Tết đối với lũ trẻ ở vùng quê nghèo nhất của thành phố Hà Nội vẫn luôn háo hức đến kỳ lạ
(HBĐT) - Là một trong 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình) được cắt về Hà Nội, trong những ngày này, người dân xã Yên Trung đang chuẩn bị đón cái Tết thứ 2 sau khi sáp nhập về thủ đô. Cuộc sống lam lũ, nghèo khó với ruộng, nương nhưng người dân nghèo ở Yên Trung vẫn háo hức đón xuân về.
Tết ở nơi nghèo nhất Hà Nội
Con đường Bãi Nai - Vai Réo dường như chẳng có gì đổi khác. Vẫn nhỏ hẹp và ngoằn ngoèo. Có chăng là mật độ xe cộ, nhất là loại xe 4 chỗ đời mới qua lại trên tuyến đường này tăng hơn trước kể từ khi 4 xã của huyện Lương Sơn nằm dọc tuyến đường này được cắt về Hà Nội từ ngày 1/8/2008. Và thêm một điểm mới nữa là tấm biển ghi “Địa phận Hà Nội” đã phân chia địa giới hành chính một cách rõ ràng của những xã, xóm trước đây vốn cùng chung một dải đất. Dù vậy, theo Trưởng Công an xã Yên Trung, Nguyễn Thanh Nghị thì: Cuộc sống vẫn vậy, chẳng khác trước là mấy. Đời sống người dân vẫn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp thuần túy nên hầu như không có sự bứt phá nào từ khi Yên Trung được sáp nhập về thủ đô. So với trước, sự thay đổi đáng kể nhất là 100% số hộ dân trong xã đã được sử dụng điện lưới quốc gia và hệ thống đường giao thông liên thôn, liên xóm cơ bản cứng hóa phong quang, sạch sẽ, hệ thống kênh mương thủy lợi được đầu tư nâng cấp. Đây sẽ là một điểm nhấn, niềm vui của người dân Yên Trung trong dịp tết này.
So với các xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình thì đời sống kinh tế xã hội của Yên Trung có xuất phát điểm thấp hơn hẳn. Đầu năm 2008, Yên Trung mới được công nhận thoát khỏi chương trình 135 (Chương trình đầu tư của Chính phủ cho các xã đặc biệt khó khăn). Khi đó toàn xã có đến hơn 20% hộ nghèo. Đến nay, gần bước sang cái tết thứ 2 là người Hà Nội nhưng tỷ lệ hộ nghèo toàn xã vẫn còn khoảng 18%. Về Yên Trung vào thời điểm chẳng còn mấy thời gian nữa là Tết, nhưng chúng tôi cảm thấy dường như với người dân nghèo Yên Trung thì Tết vẫn còn đang ở đâu đó, rất xa. Trưởng xóm Hương, Nguyễn Văn Định cười buồn: Cả xóm có 48 hộ thì đa phần là hộ nghèo và hộ cận nghèo nên Tết đến cũng đơn giản thôi, muốn cầu kỳ cũng chẳng được, chẳng có tiền mà mua sắm. Như Tết năm ngoái là năm đầu tiên sáp nhập về Hà Nội, lại được thành phố đầu tư xây dựng điện lưới, về tinh thần ai cũng phấn khởi. Nhưng về vật chất thì vẫn còn lam lũ lắm. Có nhà đến 27 - 28 Tết vẫn chưa sắm sanh được gì. Năm nay, chắc cũng vẫn như mọi năm. Vẫn là cái Tết đơn giản, nhưng chắc sẽ ấm cũng hơn vì được thành phố đầu tư nhiều công trình, có việc làm tại chỗ nên người dân không phải đi làm ăn xa như mọi năm.
Ở vùng quê nghèo này “chỉ vài trăm nghìn là có thể sắm được một cái Tết cũng coi là tươm tất rồi. Cũng chẳng cần mua sắm gì nhiều, chỉ cần vài ba cân gạo nếp gói cặp bánh chưng, mâm ngũ quả đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên. Nhà nào khá thì mổ một con lợn dăm ba chục cân. Những nhà không có thì chung nhau ăn “đụng” một con lợn vài chục cân. Còn nhà nghèo thì cũng cố để mua một vài cân thịt như vậy là có hương vị tết rồi”, cụ Nguyễn Văn Ất người xóm Hương năm nay 83 tuổi thổ lộ.
Là một xã có đến 85% dân số là người Mường, nhưng trong những ngày Tết, “các hộ gia đình ở Yên Trung không còn lưu giữ nhiều tập tục cũ, không còn ăn uống linh đình và kéo dài như trước. Tất cả đang hướng về một cái Tết với nếp sống mới văn minh và tiết kiệm”, Trưởng Công an xã Yên Trung, Nguyễn Thanh Nghị cho biết. Dù cuộc sống còn khó khăn, lam lũ nhưng Tết ở quê nghèo Yên Trung chưa bao giờ thiếu niềm vui và cũng chưa bao giờ mất đi sự háo hức. Trưởng xóm Hương, Nguyễn Văn Định cho biết: Tết năm 2009 là cái Tết vui nhất của người dân trong xóm từ trước đến giờ. Đấy là năm đầu tiên chúng tôi được đón Tết trong ánh điện, và cũng là lần đầu tiên chúng tôi được nghe Chủ tịch nước chúc Tết trên truyền hình. Dịp Tết năm nay cũng phấn khởi hơn khi xóm được thành phố đầu tư làm đường giao thông, xây nhà văn hóa… Ngoài ra, xóm còn được thành phố tặng một bộ loa đài. Các hộ nghèo, gia đình chính sách của xóm, xã cũng được quan tâm giúp đỡ hỗ trợ về vật chất và tinh thần trong dịp Tết này.
Nghèo tiền nhưng giàu ước mơ
Là xã thuần nông, không nghề thủ công, không trồng cấy vụ đông, không cây trồng, vật nuôi đặc sản… Phần lớn người dân trong xã lúc nông nhàn chỉ biết rủ nhau đi làm thuê, phụ hồ, xây dựng ngoài thành phố, tiền công kiếm được cũng chẳng đáng là bao. Nên bao năm qua cái khó, cái nghèo vẫn mãi dai dẳng níu chân người dân Yên Trung. Do vậy, cho đến nay mức thu nhập bình quân đầu người của xã mới chỉ đạt khoảng 5 triệu đồng/năm, so với mục tiêu của năm 2009 là hơn 7 triệu như vậy mới chỉ đạt 2/3 mục tiêu đề ra. Đời sống người dân, sau hơn 1 năm sáp nhập về Hà Nội, về cơ bản vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bà Hoàng Thị Huyền ở xóm Hội cho biết: Mặc dù làm nông nghiệp nhưng hiện giờ ở trong xóm vẫn có những hộ gia đình phải ăn đong. Còn anh Nguyễn Văn Lợi ở xóm Hương thì không giấu được vẻ lo lắng lộ rõ trên khuôn mặt đen sạm nắng gió: Năm nay mất mùa, nhà mình cấy 3 sào nhưng thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Nhà nghèo mất mùa cũng chẳng biết bấu víu vào đâu. Tết này vẫn cứ vui nhưng chi tiêu sẽ cắt giảm, bớt được khoản nào thì hay khoản đấy. Dù sao mình vẫn còn khá hơn nhiều nhà trong xóm, xã. Có nhà chất chồng hết khó khăn này đến khó khăn khác. Chẳng biết có được một cái Tết vui vẻ, đầm ấm trọn vẹn!
Cũng chung nỗi lo lắng nhưng chị Đỗ Thị Mai, cán bộ dân số xóm Hương lại cho rằng: Trước đây còn ở Hòa Bình thì vùng mình đây chưa phải là nơi nghèo nhất, khó nhất. Vẫn còn có nhiều nơi khó khăn hơn mình. Từ khi được sáp nhập về Hà Nội, Yên Trung trở thành vùng trũng được xem như khó khăn nhất thủ đô. Do vậy đã được ưu tiên đầu tư về cơ sở hạ tầng đường, điện hệ thống kênh mương, nhà văn hóa, trường học. Hộ nghèo được quan tâm, hỗ trợ về vật chất nên đời sống đã có những thay đổi đáng kể, nhưng sự thay đổi này chưa nhanh, chưa nhiều. Trước mắt, cuộc sống của nhiều hộ gia đình nghèo vẫn còn chênh vênh, vá víu. Tết nhất cũng đã cận kề, chỉ mong sao năm nay Tết vẫn vui vẻ và cuộc sống vơi bớt những khó khăn. Trước mắt, lo cho cái Tết của dân nghèo, xã Yên Trung đã lên kế hoạch chuẩn bị hàng chục suất quà để tới động viên các gia đình nghèo. “Quan điểm của chúng tôi cũng như quan điểm chung của huyện Thạch Thất và thành phố Hà Nội là cố gắng không để một gia đình nào trong xã không có tết”, ông Nguyễn Thanh Nghị cho biết.
Càng gần Tết, khuôn mặt người lớn lại càng nặng trĩu âu lo. Nhưng trên nét mặt của lũ trẻ lại rạng ngời niềm vui, háo hức chờ những ngày tết đang đến gần. Đứa lớn, đứa bé ở vùng quê nghèo này háo hức, tất bật tự tạo cho mình những món đồ chơi dân dã. Từ bây giờ, trên những bãi đất rộng đã bắt đầu rộn rã tiếng trẻ trong trò đánh quay. Cách đó không xa, những đứa trẻ nhỏ hơn đang tíu tít khoe nhau những lá bài lạ… Trái ngược hẳn với những đồ chơi hiện đại đắt tiền của những đứa trẻ nơi thành thị. Những món đồ chơi có đôi lần chúng thấy ở trên phố. Nhưng chẳng đứa nào muốn có. Bởi bố mẹ chúng chỉ là những người nghèo.
Dù nghèo nhưng ai cũng có những ước mơ riêng của mình. Những chàng trai, cô gái Mường Hà Nội không ngần ngại nói với chúng tôi rằng dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng họ vẫn cứ tràn đầy mong ước một cuộc sống vơi bớt những khó khăn cho một năm mới.
Mạnh Hùng
(HBĐT) - “Một năm khởi đầu từ mùa xuân/ Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ”. Ghi sâu lời dạy của Bác, trên khắp các địa phương trong tỉnh đã xuất hiện không ít những tấm gương biết vượt qua khó khăn, làm giàu chính đáng bằng bàn tay lao động và ở đó cũng luôn có những đảng viên trẻ khu vực nông thôn phát huy vai trò đầu tầu gương mẫu trong đạo đức lối sống, phát triển kinh tế để mang về những mùa xuân cho cuộc đời.
(HBĐT) - Nằm giữa những dãy núi đá vôi, Cao Răm là một thung lũng cổ, chỉ rộng chừng 3km2, nhưng nơi đây hiện đang có tới 4 trên tổng số 37 di tích cấp Quốc gia. Đến với Cao Răm, sau giây phút trang nghiêm cùng di tích lịch sử hang Đền; miệt mài với di tích khảo cổ hang Chổ, hang Núi Sáng thì du khách sẽ được phiêu du thưởng ngoạn những kiệt tác của tạo hoá trong động Mãn Nguyện, hang Khụ Thượng...
(HBĐT) - Đem chuyện về chuyến xuống hầm khai thác than ở khu vực xóm Đồi xã Lỗ Sơn kể cho ông Lương Văn Chiến, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Anh Vũ tại Hoà Bình. Là một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác hầm mỏ, nghe xong, người đàn ông thẳng tính này nói như mắng: Chú mày liều quá! Vào hầm lò khai thác than không phải là chuyện đơn giản và cũng không phải là những chuyến dạo chơi đơn thuần
(HBĐT) - Thu xếp mãi tôi mới có dịp trở lại khu vực mỏ khai thác than xóm Đồi, xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc. Vẫn con đường đất thịt dẻo quánh bị hàng trăm, hàng nghìn lượt lốp xe tải chở than băm nát, sền sệt bùn sau ngày mưa phùn lây rây. Cả khu mỏ hầu như chẳng có thay đổi gì nhiều so với thời điểm cách đây hơn 1 năm khi chúng tôi đặt chân đến. Vẫn ngổn ngang, lỏng chỏng đất đá; bụi than vẫn bám đen kịt khuôn mặt người.
(HBĐT) - Nằm ngay gần công trình thuỷ điện lớn nhất Đông Nam Á, thế nhưng mấy chục năm nay, 69 hộ dân ở đây không biết đến “mùi” điện. Đêm đêm nhìn thủy điện Hòa Bình bừng sáng ngay trước mắt, họ lại càng thêm khát khao ánh sáng điện được thắp lên trong mỗi ngôi nhà.
(HBĐT) - Một bản nhỏ chỉ với 40 nóc nhà, nhưng có đến 21 người bị dị tật, 50% số hộ thuộc diện hộ nghèo…. Đói nghèo và bệnh tật đã phủ vây màn sương mịt mù ở bản Vắt , xã Đồng Bảng, huyện Mai Châu. Nhưng đó là câu chuyện của 5 năm về trước. Hôm nay, bản Vắt đã vươn lên đẩy đói nghèo, bệnh tật lùi sâu thành câu chuyện quá khứ. Bản Vắt đã hồi sinh!