Hòa Bình là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Tự hào và tiếp nối giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương, lực lượng thanh niên trong tỉnh đã và đang khẳng định vai trò, trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ 4.0 cũng gặp không ít khó khăn, thách thức.
Hòa Bình có nhiều dân tộc cùng sinh sống như Mường, Kinh, Thái, Dao, Tày, Mông, trong đó, dân tộc Mường chiếm gần 64%. Mỗi dân tộc có phong tục tập quán, tín ngưỡng, các giá trị di sản về văn học nghệ thuật, ngôn ngữ, chữ viết, tri thức dân gian, trang phục truyền thống đặc sắc… Tỉnh là nơi có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng thế giới - cái nôi của người Việt cổ, là vùng đất giàu tiềm năng thiên nhiên và có truyền thống cách mạng.
Trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) được tỉnh quan tâm chỉ đạo. Các cấp, ngành đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành, chỉ đạo triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch về lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh, tập trung đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn, phát triển văn hóa vùng đồng bào DTTS; trong đó, đặc biệt là Quyết định số 2742/QĐ-UBND, ngày 24/11/2023 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền Văn hóa Hòa Bình giai đoạn 2023 - 2030.
Trong giai đoạn 2016 - 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo tiến hành sưu tầm, nghiên cứu, tổ chức lập hồ sơ các di sản: "Mo Mường Hòa Bình”; "Nghệ thuật chiêng Mường Hòa Bình”; "Tập quán và tín ngưỡng Keeng Loóng của người Thái, huyện Mai Châu”; "Tri thức dân gian lịch Đoi (lịch tre) dân tộc Mường” và "Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình” trình Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hàng năm, trên địa bàn tỉnh duy trì tổ chức 63 lễ hội dân gian truyền thống các dân tộc. Tổ chức các lớp truyền dạy, bồi dưỡng bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình cho đội ngũ cán bộ, giáo viên cốt cán dạy và học chữ dân tộc Mường; tổ chức gần 50 lớp truyền dạy các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh (nghệ thuật chiêng Mường; kết cấu và cách dựng nhà sàn người Mường; nghệ thuật hát thường đang, bộ mẹng…). Mở hơn 100 lớp dạy chữ dân tộc Thái, Tày, Dao, Mường cho các nghệ nhân, cán bộ, công chức văn hóa - xã hội tại cơ sở. Đẩy mạnh hoạt động trình diễn các loại hình dân ca, dân vũ, âm nhạc truyền thống thông qua lễ hội dân gian của các dân tộc hàng năm…
Đồng chí Nguyễn Duy Tư, Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết: Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã ban hành Kế hoạch số 147, ngày 11/7/2024 về thực hiện Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền Văn hóa Hòa Bình giai đoạn 2023 - 2030 trong hệ thống Đoàn Thanh niên tỉnh và triển khai đến 100% cơ sở đoàn. Hướng dẫn, chỉ đạo 100% các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Chỉ đạo các huyện, thành đoàn và đoàn trực thuộc thành lập fanpage để đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Hiện nay, các cấp bộ đoàn đã lập 1 website, 165 trang fanpage thường xuyên đăng tải tin, bài về công tác xây dựng văn hoá, bản sắc dân tộc, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên quan tâm, hưởng ứng.
Cùng với đó, tuổi trẻ toàn tỉnh đã tiên phong, sáng tạo ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng, triển khai gắn mã QR các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, nhằm cung cấp thông tin, thuyết minh tự động trong quảng bá văn hóa, du lịch cho người dân và du khách. Tổ chức diễn đàn "Tuổi trẻ Hòa Bình với nhiệm vụ chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên số” nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên về vị trí, vai trò của văn hóa, sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay gắn với nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Có thể nói, trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung và của Đoàn Thanh niên nói riêng đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong giới trẻ hiện nay gặp không ít khó khăn, thách thức. Hoà Bình là tỉnh có phần lớn dân số là DTTS đã tạo ra bức tranh đầy màu sắc về văn hoá dân tộc. Nhưng trước tác động của nền kinh tế thị trường, sự bùng nổ của Cách mạng công nghệ 4.0 đã tác động sâu sắc và mạnh mẽ đến thanh, thiếu niên, trong đó có việc giữ gìn, phát huy truyền thống văn hoá dân tộc. Văn hoá dân tộc, những yếu tố truyền thống dần bị mai một, nhiều bạn trẻ ở khu vực thành thị và cả nông thôn không nói được tiếng dân tộc, không biết và không thích tìm hiểu về văn hoá dân tộc mình.
Bên cạnh đó, đa phần giới trẻ dành phần lớn thời gian cho mạng xã hội, giải trí trên điện thoại thông minh, máy tính, ít quan tâm đến các loại hình văn hóa, nghệ thuật DTTS như trang phục truyền thống, các đạo cụ, nhạc cụ dân tộc, điệu múa, làn điệu dân ca… Từ đó dẫn đến một số loại hình văn hoá nghệ thuật dân tộc dần mai một và ít nhận được sự quan tâm của giới trẻ. Mạng xã hội bên cạnh những lợi ích tích cực còn có rất nhiều tiêu cực gây nhức nhối hiện nay như: Lợi dụng mạng xã hội để bôi nhọ danh dự của người khác, quay trend đi ngược với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam, xuất bản những video sai lệch về đạo đức làm cho giới trẻ có suy nghĩ sai lệch...
Mặt khác, để giáo dục về truyền thống dân tộc, lịch sử, văn hoá nơi mình sinh ra và lớn lên cần phải giáo dục ngay từ khi còn nhỏ và ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng hiện nay, các chương trình, hoạt động ngoại khoá ở trường học về tìm hiểu văn hoá đã được triển khai nhưng chưa được lan toả sâu rộng. Trên địa bàn tỉnh có nhiều di tích lịch sử cách mạng, di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh được xếp hạng. Tuy nhiên, việc đầu tư tôn tạo vẫn chưa quy mô, có sức thu hút để phục vụ công tác giáo dục truyền thống và giới thiệu vẻ đẹp quê hương tại các chương trình thực tế, tìm về địa chỉ đỏ cho học sinh, dẫn tới hầu hết các trường học đều cho học sinh đi thực tế, tham quan dã ngoại tại Hà Nội và các tỉnh lân cận...
Để phát huy được vai trò của thanh niên trong xây dựng văn hóa, con người Hoà Bình đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, các cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của thanh niên, từ đó nghiên cứu, đề xuất những giải pháp, dự án, đề án phát triển thanh niên; quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy thanh niên tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa. Cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là tổ chức đoàn tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho thanh niên về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hoà Bình trong giai đoạn mới...
Trao đổi tại Chương trình đối thoại với thanh niên năm 2024 với chủ đề "Thanh niên tỉnh Hoà Bình chung tay xây dựng văn hoá, bản sắc dân tộc đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện, bền vững”, đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Trên địa bàn tỉnh, thanh niên là lực lượng lao động giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển chung của tỉnh. Đây là lực lượng lao động đông đảo, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tiếp cận nhanh với công nghệ, sự đổi mới tích cực. Chính vì vậy, thanh niên là lực lượng đóng vai trò quan trọng, tiên phong trong việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Hoà Bình đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh hy vọng thanh niên tỉnh Hoà Bình phát huy tốt vai trò trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hoà Bình; tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động và thực hiện để đưa các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam nói chung và văn hóa, con người Hoà Bình nói riêng vào cuộc sống. Đặc biệt thực hiện có hiệu quả việc giáo dục lý tưởng cách mạng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho thanh niên, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...
Ứng dụng công nghệ thông tin vào bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phù hợp với giới trẻ
Lưu Huy Linh,
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL
Thực tế hiện nay, lực lượng thanh niên ở các vùng nông thôn trên địa
bàn tỉnh đến tuổi trưởng thành chủ yếu đi làm trong các khu công nghiệp, sinh
sống ở các thành phố lớn, khu vực đô thị. Học sinh, sinh viên dễ tiếp cận với
mạng xã hội, giải trí trên điện thoại thông minh, máy tính, các loại hình văn
hóa mới, trong khi thời gian rỗi thiếu các khu vui chơi giải trí, không còn
không gian văn hóa của cộng đồng dân tộc mình. Từ đó dẫn đến một số loại hình
văn hóa nghệ thuật dân tộc bị mai một, ít nhận được sự quan tâm của giới trẻ.
Trước thực trạng này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành, triển khai thực
hiện nhiều văn bản về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc.
Thực hiện chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến
năm 2030, tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số, xây dựng hệ thống
cơ sở dữ liệu về các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các dân tộc
Hòa Bình trên nền tảng công nghệ số. Đồng thời tranh thủ sự phát triển của
công nghệ thông tin, áp dụng thành tựu kỹ thuật số trong công tác lưu giữ, bảo
tồn và phát huy các di sản văn hóa, loại hình nghệ thuật truyền thống các dân
tộc. Qua đó tuyên truyền, phổ biến và giới thiệu cho thế hệ trẻ tự hào về giá
trị đặc sắc của văn hóa nghệ thuật dân tộc mình, có ý thức bảo tồn các loại
hình văn hóa truyền thống trong sinh hoạt cộng đồng và cuộc sống hàng ngày.
Quan tâm giáo dục lịch sử địa phương cho học sinh
Nguyễn Quang Minh,
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT
Để giáo dục về lịch sử, văn hoá địa phương, đưa lịch sử, văn hóa đến
gần hơn với thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường,
UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành GD&ĐT triển khai thực hiện nghiêm túc hướng dẫn
của Bộ GD&ĐT về thực hiện nội dung giáo dục địa phương. Theo đó, từ năm học
2015 - 2016, học sinh THCS, THPT được học các nội dung về văn hóa, ngôn ngữ,
tác phẩm văn học sáng tác về đề tài địa phương hay lịch sử tỉnh Hòa Bình, dân
ca các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hòa Bình… lồng ghép trong các môn học Ngữ
văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Công nghệ… với phương pháp giảng dạy
trên lớp kết hợp với tham quan thực tế, sưu tầm tư liệu, ngoại khóa nhằm tạo
hứng thú học tập, nâng cao hiểu biết về văn hóa, lịch sử địa phương cho học
sinh.
Đối với chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nội dung giáo dục địa
phương là môn học bắt buộc thực hiện xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12. Qua việc
trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý,
kinh tế - xã hội, trải nghiệm - hướng nghiệp trong tài liệu giáo dục phổ
thông giúp bồi dưỡng học sinh tình yêu quê hương, đất nước, tìm hiểu và vận dụng
những điều đã học để góp phần bảo vệ, bảo tồn những giá trị văn hóa của cộng
đồng các dân tộc, góp phần xây dựng văn hóa, đạo đức học sinh.
Đa dạng hoạt động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Bùi Huyền Thương,
Xã Hợp Tiến (Kim Bôi)
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp và các sở, ngành chức
năng của tỉnh đã chú trọng triển khai truyền dạy các di sản văn hóa truyền thống
cho thế hệ trẻ. Việc ngày càng nhiều bạn trẻ biết và thực hành văn hóa truyền
thống cho thấy việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống thông
qua hoạt động văn hóa văn nghệ tại địa phương, nhà trường đang là hướng đi
mang lại hiệu quả, cần được nhân rộng.
Thời gian tới, chúng tôi mong muốn các cấp, ngành tiếp tục đẩy mạnh
tuyên truyền, huy động mọi nguồn lực để tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ
dân gian, truyền dạy văn hóa truyền thống. Giáo dục, định hướng thế hệ trẻ
thông qua truyền thống gia đình, cộng đồng dân cư và niềm tự hào về quê
hương, đất nước. Từ đó xây dựng, bồi đắp nhân cách cho thế hệ trẻ, hướng họ tới
lối sống lành mạnh, sống có tình nghĩa, có trách nhiệm với bản thân, gia đình
và xã hội. Phát huy vai trò của gia đình, kết hợp với nhà trường và toàn xã hội
để vun đắp, nuôi dưỡng, tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho sự hình thành
giá trị đạo đức tốt đẹp và xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại trong thế hệ
trẻ.
|
Hương Lan