Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được tổ chức quy mô cấp tỉnh, tạo ấn tượng tốt đẹp cho người dân và du khách.
Bảo tồn giá trị truyền thống
Để làm cơ sở cho công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, tỉnh đã tiến hành chương trình tổng kiểm kê toàn bộ di sản văn hoá phi vật thể (DSVHPVT) của các dân tộc trong tỉnh. Qua kiểm kê, toàn tỉnh có 786 DSVHPVT, gồm các loại hình tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng của 5 dân tộc thiểu số là: Mường, Thái, Tày, Dao, Mông. Trong đó có 5 DSVHPVT cấp quốc gia, gồm: mo Mường Hòa Bình, nghệ thuật chiêng Mường Hòa Bình (công nhận năm 2016); tri thức dân gian lịch tre dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình, lễ hội truyền thống khai hạ của người Mường Hòa Bình (công nhận năm 2022); tập quán xã hội và tín ngưỡng Keng loóng của người Thái huyện Mai Châu (công nhận năm 2023).
Loại hình DSVHPVT mo Mường có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của dân tộc Mường, chứa đựng nhiều giá trị đặc sắc, quý giá, đã được Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương lập hồ sơ khoa học trình UNESCO đưa vào danh sách di sản cần được bảo vệ khẩn cấp. Đến nay, hồ sơ đã hoàn thành, Chính phủ đã có văn bản đồng ý gửi hồ sơ đến tổ chức UNESCO xem xét.
Là một trong những người được tham gia trực tiếp vào quá trình ghi hình trong Bộ hồ sơ quốc gia mo Mường, thầy mo Bùi Văn Rửm, xóm Rọm Cọ, xã Thượng Cốc (Lạc Sơn) tâm sự: Từ nhỏ tôi đã thích nghe mo, nhưng phải đến 40 tuổi mới chính thức làm nghề. Tôi là đời thứ 8 của dòng họ làm nghề mo. Tôi rất thích tính nhân văn thể hiện trong những bài mo. Tôi và các thầy mo mong muốn những giá trị tốt đẹp của mo Mường được quảng bá, lan tỏa ra thế giới. Từ đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của mo Mường trong cuộc sống và lưu truyền cho các thế hệ con cháu sau này.
Ngoài ra, còn có các di sản cũng đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận DSVHPVT cấp quốc gia như: kỹ thuật dệt hoa văn cạp váy Mường; thường đang, bộ mẹng dân tộc Mường. Tỉnh cũng quan tâm quản lý di tích, di vật, cổ vật. Các hiện vật, di vật, cổ vật hiện được lưu giữ, bảo quản ở Bảo tàng tỉnh là tư liệu quan trọng giúp tìm hiểu về lịch sử, văn hoá của dân tộc Mường, cũng như tìm hiểu nền văn hoá, văn minh của người Việt cổ.
Tỉnh đã ban hành đề án, chỉ đạo triển khai xây dựng, trùng tu, tôn tạo, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030. Trên địa bàn tỉnh đã có 41 di tích xếp hạng cấp quốc gia; 71 di tích xếp hạng cấp tỉnh; 303 điểm di tích, danh lam thắng cảnh được kiểm kê đưa vào bảo vệ. Đến nay, có 1 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt là di tích khảo cổ hang xóm Trại và mái đá làng Vành, huyện Lạc Sơn. Toàn tỉnh có 73 lễ hội truyền thống của các dân tộc được duy trì tổ chức hàng năm, nhiều lễ hội dân gian của các dân tộc được khôi phục, duy trì như: Lễ hội chùa Tiên, lễ hội Khai hạ của người Mường, lễ hội Mường Thàng, lễ hội Mường Động, lễ hội đền Bờ, lễ hội đình Khênh, lễ hội đình Khói, lễ hội đình Cổi, lễ hội Gầu Tào, lễ hội Xên Mường… góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc Hòa Bình. Năm 2022, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình được đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia. Đầu năm 2024 đã tổ chức thành công Lễ hội chùa Tiên quy mô cấp tỉnh.
Đồng chí Bùi Văn Tinh, Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc cho biết: Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường là lễ hội truyền thống có từ rất lâu đời, là lễ hội dân gian quy mô lớn nhất, hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào người Mường ở Hòa Bình, đặc biệt là ở 4 vùng Mường lớn Bi, Vang, Thàng, Động. Năm 2023, 2024, tỉnh tổ chức thành công Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường quy mô cấp tỉnh đã tạo ấn tượng tốt đẹp cho người dân và du khách, góp phần quảng bá di sản văn hóa độc đáo của người Mường và các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
Những "bảo tàng sống” lưu giữ giá trị văn hoá
Nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hoá, nghệ thuật của nhân dân trong tỉnh, những năm qua, nhiều câu lạc bộ (CLB) văn hoá, nghệ thuật truyền thống được thành lập như: CLB Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá mo Mường, CLB hát thường đang, bộ mẹng và các CLB văn nghệ tại xã, phường, thị trấn thực hiện nhiệm vụ sưu tầm, bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống. Tiêu biểu như: Huyện Tân Lạc duy trì tốt hoạt động của CLB Mo Mường cấp huyện và 6 CLB cấp xã. Huyện Lạc Sơn mở nhiều lớp truyền dạy di sản văn hoá như lớp chiêng Mường, mo Mường, chữ Mường, dệt thổ cẩm, hát thường đang, bộ mẹng; duy trì hoạt động 17 CLB, trong đó có 1 CLB Bảo tồn, phát huy di sản văn hoá Mường, 1 CLB mo Mường, 9 CLB hát dân ca thường đang, bộ mẹng, 3 CLB thơ ca - hát chầu văn, 3 CLB chiêng Mường với gần 500 thành viên tham gia. Huyện Kim Bôi duy trì CLB Bảo tồn văn hoá dân tộc Mường (xóm Lục Đồi, thị trấn Bo), CLB chiêng và hát dân ca xã Đú Sáng; mở các lớp dạy dân ca và nghệ thuật chiêng Mường cho thế hệ trẻ. Huyện Mai Châu thành lập CLB Bảo tồn và phát triển văn hoá Thái Mai Châu; CLB Bảo tồn và phát triển tri thức bản địa với hơn 30 thành viên, đã thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu, sưu tầm về phong tục tập quán của các dân tộc trong huyện; xuất bản cuốn sách "Tìm hiểu lịch sử - văn hoá” dân tộc Thái Mai Châu, công trình có sự tham gia của trên 10 tác giả tâm huyết với văn hoá dân tộc. Từ năm 2017, Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thông huyện đã xây dựng, duy trì chương trình phát thanh tiếng dân tộc Thái, góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn tiếng nói dân tộc Thái…
Một số địa phương đã mở các lớp truyền dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc Mường, nghệ thuật chiêng Mường, dệt thổ cẩm dân tộc Mường, Dao, Tày như các huyện: Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong, Kim Bôi, Lương Sơn, Lạc Thủy, Mai Châu, Đà Bắc… Đến nay, toàn tỉnh có 1.482 đội văn nghệ quần chúng tại thôn, xóm, tổ dân phố với hàng chục nghìn diễn viên, nghệ nhân. Một số xóm, bản phát triển du lịch cộng đồng có từ 4 - 6 đội văn nghệ thường xuyên biểu diễn phục vụ khách du lịch. Tỉnh đã bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ các đội văn nghệ duy trì hoạt động. Nhờ đó, phong trào văn hoá, văn nghệ phát triển sâu rộng, thực chất, tạo điều kiện nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân.
Đặc biệt, để xây dựng các "bảo tàng sống” lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng dân cư, tỉnh đã xây dựng Khu bảo tồn không gian văn hóa Mường ở huyện Tân Lạc, Cao Phong. Các bảo tàng tư nhân trên địa bàn đã phục dựng, trưng bày nhiều hiện vật có giá trị như: Bảo tàng di sản văn hoá Mường của ông Bùi Thanh Bình; Nhà trưng bày hiện vật, cổ vật văn hóa Thái Mai Châu; Bảo tàng không gian văn hoá Mường của họa sĩ Bùi Đức Hiếu đã tổ chức thành công 5 Festival nghệ thuật, thu hút trên 200 lượt họa sĩ, nhà điêu khắc trong nước và 20 quốc gia trên thế giới… Việc hình thành những "bảo tàng sống” trong các bản làng du lịch và cộng đồng dân cư góp phần lữu giữ, lan toả những giá trị tốt đẹp của văn hoá, con người Hoà Bình.
(Còn nữa)
Hương Lan