Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh về việc xem xét, kiểm tra, rà soát các nội dung liên quan đến công tác quy hoạch, thu hồi đất để thực hiện xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh chùa Hòa Bình tại đồi Ba Vành, thuộc tổ 8, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình (TPHB), ngày 19/1/2024, Sở Xây dựng (SXD) đã tổ chức họp với các sở, ngành, UBND TPHB và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) tỉnh. Sau cuộc họp, các sở, ngành, UBND TPHB đã đưa ra những kiến nghị với UBND tỉnh về việc điều chỉnh quy mô xây dựng chùa Hòa Bình.





Các cơ quan chức năng tỉnh và UBND TP Hòa Bình kiến nghị giảm diện tích xây dựng công trình chùa Hòa Bình tại đồi Ba Vành, thuộc tổ 8, phường Tân Thịnh như hiện trạng đã xây dựng.

Cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt

Như Báo Hòa Bình đã thông tin, do dự án xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh chùa Phật Quang (gọi là chùa Hòa Bình - pV) tại khu vực đồi Ba Vành đã kéo dài hơn 17 năm, ảnh hưởng đến đời sống của người dân nằm trong khu vực quy hoạch thực hiện dự án, gây bức xúc trong nhân dân. Từ thực tế trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng và UBND TPHB tập trung giải quyết nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho nhân dân.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh về việc rà soát, kiểm tra các nội dung liên quan đến công trình này, UBND TPHB và các sở, ngành của tỉnh đã có những động thái tích cực và vào cuộc quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình. Trong đó, UBND TPHB và các sở, ngành đã tổ chức nhiều cuộc họp để xem xét, rà soát, xác định ranh giới quy hoạch tỉnh, quy hoạch phân khu và các quy hoạch có liên quan; việc thực hiện các trình tự, thủ tục về xác định ranh giới, mốc giới giữa diện tích đất đã được đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) để giao cho chủ đầu tư xây dựng công trình và diện tích đất đã quy hoạch nhưng chưa thực hiện GPMB; ranh giới, mốc giới giữa diện tích đất của các hộ dân bị ảnh hưởng; đề xuất nội dung, phương án, trình tự, thủ tục để giải quyết dứt điểm vụ việc. Mới đây, ngày 19/1/2024, SXD đã tổ chức hội nghị đề xuất giải pháp giải quyết các nội dung liên quan đến quy hoạch, thu hồi đất để xây dựng chùa Hòa Bình với sự tham gia của Sở TN&MT, Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh, UBND TPHB và Ban trị sự GHPG tỉnh.

Đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh quy mô xây dựng

Trên cơ sở kết quả hội nghị, ngày 31/1/2024, SXD có Công văn số 354/SXD-QHKT về việc giải quyết nội dung liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình. Theo đó, công văn nêu rõ: Khu văn hóa tâm linh chùa Phật Quang được UBND tỉnh đồng ý chủ trương với diện tích khoảng 12,5ha, gồm: 3ha được UBND tỉnh thu hồi và giao đất tại Quyết định số 1167, ngày 17/5/2007; 2,3ha được UBND tỉnh đồng ý chủ trương thu hồi tại Công văn số 1493, ngày 7/10/2009; 7,2ha được UBND tỉnh đồng ý chủ trương mở rộng tại Công văn số 306, ngày 11/4/2016. Đến nay có 42.796,7m2 đã được bồi thường GPMB, không còn vướng mắc, đủ điều kiện để giao đất; 2.299,8m2 do 2 hộ gia đình, cá nhân hiến tặng chưa được thu hồi; 3.042,8m2 trên hồ sơ đã được bồi thường, hỗ trợ cho 1 hộ gia đình, hiện có 28 hộ gia đình đang sử dụng đất dọc theo đường Nguyễn Văn Trỗi; 3.047m2 vị trí mặt đường Nguyễn Văn Trỗi, hiện trạng trên đất là nhà ở và các công trình phụ trợ của khoảng 47 hộ dân đang sinh sống ổn định. Ban trị sự GHPG tỉnh đã thống nhất điều chỉnh diện tích này ra khỏi phạm vi khu văn hóa tâm linh chùa Phật Quang.

Ngoài các phần đất nêu trên, hiện nay khu vực chùa Hòa Bình còn khoảng 7,4ha chưa GPMB. Qua rà soát của các cơ quan chức năng, trong đó có khoảng 4ha là nhà ở và công trình xây dựng của các hộ dân đang sinh sống ổn định; 3,4ha các hộ dân sử dụng trồng cây cối, không có nhà ở, công trình xây dựng. Từ kết quả rà soát, thống nhất trên, ngày 26/10/2021, UBND tỉnh có Văn bản số 2056/UBND-KTN đồng ý chủ trương xây dựng khu văn hóa tâm linh chùa Phật Quang với diện tích 12,1ha, giảm so với chủ trương ban đầu 12,5ha.

Mặt khác, theo Đồ án quy hoạch chung khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHB đến năm 2035 được UBND tỉnh phê duyệt, khu văn hóa tâm linh chùa Phật Quang được định hướng là đất tâm linh với diện tích khoảng 12,5ha. Tuy nhiên, trong phần diện tích 12,5ha bao gồm cả phần diện tích đất dân cư hiện hữu. Từ đó dẫn đến việc thực hiện công tác GPMB gặp nhiều khó khăn. Theo SXD, sau khi tách phần dân cư hiện hữu ra khỏi ranh giới thì diện tích thuận lợi để xây dựng còn lại là 4,279ha. Ngoài ra, quá trình làm việc với các cơ quan chức năng, Ban trị sự GHPG tỉnh cũng không đưa ra được phương án bố trí kinh phí GPMB và nguồn vốn bố trí khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng...

Từ thực tế trên, SXD đề nghị UBND tỉnh giao Ban trị sự GHPG tỉnh xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ trên diện tích 42.796,7m2 (4,279ha) là phần diện tích đã GPMB. Đối với phần diện tích còn lại chưa GPMB giữ nguyên là đất tâm linh theo Đồ án quy hoạch chung khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHB đến năm 2035.

Đồng quan điểm trên, đồng chí Bùi Quang Điệp, Chủ tịch UBND TPHB kiến nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo điều chỉnh giảm diện tích xây dựng công trình chùa Hòa Bình. Trong đó, xem xét điều chỉnh giảm diện tích chưa thực hiện công tác GPMB và tái định cư (khoảng 76.900m2) tại Văn bản số 1493, ngày 7/10/2009 và số 306, ngày 11/4/2016 của UBND tỉnh, cho các hộ dân dọc tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi thực hiện các quyền sử dụng đất của mình để giảm thiểu việc đơn thư, khiếu kiện kéo dài. Đối với phần diện tích còn lại chưa GPMB giữ nguyên là đất tâm linh theo Đồ án quy hoạch chung khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHB đến năm 2035... Những quan điểm này, về cơ bản cũng đã được các sở, ngành có liên quan đồng tình, thống nhất và cho rằng, đây chính là hướng đi, nội dung quan trọng để giải quyết những vấn đề tồn tại liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình.

Trước những kiến nghị, đề xuất, đồng chí Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tỉnh tiếp tục phối hợp UBND TPHB tập trung rà soát, nghiên cứu các quy định của pháp luật nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc liên quan đến công tác quy hoạch, thu hồi đất để xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại đồi Ba Vành trong thời gian sớm nhất; đảm bảo đúng quy định của pháp luật và quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân.

(Còn nữa)


Vũ Phong

Các tin khác


Sông Đà mùa ngọc bích

Người ta gọi sông Đà là dòng sông mẹ của các dân tộc vùng Tây Bắc. Có một điều đặc biệt mà không nhiều người biết đó là mỗi khi tiết trời độ cuối Thu, không còn con nước lũ tiểu mãn từ thượng nguồn đổ về, con sông Đà hùng vĩ dần chuyển từ cái "lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa” sang màu xanh của ngọc bích. Khi ấy, sông Đà mới bước vào mùa đẹp nhất: mùa ngọc bích.

Tết cổ truyền trong lòng du học sinh

Đối với những du học sinh dù học tập tại đất nước nào thì mỗi khi đến Tết cổ truyền của dân tộc đều hướng về quê hương, mong trở về nhà đoàn tụ cùng gia đình.

Tết đến , Xuân về trên nhà giàn DK1

Sau 9 ngày vượt sóng to, gió lớn với hàng trăm hải lý ngoài trùng khơi, sự cố gắng, mong chờ của đoàn công tác đã được thỏa nguyện: Lên nhà giàn DK1/10 (Vùng 2 Hải quân) ở bãi cạn Cà Mau. Quên hết những mệt mỏi, say sóng cùng một số tiếc nuối của các cuộc "đổ bộ” bất thành nhiều lần trước, chúng tôi đã có được hạnh phúc với những cuộc gặp gỡ bất ngờ: gặp gỡ mùa Xuân trên nhà giàn DK1…

Lặng thầm những dấu chân trên đá

Vốn là người có thâm niên công tác trên vùng đất Mai Châu. Anh đã cùng đồng đội đến những nơi mà không mấy người đến. Ở đâu cũng vậy, anh được coi như người thân ruột thịt. Kể cả khi được điều động về làm Trưởng Công an xã ở nơi "vùng đất khó" Hang Kia (Mai Châu), Trung tá Triệu Văn Thắng vẫn là một "người con của bản Mông”...

Hải trình nhà giàn DK1- Bài ca không quên nơi trùng khơi: Bài 5 - Nhà giàn DK1... không bao giờ là chia tay

Trên hải trình đến nhà giàn DK1, với 15 ngày, vượt qua 2.000 km trên biển cả nơi thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, biết bao trạng thái cảm xúc đan xen, dâng trào... Dù mệt, dù say sóng, nhưng mỗi khi nghe tin "nhà giàn kia rồi”, tất cả các thành viên đều vùng dậy với tâm trạng háo hức, chờ đợi xuống xuồng, lên giàn. Để mỗi lần đến các nhà giàn, câu chuyện về các chiến sĩ hải quân Vùng 2 nói chung và chiến sĩ nhà giàn DK1 cứ nối dài mãi...

 

Hải trình nhà giàn DK1 - Bài ca không quên nơi trùng khơi: Bài 4 - Ấm nồng phía sau người lính nhà giàn DK1

Quân cảng 129, TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) ngày cuối năm nắng ấm, tràn ngập hoa, ánh mắt và nụ cười của người đi về phía biển và người đưa tiễn. Có nhiều niềm vui và cũng có cả những bịn rịn, bùi ngùi… Cuối năm, khi mọi gia đình đều hướng về ngày Tết Nguyên đán sum vầy, đoàn tụ thì cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 phải tạm gác lại nhịp sống thân thương đó để đi làm nhiệm vụ ngoài biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Thời bình rồi đấy, gió đã thôi mang mùi đạn bom nhưng vẫn còn những nhiệm vụ quan trọng khác vì chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Vì thế, cần những cán bộ, chiến sĩ mạnh mẽ, kiên cường đến khơi xa sóng gió. Phía sau họ có bao tâm tư, tình cảm nhưng cũng biết bao ấm nồng tình yêu của đất liền, của hậu phương…    

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục