Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.


Cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/10 tại bãi cạn Cà Mau trong buổi chào cờ, khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Quyết tâm đó như thêm lời khẳng định ý chí kiên cường của các chiến sĩ nhà giàn DK1, Tiểu đoàn DK1 anh hùng nói riêng và CB,CS Vùng 2 Hải quân (Bộ Tư lệnh Hải quân) nói chung. 35 năm rồi, kể từ khi cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ được xây dựng tại khu đá ngầm (năm 1989), các chiến sĩ nhà giàn DK1 đã kiên cường bám trụ nơi thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Khu vực biển DK1 cách đất liền chừng 230 - 350 hải lý, phía Đông giáp quần đảo Trường Sa, phía Nam giáp vùng biển Malaysia, Indonesia, phía Tây là khu vực biển quần đảo Côn Sơn và vùng biển Tây Nam của nước ta, có diện tích khoảng 65.551km2. Khu vực có vị trí quan trọng khi án ngữ đường hàng hải quốc tế quan trọng từ Đông Bắc Á xuống Nam Á và tuyến hàng hải chính qua Biển Đông; có vai trò chiến lược trong việc phát triển kinh tế, QP-AN của đất nước.

Qua nhiều thời điểm khác nhau với nhiều thế hệ nhà giàn, đến nay, 15 nhà giàn DK1 như là "chốt tiền tiêu”, "mắt thần” canh giữ biển trời tại các bãi cạn Tư Chính (DK1/11, DK1/12, DK1/14), bãi Phúc Nguyên (DK1/15), bãi cạn Phúc Tần (DK1/2, DK1/16, DK1/17, DK1/18), bãi cạn Quế Đường (DK1/19, DK1/8), bãi cạn Ba Kè (DK1/9, DK1/20, DK1/21), bãi cạn Cà Mau (DK1/10), bãi cạn Huyền Trân (DK1/7). Các thế hệ chiến sĩ nhà giàn DK1 luôn phát huy truyền thống hào hùng của lực lượng hải quân, của nhà giàn, luôn tâm niệm "còn người còn nhà giàn”, bảo vệ chủ quyền vùng biển, thềm lục địa phía Đông và Tây Nam của Tổ quốc. Một thời, CB,CS thế hệ nhà giàn cũ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, hiểm nguy: bão tố cuồng phong, những con sóng dữ cao 13 - 15m với sức tàn phá khủng khiếp; điều kiện ăn ở thiếu thốn (không có sóng điện thoại, thiếu điện thắp sáng, sinh hoạt, nước ngọt, rau xanh...). Bão tố đã từng quật đổ, nhấn chìm 5 nhà giàn, 1 tàu trực và 9 CB,CS đã vĩnh viền nằm lại trong lòng biển khơi...

Hôm nay đây cuộc sống, sinh hoạt và chiến đấu của CB,CS nhà giàn DK1 đã có nhiều thay đổi. Trên nhà giàn đã có sóng điện thoại, ti vi, radio, bàn bóng bàn, máy tập thể hình... Ở mỗi vị trí công tác (pháo thủ, báo vụ, cơ điện, rada...), mỗi người đều nỗ lực, khẳng định được sức mạnh của mình trong một tập thể kiên cường. Nếu chỉ nhìn gương mặt hiền hiền và nụ cười nhẹ nhàng của Trung úy Đoàn Thanh Liêm (SN 1997), quê ở huyện Châu Thành (Tiền Giang) chắc nhiều người lầm tưởng đây là chiến sĩ mới, chất "thư sinh” còn đậm trong người. Thế nhưng đằng sau vẻ bề ngoài đó là một ý chí mạnh mẽ. Năm 2023, anh đã từng công tác tại bãi cạn Tư Chính. Sau 3 tháng ở đất liền, anh lại sẵn sàng nhận công tác tại vùng biển quen thuộc: nhà giàn DK1/12 với vai trò Phó chỉ huy nhà giàn. Điều đáng nói, với lần nhận nhiệm vụ mới này, anh tạm gác lại đám cưới với 1 nữ dược sĩ để ra nhà giàn lần thứ 2 liên tiếp. Anh chia sẻ: "Tất nhiên cá nhân tôi, vợ sắp cưới và hai bên nội ngoại có chút tâm tư, nhưng khi hiểu được tầm quan trọng về công việc của tôi nơi tiền tiêu Tổ quốc, mọi người đều thông cảm và chia sẻ. Tôi xác định được nhận nhiệm vụ nơi tiền tiêu của Tổ quốc là niềm vinh dự, tự hào. Tôi sẽ nỗ lực hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao để không phụ lòng tin của cấp trên và người thân; cùng đồng đội sẵn sàng chiến đấu, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc vùng biển Tổ quốc”.

Trên gương mặt dạn dày sóng gió của Thiếu tá Phạm Văn Sinh, Chính trị viên nhà giàn DK1/10 luôn có nụ cười khiến các chiến sĩ trẻ như được tiếp thêm động lực vượt qua khó khăn. Đồng thời họ còn học thêm ở anh "tinh thần thép” khi biết vượt qua những éo le của hoàn cảnh. Anh Sinh ra nhà giàn từ tháng 3/2023. Trên đường hành quân, đến bãi Tư Chính thì được tin bố mất. Dẫu vậy anh vẫn nén lòng, không để sự bi lụy chi phối công tác ở nhà giàn, vẫn là điểm tựa tinh thần, tư tưởng cho chiến sĩ nhà giàn. Cũng nơi đây, có cán bộ, chiến sĩ từng làm nhiệm vụ ở 10 nhà giàn khác nhau, đến DK1/10 là nhà giàn thứ 11 nhưng vẫn vẹn nguyên bầu nhiệt huyết vì nhiệm vụ…

Đại tá Trần Hồng Hải, Phó Chính ủy Vùng 2 Hải quân khẳng định: "Các thế hệ CB,CS nhà giàn DK1 đã vượt lên khó khăn, thử thách của mọi hoàn cảnh bằng sức mạnh tinh thần và nghị lực rất đáng trân trọng. Họ đã tạm gác tình cảm riêng tư để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ Tổ quốc”.

Đại úy Nguyễn Văn Phúc, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/12; Đại úy Nguyễn Công Hiệu, Chỉ huy phó nhà giàn DK1/10; Đại úy Đinh Xuân Phơn, Chính trị viên nhà giàn DK1/14; Thượng úy Nguyễn Phùng Hải (DK1/10), Thiếu tá Lê Ngọc Tuấn, Chính trị viên nhà giàn DK1/15, Thiếu tá Bùi Văn Thọ (DK1/10), Đại úy Phạm Tiến Dũng (DK1/14)... những tâm tư, nghị lực của mỗi CB,CS ở các nhà giàn đã làm dày thêm truyền thống anh hùng, chất "thép” các nhà giàn.

Bùi Huy

Các tin khác


Đường Trường Sơn huyền thoại

Những ngày tháng 5 lịch sử, trong không khí hào hùng kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn mở đường (19/5/1959 - 19/5/2024), Trung tá Nguyễn Tài Ba, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Hòa Bình lại cùng đồng đội ôn lại quãng thời gian được cống hiến, hy sinh, những ngày hành quân mở đường, giữ đường, đánh địch, bảo vệ huyết mạch giao thông để bộ đội ta chi viện cho tiền tuyến, giải phóng miền Nam.

Nhà tù Sơn La - “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng

Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La - nơi được ví như "địa ngục trần gian” do thực dân Pháp xây dựng đã từng giam cầm, đày ải những người yêu nước và chiến sỹ cộng sản. Ngày nay, di tích này là "địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trong cả nước.

Gặp gỡ chiến sỹ Điện Biên

Các cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ nay đều ở tuổi xưa nay hiếm. Nhưng với họ, thanh xuân hào hùng của một thời hoa lửa và ký ức về những ngày tháng gian khổ mà rất đỗi tự hào năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí.

Gặp gỡ cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

70 năm đã trôi qua nhưng ký ức, kỷ niệm về tháng ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh Lý Văn Ngoan (ảnh), hiện sinh sống tại thôn Đồng Tiến, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy.

Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục