Có thể khẳng định, Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 3/10/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển vùng động lực (VĐL) tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã ghi dấu ấn quan trọng, gỡ nút thắt để VĐL của tỉnh phát triển. Tuy nhiên, những cơ chế, chính sách trong nghị quyết không tự nhiên sinh ra nguồn lực. Điều đó đòi hỏi sự năng động, chủ động của các địa phương trong việc áp dụng cơ chế để tạo ra động lực và nguồn lực phát triển.


Nghị quyết số 17-NQ/TU tạo cơ chế thông thoáng giúp huyện Lương Sơn đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng huyện trở thành đô thị loại IV. 

Tạo nguồn lực cho phát triển hạ tầng đô thị

Huyện Lương Sơn nằm trong VĐL phát triển kinh tế của tỉnh, đây là địa bàn hạt nhân phát triển kinh tế, cửa ngõ đầu mối giao thông, giao lưu kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh. Ngày 31/12/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về việc tập trung huy động nguồn lực xây dựng huyện Lương Sơn đạt tiêu chí đô thị loại IV, phấn đấu đến năm 2025 đạt tiêu chí đơn vị hành chính cấp thị xã. Theo đó, nguồn lực huy động vốn ngân sách của Trung ương và của tỉnh thông qua các chương trình, dự án, vốn ngân sách huyện từ nguồn thu tiền sử dụng đất (SDĐ), đấu giá quyền SDĐ hoặc đấu thầu dự án có SDĐ, vốn thành phần kinh tế trong và ngoài huyện.

Tổng vốn thực hiện đề án xây dựng huyện Lương Sơn đạt đô thị loại IV khoảng trên 19 nghìn tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước khoảng trên 7 nghìn tỷ đồng, vốn xã hội hóa khoảng 585 tỷ đồng, vốn các dự án đầu tư tư nhân khoảng trên 11,9 nghìn tỷ đồng. Để tạo nguồn lực cho Lương Sơn, tỉnh đã cho phép huyện thực hiện cơ chế đặc thù điều tiết 100% thu tiền SDĐ do huyện thực hiện đấu giá, điều tiết 40% thu tiền SDĐ từ các dự án tỉnh đấu thầu dự án trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 - 2025. Khai thác triệt để các nguồn thu, tiết kiệm chi, đặc biệt là các dự án khai thác nguồn thu từ quỹ đất cho các hạng mục hạ tầng kỹ thuật. Thực hiện xã hội hóa, khuyến khích nhân dân tham gia các hoạt động phát triển kết cấu hạ tầng theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. 

Đồng chí Nguyễn Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cho biết: Nghị quyết số 17-NQ/TU về phát triển   VĐL có thể nói là cơ sở, tiền đề để Lương Sơn thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tập trung nguồn lực xây dựng huyện Lương Sơn đạt tiêu chí đô thị loại IV. Nhằm tận dụng nguồn lực, Lương Sơn đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đấu giá quyền SDĐ, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các khu nhà ở, khu đô thị trên địa bàn. Kết quả, tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện từ năm 2022 đến nay đạt 1.907 tỷ đồng, đạt 27,1% so với nguồn vốn ngân sách cần huy động thực hiện. Trong đó, ngân sách Trung ương thu 6 tỷ đồng; ngân sách tỉnh thu 1.276 tỷ đồng; ngân sách huyện, xã thu 631 tỷ đồng. Với các nguồn thu đạt được, huyện đã tập trung hoàn thiện các tiêu chí xây dựng đô thị loại IV, tiến tới xây dựng thị xã Lương Sơn.
 
Với vị trí là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh, TP Hòa Bình nằm trên trục giao thông kết nối Tây Bắc với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Chính vì vậy, "khai thác và phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH; phấn đấu đến năm 2025 xây dựng TP Hòa Bình trở thành đô thị loại II” là mục tiêu, định hướng phát triển xuyên suốt được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp TP Hòa Bình đề ra từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015 - 2020 và tiếp tục được khẳng định tại Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025. 

Thực hiện mục tiêu đó, cấp ủy đảng, chính quyền TP Hòa Bình đã huy động mọi nguồn lực nhằm phát triển KT-XH địa phương. Trong đó, Nghị quyết số 17-NQ/TU cho phép thực  hiện cơ chế phân cấp, ủy quyền cho VĐL đã tạo động lực để thành phố tập trung các nguồn lực phát triển KT-XH. Đồng chí Hoàng Văn Minh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hòa Bình cho biết: Với việc thí điểm một số lĩnh vực như tài chính, thuế, đầu tư và quản lý đô thị… đã tạo đà cho thành phố bứt tốc phát triển. Bởi ngay khi nghị quyết được triển khai, UBND TP Hòa Bình đã ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết và chỉ đạo xây dựng một số cơ chế đặc thù của địa phương để thực hiện nghị quyết, như cơ chế về thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị… 

Với những cơ chế mở trong huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, đến nay, toàn vùng có 3 đô thị đều được lập và điều chỉnh quy hoạch; nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật đã, đang được triển khai thực hiện như: Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - TP Hoà Bình, khu trung tâm đa chức năng Quỳnh Lâm, đê Quỳnh Lâm kết hợp giao thông. TP Hòa Bình đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí đô thị loại II; hoàn thành nâng cấp thị trấn Lương Sơn và khu vực lân cận lên đô thị loại IV. Nhiều khu dân cư mới, trung tâm thương mại được đầu tư, đưa vào sử dụng như: khu trung tâm thương mại bờ trái sông Đà, khu dân cư Bắc Trần Hưng Đạo, khu dân cư cảng Chân Dê... ở TP Hòa Bình; khu dân cư thương mại và chợ trung tâm ở huyện Lương Sơn... Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa của vùng đạt khoảng 52,9%.

Dấu ấn trong thu hút đầu tư bền vững

Hòa Bình được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng, có lợi thế "nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”, luôn sẵn sàng mở cửa đón làn sóng đầu tư để tạo sức bật cho nền kinh tế, thực hiện khát vọng phát triển nhanh, bền vững. Để tạo thuận lợi cho hoạt động thu hút đầu tư, các địa phương trong VĐL đã tăng cường công tác phối hợp trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư; rà soát xử lý những dự án không triển khai do nhà đầu tư không đủ năng lực. 

Lũy kế đến nay, toàn VĐL có gần 500 dự án, chiếm 70,7% tổng số dự án đầu tư trên toàn tỉnh; trong đó có 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, hơn 400 dự án đầu tư trong nước. Bên cạnh đó, từ năm 2018 đến nay, toàn vùng có 755 DN đăng ký thành lập mới, nâng tổng số DN trong vùng là 2.923 DN, bằng 80,7% số DN trên địa bàn toàn tỉnh.


Huyện Lạc Thuỷ tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao nhằm phát triển kinh tế vùng động lực. 

Theo Nghị quyết số 17-NQ/TU, huyện Lạc Thủy có 2 thị trấn và 6 xã nằm trong VĐL. Tuy nhiên, với vai trò kết nối hành lang kinh tế phía Đông, Lạc Thủy đã mạnh dạn tìm hướng đi riêng nhằm phát triển kinh tế. Trong đó, tập trung thực hiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố, sở, ngành. Đồng thời cải cách chỉ số hành chính, chỉ số hài lòng của người dân và DN. Đặc biệt, huyện đã tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực là thế mạnh của địa phương, như sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, hiệu quả, có giá trị và phù hợp với thị trường tiêu thụ. Đến nay, toàn huyện có 68 dự án đầu tư vào địa bàn với tổng vốn đăng ký khoảng 47.164 tỷ đồng, từ năm 2018 đến nay thu hút được hơn 30 dự án. 

Đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lạc Thủy cho biết: Huyện đã triển khai thực hiện đồng bộ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chú trọng dồn điền, đổi thửa, cải tạo vườn tạp, phát triển cây ăn quả có múi và sản xuất rau an toàn. Rà soát, hoàn chỉnh cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chính sách khuyến khích DN xây dựng các chuỗi giá trị với nông dân và tổ chức đại diện của nông dân. 

