Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La - nơi được ví như "địa ngục trần gian” do thực dân Pháp xây dựng đã từng giam cầm, đày ải những người yêu nước và chiến sỹ cộng sản. Ngày nay, di tích này là "địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trong cả nước.


Du khách tham quan di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, phường Tô Hiệu, TP Sơn La (Sơn La).

Di tích Nhà tù Sơn La những ngày tháng 5 lịch sử tấp nập người ghé thăm. Phần lớn du khách là các ông bà, chú bác cựu thanh niên xung phong, cựu chiến binh từ khắp mọi miền Tổ quốc trên đường lên Tây Bắc thăm lại chiến trường xưa. Hòa vào dòng người, chúng tôi khám phá từng ngóc ngách ở "địa ngục trần gian”. Xà lim ngầm, xà lim chéo, trại ba gian… tái hiện lại sự tra tấn tàn ác của kẻ thù đối với những chiến sỹ cách mạng. 

Qua lời kể của chị Lò Thủy Tiên, thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh Sơn La, chúng tôi được nghe về sự bi hùng của các chiến sỹ cách mạng bị giam cầm tại đây. Cuối thế kỷ XIX, khi đã thiết lập bộ máy cai trị trên vùng Tây Bắc nước ta, cùng với xây dựng tòa công sứ, nhà giám binh, công sở, thực dân Pháp ráo riết chuẩn bị xây dựng một nhà tù. Đầu năm 1908, thực dân Pháp cho xây dựng nhà tù Sơn La trên đồi Khau Cả (nay thuộc tổ 9, phường Tô Hiệu, TP Sơn La, tỉnh Sơn La). Sau 3 lần xây dựng và mở rộng, nhà tù Sơn La có tổng diện tích 2.170m2 và trở thành "địa ngục trần gian” giam cầm, giết dần, giết mòn tù nhân chính trị và những người Việt Nam yêu nước trong 37 năm tồn tại. Từ năm 1930 - 1945, chúng đã đày lên Sơn La 14 đoàn tù chính trị với 1.013 lượt tù nhân. Trong đó có nhiều nhà cách mạng xuất sắc như: Trường Chinh,   Lê Duẩn, Tô Hiệu, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Trần Huy Liệu, Nguyễn Cơ Thạch…

Không để kẻ thù thực hiện ý đồ thâm độc, các đảng viên nhà tù Sơn La đề ra chủ trương "Đấu tranh không ra Gốc Ổi” (nghĩa là không chờ chết vùi xác nơi nghĩa địa) mà phải sống để chiến đấu, chiến thắng. Từ nhóm đấu tranh đó, chi bộ nhà tù Sơn La được thành lập, đồng chí Tô Hiệu được bầu làm Bí thư. Chi bộ đã âm thầm đấu tranh cho phong trào cách mạng từ năm 1935 - 1939. Ngay giữa chốn lao tù, chi bộ đã biên soạn, xuất bản tờ báo "Suối Reo” (mỗi tháng 2 số), tập hợp các bài viết về nghị luận chính trị, tuyên truyền, thơ, văn, châm biếm… góp phần truyền bá đường lối, chủ trương của Đảng, thắp sáng lý tưởng cách mạng cho các tù nhân và quần chúng yêu nước địa phương. Bên cạnh đó, chi bộ lãnh đạo tù nhân biến nơi tối tăm, chết chóc thành "trường học cách mạng”. Gần 200 cán bộ, đảng viên được bồi dưỡng, rèn luyện và bổ sung cho cách mạng ngay sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp vào tháng 3/1945. Nhà tù        Sơn La được giải phóng sau đó. 

Qua 2 lần bị ném bom nhằm xóa sạch dấu vết tội ác, lần thứ nhất vào năm 1952 khi Pháp rút khỏi Sơn La và lần thứ 2 vào năm 1965, Mỹ đánh phá thị xã Sơn La, nhà tù Sơn La bị tàn phá nghiêm trọng. Bảo tàng Sơn La đã nhiều lần phục chế, san lấp các hố bom, xây lại một số đoạn tường rào, phòng giam, chòi canh… Cùng với những phòng giam được phục chế, gông cùm, xiềng xích, di tích Nhà tù Sơn La vẫn còn lưu giữ một cây đào xanh tốt mọc bên tường xà lim năm xưa, mang tên người chiến sỹ cộng sản Tô Hiệu. Trải qua nhiều trận đánh phá nhưng như có một phép màu kỳ lạ, cây đào Tô Hiệu vẫn như còn nguyên vẹn dù cho nhà tù Sơn La bị phá huỷ gần hết. Cây đào tiếp tục bám rễ, vươn cành, nở hoa mỗi dịp Xuân về như một minh chứng lịch sử, khẳng định sức sống vĩnh hằng, ý chí quật cường, đấu tranh gian khổ của những chiến sỹ cộng sản trung kiên. 

Chị Phạm Thị Nhượng, du khách đến từ huyện Khoái Châu (Hưng Yên) chia sẻ: Qua lời kể của hướng dẫn viên du lịch, chúng tôi vô cùng xúc động và khâm phục, tự hào về những người chiến sỹ cộng sản, dù bị tra tấn, đày đọa dã man, thậm chí bị tước đi mạng sống vẫn một lòng với cách mạng, với Tổ quốc. Càng tự hào hơn khi quê hương Hưng Yên chúng tôi có chiến sỹ cách mạng Tô Hiệu, Bí thư chi bộ nhà tù trong những năm tháng hào hùng ấy. 

Với giá trị lịch sử to lớn, là chứng nhân của phong trào cách mạng từ buổi đầu thành lập Đảng, năm 2014, nhà tù Sơn La được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Nhà tù Sơn La trở thành "địa chỉ đỏ" cho những chuyến về nguồn của thế hệ trẻ các địa phương trong cả nước, luôn nhắc nhở những người trẻ ghi nhớ sự hy sinh của cha ông để giành độc lập cho dân tộc. Sống và học tập, làm theo những tấm gương anh hùng, tiếp tục đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng quê hương, đất nước.


Thu Hằng

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục