Những nốt nhạc trên nền trời Tây Bắc
(HBĐT) - Hoà Bình, những ngày này tại nhiều vị trí trong tỉnh như: Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu và cả ngay thành phố Hòa Bình thời tiết khô hanh, gió bụi mịt mù, những chiếc xe ủi chật vật san gạt đất, đá, mở đường lên đỉnh núi; những chiếc xe tải nặng nề, lắc lư chở xi-măng, sắt thép, cát sỏi, thiết bị cột điện và dây tải điện lên các vị trí móng cột của tuyến đường dây 500 Kv Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan.
Chiếc xe “Cào cào” bò ì ạch theo con đường công vụ mà Đội công trình số 3 thuộc Công ty cổ phần xây lắp điện 3 ( VNECO 1) mới mở để đưa thiết bị lên lắp đặt cột néo N51- 42C, tại vị trí cột 450 đường dây 500kV Sơn la - Hoà Bình, cuối cùng cũng phải dừng lại ở lưng chừng núi vì không thể đi tiếp được nữa, chúng tôi quốc bộ lên đỉnh núi. Gió lạnh thổi ào ào, khi ngước nhìn lên cao, chiếc cột điện hiện lên sừng sững sáng lóa ánh kẽm trên nền trời, những người thợ vẫn đang cần mẫn làm việc, mồ hôi lấm tấm trên những khuôn mặt rám nắng, làm ướt đẫm những bộ quần áo bảo hộ lao động màu xanh lấm lem bùn đất và dầu mỡ, những người thợ vẫn miệt mài làm việc, bởi các anh phải gấp rút hoàn thành công việc của mình để bảo đảm kế hoạch kéo dây đúng tiến độ. Đây là công trình trọng điểm do Tổng công ty cổ phần xây dựng điện Việt Nam (VNECO) đảm nhận việc thi công, để đưa điện từ Thuỷ điện Sơn La về trạm biến áp 500kV Hoà Bình, trạm 500kV Nho Quan ( Ninh Bình) và trạm 500kV Hiệp Hoà (Bắc Giang), cuối cùng hoà vào lưới điện Quốc gia.
Những ngày cuối năm trời Hoà Bình trở lạnh, mùa xuân đang đến rất gần từng đàn én đang chao lượn trên nền trời, phía đỉnh núi bên kia những rừng mận đặc trưng Tây Bắc đã nở trắng xoá, khi chúng tôi lên đến vị trí đang lắp đặt cột số 450, anh em công nhân đang đưa xà đỡ nặng gần 3 tấn lên đỉnh cột bằng tời, tổ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện 40 tuổi thợ bậc 6/7 thuộc đội công trình số 3 (VNECO1) cho biết cây cột mà các anh đang lắp ghép là cột néo hay còn gọi là cột góc có tổng trọng lượng trên 40 tấn cao 43 mét, đây là cây cột vượt qua đập thuỷ điện Hoà Bình các anh thi công đã được 20 ngày. Tổ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Chúng tôi thi công công trình ngoài việc an toàn là quan tâm hàng đầu thì việc hoàn thành tiến độ cũng như chất lượng công trình cũng phải tương đương như vậy.
Theo thông tin của EVN, tuyến đường dây 500 kV Sơn La - Hòa Bình có chiều dài gần 300 km, nhưng VNECO chỉ đảm nhiệm thi công 70 km với tổng khối lượng là đào đúc 142 vị trí móng cột, vận chuyển, lắp dựng hơn 4.500 tấn cột thép mạ kẽm và rải kéo căng 1.320 km dây dẫn, 140 km dây cáp quang và dây chống sét. Tại vị trí 449 và 450 - nơi có hai đội công tác đang tiến hành công việc thì vị trí cột 449 đang bắt đầu những thanh xà đầu tiên định hình chân cột, nhìn những công nhân thực hiện công việc thành thục và khéo léo với các dụng cụ làm việc chuyên dùng như thao tác tời, tó, sử dụng cale lực để xiết các bulong, hàng chục công nhân đang miệt mài chuyển từng thanh thép và các phụ kiện lên lưng chừng đỉnh núi, mới thấy được khó khăn, nặng nhọc của công việc này. Tại vị trí cột số 450, chiếc xà đỡ đã được đưa vào vị trí sát đỉnh cột nơi có những tấm bản mã được các công nhân lắp đặt trước, tiếng người chỉ huy đội công tác hô anh em công nhân điều khiển tời nâng hạ, tiếng hô điều khiển dây dẫn hướng như lẫn vào trong gió núi. Rồi chiếc xà đỡ cũng được ráp vào đỉnh cột sau gần một tiếng đồng hồ vất vả, nặng nề kéo từ chân đế cột lên đến vị trí lắp ráp với chiều cao là 43 mét.
Trên đỉnh cột 4 công nhân nai nịt dây da an toàn đang tiến ra phía đầu mút của xà đỡ dùng cle lực xiết bu lông cố định xà vào cột, tiếng xiết bu lông ken két hòa vào cùng câu hò xứ Huế của một trong 4 chàng trai trên tít cao kia vừa cất lên nghe thật lãng mạn trong không gian mênh mông này, nhìn họ đi và trèo vắt vẻo trên đỉnh cột điện, mới thấy được sự khéo léo của lính thợ đường dây tôi bất giác nhớ đến ai đó đã ví họ như những nốt nhạc của khung nhạc trời quả không sai khi hình ảnh của họ trong cái mênh mông của nền trời nổi bật lên cùng với cột, với dây dẫn thật là đẹp và nên thơ. Tổ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trong phút giải lao cho chúng tôi biết : Hầu hết anh em công nhân trong tổ đều quê miền Trung còn rất trẻ, Anh là người lớn tuổi nhất còn lại tuổi đời của anh em chưa đến 30, bậc thợ trung bình là 3,5 nhưng họ đều có tay nghề rất cừ, Anh thấy đấy ai cũng có thể đọc thạo bản vẽ lắp ráp và điều đặc biệt đòi hỏi ở bất cớ thợ đường dây nào là sức khỏe và leo trèo giỏi. Tôi hỏi đi xa nhà như vậy một năm về được mấy lần, Hồ Viết Hiếu 29 tuổi quê Quảng Nam cho biết: Trừ những lần đại hội Công đoàn, Đoàn thanh niên thì tất cả chúng tôi một năm chỉ có 2 lần về nhà đó là vào dịp tết và những ngày nghỉ phép mới được về nhà với gia đình, vợ con còn lại là những tháng ngày theo đường dây, theo công trình từ Nam chí Bắc mà đại đa số là sống giữa những cánh rừng, ở đây chỉ có tôi và tổ trưởng là có vợ còn lại là thanh niên chưa có gia đình riêng. Chẳng nói anh cũng biết nỗi khổ của cuộc sống xa nhà, như anh Thiện tổ trưởng đây 15 năm là lính đường dây chỉ duy nhất một lần được làm gần nhà đó là lần thi công tuyến đường dây Bản Vẽ- Vinh… Quay sang một công nhân còn rất trẻ tôi hỏi: Em tên gì? có người yêu chưa? Anh chàng thoáng đỏ mặt nói: Em tên Lê Phú Minh, quê Thanh Hóa vừa bước xang tuổi 22, em chưa có người yêu, anh bảo đi xa triền miên quanh năm làm bạn với những cánh rừng thì khó tìm bạn lắm, tôi hỏi: Vậy thì buồn lắm nhỉ, Minh cười nói: Đành phải vậy thôi tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc mà anh, Hồ Viết Hiếu nói thêm: Minh nó nói thật đấy anh ạ, tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc nghe như hô khẩu hiệu, nhưng là cái tâm rất thật của lính đường dây không thì chúng tôi bỏ việc lâu rồi.
Nhìn những ánh mắt chân thành của những người thợ trẻ tôi hiểu đó là những lời nói được xuất phát từ trái tim họ, họ có quyền tự hào là đã mang nguồn điện của tổ quốc đi muôn nơi cho cuộc sống này thêm ấm no, hạnh phúc. Có một sáng kiến của những người thợ đường dây được coi như là kỳ tích, đó là dùng tời như kiểu cáp treo để vận chuyển vật tư, thiết bị, máy móc lên vị trí móng cột thường là trên các sườn núi đá hoặc trên đỉnh núi mà chúng ta có thể nhận thấy trên đường ngược Tây Bắc từ Hòa Bình lên Mai Châu, Sơn La được áp dụng hầu hết tại các vị trí cột. Anh Thiện cho biết : Cây cột mà chúng tôi đang thi công ở vào vị trí khá thuận lợi cho việc vận chuyển thiết bị, còn đại đa số các cột khác mà chúng tôi đã thi công khó khăn hơn rất nhiều, có khi phải mang vác toàn bộ vật tư thiết bị bằng sức người, có những vị trí cột thi công ròng rã mấy tháng mới xong. Công việc vô cùng vất vả như vậy nếu không yêu nghề thì khó trụ lắm hơn nữa đời sống của anh em công nhân được quan tâm tốt, thu nhập ổn định, Công đoàn, đoàn thanh niên và cơ quan rất quan tâm và động viên anh em gắn bó với công việc của mình. Có một điều nữa là chính những người thợ hôm nay đang lắp ráp những cây cột này lại chính là những người thợ sẽ làm tiếp công việc kéo căng và định vị sứ, dây dẫn trên không, đây là một công việc đặc biệt mà không phải ai cũng làm được. Mấy cậu thợ trẻ bảo tôi, hôm nào bọn em đi dây mời anh lại lên chụp cho bọn em mấy kiểu ảnh làm kỷ niệm, có báo chí, sách cũ cho bọn em xin một ít, chúng em đói thông tin lắm.
Gần trưa chúng tôi tạm biệt những người thợ, họ lại tiếp tục công việc của mình một cách cần mẫn. Mặc dù còn có rất nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm giúp đỡ của Tập đoàn điện lực Việt Nam, đặc biệt của Tỉnh Hòa Bình nơi đường dây đi qua thì đến nay công việc đã gần hoàn thành việc dựng cột và anh em công nhân qua tết lại gặp nhau tại Hòa Bình để triển khai lắp sứ kéo dây, để cho dòng điện Sơn La công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á sẽ hòa lưới quốc gia mang dòng điện của mình tỏa sáng khắp mọi miền tổ quốc.
Những ngày cuối năm đang lặng lẽ đi qua trong không khí lao động khẩn trương và hết mình mà người thợ đường dây nào cũng muốn được dâng hiến cho tổ quốc, cho công việc mình đã chọn. Họ hiểu rằng hãy làm tốt công việc được giao, phần việc của đơn vị mình để về nhà ăn tết xum họp với gia đình. Tôi nhớ mãi cái bắt tay rất chặt của Hồ Viết Hiếu khi chia tay chúng tôi và anh nói rằng nhất định năm nay em sẽ mang về một cành đào rừng xứ Bắc, em đã gửi bạn em tìm giùm vì đội nó đang làm trên đỉnh Thung Khe –Mai Châu, vùng này nghe nói hoa đào đẹp lắm.
Đức Toàn
(HBĐT) - Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam và chào đón năm mới Canh Dần 2010 cũng là dịp cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh hân hoan nhìn lại 3 năm CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đi vào cuộc sống để được đón nhận một vườn hoa việc tốt đã nở rộ ở khắp các địa phương trong tỉnh.
(HBĐT) - Cầm trên tay bộ quần áo vừa được Thiếu tướng Bùi Đình Phái, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh trao, ông Đinh Công Nhung, 78 tuổi ở xóm Khạng, xã Địch Giáo (Tân Lạc) xúc động: Cái này quý lắm. Nó là tình cảm của các anh bộ đội dành cho dân nghèo. Tôi sẽ giữ gìn cẩn thận và mặc nó cho đến khi nào không còn mặc được nữa thì cũng vẫn giữ lại làm kỷ niệm.
(HBĐT) - “Một năm khởi đầu từ mùa xuân/ Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ”. Ghi sâu lời dạy của Bác, trên khắp các địa phương trong tỉnh đã xuất hiện không ít những tấm gương biết vượt qua khó khăn, làm giàu chính đáng bằng bàn tay lao động và ở đó cũng luôn có những đảng viên trẻ khu vực nông thôn phát huy vai trò đầu tầu gương mẫu trong đạo đức lối sống, phát triển kinh tế để mang về những mùa xuân cho cuộc đời.
(HBĐT) - Nằm giữa những dãy núi đá vôi, Cao Răm là một thung lũng cổ, chỉ rộng chừng 3km2, nhưng nơi đây hiện đang có tới 4 trên tổng số 37 di tích cấp Quốc gia. Đến với Cao Răm, sau giây phút trang nghiêm cùng di tích lịch sử hang Đền; miệt mài với di tích khảo cổ hang Chổ, hang Núi Sáng thì du khách sẽ được phiêu du thưởng ngoạn những kiệt tác của tạo hoá trong động Mãn Nguyện, hang Khụ Thượng...
(HBĐT) - Đem chuyện về chuyến xuống hầm khai thác than ở khu vực xóm Đồi xã Lỗ Sơn kể cho ông Lương Văn Chiến, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Anh Vũ tại Hoà Bình. Là một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác hầm mỏ, nghe xong, người đàn ông thẳng tính này nói như mắng: Chú mày liều quá! Vào hầm lò khai thác than không phải là chuyện đơn giản và cũng không phải là những chuyến dạo chơi đơn thuần
(HBĐT) - Thu xếp mãi tôi mới có dịp trở lại khu vực mỏ khai thác than xóm Đồi, xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc. Vẫn con đường đất thịt dẻo quánh bị hàng trăm, hàng nghìn lượt lốp xe tải chở than băm nát, sền sệt bùn sau ngày mưa phùn lây rây. Cả khu mỏ hầu như chẳng có thay đổi gì nhiều so với thời điểm cách đây hơn 1 năm khi chúng tôi đặt chân đến. Vẫn ngổn ngang, lỏng chỏng đất đá; bụi than vẫn bám đen kịt khuôn mặt người.