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế VĐL, bộ mặt nông thôn trong vùng từng bước được đổi mới, hạ tầng KT-XH chuyển biến rõ rệt, đời sống của nhân dân được nâng lên, an sinh xã hội bảo đảm; các điều kiện về giáo dục, y tế, văn hóa tiếp tục được cải thiện. Trước khi thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14, ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TP Hòa Bình đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018; huyện Lương Sơn được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019; các xã thuộc huyện Lạc Thủy trong VĐL đều đạt chuẩn nông thôn mới.

(Còn nữa) 

Đinh Hòa - Việt Lâm


Các tin khác


Lòng hồ Hòa Bình trước nguy cơ ô nhiễm từ rác thải nhựa, rác thải nguy hại


Bài 3 - Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước - những hệ lụy nhãn tiền 

Nhìn mặt hồ với những đốm xanh, đỏ vui mắt giống như một vườn hoa đa sắc, nhưng không, đó chính là một thứ rác độc. Độc ngay từ tên gọi: vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với đa phần là loại thuốc diệt cỏ vô cùng nguy hại do chính người dân sống hai bên bờ sông vứt bỏ sau quá trình sản xuất. Có những loại tích tụ, chôn lấp hàng chục năm vẫn còn nguyên vẹn không phân hủy, sau những trận mưa lại theo dòng nước đổ về lòng hồ...

Lòng hồ Hòa Bình trước nguy cơ ô nhiễm từ rác thải nhựa, rác thải nguy hại


Bài 2 - Ngược dòng tìm nguồn... rác 

Để thực hiện loạt bài viết này, liên tục trong thời gian dài chúng tôi theo nhiều chuyến "tàu chợ”; đến những cửa sông, cửa suối, nương đồi, khu sản xuất để tìm nguồn phát sinh rác thải nguy hại đổ xuống lòng hồ Hòa Bình.

Lòng hồ Hòa Bình trước nguy cơ ô nhiễm từ rác thải nhựa, rác thải nguy hại

Bài 1 - "Sông mẹ” mênh mông là rác 

Sông Đà là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng, bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc) với tổng chiều dài 910km. Đoạn thượng nguồn ở Trung Quốc có tên gọi Lý Tiên Giang; sông Đà chảy vào Việt Nam dài 543 km. Sông Đà không chỉ được biết đến như một dòng sông năng lượng lớn nhất cả nước với hệ thống thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu... mà còn là "sông mẹ” của hàng chục dân tộc anh em sống dọc theo dòng sông. Tuy nhiên, những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), lòng hồ Nhà máy thủy điện Hòa Bình (sau đây gọi là lòng hồ Hòa Bình - PV) đang phải đối diện với nhiều nguy cơ, thách thức, nhất là vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, rác thải nguy hại...

Già làng “nói dân nghe, làm dân theo”

Hơn 20 năm làm trưởng xóm, rồi bí thư chi bộ, già làng Triệu Lục Liên được ví như "cây cao, bóng cả” trong cộng đồng người Dao bản Bà Rà, xã Hùng Sơn (Kim Bôi). Ông không chỉ là người "nói dân nghe, làm dân theo”, mà còn là cầu nối giữa ý Đảng, lòng dân.

Chỉ đạo các dự án trọng điểm - hiện thực hóa mục tiêu bứt phá: Bài 5: Sát cánh hỗ trợ dự án ngoài ngân sách

Tỉnh Hoà Bình có 7 dự án trọng điểm ngoài ngân sách nhà nước đang triển khai với tổng mức đầu xấp xỉ 5.8000 tỷ đồng. Các dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc về GPMB, thực hiện các thủ tục chuyển đổi đất rừng, đất lúa... nên triển khai chậm hơn so với kế hoạch. Thời gian qua, Thường trực Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng sát cánh, đồng hành hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.

Chỉ đạo các dự án trọng điểm - hiện thực hóa mục tiêu bứt phá: Bài 4: Trách nhiệm triển khai dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm của tỉnh, cuối tháng 9 vừa qua tỉnh đã tổ chức khởi công dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ km 19+00 - km 53+ 00) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, đánh dấu sự kiện quan trọng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh và khu vực. Theo kế hoạch, chỉ trong vài năm tới, Hòa Bình sẽ có tuyến đường cao tốc đầu tiên, thúc đẩy giao thương thuận lợi, mở ra không gian rộng lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục