Tại Hội nghị lần thứ 16, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh khóa XVII được tổ chức ngày 25/6, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) tiếp tục được đưa ra với chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy: Yêu cầu đẩy mạnh giải ngân trong các tháng cuối năm, đảm bảo giải ngân hết nguồn vốn được giao năm 2024. Nhất định không được để các dự án đầu tư công (ĐTC) trở thành điểm nghẽn trong phát triển KT-XH.


Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu đến cuối năm 2024 hoàn thành dự án đường từ quốc lộ 6 đến khu công nghiệp Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn.

Chỉ đạo quyết liệt nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công

Trước tình hình tỷ lệ giải ngân VĐTC các tháng đầu năm đạt thấp, BTV Tỉnh ủy yêu cầu phân tích kỹ nguyên nhân, trên cơ sở đó quyết liệt tháo gỡ vướng mắc để phấn đấu giải ngân hết nguồn kế hoạch được giao năm 2024. Theo chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy, hệ thống chính trị toàn tỉnh tiếp tục thống nhất hành động, tổ chức hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh giải ngân gắn với đảm bảo hiệu quả sử dụng VĐTC. Kết quả giải ngân là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, xếp loại thi đua năm 2024 đối với tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên trên địa bàn tỉnh.

Như đã đề cập, từ đầu năm đến nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn sát sao chỉ đạo việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án ĐTC, xác định đẩy mạnh giải ngân VĐTC là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2024. Tại Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, những tồn đọng trong câu chuyện giải ngân VĐTC tiếp tục được đưa ra thảo luận nhằm thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp sẽ tập trung thực hiện trong 6 tháng cuối năm. Theo đó, toàn tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các nghị quyết của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân VĐTC, nhất là 3 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024, Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, các dự án trọng điểm của tỉnh.

Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh có giải pháp đôn đốc cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, nhất là trách nhiệm người đứng đầu đối với các dự án trọng điểm của tỉnh; báo cáo BTV Tỉnh ủy để tạm đình chỉ, chuyển công tác các vị trí không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Nhấn mạnh quyết tâm không để các dự án ĐTC trở thành điểm nghẽn trong phát triển KT-XH, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao nhiệm vụ khởi công đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu vào ngày 2/9/2024; khởi công đường Hòa Lạc - Hòa Bình giai đoạn II (đoạn Km19+00 – Km40+750) trong quý IV/2024. Đồng thời chỉ đạo nâng cao chất lượng lựa chọn nhà đầu tư gắn với việc thực hiện rà soát, thu hồi các dự án chậm triển khai, không triển khai, dự án có dấu hiệu giữ đất, chờ cơ hội để chuyển nhượng, dự án vi phạm quy định của pháp luật.

Đẩy mạnh giải ngân, khơi thông nguồn lực

Ghi nhận quyết tâm của huyện Đà Bắc - địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác giải ngân VĐTC năm 2024, lãnh đạo UBND huyện cho biết, đến ngày 31/5, huyện mới giải ngân đạt khoảng 10,56% kế hoạch được giao năm 2024. Trong đó, nguồn tỉnh quản lý, giao UBND huyện làm chủ đầu tư giải ngân đạt 19%. Vì kết quả 5 tháng đầu năm đạt thấp nên quyết tâm được dồn vào các tháng cuối năm. Huyện đang tích cực triển khai các nhóm giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân với tinh thần không để lãng phí nguồn lực và đảm bảo hiệu quả thực hiện các dự án ĐTC trên địa bàn.

Còn đối với Sở KH&ĐT - cơ quan thường trực của Tổ công tác thúc đẩy giải ngân VĐTC tỉnh. Phát huy tốt vai trò, Sở định kỳ tổng hợp kết quả giải ngân VĐTC, báo cáo và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân. Vào cuối tháng 5/2024, Sở gửi công văn tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các Ban quản lý dự án chuyên ngành của tỉnh và chủ đầu tư thực hiện đồng bộ 5 nhóm giải pháp, phấn đấu đạt tiến độ giải ngân VĐTC theo các mốc thời gian: Đến ngày 30/9/2024, giải ngân đạt 70% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao; đến ngày 30/11/2024 đạt 90%; đến ngày 31/01/2025 đạt 100%. Theo Sở KH&ĐT, cần tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo sát sao hơn nữa các đơn vị có liên quan để thúc tiến độ từng dự án, đảm bảo giải ngân hiệu quả trong các tháng cuối năm.

Trên phạm vi toàn tỉnh, nhằm đẩy mạnh giải ngân gắn với đảm bảo hiệu quả sử dụng VĐTC, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chủ quản khẩn trương rà soát vướng mắc để kịp thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền; yêu cầu các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư nghiêm túc nhìn nhận những khó khăn, tăng cường phối hợp để triển khai các biện pháp tháo gỡ. Trong đó, tập trung tháo gỡ vướng mắc trong công tác GPMB, định giá đất; sớm hoàn thành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa; kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án trong từng nguồn vốn nhằm tập trung vốn cho dự án có khả năng giải ngân và cần đẩy nhanh tiến độ. Riêng đối với các dự án gặp vướng mắc chưa thể triển khai giải ngân ngay hoặc dự án đã hoàn thành không sử dụng hết kế hoạch vốn được giao, Sở KH&ĐT đã báo cáo UBND tỉnh thực hiện điều chỉnh kế hoạch VĐTC năm 2024 với tổng số vốn là 65,6 tỷ đồng.

Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn năm 2023 chuyển sang thực hiện năm 2024, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo giải ngân 100% số vốn đã được chuyển nguồn. Các chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong trường hợp không đáp ứng tiến độ giải ngân và bị cắt, điều chuyển vốn về Trung ương.

Nhấn mạnh mục tiêu đến ngày 31/1/2025 giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao năm 2024, đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác thúc đẩy giải ngân VĐTC tỉnh cho biết: Để hoàn thành mục tiêu, cần quyết tâm chính trị rất cao và triển khai các nhóm giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Thách thức lớn nhất là 3 nhóm dự án đang có nhiều khó khăn, vướng mắc. Một là nhóm các dự án thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, vì đang còn những bất cập nên tỷ lệ giải ngân rất thấp. Hai là nhóm dự án ODA, liên quan đến các nhà tài trợ, chúng ta cần cố gắng phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, nhà tài trợ thì mới có thể hiện thực hóa được mục tiêu giải ngân. Đặc biệt, thứ ba là nhóm dự án giao thông trọng điểm, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng VĐTC toàn tỉnh nhưng đồng thời có tỷ lệ giải ngân rất thấp, như dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, các dự án liên vùng... Nhóm dự án này đang thực hiện thủ tục pháp lý liên quan các bộ, ngành nên chưa đẩy nhanh được tiến độ chuẩn bị đầu tư và chuẩn bị triển khai thi công. Thời gian tới cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, tập trung công tác giải phóng mặt bằng để khi đấu thầu đơn vị thi công thì có sẵn, có đủ mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công, quyết tâm hấp thụ tốt số vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao trong niên hạn.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho từng sở, ngành chức năng và quán triệt việc hoàn thành giải ngân kế hoạch VĐTC là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 của Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố là chủ đầu tư dự án; yêu cầu các chủ đầu tư quyết liệt triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giải ngân VĐTC. Với quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc đồng bộ, toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân VĐTC năm 2024, khơi thông các nguồn lực đầu tư để tạo đà phát triển mạnh mẽ cho năm 2025 - năm có ý nghĩa "về đích” đối với Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021 - 2025), góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

 

Thu Trang

Các tin khác


Vì sao người đàn ông tàn tật gửi đơn kêu oan suốt 17 năm?!


Bài 3 - Có hay không việc ông Miễn được cấp thửa đất khác? 

 Một trong những căn cứ các cơ quan chức năng "bám” vào để kiến nghị UBND tỉnh giải quyết vụ việc bằng Quyết định số 1175/QĐ-UBND, ngày 18/5/2007 (thu hồi và hủy Quyết định số 2192/QĐ-UBND, ngày 3/12/2003), đó là việc năm 1977, gia đình ông Đinh Văn Miễn đã được Hợp tác xã (HTX) Côm - Trác - Vượng cấp đất thổ cư ra mặt đường 12b, thể hiện trên bản đồ là thửa đất số 46 để làm căn cứ thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tại thửa đất số 43a, diện tích 52,8m2 cấp cho hộ ông Miễn vì đã cấp trùng lên diện tích đất hộ ông Phẩm đang sử dụng. Tuy nhiên, tại một số hồ sơ, tài liệu chúng tôi thu thập được thì các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện xác định đây là việc không có thật.

Vì sao người đàn ông tàn tật gửi đơn kêu oan suốt 17 năm?!

Bài 2 - Quyết định sau "đè” quyết định trước, dân ấm ức kêu oan 

 Sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1175/QĐ-UBND, ngày 18/5/2007 thu hồi và hủy Quyết định số 2192/QĐ-UBND, ngày 3/12/2003. Cho rằng Quyết định số 1175/QĐ-UBND giải quyết không đúng bản chất vấn đề; các nội dung trong báo cáo của Ban quản lý (BQL) xóm Thịnh Vượng, xã Lạc Thịnh (Yên Thủy) tại cuộc họp ngày 22/2/2006 không đúng sự thật dẫn đến việc oan sai, suốt 17 năm qua, ông Đinh Văn Miễn đã gửi đơn kêu oan đi khắp nơi mong cầu được làm rõ tận gốc rễ vấn đề.

Vì sao người đàn ông tàn tật gửi đơn kêu oan suốt 17 năm?!

Bài 1 - Vì 50 mét vuông đất, mất hết tình làng, nghĩa xóm

Mặc dù UBND tỉnh đã ban hành thông báo về việc "chấm dứt giải quyết khiếu nại” đối với đơn thư của ông Đinh Văn Miễn, trú tại xóm Thịnh Vượng, xã Lạc Thịnh (Yên Thủy). Tuy nhiên, cho rằng các cơ quan chức năng đã giải quyết nội dung khiếu nại của mình còn nhiều uẩn khuất, chưa thỏa đáng nên suốt từ năm 2007 đến nay, ông Miễn đã làm đơn gửi đi khắp nơi, trong đó có Báo Hòa Bình đề nghị thông tin, làm rõ...

Nơi vang vọng khúc tráng ca bất tử của Đại đội thanh niên xung phong 915

Trong chuyến về nguồn tại tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi có dịp viếng thăm một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng - Khu di tích lịch sử quốc gia "Địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong (TNXP) Đại đội 915 hy sinh vào tháng 12/1972” (Khu di tích 915) tại ga Lưu Xá, nay thuộc phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Nơi đây lưu giữ những chứng tích tội ác chiến tranh mà đế quốc Mỹ đã gây ra trên đất nước ta, cũng là nơi viết nên bản hùng ca bất tử của 60 TNXP Đại đội 915 thuộc Đội 91 tỉnh Bắc Thái.

Đồng bộ các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số cải cách hành chính: Bài 2 - Nhìn thẳng vào hạn chế, từng bước nâng thứ hạng

Trên cơ sở đánh giá toàn diện kết quả chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại, UBND tỉnh đã đưa ra các giải pháp, mục tiêu phấn đấu nâng chỉ số PAR Index năm 2024 xếp hạng cao hơn năm 2023, từng bước cải thiện vị trí những năm tiếp theo.

Đồng bộ các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số cải cách hành chính: Bài 1 - Kinh nghiệm từ đơn vị dẫn đầu chỉ số cải cách hành chính

Năm 2023, Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh đạt 86,76%, tăng 0,46% so với năm 2022 nhưng giảm 12 bậc theo thứ tự xếp hạng. Xác định CCHC là nhiệm vụ lớn, ngoài sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo (BCĐ) CCHC tỉnh, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, huyện, thành phố tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để cải thiện, nâng cao chỉ số CCHC năm 2024 và những năm tiếp theo. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục