Đối tượng Nguyễn Huy Hoàng (bên trái) và Lưu Văn Dũng sau khi bị cơ quan An ninh điều tra phát hiện, khởi tố về hành vi "Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”.
Tan giấc mơ "việc nhẹ, lương cao”
Mặc dù đã được cơ quan chức năng "giải cứu” kịp thời khi bị các đối tượng lừa đảo chuẩn bị đưa đi XKLĐ để theo đuổi giấc mơ "việc nhẹ, lương cao” nơi Vương quốc Campuchia, nhưng T.Đ.H (SN 2009), trú tại phường Đồng Tiến và P.T.T (SN 2003), trú tại phường Thái Bình (TP Hòa Bình) vẫn chưa hết rùng mình sợ hãi. Bởi trong quá trình làm việc với cơ quan an ninh điều tra, các đối tượng: Nguyễn Huy Hoàng (SN 2004), trú tại phường Tân Thịnh và Lưu Văn Dũng (SN 2003), trú tại phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) khai nhận những người bị bọn chúng dụ dỗ đưa sang Campuchia được quản lý tập trung tại một khu nhà cao tầng, tiếp giáp với khu vực biên giới Thái Lan, do người Trung Quốc làm chủ. Hàng ngày, những người được chủ thuê sử dụng máy tính thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sử dụng tài khoản facebook giả nữ để lừa tiền, lừa nạp tiền chơi game; thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia bằng nhiều hình thức khác nhau trên không gian mạng.
Cũng như T.Đ.H và P.T.T, nghe theo những lời lừa phỉnh, dụ dỗ của Choi Dong Gwan (SN 1960), quốc tịch Hàn Quốc, nguyên là Phó Giám đốc Công ty Queens Vina Holdings, địa chỉ tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) về công việc có mức thu nhập cao gấp hàng chục lần so với ở Việt Nam, nhiều người đã bị "sập bẫy”, lâm vào hoàn cảnh éo le, nợ nần. Theo đó, trong quá trình sinh sống tại Việt Nam, Choi Dong Gwan quen biết và thân thiết với gia đình ông Khà Văn Đ. (SN 1984), trú tại thị trấn Mai Châu (Mai Châu). Lợi dụng mối quan hệ thân thiết, Choi Dong Gwan nói với ông Đ. và người thân của ông Đ. về việc Choi có công ty của người cháu đang xây dựng ở Hàn Quốc, cần người có nhu cầu sang Hàn Quốc lao động với mức lương mỗi tháng từ 50 - 60 triệu đồng/người. Choi còn cho ông Đ. biết thêm về việc hiện cần khoảng 30 người sang Hàn Quốc làm bảo vệ công ty may khẩu trang, độ tuổi từ 22 - 50, mức chi phí khoảng 2.500 USD (tương đương 70 triệu đồng). Người lao động nếu có nhu cầu sang làm công nhân phải nộp mức phí 7.000 USD (tương đương 171 triệu đồng), hàng tháng trừ 10% phí ăn ở tại Hàn Quốc. Thủ tục đưa người sang Hàn Quốc lao động Choi lo toàn bộ như: ký hợp đồng lao động, VISA dạng lao động thời gian làm việc từ 3 - 6 năm tùy theo từng người, tiền vé máy bay, nơi ở bên Hàn Quốc... Sau khi đưa ra những thông tin đó, Choi Dong Gwan nhờ ông Đ. và người thân của ông tìm người có nhu cầu giới thiệu cho Choi, ai muốn đi đăng ký nộp tiền và tự làm hộ chiếu. Bằng hình thức này, Choi Dong Gwan đã nhận 783,4 triệu đồng của một số người dân trên địa bàn huyện Mai Châu và sử dụng chi tiêu cá nhân hết.
Trên thực tế, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều trường hợp người dân "sập bẫy” các đối tượng lừa đảo XKLĐ ôm nợ nần. Như trường hợp của chị Nguyễn Thị V, ở phường Dân Chủ (TP Hòa Bình), sau nhiều năm nỗi cay đắng về cuộc sống chui nhủi khi bị lừa đi XKLĐ bên xứ người vẫn còn ám ảnh chị. Cách đây gần chục năm, chị được người thân giới thiệu đi làm ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất với một viễn cảnh "việc nhẹ, lương cao” khi công việc chỉ là chăm sóc sắc đẹp. Sau khi xoay sở, vay mượn tiền của ngân hàng, người thân, chị V. xuất cảnh với bao hy vọng. Tuy nhiên, khi sang đất khách, những hy vọng về một công việc nhàn hạ, thu nhập ổn định để lo trả nợ cũng như tích cóp sau khi về nước có một số vốn làm ăn tan nhanh như bong bóng xà phòng, khi chị phát hiện mình là lao động bất hợp pháp. "Đâm lao thì phải theo lao”, chị và một số người vừa làm lao động chui, vừa sống chui trong những căn phòng chật hẹp, thiếu thốn. Trong một lần cảnh sát đến truy quét, chị bị bắt và nhốt vào trại tị nạn, sau đó bị trục xuất về nước.
"cạm bẫy” của tội phạm mua bán người
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh rộ lên việc nhiều người khi tham gia mạng xã hội được một số đối tượng gửi thông tin, lời mời hấp dẫn đáp ứng tiêu chí "việc nhẹ, lương cao” tại Campuchia, Philippines. Các đối tượng đưa ra thông báo tuyển dụng nhân viên đi làm việc tại Hotel Outcall Philippines với mức lương từ 20 - 40 nghìn peso (tiền Philippines), tức từ 9 - 18 triệu đồng/ngày, được nuôi ăn, ở tại chung cư 2 người/phòng, có người giúp việc. Hỗ trợ 80% phí khi qua làm trả sau. Theo một trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS), Công an tỉnh, đây thực chất là thông tin lôi kéo hoạt động mại dâm của các đối tượng. Nguy hiểm hơn đây chính là cái bẫy bọn tội phạm mua bán người giăng ra để chờ cho những con mồi tự "nộp mạng”, một khi đã "sập bẫy” hầu như chẳng có ai thoát ra được.
Xuất phát từ thực trạng trên, mới đây, Phòng CSHS đã phát đi cảnh báo về thủ đoạn của tội phạm lừa đảo mua bán người. Theo Thượng tá Nguyễn Văn Vận, Phó trưởng phòng CSHS: Đằng sau những lời mời chào về cơ hội việc làm như "rót mật vào tai” là những cạm bẫy chực chờ người lao động. Sự thật không hề có cái gọi là "việc nhẹ, lương cao” đầy hấp dẫn như các đối tượng đưa ra. Khi người lao động xuất cảnh trái phép sẽ phải đối mặt với những điều khủng khiếp của bọn tội phạm nơi xứ người. Như bị đưa vào các sòng bạc làm việc liên tục từ 15 - 16 tiếng/ ngày, hoặc được giao các công việc liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội; chịu sự quản thúc và thường xuyên bị đánh đập, bóc lột sức lao động. Muốn về buộc phải nộp tiền chuộc thân lên tới cả trăm triệu đồng.
Từ thực tế đó, Phòng CSHS khuyến cáo người dân khi có nhu cầu tìm việc làm cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin về nơi thuê lao động. Liên hệ các đơn vị có chức năng tư vấn, môi giới XKLĐ đãđược Nhà nước cấp phép để được hướng dẫn cụ thể. Không tin, không nghe theo những thông tin của các đối tượng đưa ra để tránh rơi vào "cạm bẫy” của bọn tội phạm lừa đảo, mua bán người.
Mạnh Hùng