Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.
Trung tá Nguyễn Tài Ba cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm hào hùng những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Với trung tá Nguyễn Tài Ba, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là những kỷ niệm không thể nào quên trong những năm tháng chiến đấu, cống hiến xây dựng tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Năm 1964, mang theo lý trưởng, trách nhiệm với quê hương, đất nước, ông xung phong đi bộ đội, được biên chế vào đơn vị mở đường Trường Sơn. Ông kể: Giai đoạn 1964-1969, trên chiến trường rất gian khổ, thiếu thốn đủ bề; một chiếc áo mưa, một đôi giày, chân đất chống lại khí hậu rừng khắc nghiệt; mưa bom, bão đạn của giặc bắn phá bất kể thời gian nào. Song tinh thần bộ đội vẫn rất lạc quan, kiên cường vì mục tiêu tất cả giữ trọng điểm quan trọng, hỗ trợ các đoàn xe chi viện, hành quân vào chiến trường, góp phần làm nên con đường Trường Sơn huyền thoại; trở thành một chiến trường thu hút và tiêu diệt lớn sinh lực địch, góp phần xứng đáng vào đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Đối với ông Dương Văn Chung ở tổ 15, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình), những năm tháng chiến đấu là ký ức gian khổ, hào hùng trên đất lửa Vĩnh Linh. Ban ngày làm nhiệm vụ tăng gia sản xuất, đến 20h qua sông Bến Hải (bến tắt) sang đất Quảng Trị đánh ngụy quân, tiến vào giải phóng sân bay Tà Cơn, dốc Miếu, Gio Linh… Tất cả vì ngày thống nhất đất nước. Năm 1967, khi mới 17 tuổi, ông viết đơn tình nguyện tham gia chiến trường chống Mỹ cứu nước, hành quân trong tâm thế "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”, vượt qua biết bao mưa dầm, gió bấc, thiếu thốn đủ bề, bom đạn, chất hóa học trút xuống hủy diệt. Thời điểm đó là chiến tranh cực kỳ ác liệt, ngày đêm bom gầm, đạn rú, chết hụt rất nhiều lần. Với khí thế tần tốc, bộ đội, các đoàn quân chủ lực của ta đồng loạt tiến vào Sài Gòn tiếp quản các vị trí trọng yếu. Chiến dịch Hồ Chí Minh thành công. Ngày 30/4 lịch sử, Sài Gòn như không ngủ, các đoàn quân đi trong rợp bóng cờ hoa, phấn chấn vì Bắc - Nam đã thống nhất, sum họp một nhà.
Những người lính tham gia kháng chiến chống Mỹ năm xưa nay tuổi đã cao nhưng vẫn đang tiếp tục phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, tích cực lao động sản xuất, gương mẫu trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tham gia xây dựng hệ thống chính trị, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Những năm tháng chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), quân và dân tỉnh Hòa Bình đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Huy động cao nhất sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Lớp lớp thanh niên đất Mường tình nguyện lên đường ra mặt trận. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, toàn tỉnh có 11.460 thanh niên lên đường nhập ngũ, 15.670 lượt thanh niên xung phong tham gia phục vụ chiến đấu ở khắp các chiến trường, trong đó 1.440 gia đình có từ 2 con trở lên đi bộ đội. Ở hậu phương, cùng với cả nước, quân và dân Hòa Bình đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất, hưởng ứng phong trào thanh niên "Ba sẵn sàng", phụ nữ "Ba đảm đang”, nông dân "Tay cày, tay súng”, công nhân "Tay búa, tay súng”, học sinh làm "Nghìn việc tốt chống Mỹ”... góp sức cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân - 30/4/1975, đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Lê Chung