Hàng trăm năm qua, mùa xuân vẫn luôn ở lại với cuộc sống của người dân vùng

Hàng trăm năm qua, mùa xuân vẫn luôn ở lại với cuộc sống của người dân vùng "thung lũng mây".

(HBĐT) - Chẳng biết có phải tôi đã bén duyên với vùng đất này?! Nhưng lâu không đi lại thấy nhớ. Nhớ da diết những con người thuần hậu, chất phác. Nhớ và thèm cái cảm giác giữa bồng bềnh mây trắng, cứ ngỡ như chỉ với thêm một sải tay sẽ chạm tới trời. Lũng Vân - nơi được xem là nóc nhà của vùng Mường Bi cứ ám ảnh, cứ da diết là vậy.

 

Huyền thoại thung mây

 

Suốt dải trùng điệp xa và dài của vùng đất Tây Bắc tôi đã đi, có lẽ chẳng nơi nào lại để lại nhiều ấn tượng như khi đến Lũng Vân nơi vốn được ví như nóc nhà của đất Mường Bi (Tân Lạc). Theo truyền thuyết được ghi lại trong áng mo “Đẻ đất, đẻ nước” của người Mường thì đã lâu lắm rồi, chẳng ai còn nhớ được, giữa chốn núi non hiểm trở đã xảy ra một cơn đại Hồng thuỷ. Nó bất thần đổ ập xuống trong một đêm mưa gió bão bùng. Dòng nước cuộn xiết đã cuốn trôi hết nhà cửa, trâu bò, con người và cả núi rừng. Giữa cuộc tan tác ấy, có đôi vợ chồng bấu víu được trên chiếc bè. Cứ thế, chiếc bè chìm nổi trong sóng dữ hết ngày này sang này khác cho đến khi vướng vào một cây cổ thụ khổng lồ có tên là Bi, rễ cây ăn xuyên qua “chín sông, mười núi” bền chắc đến nỗi cơn đại Hồng thuỷ kia không thể làm bật gốc. Khi cơn Hồng thuỷ rút đi, đôi vợ chồng nọ cũng không biết quê xứ của mình ở đâu để trở về. Bởi sau cơn Hồng thuỷ, mặt đất như trở lại thời hỗn mang, mọi thứ đều tan tác hoặc bị cuốn trôi. Không biết đi đâu, họ ở lại dựng nhà dưới gốc cây Bi, sinh con đẻ cái, phát rừng làm nương, cày cuốc sườn đồi thành ruộng bậc thang, làm Cọn lấy nước, thuần phục muông thú thành vật nuôi, lập bản, lập mường. Nhớ ơn cây thần cứu mạng, họ đã lấy tên cây đặt tên cho mường. Đó là vùng Mường Bi ngày nay - một mường lớn và trù phú nhất trong 4 mường Bi - Vang - Thàng - Động của xứ Mường Hoà Bình. Lũng Vân chính là nơi sinh sống cao nhất của người Mường Bi. 

 

Cái tên Lũng Vân, có lẽ được bắt nguồn từ điểm đặc trưng của một thung lũng với bốn bề là núi cao dựng, nối nhau trùng điệp quanh năm chờn vờn mây phủ. Xưa, Lũng Vân còn có tên là Mường Chậm. Theo những người dân thì chữ Chậm ở đây không phải là sự nhanh, chậm theo nghĩa thông thường. Nhưng trong tiếng Mường nó cũng chẳng thể hiện ý nghĩa gì. Nguồn gốc xa xưa của địa danh này cũng chẳng mấy ai rõ. Chỉ biết rằng truyền thuyết tạo nên xứ Mường trong mây này là một câu chuyện buồn của một cuộc trốn chạy quan Lang của một gia đình nghèo còn được ghi trong trí nhớ của một lớp người xưa cũ như một câu truyện truyền thuyết đời nối đời. Trong chuyến đi này, chúng tôi được ông Đinh Văn Nhển năm nay đã gần bước sang tuổi thất thập ở xóm Nghẹ kể cho nghe về câu chuyện lập làng, lập bản xưa kia. Ông bảo: Tương truyền thì trong xứ Mường Hoà Bình, Mường Chậm là xứ mường trẻ nhất, nằm ở địa thế sâu, xa nhất. Nó là kết quả cuộc trốn chạy của một nhà dân thường. Vì phạm tội với nhà Lang nên phải bồng bế nhau bỏ mường đi tìm đất mới. Thuở ấy, nhà lang xứ Mường Bống ở đất Lạc Sơn cho đắp một con đập dẫn nước về các thửa ruộng bậc thang lẩn khuất giữa các khe nách núi. Từ khi có con đập, lũ trẻ thường rủ nhau tắm và chui luồn như những con rái cá trong cái cống dẫn nước bắc ngang qua chân núi. Một nhà dân thuộc họ Bùi vô tình đan cái ngõ hầu (đó) chặn một đầu bên kia miệng cống. Mải nô đùa, luồn lách 9 đứa trẻ bị giắt vào ngõ hầu và chết trong đó. Nhà lang phạt vạ, bắt nhà họ Bùi đan đủ 9 cái ngõ hầu, mỗi năm nộp lúa, ngô... quy ra vàng bạc đầy 9 cái ngõ hầu để nộp vạ cho mường... Không chịu được sự bất công, sau một mùa lúa mới, trong một đêm tối trời, nhà họ Bùi đã gùi chín gùi lúa mới bồng bế nhau bỏ mường, trốn khỏi nhà lang. Họ đi miết cho tới khi lạc vào một vùng hoang vu cây cối rậm rạp. Nghe tiếng Cuốc kêu, biết là vùng này có nước, họ mới dừng chân ở lại.... Mường Chậm được hình thành như thế. Con Cuốc chỉ đường cho người trốn vạ nhà lang được nhà họ Bùi nhớ ơn, không bao giờ ăn thịt. Cuộc sống bình yên trên vùng đất mới của dòng họ Bùi bắt đầu như vậy. Một năm sau, người vợ của nhà họ Bùi đi xúc cá, được một quả trứng. Bỏ đi đâu bà cũng bắt đúng quả trứng ấy. Lấy làm lạ, bà mang về cho gà ấp, quả trứng nở ra một con rắn. Con rắn hiền lành chẳng bao giờ làm hại ai cả.. Lớn lên, con rắn bò về cái lằn nước nơi trước kia người vợ nhà họ Bùi vớt được quả trứng. Trước khi đi, rắn bảo: “Con trả ơn nuôi dưỡng của bố mẹ bằng cách mở rộng đất cho bố cày”. Một đêm mưa gió, sấm chớp đùng đùng, nước ngập cả mường, kéo đổ cây, cuốn cả nhà... Đúng lúc ấy, con rắn hiện lên bảo với ông lão họ Bùi: “con sẽ đi dập dòng nước dữ cứu mường. Lúc con đi, bố phải nhắm mắt đọc câu thần chú “con tôi làm được” và không được mở mắt nhìn. Nếu không con sẽ chết ngay!”. Nói rồi, con rắn lao vào dòng nước dữ trong đêm giông gió. Người cha nghe theo, nhắm mắt đọc câu thần chú. Nhưng rồi cuối cùng vì sự tò mò, ông mở mắt ra và nhìn thấy một con giao long khổng lồ đang hút từng đụn nước vào bụng, vừa hút, vừa lấy thân mình khoét núi cho nước thoát đi... Câu chuyện của ông Nhển cứ như dòng nước cuốn chúng tôi theo những câu chuyện, huyền thoại về những ngày tháng lập bản, lập mường trên thung lũng mây thủa trước.

 

Thung lũng tiên và những người sống qua 3 thế kỷ

 

Cùng với những huyện thoại, cùng với cảnh đẹp mà không ít người đã phải thốt lên đầy kinh ngạc khi đặt chân lên vùng đất này là một cuộc sống thanh bình như ở chốn tu tiên. Cuộc sống trong thung lũng nằm ở độ cao hơn 1.200 mét so với mực nước biển được bao bọc bởi những ngọn núi Pó, núi Trâu, núi Tiên cứ lung linh huyền ảo như trong một câu truyện cổ tích có thật. Còn đối với những người dân thì “đây thực sự là một xứ thần tiên. Ở đây ai cũng được ân hưởng tuổi giời”. Theo ông Hà Đức Thọ, Chủ tịch UBND xã Lũng Vân thì được biết: Cả xã có 428 nóc nhà với 2.078 khẩu thì có đến 166 cụ từ 80 tuổi trở lên. Trong đó tính theo tuổi giời thì ở đây có những cụ đã sống xuyên qua ba thế kỷ.

 

Cũng không nói đâu xa, bản thân trong gia đình dòng họ nhà ông Đinh Văn Truyền, hiện là Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã cũng đã từng có 8 người sống đến trăm tuổi. Có những người đã vào cõi tu tiên nhưng vẫn còn khoẻ mạnh, minh mẫn. Hàng ngày ở nhà vẫn nấu cơm, trông con trông cháu thậm chí còn đi xách nước, làm nương, gặt lúa cùng con cháu. “Những người tuổi sống đên trăm tuổi ở đây không hiếm. Thậm chí như cụ Đinh Thị Hệu ở xóm Nghè năm nay đã 112 tuổi, cụ Bùi Thị Hím, 102 tuổi hiện vẫn còn sống. Các cụ tuy cao tuổi nhưng mà vẫn còn minh mẫn lắm. Cách đây vài ba năm về trước cụ vẫn còn nấu cơm, giặt giũ, thậm chí còn đi xách nước giúp con cháu được”, ông Chủ tịch UBND xã nói như gợi ý. Theo sự chỉ dẫn của ông Chủ tịch UBND xã Lũng Vân, chúng tôi về xóm Nghẹ để gặp những người đang ân hưởng tuổi giời trên thung lũng tu tiên này. Cũng không khó để tìm đến nhà các cụ, bởi ở đây ai cũng biết. Cụ Hệu hiện giờ đang ở với vợ chồng người con trai thứ 6. Cụ Hệu không nói được tiếng Kinh và bị lãng tai nên cô con dâu thứ sáu là bà Đinh Thị Linh năm nay cũng đã ngót nghét tuổi 70 làm phiên dịch. Bà cho biết: Hiện giờ Cụ nhà tôi là cao tuổi nhất ở đây. Cụ sinh năm 1897, năm nay là 112 tuổi. Ơn giời, cụ vẫn được mạnh khoẻ và ít ốm đau. Trước đây bà cụ cố, sinh ra cụ Hệu cũng được hưởng tuổi giời đến hơn 100 tuổi. Bây giờ Cụ Hệu chỉ ngồi bên bếp lửa, mấy năm trước cụ vẫn còn đi làm nương với con cháu. Hai ba năm nay sức cũng đã yếu hơn nên chẳng mấy khi đi đâu ra khỏi bếp lửa. Ngồi bên bếp lửa nhìn khách lạ, đôi lúc bà góp chuyện bằng một vài câu tiếng mường rời rạc trong khi đôi tay khô gầy không ngừng cời than cho ngọn lửa bùng cháy. “Cụ được như thế này là cái phúc của nhà mình đấy. Con cháu cố gắng chăm sóc phụng dưỡng và luôn mong cho cụ hưởng tuổi giời thêm thật nhiều nữa”, ông Đinh Văn Nhển, con trai thứ 6 của cụ nói như reo.

 

Ở Thung lũng tiên, hiện ngay ngoài cụ Hệu còn có cụ Đinh Thị Hím ở xóm Hượp năm nay cũng đã 103 tuổi. Sức đã yếu mắt đã mờ nhưng trí nhớ thì vẫn minh mẫn, tai vẫn tinh thính, chân tay vẫn còn linh hoạt. Khi chúng tôi đến, anh Đinh Văn Thức, cháu đích tôn của cụ Hím năm nay đã 50 tuổi vồn vã: Mấy hôm nay Cụ mệt, ăn uống mỗi bữa cũng chẳng được bao nhiêu. Năm Cụ 100 tuổi, vẫn còn khoẻ lắm, hàng ngày vẫn đi xách nước, nấu cơm cho cả nhà. Hơn 1 năm nay, sức cụ yếu nên cũng chỉ ngồi quanh bếp lửa. Trí nhớ của Cụ còn tốt lắm, thường những hôm vui, cụ hay hát “thường dang, bọ mẹng” và kể chuyện về cuộc sống ngày xưa cho con cháu nghe. Bên bếp lửa, nghe thấy tiếng người lạ, cụ Hím chậm rãi ngồi dậy trong sự nâng đỡ của cháu đích tôn. Cụ móm mém nói trong hơi thở: mấy hôm nay đau ê hết cả người. Không lẽ thời tiết lại sắp thay đổi.

 

Nếu nói đến những người sống qua 3 thế kỷ như cụ Hệu, cụ Hím ở Mường Chậm thì nhiều, chẳng ai có thể nhớ hết được. Trước khi chúng tôi đến, vào tháng 6/2009, cụ bà Hà Thị Lợi - bà cả Nàng (vợ quan lang) cuối cùng của Mường Chậm đã về cõi phật khi đã thọ giới được 110 tuổi. Trước đó, vào tháng 2/2008 cụ Bùi Thị Niện cũng đã về cõi phật khi thọ giới được 104 tuổi. “Ở Lũng Vân bây giờ có nhiều cụ đã sống trên 90 tuổi mà vẫn còn khoẻ mạnh. Nếu còn sức, nhiều cụ cũng có thể bước vào tuổi tiên”, Chủ tịch UBND xã Hà Đức Thọ nhấn mạnh. Khi hỏi về bí quyết trường thọ ở Mường Chậm, cả ông Chủ tịch UBND xã, ông Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Lũng Vân, Đinh Văn Truyền và cả bác sỹ Bùi Thị Quyên, Trưởng trạm y tế xã Lũng Vân đều cười: Chẳng có bí quyết gì đâu. Xưa các cụ sống vất vả cực nhọc toàn phải ăn củ nâu, củ vớn thay cơm. Thức ăn cũng chỉ toàn là rau rừng, ốc đá... chứ tịnh không có một thứ biệt dược nào cả. Đến bây giờ cũng vẫn nếp sống cũ rau tự trồng, thịt tự nuôi.

 

Thế mới biết, Mường Chậm trong lành đến nhường nào. Sự trong lành, tinh khiết đó hàng trăm năm qua vẫn luôn được giữ gìn để người dân được ân hưởng tuổi giời. Có lẽ nhờ vậy mà mùa xuân chưa bao giờ rời khỏi thung lũng tu tiên?!.

                                              

 

                                                                                Mạnh Hùng

 

Các tin khác

Những nốt nhạc trên nền trời Tây Bắc
Người dân thành phố Hoà Bình lên thắp hương trên tượng đài Hồ Chí Minh bên công trình thuỷ điện Hoà Bình
Tết đối với lũ trẻ ở vùng quê nghèo nhất của thành phố Hà Nội vẫn luôn háo hức đến kỳ lạ
Không chỉ đảm bảo đời sống vật chất, các cụ còn được Trung tâm chăm lo đến đời sống tinh thần

Để mùa xuân thêm sắc thắm

(HBĐT) - Ngày xuân bên cạnh đào, mai cùng trăm hoa khoe sắc thì cây cảnh nghệ thuật chiếm một vị trí không nhỏ trong việc mang sắc xuân đến với mọi nhà. Hòa Bình có rất nhiều lợi thế về loại hình nghệ thuật này, đủ sơn thủy hữu tình, mỗi thắng cảnh, di tích có một vẻ đẹp riêng không trùng lặp tạo điều kiện và cơ hội cho những người yêu thiên nhiên, yêu cây cảnh sáng tạo ra những tác phẩm non bộ hay cây cảnh nghệ thuật của riêng mình và họ đã góp một phần tô điểm cho cảnh sắc mùa xuân thêm phong phú.

Gặp gỡ những điển hình tiên tiến học tập và làm theo lời Bác

(HBĐT) - Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam và chào đón năm mới Canh Dần 2010 cũng là dịp cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh hân hoan nhìn lại 3 năm CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đi vào cuộc sống để được đón nhận một vườn hoa việc tốt đã nở rộ ở khắp các địa phương trong tỉnh.

Áo ấm bộ đội

(HBĐT) - Cầm trên tay bộ quần áo vừa được Thiếu tướng Bùi Đình Phái, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh trao, ông Đinh Công Nhung, 78 tuổi ở xóm Khạng, xã Địch Giáo (Tân Lạc) xúc động: Cái này quý lắm. Nó là tình cảm của các anh bộ đội dành cho dân nghèo. Tôi sẽ giữ gìn cẩn thận và mặc nó cho đến khi nào không còn mặc được nữa thì cũng vẫn giữ lại làm kỷ niệm.

Những đảng viên trẻ nuôi chí làm giàu

(HBĐT) - “Một năm khởi đầu từ mùa xuân/ Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ”. Ghi sâu lời dạy của Bác, trên khắp các địa phương trong tỉnh đã xuất hiện không ít những tấm gương biết vượt qua khó khăn, làm giàu chính đáng bằng bàn tay lao động và ở đó cũng luôn có những đảng viên trẻ khu vực nông thôn phát huy vai trò đầu tầu gương mẫu trong đạo đức lối sống, phát triển kinh tế để mang về những mùa xuân cho cuộc đời.

Khám phá miền đất cổ Cao Răm

(HBĐT) - Nằm giữa những dãy núi đá vôi, Cao Răm là một thung lũng cổ, chỉ rộng chừng 3km2, nhưng nơi đây hiện đang có tới 4 trên tổng số 37 di tích cấp Quốc gia. Đến với Cao Răm, sau giây phút trang nghiêm cùng di tích lịch sử hang Đền; miệt mài với di tích khảo cổ hang Chổ, hang Núi Sáng thì du khách sẽ được phiêu du thưởng ngoạn những kiệt tác của tạo hoá trong động Mãn Nguyện, hang Khụ Thượng...

Nhọc nhằn "đời than":
Kỳ II - Day dứt chuyện về những người thợ lò

(HBĐT) - Đem chuyện về chuyến xuống hầm khai thác than ở khu vực xóm Đồi xã Lỗ Sơn kể cho ông Lương Văn Chiến, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Anh Vũ tại Hoà Bình. Là một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác hầm mỏ, nghe xong, người đàn ông thẳng tính này nói như mắng: Chú mày liều quá! Vào hầm lò khai thác than không phải là chuyện đơn giản và cũng không phải là những chuyến dạo chơi đơn thuần

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục