(HBĐT) - Những ngày tháng 8, có mặt tại vùng trồng nhãn Sơn Thủy, xã Xuân Thủy (Kim Bôi) dễ dàng bắt gặp những nụ cười trên khuôn mặt người nông dân đang khẩn trương thu hái nhãn cho kịp chuyến hàng. Không khí nhộn nhịp, vui vẻ lan tỏa khắp xóm, thôn. Những nông dân thoăn thoắt bẻ nhãn như quên cả mệt nhọc, bởi năm nay nhãn được mùa, được giá. Đặc biệt, vượt qua những yêu cầu khắt khe về kỹ thuật canh tác và an toàn thực phẩm (ATTP), 1 tấn nhãn Sơn Thủy tươi lần đầu tiên xuất khẩu thành công sang thị trường EU.


Thành viên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy, xã Xuân Thủy (Kim Bôi) chọn lọc và phân loại nhãn sau khi thu hoạch.

Cây nhãn bén duyên với đồng đất Sơn Thủy - nay là xã Xuân Thủy (Kim Bôi) từ năm 1989. Ban đầu, nhãn chỉ được trồng tại vườn của 1 hộ gia đình. Nhưng với những ưu điểm về khí hậu, đất đai, sự kiên trì, chịu khó của nông dân, vượt qua những thăng trầm, trở ngại từ kỹ thuật canh tác đến tiêu thụ sản phẩm, nhãn Sơn Thủy dần có chỗ đứng vững chắc, trở thành cây trồng chủ lực và sinh kế của người dân địa phương. ÔngBùi Văn Lực là hộ đầu tiên mang giống và trồng nhãn Hương Chi trên đất Xuân Thủy. Bắt đầu trồng thử với diện tích 1,2 ha, may mắn là đất đai, khí hậu địa phương phù hợp nên cây nhãn phát triển nhanh, cho quả mọng, cùi dày, ngọt.

Nhớ lại những ngày đầu tìm kiếm đầu ra cho nhãn Sơn Thủy, ông Bùi Văn Lực, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy cho biết: Thời điểm đó, khó khăn nhất là tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Bởi nhãn chưa có thương hiệu, ít người biết đến nên rất khó bán. Để giải quyết bài toán đầu ra, tôi thuê xe tải chở nhãn ra chợ đầu mối hoa quả Long Biên (Hà Nội) chào hàng. Đáng mừng là chỉ sau 2 phiên chợ, thương lái Hà Nội thấy nhãn Sơn Thủy ngon không kém nhãn Hưng Yên, thơm, ngọt, sạch mà giá thành thấp hơn nên họ theo về vườn của gia đình để lấy hàng. Từ đó, cứ đến mùa nhãn, xe tải của các tiểu thương Hà Nội và các tỉnh lân cận nối đuôi nhau về Xuân Thủy. Với 2,5 ha nhãn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, năm nay sản lượng nhãn của gia đình ước đạt 20 tấn/ha.

Từ hơn 1 ha ban đầu, đến nay, toàn xã Xuân Thủy đã mở rộng diện tích trồng nhãn lên gần 200 ha, riêng HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy 34 ha. Để sản phẩm khi thu hoạch đạt chất lượng, nông dân dày công chăm sóc theo đúng quy trình VietGAP. Sau vụ thu hoạch cắt tỉa cây gọn gàng, bón phân hữu cơ, phân lân tổng hợp để cây bền khỏe, bảo đảm dinh dưỡng nuôi hoa, quả. Suốt quá trình chăm sóc, các hộ ghi chép cẩn thận, bảo đảm đúng quy trình, thời gian.

Sự nỗ lực của người dân và hiệu quả từ sự hỗ trợ của chính quyền, cơ quan chuyên môn các cấp đã được đền đáp và ghi dấu mốc quan trọng vào năm 2016. Đây là năm nhãn Sơn Thủy được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Tiếp đó là hàng loạt chứng nhận được cấp về ATTP, VietGAP, OCOP đã giúp thương hiệu nhãn Sơn Thủy vươn xa hơn đến các thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, nhãn Sơn Thủy cũng là sản phẩm đầu tiên của tỉnh được cấp mã số vùng trồng (MSVT) năm 2019. Đây được coi như giấy thông hành để sản phẩm xuất khẩu chính ngạch sang thị trường quốc tế. Trong đó phải kể đến một trong những thị trường khó tính nhất là EU.

Đồng chí Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Những năm gần đây, Việt Nam đã ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. Những hiệp định này mở ra cơ hội lớn để nông sản Việt Nam xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, cần nhận thức rõ, việc tham gia các FTA sẽ vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Trong đó, những yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ, ATTP và kiểm dịch thực vật luôn được các thị trường cao cấp đặt ra là tiêu chí hàng đầu với mặt hàng rau quả tươi. Tất cả những yêu cầu đó đã được người trồng nhãn Sơn Thủy dần hoàn thiện một cách nghiêm ngặt từ năm 2019 đến nay. Từ việc tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật trong canh tác, ghi chép nhật ký đồng ruộng, giám sát về MSVT... Gần đây nhất, vào đầu tháng 8, trước khi diễn ra lễ xuất hàng 3 ngày, tất cả 3 mẫu nhãn Sơn Thủy đều đạt yêu cầu kỹ thuật của 821 chỉ tiêu kiểm định về ATTP theo yêu cầu của EU.

Sản phẩm nhãn Sơn Thủy đã tranh thủ được thời cơ, vượt qua thách thức để có thể xuất khẩu chính ngạch sang thị trường EU. Đây là thành quả từ sự nỗ lực, bền bỉ của người trồng nhãn, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn và sự đồng hành của doanh nghiệp. Với khát vọng đưa thương hiệu nhãn Sơn Thủy vươn xa hơn, cùng với những nỗ lực của nông dân và chính quyền địa phương, ngành NN&PTNT tỉnh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ nông dân trồng nhãn với nhiều giải pháp. Trước mắt, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu từ nay đến hết vụ nhãn năm 2022 sẽ xuất khẩu 50 tấn nhãn Sơn Thủy sang thị trường EU.


Thu Hằng


Các tin khác


Mô hình hoạt động nào phù hợp đối với chi bộ đông đảng viên?: Bài 2 - Nhiều khó khăn phát sinh đối với chi bộ đông đảng viên

(HBĐT) - Hoà Bình là tỉnh miền núi, dân cư sống thưa thớt, sau sáp nhập xóm, tổ dân phố, nhiều xóm, khu dân cư mới có diện tích rộng, đảng viên (ĐV) đông lại sống rải rác gây không ít khó khăn trong công tác quản lý ĐV. Ngoài ra, vì ĐV quá đông, cơ sở vật chất các nhà văn hóa khu dân cư chật hẹp ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sinh hoạt chi bộ. Vấn đề xếp loại chất lượng sinh hoạt và đánh giá, xếp loại chi bộ hàng năm ở những chi bộ đông ĐV cũng bộc lộ nhiều bất cập.

Mô hình hoạt động nào phù hợp đối với chi bộ đông đảng viên?: Bài 1 - Chi bộ đông đảng viên - mỗi chi bộ một mô hình vận hành

(HBĐT) - Thực hiện việc sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố và sắp xếp, tinh gọn bộ máy các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp trên địa bàn tỉnh, số chi bộ đảng trực thuộc đảng ủy cơ sở, đảng bộ bộ phận giảm khá nhiều. Tuy nhiên, số lượng đảng viên (ĐV) tại các chi bộ mới sáp nhập, kiện toàn lại tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp 3, hình thành các chi bộ có số ĐV rất đông. Theo số liệu thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, tính đến ngày 15/7/2022, toàn tỉnh có 3.181 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, đảng bộ bộ phận. Trong đó, 138 chi bộ có từ 50 - 100 ĐV (136 chi bộ khu dân cư, 2 chi bộ ở đơn vị sự nghiệp). Đặc biệt, có 3 chi bộ khu dân cư có trên 100 ĐV. Công tác vận hành, tổ chức sinh hoạt chi bộ, triển khai công việc ở các chi bộ có số ĐV đông đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm. 

Bài 5 - Gìn giữ, phát huy những "báu vật" của cha ông

(HBĐT) - Trong kho tàng di sản văn hoá (DSVH) dân tộc Mường, nếu mo Mường được xem là một sáng tạo vĩ đại thì chiêng Mường chính là báu vật của người Mường. Chiêng Mường cùng với sáo ôi, đàn nhị, trống da trâu... đã tạo nên âm nhạc Mường với những nét độc đáo, uyển chuyển và duyên dáng. Ngày nay, nghệ thuật chiêng Mường và âm nhạc dân tộc Mường được bảo tồn, phát huy tạo nên những giá trị tinh thần nhân văn cao đẹp trong cộng đồng người Mường, đồng thời làm phong phú, đa dạng thêm cho nền âm nhạc dân gian Việt Nam. Thành tựu đó có được trước hết là nhờ những nghệ nhân xứ Mường đã dành cả cuộc đời gìn giữ, phát huy những "báu vật” của ông cha để lại.

Bài 4 - Nâng niu lời ru đất Mường

(HBĐT) - Dân ca là một loại hình văn nghệ quen thuộc và gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt, lao động, sản xuất hàng ngày của Nhân dân các dân tộc. Lời ca ngọt ngào, sâu lắng, gần gũi đã nuôi dưỡng tâm hồn của biết bao thế hệ. Bằng tâm huyết và niềm đam mê, các nghệ nhân hát dân ca của tỉnh đang ra sức bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị của những làn điệu dân ca, lan tỏa mạnh mẽ trong cuộc sống đương đại, để nét văn hóa truyền thống của dân tộc sống mãi với thời gian.

Bài 3 - Những người giữ hồn cho dân tộc

(HBĐT) - Tiếng nói, chữ viết là công cụ tư duy và là phương tiện giao tiếp để thể hiện, lưu giữ, truyền bá tri thức phản ánh bản sắc của cá nhân và cộng đồng. Đây còn là hồn cốt của mỗi dân tộc. Việc bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số (DTTS) là cấp thiết để giữ gìn bản sắc văn hóa, thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Công tác bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của các DTTS là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.

Bài 2 - Nghệ nhân mo Mường và tâm huyết trao truyền di sản

(HBĐT) - "Từ khi được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú”, tôi ý thức sâu sắc rằng vinh dự này phải gắn liền với trách nhiệm. Trách nhiệm của nghệ nhân mo Mường (NNMM) chúng tôi là phải phát huy giá trị của di sản bằng cách gìn giữ và trao truyền cho thế hệ sau. Chỉ khi hoàn thành xong tâm huyết trao truyền di sản, nghệ nhân chúng tôi mới yên lòng về với Mường Ma…” - nghệ nhân Bùi Văn Lựng, xóm Mường Lầm, xã Phong Phú (Tân Lạc) trải lòng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục