Chuyến hải trình tới nhà giàn DK1 có biết bao điều để nhớ, để trân trọng, yêu thương và cảm phục… Tại nhà giàn DK1/15 ở bãi Phúc Nguyên, đoàn đã có lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc…


Clips Lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trên vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.


Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân rước vòng hoa về phía mạn tàu
chuẩn bị cho nghi lễ thả vòng hoa, hoa tươi, hạc giấy.

Ngay đầu giờ sáng, các thành viên chuẩn bị cho lễ tưởng niệm, không khí có phần lắng lại, mặc dù ngoài khơi xa gió lồng lộng thổi, nhiều cột sóng còn tràn qua mặt boong tàu, bọt nước bay trắng. Những người tham gia buổi lễ tay nắm tay, chân đứng hơi rộng để giữ thăng bằng đối đầu với những cơn lắc, ngả nghiêng của tàu do sóng lớn. Những chiến sĩ hải quân tay trong tay, kề vai với các phóng viên báo chí, thành viên đoàn công tác… Ai cũng xúc động, nghẹn ngào...

Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, ngày 5/7/1989, Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam được thành lập. Hơn 34 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ hải quân, trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân, là con em của các tỉnh, thành phố trong cả nước đã gác lại những tình cảm riêng tư để có mặt, làm nhiệm vụ trên các nhà giàn thuộc thềm lục địa phía Nam với muôn vàn khó khăn, gian khổ và khắc nghiệt.

Mỗi câu chuyện, mỗi hồi ức tươi sáng đều có hình bóng dũng cảm và kiên cường của các chiến sĩ hải quân trước những cơn cuồng phong, bão tố. Đêm mồng 4, rạng sáng 5/12/1990, cơn bão số 10 có sức gió giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực Nam biển Đông, nơi có nhà giàn DK1/3 cụm Phúc Tần... Dưới sự chỉ huy của Trung úy, Trạm trưởng Bùi Xuân Bổng và Thượng uý, Trạm phó Chính trị Trần Hữu Quảng, tập thể nhà giàn đã ra sức chống chọi với bão tố. Song trong đêm đen, bão mỗi lúc một mạnh lên, nhà giàn bị quật đổ cuốn trôi cả 8 cán bộ, chiến sĩ xuống biển, 3 đồng chí đã anh dũng hy sinh, đó là: Thượng úy Trần Hữu Quảng, Trạm phó Chính trị; Thượng úy chuyên nghiệp Trần Văn Là (quân y sỹ) và chiến sĩ cơ điện Hồ Văn Hiền. Trong cận kề giữa sự sống và cái chết, Thượng úy Trần Hữu Quảng đã thể hiện nổi bật vai trò của người chỉ huy, động viên, hỗ trợ nhau chống chọi với sóng dữ, anh đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sĩ yếu nhất, để rồi thanh thản đi vào lòng biển khơi.


Vòng hoa được thả xuống biển để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Năm 1998, nhà giàn DK1/6 cụm Phúc Nguyên phải đương đầu với cơn bão số 8 hung dữ và tàn khốc. Nhà giàn bị nghiêng, rung lắc dữ dội... nhưng các chiến sĩ vẫn kiên trì bám trụ, giữ vững thông tin liên lạc với sở chỉ huy, bình tĩnh, dũng cảm, kiên cường chống chọi với những trận cuồng phong giữa đêm đen mịt mùng, với tinh thần "còn người, còn nhà trạm”, quyết bám trụ đến cùng. Khi nhà giàn đổ, 9 cán bộ, chiến sĩ bị hất tung xuống biển. 3 cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp là Đại uý, Trạm trưởng Vũ Quang Chương, Chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng, Chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An đã anh dũng hy sinh. Chuẩn úy Nguyễn Văn An ra đi để lại nỗi đau vô bờ nơi người vợ trẻ và con nhỏ mới chào đời chưa kịp nhìn mặt cha. Chuẩn uý Lê Đức Hồng đã cố gắng đến cùng để giữ vững thông tin liên lạc với Sở chỉ huy Quân chủng. Khi nhà giàn DK1/6 Phúc Nguyên bị đổ anh chỉ kịp gửi lời chào "Vĩnh biệt đất liền” rồi thanh thản ra đi, mãi nằm lại với biển khơi, bồi đắp vững chãi thêm tượng đài chủ quyền giữa biển trời Tổ quốc.

Đó còn là tấm gương dũng cảm của Thượng uý Phạm Tảo, Thượng úy chuyên nghiệp Trần Văn Là, Chuẩn úy Lê Tiến Cường, chiến sĩ Tạ Ngọc Tú, Hồ Văn Hiền, Dương Văn Bắc... đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh, dũng cảm hy sinh thân mình khi thực hiện nhiệm vụ mà không một chút do dự, so đo và suy tính.

Đại tá Trần Hồng Hải, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân khẳng định: Từ trong sâu thẳm lòng mình, toàn thể thành viên đoàn công tác chúng tôi xin nguyện mãi mãi tiếp bước, xứng đáng với niềm tin và lý tưởng của thế hệ đi trước; quyết đem hết sức mình hiến dâng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, với công lao và sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ.


Thành viên đoàn công tác thả những bông cúc vàng rực rỡ để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì biển đảo quê hương.

Nhà văn Nguyễn Thanh Tâm, Tạp chí Văn nghệ Quân đội rưng rưng chia sẻ, như muốn nói thay bao người: "Đây là lần đầu tiên tôi được đến với nhà giàn DK1, được dự Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, tôi rất xúc động. Trước anh linh những người con bất tử của non sông Việt Nam, tôi cảm nhận rất rõ nguồn sức mạnh đang dâng lên trong lòng mình. Đó là sức mạnh của tình yêu Tổ quốc, ý chí quyết tâm giữ vững từng tấc đất, vùng trời, biển, đảo thiêng liêng. Xin kính cẩn nghiêng mình, biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã hoá thân vào dáng hình xứ sở, vào sóng nước quê hương. Cầu cho linh hồn các anh được yên nghỉ và tiếp thêm sức mạnh cho các thế hệ đi sau, gìn giữ non sông đất nước”.

Biển mặn và nước mắt cũng mặn, cay cay bùi ngùi, tiếc thương. Các anh đã hoà mình vào bóng hình sóng nước biển cả, đi vào sử sách và hàng triệu trái tim người con đất Mẹ. Tiếng còi ủ rền giữa biển khơi, bao tấm lòng, những nén hương thơm, những bông cúc vàng rực và những con hạc giấy trắng muốt được gửi tới các anh nơi gió lộng, trùng khơi...

(Còn nữa)


Bùi Huy

Các tin khác


Toả ngát "những bông hoa" lao động giỏi, lao động sáng tạo

Khắp công xưởng, nhà máy tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh sôi nổi không khí thi đua lao động sản xuất những ngày cuối năm. Nhiều sáng kiến hữu ích được ứng dụng vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp (DN). Phong trào thi đua (PTTĐ) "Lao động giỏi - lao động sáng tạo” đã lan tỏa rộng rãi trong công nhân lao động (CNLĐ). Qua đó xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, đóng góp tích cực cho DN.

Chuyện về “người nhái” sông Đà

Sông Đà được khắc họa đậm nét trong tùy bút "Người lái đò sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân. Dòng sông lúc hiền hòa, dịu êm, lúc gắt gỏng thác lũ, lạnh lùng với những vách núi đá sừng sững. Ấy vậy mà có những con người bất chấp nguy hiểm, sẵn sàng chinh phục dòng nước, đó là những "người nhái” sông Đà, những người "lính” thủy điện can trường.

Những “cây đại thụ” trong đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở

Không chỉ tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà những già làng, trưởng bản, người có uy tín (NCUT) trong cộng đồng dân cư vốn được coi là những "cây đại thụ” còn tích cực tham gia đóng góp hiệu quả vào công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) ngay từ cơ sở.

Nhịp sống mới ở khu tái định cư Tuổng Đồi

Sau nhiều cố gắng, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, khu tái định cư (TĐC) Tuổng Đồi, xã Mường Chiềng (Đà Bắc) đã hoàn thành hệ thống hạ tầng điện, đường, trường học... để bàn giao mặt bằng cho các hộ dân chuyển về sinh sống. Từ đây, nhịp sống mới bắt đầu tại khu TĐC này...

Thu hút nhân tài - làm sao để “tuyển đúng, dùng hay”? Bài 3 - Hạt giống tốt phải được gieo trên đất tốt

Người tài vốn như hạt giống tốt, hạt giống tốt gieo trên đất tốt mới đơm hoa, kết trái, nếu gieo trên đất đá sỏi, khô cằn thì sẽ khó phát triển được. Môi trường làm việc chính là "mảnh đất” để người tài "dụng võ”. Tuyển dụng được cán bộ chất lượng cao rồi thì yêu cầu tiên quyết đặt ra là làm sao để người cán bộ đó phát huy được kiến thức, năng lực, sở trường tốt nhất.

Thu hút nhân tài - làm sao để “tuyển đúng, dùng hay”? Bài 2 - Ngành Y tế “khát” nhân lực chất lượng cao

Tỉnh Hòa Bình có gần 90 vạn dân, số bác sỹ/1 vạn dân đạt 9,47 bác sỹ. Tuy nhiên, tỉnh chưa có bác sỹ nội trú (BSNT) nào - thực tế này ảnh hưởng không nhỏ đến nâng cao chất lượng khám, điều trị cũng như củng cố niềm tin của nhân dân đối với các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Trước đòi hỏi bức thiết đó, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đã mạnh dạn thực hiện hỗ trợ ban đầu 150 triệu đồng cho BSNT về công tác tại bệnh viện. Chính sách ưu đãi đặc biệt này đã giúp BVĐK tỉnh và cũng là ngành Y tế tỉnh tuyển dụng được BSNT đầu tiên về công tác. Khát nhân lực chất lượng cao đang là vấn đề nóng đối với ngành Y tế tỉnh nhà mà nguyên nhân chính là do chưa có cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi, sử dụng phù hợp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục