Trường mầm non xã Lạc Sỹ (Yên Thuỷ) quan tâm xây dựng môi trường giáo dục gắn với bản sắc văn hóa dân tộc cho trẻ.
Giáo dục giá trị truyền thống cho thế hệ trẻ
Là người con sinh ra và lớn lên ở vùng đất cổ Mường Vang - Lạc Sơn, hiện công tác ở Thủ đô Hà Nội nhưng chị Bùi Hương Giang luôn tự hào về truyền thống quê hương. Chị Giang tâm sự: Là người con dân tộc Mường, tôi luôn tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Người dân quê tôi chân chất, thật thà. Tình làng, nghĩa xóm luôn gắn kết, bền chặt. Dù đi đâu, công việc bận rộn, nhưng anh, chị, em trong gia đình đều dành thời gian trở về quê vào ngày lễ, Tết, việc xóm, gia đình...
Công tác giáo dục, xây dựng con người phát triển toàn diện được tỉnh chú trọng từ lớp học sinh ngồi trên ghế nhà trường. Thuộc xã vùng sâu của huyện Yên Thuỷ, cô và trò Trường mầm non Lạc Sỹ, xã Lạc Sỹ đã xây dựng thành công mô hình "Xây dựng môi trường giáo dục gắn với bản sắc văn hóa dân tộc địa phương cho trẻ trong trường mầm non”. Thăm khuôn viên nhà trường, chúng tôi được trải nghiệm góc truyền thống văn hóa dân tộc với nếp nhà sàn, những đồ dùng, dụng cụ đặc trưng của người Mường như khung dệt thổ cẩm, góc "Văn hóa ẩm thực”, "Trang phục văn hóa dân tộc”. Giáo viên đã sưu tầm, sáng tạo làm tranh truyện chữ to các truyện: Sự tích nhà sàn, Ông Đùng bà Đoàng, Đẻ đất đẻ nước… đưa vào chương trình dạy trẻ. Khu vui chơi cho trẻ với các trò chơi dân gian được bài trí khoa học, các em có thể vui nhảy sạp, đi cà kheo, tham gia trò chơi dân gian như ném còn, nhảy tích tắc, ô ăn quan… Qua đó mang lại hiệu quả giáo dục cao, giúp trẻ hào hứng, vui tươi khi trải nghiệm những giá trị văn hóa dân tộc Mường được tái hiện chân thực, sinh động. Nhà trường đã phát động tới 100% phụ huynh về việc trang bị cho trẻ bộ trang phục dân tộc Mường mặc vào dịp lễ và thứ Hai hằng tuần. Đến nay, 100% học sinh có đủ trang phục dân tộc.
Đồng chí Nguyễn Quang Minh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Xác định giáo dục giá trị văn hoá là nhân tố quan trọng giúp học sinh, sinh viên (HSSV) hình thành và phát triển nhân cách, giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm với đất nước, cộng đồng, gia đình và bản thân, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế. Bám sát các nghị quyết, kế hoạch của Trung ương và của tỉnh, Sở GD&ĐT đã ban hành kịp thời các văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục bám sát nhiệm vụ trọng tâm của năm học, xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả theo hướng phù hợp với tâm lý lứa tuổi HSSV, điều kiện thực tế của từng đơn vị.
Để giáo dục về lịch sử, văn hoá địa phương, đưa lịch sử, văn hoá đến gần hơn với thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành GD&ĐT triển khai thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về thực hiện nội dung giáo dục địa phương (GDĐP). Theo đó, từ năm học 2015 - 2016, học sinh THCS, THPT được học các nội dung về văn hóa, ngôn ngữ, tác phẩm văn học sáng tác về đề tài địa phương hay lịch sử tỉnh Hòa Bình, dân ca các dân tộc trên địa bàn tỉnh… lồng ghép trong các môn học: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Công nghệ…, phương pháp giảng dạy trên lớp kết hợp tham quan thực tế, sưu tầm tư liệu, ngoại khóa nhằm tạo hứng thú học tập, nâng cao hiểu biết về văn hóa, lịch sử địa phương cho học sinh. Đối với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nội dung GDĐP là môn học bắt buộc thực hiện xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12. Nội dung môn học liên quan đến lịch sử, địa lý, truyền thống văn hóa, ngành nghề của địa phương… Với môn học GDĐP, UBND tỉnh đã chủ trì biên soạn Tài liệu GDĐP, được Bộ GD&ĐT phê duyệt để tổ chức thực hiện giảng dạy trong các nhà trường. Nội dung GDĐP cũng góp phần hình thành các năng lực, phẩm chất học sinh được quy định trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 như: Năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Qua đó giúp bảo tồn những giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc, góp phần xây dựng văn hóa, đạo đức cho học sinh.
Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh
Cùng với việc xây dựng và đào tạo con người, vấn đề xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã chỉ đạo đẩy mạnh triển khai phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các tiêu chí, tiêu chuẩn về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, gia đình văn hoá, khu dân cư văn hoá. Quy ước, hương ước khu dân cư được cụ thể hoá phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, làm cho cuộc sống của mỗi xóm, làng, khu dân cư, mỗi gia đình thực sự có tình, có nghĩa, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái và đoàn kết giúp nhau cùng tiến bộ. Năm 2023, toàn tỉnh có 191.833/ 217.236 hộ đạt "Gia đình văn hoá”, đạt 88,3%; 1.428/1.482 làng, bản, tổ dân phố đạt "Khu dân cư văn hoá”, đạt 96,3%; 1.327/1.430 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá, đạt 92,8%. Điều quan trọng hơn là các khu dân cư, xóm, phố và trong mỗi gia đình, các giá trị văn hoá tốt đẹp của con người Hoà Bình đang được lưu giữ, lan toả, đó là sự yêu thương, gắn bó, sẻ chia, ý thức xây dựng địa phương, quê hương.
Hàng năm, các địa phương, đơn vị tổ chức hoạt động tuyên truyền trong dịp kỷ niệm: Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3; Ngày Gia đình Việt Nam 28/6; Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; tổ chức các chương trình nói chuyện chuyên đề "Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống và cách ứng xử trong gia đình”; duy trì, nhân rộng các câu lạc bộ phát triển gia đình bền vững. Việc phát huy truyền thống gia đình, dòng họ trong giáo dục đạo đức, lối sống được quan tâm nhằm xây dựng gia đình văn hoá, để văn hoá gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách và giáo dục nếp sống cho con người. Cùng với đó, ngành VH-TT&DL đẩy mạnh tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân, từng bước nâng cao nhận thức trong việc thực hiện nếp sống văn hoá, thực hành tiết kiệm, bài trừ mê tín dị đoan, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, góp phần xây dựng văn hoá, xã hội, con người thời kỳ mới tiến bộ, văn minh, phát triển bền vững.
Hòa cùng dòng chảy lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình sắt son một lòng, phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn, đoàn kết, gắn bó keo sơn, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Đồng thời bồi đắp nên kho tàng văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc, kết tinh vẻ đẹp, niềm tự hào của vùng đất và con người Hòa Bình.
(Còn nữa)
Hương Lan