 2006, sau khi nghỉ hưu tôi mới bắt đầu ghi chép, sưu tầm lại những róong mo cổ để truyền dạy lại cho con cháu. Đặc biệt, không phải ai cũng có thể học được mo. Người muốn học mo phải là người có tâm, có đức, am hiểu sâu sắc về bản sắc văn hoá dân tộc Mường, phải có tính kiên trì, nhẫn nại, bởi học mo rất vất vả. Chưa kể còn phải là người có nổ mo, có đủ đạo cụ hành nghề, nếu là người tự học phải đi mượn các nổ mo khác.
Với tình yêu đặc biệt với mo Mường, với những giá trị văn hoá của ông cha để lại, thầy mo Bùi Hồng Bào đã thành lập ban vận động, đi khắp các làng trên, xóm dưới của xã Địch Giáo (nay là xã Phong Phú) để vận động những thầy mo giỏi cùng những người nhiệt tình với mo Mường. Ngày 10/10/2017, CLB mo Mường xã Địch Giáo được thành lập với 17 thành viên. Sau khi xã Địch Giáo nhập vào xã Phong Phú, số lượng thành viên CLB mo Mường tăng lên 32 thành viên, có 1 chủ nhiệm, 3 phó chủ nhiệm. Tính đến nay, trên toàn xã Phong Phú có trên 50 nghệ nhân mo, trong đó có nhiều thầy mo đã được công nhận nghệ nhân ưu tú như các ông: Bùi Văn Lựng, Bùi Văn Khẩn, Bùi Văn Nợi. Năm 2018, CLB mo Mường Lạc Sơn cũng được thành lập với 30 thành viên và phát triển mạnh mẽ cho đến nay.
Khó khăn trong công nhận nghệ nhân
Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, đến năm 2015, trên toàn tỉnh có khoảng 200 nghệ nhân mo Mường, đến tháng 2/2019 còn 190 nghệ nhân mo, chủ yếu là các thầy mo đã cao tuổi, rất ít nghệ nhân trẻ tuổi. Năm 2015, tỉnh có 8 nghệ nhân được công nhận là nghệ nhân ưu tú (NNƯT), trong đó 3 nghệ nhân loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng (mo Mường). Năm 2019 có thêm 10 NNƯT được công nhận, nghệ nhân mo Mường chiếm một nửa trong số đó.
Trước đây, tại thời điểm xét duyệt nghệ nhân ưu tú lần I và II của tỉnh, số lượng nghệ nhân được công nhận ít bởi chưa đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định. Theo đó, nghệ nhân phải "có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương, thể hiện ở việc nắm giữ kỹ năng, bí quyết thực hành di sản văn hóa phi vật thể, có thành tích, giải thưởng, sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật”. Đặc biệt, thời gian hoạt động trong nghề từ 15 năm trở lên và có học trò.
Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Đối với mo Mường, việc làm hồ sơ công nhận nghệ nhân khá vất vả, bởi nhiều thầy mo chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc được công nhận nghệ nhân, do vậy khá ngần ngại khi được thông báo làm hồ sơ gửi đi xét duyệt. Chưa kể một số thầy mo cao tuổi tuy mo rất giỏi, thuộc nhiều áng mo dài, cổ nhưng không biết chữ. Ngoài ra, bên cạnh báo cáo còn phải có chứng nhận nghề nghiệp và chứng nhận thành tích. Tuy nhiên, việc có chứng nhận thành tích cho các nghệ nhân mo gần như rất ít, bởi các thầy mo chỉ hành nghề tại địa phương, xung quanh khu vực sinh sống và phục vụ chủ yếu cho nhu cầu tín ngưỡng của bà con Nhân dân. Hơn nữa, theo điều kiện làm hồ sơ còn đòi hỏi phải đầu tư có hình ảnh, clip minh họa, nhưng Sở VH-TT&DL chưa có nguồn kinh phí cho công tác này. Một số nghệ nhân lại chưa đủ năm hành nghề hoặc không truyền lại nghề được cho học trò, đó cũng là khó khăn khi xét duyệt NNƯT, nghệ nhân nhân dân (NNND).
Ngày 21/8/2020, Hội đồng xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh lần thứ ba - năm 2021 đã họp để xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT cho 33 nghệ nhân nắm giữ các loại hình tín ngưỡng, dân ca và nhạc cụ của Nhân dân các dân tộc tỉnh. Số nghệ nhân đủ điều kiện đề nghị Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ xét tặng là 27 người, trong đó có 20 nghệ nhân mo Mường.
Còn nữa
Khánh Linh
Cây lan đột biến 5 cánh trắng Hiển Oanh, 5 cánh trắng Phú Thọ cấy mô đang được rao bán trên mạng với mức giá chỉ từ 160.000 đồng/chai 20-25 cây.
Sốt đất, sốt vàng, sốt chứng khoán, tất cả đều quen thuộc với lịch sử kinh tế hàng trăm năm qua. Nhưng sốt lan đột biến thì sao?
(HBĐT) - Diện mạo huyện nông thôn mới (NTM) Lạc Thủy đang dần lộ diện, đó là sản phẩm mang tầm vóc lớn được hình thành từ những việc làm giản dị, đời thường của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đi kèm với thành công đó là những thách thức không nhỏ trên con đường duy trì, phát triển các tiêu chí, hướng tới xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tại địa phương.
Bài 2 - Diện mạo mới - thách thức mới
(HBĐT) - Chúng tôi trở lại khu căn cứ cách mạng Cao Phong - Thạch Yên (địa điểm tại đồi Chùa Khánh, thuộc địa bàn xã Thạch Yên) trong một ngày tháng 4 nắng vàng rực rỡ. Đồng chí Bùi Văn Thi, Chủ tịch UB MTTQ xã Thạch Yên phấn khởi giới thiệu: Năm 2020, hai xã Yên Lập và Yên Thượng được sáp nhập, lấy tên là xã Thạch Yên. Như vậy, sau 66 năm, cái tên "Thạch Yên” đã hồi sinh trên đất Cao Phong để tiếp tục nối dài truyền thống vẻ vang của quê hương cách mạng.
(HBĐT) - Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt huyện Lạc Thủy đã những thay đổi lớn, đánh dấu bước chuyển mình rõ rệt. Hành trình với nhiều gian nan, khó khăn, thử thách đã có kết quả xứng đáng với công sức cấp ủy, chính quyền và Nhân dân toàn huyện tạo nên. Cùng tìm hiểu về hành trình đó, chúng tôi được nghe, được thấy những câu chuyện hết sức giản dị, đời thường nhưng lại mang ý nghĩa, tầm vóc lớn đem lại thành công cho huyện Lạc Thủy hôm nay.
Bài 1: "Gõ cửa từng nhà” cho đến khi… về đích
(HBĐT) - Những ngày qua, chủ đề về lan đột biến (LĐB) là chủ đề được nhiều người quan tâm. Những giao dịch lên đến cả chục, thậm chí trăm tỷ đồng khiến nhiều người mỗi khi nhắc đến giá trị của LĐB lại cảm thấy đột quỵ...