Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 3/10/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển vùng động lực (VĐL) tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, nhân dân đã nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển VĐL. Một số dự án sản xuất, kinh doanh trong vùng đã có tác động lan tỏa đối với các địa phương khác trong tỉnh. VĐL đóng góp quan trọng vào phát triển KT-XH chung của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện Khu công nghiệp Nhuận Trạch (Lương Sơn).
Dồn lực cho "đầu tàu"
Sau khi quy hoạch VĐL, các nguồn lực đầu tư được ưu tiên, tập trung để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng du lịch..., nhiều khu dân cư, trung tâm thương mại - dịch vụ mới được hình thành; một số dự án sản xuất, kinh doanh trong vùng đã có tác động lan tỏa đối với các địa phương khác trong tỉnh.
Hạ tầng cung cấp điện được đầu tư, nâng cấp, tăng thêm năng lực cho hệ thống năng lượng của tỉnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Tại các địa phương VĐL, hệ thống lưới điện quốc gia đã cấp điện cho 100% xã, phường, thị trấn; tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia đạt 100%. Hạ tầng công nghệ thông tin từng bước được đầu tư hoàn chỉnh; hạ tầng viễn thông phát triển nhanh. Mạng truyền dẫn đến các địa phương trong vùng được cáp quang hóa, trong đó, 100% cơ quan, ban, ngành và các xã, thị trấn có mạng cáp quang. Tỷ lệ xã, thị trấn có trạm thông tin di động BTS đạt 100%; 100% xã, thị trấn có dịch vụ điện thoại, thu được sóng phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương. Cổng thông tin điện tử của UBND huyện, thành phố trong vùng đảm bảo hoạt động thông suốt. Lắp đặt và đưa vào sử dụng văn phòng điện tử một cửa liên thông gắn với cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Triển khai thực hiện tốt phần mềm quản lý văn bản, góp phần tích cực trong công tác cải cách hành chính trên địa bàn vùng.
Công tác phát triển khu, cụm công nghiệp được chú trọng. Trong 9 tháng năm nay ước có 375 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 6.500 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước, số lượng doanh nghiệp cấp mới giảm 22%, số vốn đăng ký tăng 40%. Có 15 dự án đầu tư được cấp mới, 6 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được chấp thuận nhà đầu tư, có 17 dự án đầu tư được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư; tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 9.500 tỷ đồng. Tỉnh đã tập trung thu hút, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp (CCN). Đến nay, cơ bản đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật 2 KCN (Lương Sơn, bờ trái sông Đà); 5 KCN (Lương Sơn, bờ trái sông Đà, Yên Quang, Nhuận Trạch, Bình Phú) có chủ đầu tư hạ tầng; 3 KCN (Lương Sơn, bờ trái sông Đà, Yên Quang) có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; 1 KCN (bờ trái sông Đà) có khu nhà ở công nhân, lao động; triển khai đầu tư một số công trình thiết yếu (đường vào, đường trục chính...) tại KCN Bình Phú, Yên Quang; hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch với tổng diện tích 537,17ha tại các KCN: bờ trái sông Đà, Lạc Thịnh, Yên Quang, Bình Phú, Nhuận Trạch và đang triển khai quy trình, thủ tục tiếp tục giải phóng mặt bằng khoảng 48ha KCN Nhuận Trạch, 67ha KCN Bình Phú, 30ha KCN Yên Quang. Ưu tiên triển khai đầu tư, hoàn thiện một số công trình thiết yếu 4 KCN: bờ trái sông Đà, Bình Phú, Nhuận Trạch, Yên Quang.
Tuy nhiên, theo đánh giá, VĐL của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, yếu kém như: Hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, đặc biệt là hạ tầng khu, CCN và hạ tầng giao thông. Quy mô kinh tế còn nhỏ, nộp ngân sách không lớn. Chất lượng nguồn lực chưa cao, đào tạo, dạy nghề trong vùng còn thấp xa so với bình quân chung cả nước, đặc biệt là vùng giáp ranh Thủ đô Hà Nội. Sức cạnh tranh so với các vùng lân cận còn yếu. Chính sách phát triển VĐL còn khá chung chung; chưa có chính sách khác biệt ưu tiên đầu tư, chính sách đặc thù về tỷ lệ điều tiết ngân sách cho các địa phương trong vùng. Chưa có cơ quan điều phối; hệ thống cơ sở dữ liệu VĐL chưa được hình thành. Các nội dung phân cấp, ủy quyền chưa thực sự đóng vai trò quan trọng trong phát triển VĐL.
Cần thêm những cơ chế đặc thù
Đồng chí Nguyễn Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cho biết: Trong thời gian qua, cơ chế đặc thù đã tạo tiền đề để VĐL tự chủ về công tác quy hoạch, thu hút nguồn lực phát triển địa phương. Tuy nhiên, để tạo động lực cho các huyện, thành phố thì cần phân cấp cho Chi cục Thuế huyện quản lý các doanh nghiệp trên địa bàn có đăng ký vốn điều lệ đến 50 tỷ đồng (hiện nay là 10 tỷ đồng), tạo nguồn thu thuế ổn định cho địa phương. Đồng thời, trong thời kỳ ổn định ngân sách, đề nghị không điều chỉnh các doanh nghiệp tăng vốn điều lệ đưa về Cục Thuế tỉnh quản lý thu, làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách cấp huyện. Phân chia điều tiết tỷ lệ phần trăm (%) ngân sách tỉnh, ngân sách huyện đối với các khoản thuế, phí, thu tiền sử dụng đất do Cục Thuế tỉnh thu trên địa bàn các huyện. Đồng thời, tăng tỷ lệ điều tiết tiền sử dụng đất cho huyện để có nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng đối với VĐL. Đối với công tác quản lý đất đai, cần phân cấp cho huyện được quyết định chủ trương các dự án đầu tư đối với hộ gia đình, cá nhân để phù hợp với thẩm quyền cho thuê đất…
Kết luận số 18-KL/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU chỉ rõ: Tập trung vào các nội dung ưu tiên phát triển VĐL của tỉnh, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, công khai quy hoạch và lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển tỉnh nói chung và VĐL nói riêng. Phân cấp, ủy quyền cho VĐL; trong đó tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm như: tài chính, thuế, đầu tư, quản lý đô thị... Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi cao hơn cho VĐL, như nâng mức hỗ trợ cho các khu, cụm công nghiệp, tăng tỷ lệ (%) phân chia của một số nguồn thu giữa các cấp ngân sách cho các địa phương; định mức phân bổ ngân sách chi sự nghiệp; cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi riêng mang tính đặc thù cho các dự án đầu tư và dự án nhà ở xã hội vào VĐL.
Có cơ chế sử dụng nguồn vượt thu dự toán ngân sách nhà nước hàng năm để tăng chi đầu tư phát triển. Ưu tiên sử dụng quỹ phát triển đất vào mục đích đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội phục vụ chung cho VĐL, đặc biệt là hạ tầng khu, CCN. Linh hoạt trong cơ chế, chính sách thu hút các nguồn vốn để đầu tư hoàn thành kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạ tầng đô thị, CCN, hạ tầng du lịch. Làm tốt công tác quy hoạch, chuẩn bị tốt dự án mời gọi đầu tư và tạo quỹ đất sạch trong VĐL để kêu gọi đầu tư, thay vì xem xét chấp nhận các dự án do nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất…
Thời gian tới, các cấp chính quyền, ngành chức năng khắc phục những khó khăn, hạn chế, gia tăng các biện pháp khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực tổng hợp của từng vùng kinh tế động lực và liên kết vùng kinh tế động lực một cách hiệu quả.
Đinh Hòa - Việt Lâm
Bài 4 - Tác động đến an ninh nguồn nước
Nguồn nước từ hồ Hòa Bình ngoài sử dụng phục vụ việc phát điện của Nhà máy thủy điện Hòa Bình còn có nhiệm vụ cung cấp, điều tiết nước tưới tiêu vùng hạ du; điều tiết, cắt lũ từ thượng nguồn đổ về. Đồng thời có nhiệm vụ cung cấp nước sinh hoạt cho người dân sống tại các khu vực ven lòng hồ, cùng khoảng 50 nghìn hộ dân trên địa bàn TP Hòa Bình và khoảng 1 triệu dân khu vực phía Tây Thủ đô Hà Nội...
Chương trình "Mẹ đỡ đầu” đã để lại những dấu ấn ấm áp và sâu sắc trong tâm trí của cán bộ Hội Phụ nữ - những người mẹ đỡ đầu và đặc biệt là các em nhỏ được đỡ đầu. Một sự kiện đầy ý nghĩa được tổ chức nhân dịp Tết Nguyên đán 2024, đó là Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình gặp mặt, tặng quà cho 95 trẻ mồ côi cả cha và mẹ trên địa bàn tỉnh.
Bài 3 - Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước - những hệ lụy nhãn tiền
Nhìn mặt hồ với những đốm xanh, đỏ vui mắt giống như một vườn hoa đa sắc, nhưng không, đó chính là một thứ rác độc. Độc ngay từ tên gọi: vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với đa phần là loại thuốc diệt cỏ vô cùng nguy hại do chính người dân sống hai bên bờ sông vứt bỏ sau quá trình sản xuất. Có những loại tích tụ, chôn lấp hàng chục năm vẫn còn nguyên vẹn không phân hủy, sau những trận mưa lại theo dòng nước đổ về lòng hồ...
Bài 2 - Ngược dòng tìm nguồn... rác
Để thực hiện loạt bài viết này, liên tục trong thời gian dài chúng tôi theo nhiều chuyến "tàu chợ”; đến những cửa sông, cửa suối, nương đồi, khu sản xuất để tìm nguồn phát sinh rác thải nguy hại đổ xuống lòng hồ Hòa Bình.
Trẻ em cần được lớn lên trong vòng tay của cha mẹ, nơi mà tình yêu thương và sự chăm sóc là hành trang không thể thiếu trên con đường trưởng thành. Tuy nhiên, có những đứa trẻ lớn lên thiếu vắng tình cha, tình mẹ. Chương trình "Mẹ đỡ đầu" ra đời đã mang lại vòng tay yêu thương, giúp những em nhỏ mồ côi cảm nhận được sự quan tâm, che chở từ cộng đồng. Đây là một chương trình nhân văn sâu sắc, gieo mầm hy vọng cho tương lai của các em.
Bài 1 - "Sông mẹ” mênh mông là rác
Sông Đà là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng, bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc) với tổng chiều dài 910km. Đoạn thượng nguồn ở Trung Quốc có tên gọi Lý Tiên Giang; sông Đà chảy vào Việt Nam dài 543 km. Sông Đà không chỉ được biết đến như một dòng sông năng lượng lớn nhất cả nước với hệ thống thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu... mà còn là "sông mẹ” của hàng chục dân tộc anh em sống dọc theo dòng sông. Tuy nhiên, những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), lòng hồ Nhà máy thủy điện Hòa Bình (sau đây gọi là lòng hồ Hòa Bình - PV) đang phải đối diện với nhiều nguy cơ, thách thức, nhất là vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, rác thải nguy hại...