Trước những thay đổi mạnh mẽ của các cuộc cách mạng khoa học, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (TP Hòa Bình) đã có bước đột phá trong đổi mới phương pháp giáo dục - vận dụng STEAM và nghiên cứu khoa học định hướng học sinh phát triển tư duy sáng tạo, vận dụng kiến thức đã học tạo ra các sản phẩm hữu ích mang tính ứng dụng cao, tạo chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.


Đoàn giáo viên, học sinh tỉnh Hoà Bình và Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tham gia cuộc thi Olympic Phát minh và sáng chế thế giới lần thứ 11 tại Hàn Quốc đoạt 2 huy chương vàng. Ảnh: Tư liệu

Vận dụng khoa học kỹ thuật, phương pháp giáo dục STEAM trong dạy học

Nhận thức rõ vai trò của khoa học kỹ thuật (KHKT) đối với thực tiễn giảng dạy là vấn đề có tính quyết định đến hiệu quả giáo dục, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ đã có những định hướng, giải pháp cụ thể trong dạy và học. Hàng năm, nhà trường xây dựng kế hoạch định hướng giáo viên, học sinh tiếp cận với vấn đề mới trong giáo dục, như tham gia các khóa học bồi dưỡng, tập huấn, chủ động kết nối các chuyên gia khoa học có uy tín giảng dạy, xây dựng chương trình, soạn chuyên đề. Học sinh nhà trường có thể học trực tiếp hoặc trực tuyến, tiếp thu kiến thức khoa học thời sự. Từ đó, các em phát huy năng lực sáng tạo, chủ động, tích cực trong học tập, rèn luyện kỹ năng cần thiết. Công tác nghiên cứu khoa học được thực hiện linh hoạt, bài bản, các thầy, cô giáo chủ động hướng dẫn học sinh thực hiện ý tưởng, dự án khoa học tham gia các kỳ thi. Để làm điều đó, các thầy cô nghiên cứu kế hoạch giáo dục, tự học, tự bồi dưỡng kiến thức, hướng dẫn học sinh đăng ký đề tài, đề xuất ý tưởng khoa học, viết đề cương báo cáo, khảo sát, phân tích số liệu thực nghiệm đề xuất giải pháp, viết báo cáo. Tiếp cận sử dụng các phần mềm hỗ trợ thực hiện dự án để cuối cùng đạt được sản phẩm hiệu quả. Học sinh được tham gia các cuộc thi KHKT trong và ngoài nước, như: Hội thi KHKT cấp tỉnh, quốc gia; thi KHKT WICO (tại Hàn Quốc), thi viết bài luận online các môn văn hoá (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, Ngữ văn…), thi Tin học văn phòng (MOS)… Qua cuộc thi các em có cơ hội tìm tòi, sáng tạo, từ đó lựa chọn những gương mặt trẻ tài năng, đam mê khoa học có triển vọng.

Từ năm học 2020 - 2021, Ban Giám hiệu đã xây dựng Đề án giáo dục triển khai kế hoạch giáo dục STEAM tới các tổ chuyên môn, các tiết dạy STEAM được sử dụng vào các tiết học. Các nhóm chuyên môn có ít nhất 1 bài dạy STEAM trong tháng. Nhà trường thành lập các câu lạc bộ học tập, tăng cường tính trải nghiệm, phát huy năng lực cho học sinh, tạo cơ hội cho các em thực hiện ý tưởng khoa học thành hiện thực. Đến nay, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động như: câu lạc bộ, các diễn đàn, sân khấu tương tác, hội thi, giao lưu, hoạt động tình nguyện… Cùng với học sinh, đòi hỏi người giáo viên phải dày công tìm tòi nghiên cứu mới có thể hướng dẫn học sinh. Tổ chuyên môn Ngữ văn đã nghiên cứu thành công đề tài sáng kiến khoa học "Tổ chức dạy học trải nghiệm sáng tạo cho học sinh Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ” (năm 2019), được Hội đồng Sáng kiến tỉnh công nhận, đánh giá cao.

Những tín hiệu bước đầu đem lại hiệu quả và chất lượng giáo dục

Năm học 2023 - 2024, nhà trường đã triển khai và thực hiện tốt giờ học trải nghiệm sáng tạo phù hợp đặc thù môn học, như: Tổ chức diễn đàn, lễ hội sách; hoạt động trải nghiệm sáng tạo lễ hội tiếng Nga; thi review "Trang sách và cuộc đời” cho học sinh khối 11; thi "Tranh biện” cho học sinh khối 10… Tích hợp giáo dục Lịch sử, Văn học, An ninh - quốc phòng, Giáo dục kinh tế - pháp luật… Các hoạt động là cơ hội để học sinh trong nhà trường hình thành kỹ năng thuyết trình, tranh biện, làm việc nhóm…, rèn cho các em cách lựa chọn những cuốn sách tốt, phù hợp lứa tuổi. Với cuộc thi "Trang sách và cuộc đời”, học sinh chủ động tạo ra sản phẩm đọc, thể hiện các cách đọc sáng tạo trên không gian thực và ảo. Đây là một trải nghiệm đọc sách thú vị mà từ trước người đọc sách chỉ có thể tưởng tượng trong trí óc của mình.

Giai đoạn 2020 - 2024, nhà trường có bước đột phá trong việc triển khai dạy học theo mô hình học sinh nghiên cứu dự án KHKT, từ đó tham gia các cuộc thi KHKT do Bộ và Sở GD&ĐT tổ chức với mục tiêu phát huy năng lực, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tế trong cuộc sống. Có 120 học sinh dự thi KHKT cấp tỉnh đạt giải (30 giải nhất, 51 giải nhì, 30 giải ba, 9 giải khuyến khích); 6 học sinh dự thi KHKT toàn quốc đạt 1 giải tư (năm 2021), 1 giải nhì (năm 2023), 1 giải ba (năm 2024). Liên tục các năm 2022, 2023, trường có học sinh tham gia cuộc thi Olympic Phát minh và Sáng chế thế giới (WICO) lần thứ 11 và 12 tổ chức tại Hàn Quốc, với sự tham gia của học sinh, sinh viên đến từ 22 nước trên thế giới ở các lĩnh vực khoa học. Đoàn học sinh của trường có 6 học sinh dự thi với dự án khoa học "Băng đầu, bảo vệ mắt” và "Hệ thống theo dõi y tế trực tuyến MCOS” xuất sắc đạt huy chương vàng (năm 2022). Dự án không chỉ được đánh giá cao về lĩnh vực kỹ thuật mà còn mang ý nghĩa nhân văn, bởi trong hoàn cảnh dịch bệnh, các thầy, cô giáo và học sinh vẫn dành thời gian, trí tuệ, tâm huyết để nghiên cứu máy theo dõi chỉ số sinh tồn cho bệnh nhân mắc Covid-19. Năm 2023, với dự án "Nhà nổi thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu” cũng đạt huy chương vàng.

Nghiên cứu dự án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội - hành vi cũng được đánh giá cao. Tiêu biểu tại hội thi KHKT cấp tỉnh, dự án "Tìm hiểu di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia tại tỉnh Hoà Bình” (Vũ Đình Văn, Tống Hà Linh, lớp 11 Văn) đạt giải nhì... Thành tích của học sinh tại cuộc thi KHKT các cấp đã khẳng định việc vận dụng phương pháp STEAM và nghiên cứu khoa học đã đi đúng hướng, đạt thành công bước đầu đáng ghi nhận. Năm 2023, Ủy ban Dân tộc phối hợp Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức lễ tuyên dương học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số xuất sắc tiêu biểu với chủ đề "Đường đến ước mơ”. Tỉnh Hoà Bình vinh dự có em Cao Minh Hưng, lớp 12 chuyên Lý, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (học sinh người dân tộc Mường) đạt giải nhì cuộc thi KHKT cấp quốc gia được khen thưởng vì những thành tích học tập xuất sắc.

Những thành tích đạt được theo mô hình giáo dục hiện đại là sự nỗ lực không ngừng của thầy trò nhà trường, khẳng định sự tiếp cận và chỉ đạo đúng đắn của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu đối với việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện. Là trường THPT chuyên của tỉnh miền núi, dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự năng động, sáng tạo, nhà trường đã có những giải pháp hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, đạt được những thành tích nổi bật, góp phần vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo tỉnh Hoà Bình trong giai đoạn vừa qua. Song, đó cũng là thách thức đối với tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh trong việc nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, đem lại niềm tin đối với các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình.


Nguyễn Phú Thành

(Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ)


Các tin khác


Phát triển bền vững thủ phủ cam Cao Phong: Bài 2 - Cây cam lên ngôi trên đất Cao Phong

Năm 2013, toàn huyện Cao Phong có trên 160 hộ dân thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng; 16 hộ thu nhập từ 1 - 5 tỷ đồng nhờ cam, quýt. Thời điểm này, bình quân 1 ha cam, quýt cho giá trị thu nhập gần 600 triệu đồng. Những con số thống kê của hơn 10 năm về trước cho thấy hiệu quả kinh tế mà cây cam đem lại đối với người trồng cam tại huyện Cao Phong, đặc biệt trong giai đoạn 2014 - 2017. Thành quả có được khi Hoà Bình đã xây dựng thành công thương hiệu Cam Cao Phong.


Phát triển bền vững thủ phủ cam cao phong: Bài 1 - Cây cam bén duyên với đất Cao Phong

Hơn nửa thế kỷ hiện diện qua bao thăng trầm, rồi trụ vững trên đồng đất Mường Thàng với thương hiệu Cam Cao Phong nức tiếng gần xa. Những năm gần đây, cam Cao Phong định hình lại hướng đi, tổ chức lại sản xuất như một lẽ tất yếu, nhất là sau giai đoạn phát triển "nóng” với nhiều bất cập.

Bản “không chồng” trên đỉnh núi mờ sương

Đêm cuối thu, trên con đường vào bản Hang Kia, xã Hang Kia (Mai Châu) hun hút như đi sâu vào lòng núi. Đâu đó vọng lên tiếng khóc hờ ai oán giữa bốn bề mờ sương...

Hơn 40 năm sau cuộc di dân lịch sử - giải pháp nào xoá ''vùng lõm" hồ Hoà Bình Bài 5: Giải pháp để người dân vùng hồ sông Hòa Bình thoát nghèo

Sau nhiều năm thực hiện các đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà, kết hợp lồng ghép các chương trình, dự án khác, đời sống người dân vùng hồ từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, vùng hồ còn nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh, đời sống người dân thấp hơn so với mặt bằng chung… Đặc biệt, người dân vẫn thiếu đất sản xuất, thiếu mặt bằng làm nhà ở, điện chưa ổn định, nguy cơ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, thiên tai.

Hơn 40 năm sau cuộc di dân lịch sử - giải pháp nào xoá ‘vùng lõm” hồ Hoà Bình Bài 4: Nhường đất giờ vẫn thiếu đất, đối mặt với thiên tai, trượt sạt

Các xã vùng hồ Thuỷ điện Hoà Bình địa hình chia cắt, độ dốc lớn, mặt bằng và các điều kiện sản xuất, đời sống rất khó khăn. Hơn 40 năm sau chuyển dân phục vụ công trình Thủy điện Hòa Bình, cuộc sống người dân vẫn chưa ổn định, thường đối mặt với thiên tai, trượt sạt, biến đổi khí hậu.

Hơn 40 năm sau cuộc di dân lịch sử - giải pháp nào xoá " vùng lõm" hồ Hoà Bình: Bài 3 - “Trả nợ” người dân vùng hồ Hòa Bình

Nhằm hỗ trợ đồng bào vùng chuyển dân sông Đà phục vụ xây dựng Thuỷ điện Hoà Bình sản xuất, nâng cao đời sống, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo nguồn sinh kế. Các chương trình, dự án được triển khai từ năm 1994 đến nay góp phần cải thiện sinh kế, bộ mặt nông thôn miền núi từng bước đổi thay, đời sống người dân dần được cải thiện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục