Khởi sắc một vùng quê
Nhìn lại thời điểm đầu khi bắt tay xây dựng NTM năm 2011, kinh tế chủ yếu là thuần nông, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; CN - TTCN, thương mại - dịch vụ chưa phát triển. Việc xây dựng NTM tại các xã còn nhiều khó khăn do xuất phát điểm thấp, số tiêu chí bình quân mới đạt 5,85 tiêu chí/xã, còn có sự chênh lệch lớn giữa các xã. Các tiêu chí chưa đạt là những tiêu chí khó như giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hoá, hộ nghèo… Thời điểm đó, huyện có 13 xã, thu nhập bình quân đầu người thấp, đạt 13,3 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 21,4%. Tuy nhiên, sau những nỗ lực không ngừng của cấp uỷ, chính quyền và Nhân dân, vùng quê Lạc Thủy đã thực sự thay "lớp áo” mới.
Cải thiện rõ rệt nhất là cơ sở hạ tầng nông thôn ở 8/8 xã (sau sáp nhập), đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương, trong đó, phát triển hạ tầng giao thông được xác định là khâu đột phá. Từ những con đường bê tông rộng từ 5 - 7 m kéo dài ở thôn Tân Tiến, xã Đồng Tâm; thôn Liên Phú 3, xã Thống Nhất; thôn Niếng, xã Hưng Thi… đều là những công trình mang đậm dấu ấn của sự đồng lòng giữa chính quyền và Nhân dân. Đến nay, huyện đã xây mới và nâng cấp, sửa chữa được 128 công trình giao thông; nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa hơn 300 km, nâng tổng số đường giao thông đạt chuẩn lên hơn 541 km. Trong đó, tỷ lệ đường trục thôn, liên thôn được nhựa hóa, bê tông hóa hơn 70%; gần 76% đường ngõ, xóm được bê tông hóa; 100% đường liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa. Về cơ sở hạ tầng khác, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 97,8%; có 19/23 trường học đạt chuẩn; 100% thôn, xã có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng; hạ tầng thương mại nông thôn đảm bảo với 5 chợ được xây mới, 1 chợ được nâng cấp mở rộng; 100% xã đạt tiêu chí về nhà ở đảm bảo "3 cứng” trên 75%. Thụ hưởng những giá trị đó không ai khác chính là cán bộ và Nhân dân địa phương. Cô giáo Nguyễn Thị Hoa, Hiệu trưởng trường Mầm non Đồng Tâm, xã Đồng Tâm chia sẻ: "Trường mầm non Đồng Tâm đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 năm 2020, cơ sở vật chất của nhà trường đảm bảo về lớp học, sân chơi, bếp ăn cho học sinh… Các em được học tập, vui chơi trong môi trường tốt, giúp phát triển toàn diện hơn, tạo nền tảng tốt hơn trước khi bước vào những cấp học tiếp theo”.
Đối với các tiêu chí về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện đã giải quyết việc làm mới cho hơn 25.000 lao động. Nổi bật ở tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, toàn huyện đã có tổng số 54 hợp tác xã (HTX); trong đó, có 48 HTX dịch vụ nông nghiệp, 3 HTX tiểu thủ công nghiệp, 2 HTX vận tải và 1 HTX thương mại dịch vụ. Các HTX hoạt động hiệu quả với doanh thu bình quân đạt trên 1,7 tỷ đồng/HTX, mỗi HTX tạo việc làm thường xuyên cho 10 - 20 lao động với thu nhập đạt 32,4 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, tập trung phát triển chuỗi liên kết sản xuất với điểm nhấn là 4 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, gồm: Nhãn hiệu tập thể "Cam Lạc Thủy”, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm: "Dê Lạc Thủy”, "Na Lạc Thủy”, "Gà Lạc Thủy”. Dự kiến năm 2021 hoàn thành xây dựng nhãn hiệu chứng nhận "Chè Sông Bôi”. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 50,5 triệu đồng/năm; riêng khu vực nông thôn đạt 47,29 triệu đồng/năm (tăng 34,9 triệu đồng so với năm 2011)… Ngoài ra, các tiêu chí về văn hoá - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, QP-AN đều đảm bảo chất lượng. Huyện cũng đã hoàn thành 9/9 tiêu chí đối với huyện NTM trên nền tảng 100% các xã đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng NTM.
Thách thức mới
Những kết quả trên có phần đóng góp không nhỏ của Nhân dân với hơn 814 tỷ đồng, chiếm 10,49% tổng nguồn vốn huy động từ năm 2011 - 2020. Tuy nhiên, đi kèm với diện mạo mới là những thách thức mới đặt ra cho cấp uỷ, chính quyền và Nhân dân huyện nhà.
Đồng chí Hoàng Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Thách thức đặt ra chủ yếu là nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhất là cơ sở hạ tầng do các tiêu chí đã đạt mới tiệm cận chuẩn, cần được nâng cao để hướng tới những mục tiêu lớn hơn như NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Bên cạnh đó là vấn đề duy trì môi trường xanh - sạch - đẹp, thu gom, xử lý rác thải ở khu dân cư. Hay vấn đề tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân theo kịp xu thế phát triển mới”.
Tìm câu trả lời cho những vấn đề đó, điều cần làm thường xuyên vẫn là tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân đối với xây dựng NTM nâng cao, không được ỷ lại hay có tâm thế nghỉ ngơi sau thành quả vừa đạt được. Nêu cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền trong chỉ đạo, điều hành trực tiếp việc nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng nông thôn. Nhân dân cũng cần xác định mình phải là chủ thể trong công cuộc đổi mới này, nhất là ở các tiêu chí thu nhập, hộ nghèo, môi trường, văn hoá… Đơn cử như tiêu chí môi trường, việc giữ gìn vệ sinh chung ở mỗi khu dân cư đều xuất phát từ ý thức của từng cá nhân. Điển hình như thôn Tân Tiến, xã Đồng Tâm với cách làm đóng góp 5.000 đồng/nhân khẩu thuê phương tiện chuyên dụng thu gom rác sinh hoạt hàng ngày, đặt ra hương ước là các hộ không được vứt rác bừa bãi ở khu vực đường đi lối lại. Bên cạnh đó, cần đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, hiện mới có 80% HTX hoạt động hiệu quả, đây lại là cầu nối quan trọng giữa người dân với doanh nghiệp nên cần có phương pháp hoạt động hiệu quả hơn, trước mắt là đối với 20% HTX còn lại. Ngoài ra, chú trọng thu hút nhà đầu tư vào khu, cụm công nghiệp; phát triển du lịch với hệ thống tua, tuyến mới phù hợp, đi kèm với nâng cao chất lượng dịch vụ. Quan trọng hơn cả là tập trung được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân cùng vào cuộc, góp phần đưa Lạc Thuỷ ngày càng giàu đẹp hơn.
Thanh Sơn