Anh Bùi Văn Công (người thứ 2 từ bên trái sang) đang giới thiệu với cán bộ, chính quyền xã mô hình kinh tế của mình
(HBĐT) - “Dòng chảy đen” rồi “cơn lốc trắng” quét qua những vùng quê nghèo lam lũ ở huyện Lạc Sơn đã để lại sau nó nỗi đau tột cùng cho nhiều gia đình nông thôn. Giờ đây, những người một thời lầm đường lạc lối đang tìm lại cuộc sống mới của mình trong tình yêu thương của gia đình và cộng đồng.
Trung tá Bùi Văn Chinh, đội trưởng Đội điều tra về ma túy Công an huyện Lạc Sơn cho biết: Cách đây khoảng 5 năm trở về trước, cả huyện có 18/29 xã, thị trấn có người nghiện ma túy. Nhưng đến nay, toàn huyện hiện chỉ còn 9 xã có người sử dụng ma túy với 53 người nghiện. Tệ nạn ma túy ở Lạc Sơn bắt đầu xuất hiện và nổi lên từ những năm 1988 - 1989. Chủ yếu là do những người đi làm xa mang về, rồi lôi kéo các đối tượng ở nhà nghiện ma túy theo. Thực tế ở địa phương không có đối tượng tàng trữ hay buôn bán lớn. Trước thực trạng đó, cấp ủy, Chính quyền địa phương đã tích cực vận động toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy. Trong đó đặc biệt vận động, giáo dục, tuyên truyền tác hại về ma túy cho những người có nguy cơ và những người nghiện từ bỏ ma túy. Nhờ vậy, đã vận động nhiều người cai nghiện thành công và trở thành người có ích.
Một trong số những người cai nghiện thành công và trở thành người có ích đó là Bùi Văn Công, trú tại Xóm Vôi, xã Liên Vũ. Vốn là con út trong một gia đình có truyền thống cách mạng (bố mẹ từng là cựu chiến binh chống Pháp), nhà có 6 anh, chị em, gia đình làm nông nghiệp nên cuộc sống có nhiều khó khăn, vất vả. Trước hoàn cảnh đó, anh nghĩ mình nên tìm một công việc để giúp gia đình vơi bớt gánh nặng đói nghèo. Với mong muốn kiếm tiền để đổi đời. Năm 1993, Bùi Văn Công lên bãi vàng Thung Bu xã Tân Mỹ để tìm kiếm vận may. Tại đây, cuốn theo lối sống của những người có tiền, Bùi Văn Công đã lao vào vòng xoáy mê muội của “nàng tiên nâu”. Ma túy như một ngọn lửa bùng lên đốt cháy tất cả những gì Công kiếm được, kể cả sức lao động của một gã trai trẻ tuổi mới ngoài đôi mươi. Khiến Công từ một thanh niên tuổi mười chín đôi mươi căng tràn sức sống, mạnh mẽ trong từng đường gân thớ thịt trở thành một gã “ma đói” tiều tụy, lờ đờ mỗi khi “đói” thuốc…
Cái ước vọng đổi đời của Bùi Văn Công và không ít gã trai trẻ ở vùng quê nghèo rồi cũng tan biến theo ngọn khói mơ hồ bên bàn đèn leo lét ngọn lửa như ma trơi. Khi nhận thấy mình không còn đủ sức để vật lộn với “giấc chiêm bao làm giàu” nữa, Công trở về nhà với đôi bàn tay dày cộm những nốt chai sần và những cơn ngáp vặt kéo dài bất tận mỗi khi thiếu hơi thuốc. Trở về nhà sau cơn mộng mỵ nơi bãi vàng với sự xa lánh, kỳ thị của những người xung quanh. Thậm chí là sự kỳ thị cả ở nơi anh em họ hàng. Bởi Bùi Văn Công vẫn là con nghiện - con ma của núi. Công bảo: Khi đó, cuộc sống tưởng như là dấu chấm hết. Không tiền, không sức khỏe, người thân đau buồn, bản thân chán nản. Càng chán nản thì mình lại càng dấn sâu vào ma túy để quên. Lúc đầu chỉ là hút, hít. Rồi khi những liều thuốc ngày càng tăng thì mình chuyển sang tiêm chích.
Tiền không có nên đã không ít lần Công và bạn nghiện dùng chung kim tiêm. Thậm chí có những lúc bần cùng, vội vã, Công và những người bạn nghiện cũng chẳng ngần ngại sử dụng luôn cả những chiếc xilanh đã dùng bị vứt vương vãi quanh những rệ cỏ, bờ rào Mường Vôi để đưa ma túy vào trong cơ thể. Giữa lúc đó chính quyền địa phương, bà con lối xóm, bạn bè, đặc biệt là lực lượng Công an xã và Hội Nông dân xã Liên Vũ đã phối hợp động viên Công đi cai nghiện. “Đó là cái phao cứu cho cuộc đời mình không trôi sâu vào sự tăm tối, u mê và bất lực. Lúc đầu mình cũng thấy sợ. Sợ không đủ sức để quên được “làn khói trắng” đầy cám dỗ. Và sợ cả chính bản thân mình không đủ niềm tin và quyết tâm dứt tình với thứ ma dược chết người này bởi đã gần chục năm “kết tình” cũng chẳng dễ để bỏ qua”, Công cười hiền. Rồi với sự động viên của người thân, gia đình, Công bước vào cuộc chiến của riêng mình với quyết tâm bằng mọi giá phải đoạn tuyệt với ma túy.
Nhưng sau khi trở về từ Trung tâm cai nghiện, như con ma hoang quen lối bước, Công lại theo chúng bạn về lại con đường cũ đắm mình trong cảm giác phiêu diêu vô định, trong sự thỏa mãn cùng cực của những ngày thiếu thuốc. Những khi tỉnh cơn mê, nhìn về thực tại, người đàn ông này cũng đã chạnh lòng xót xa khi nhìn người cha già thường ngồi trầm tư như hóa đá bên cửa voóng. Còn người mẹ cứ nhìn con rồi lén lau những giọt nước mắt đặc quánh ép ra từ khóe mắt nhăn nheo. Những lúc ấy, cái bản ngã hướng thiện trong con thú hoang chợt bừng trỗi dậy. Thương cha, mẹ bao nhiêu thì anh thấy hổ thẹn với bản thân, bạn bè, hàng xóm bấy nhiêu. Và rồi sau những đêm thức trắng, Bùi Văn Công đã tự nguyện xin đi cai nghiện. Lần này là một quyết tâm sắt đá để đoạn tuyệt với quá khứ lầm lỗi, đen tối. Những ngày tháng trong trung tâm cai nghiện với Công thật là dài. Bởi những cơn vật vã cứ ào về như thác đổ. Lúc làm cho Công đau đớn với cái cảm giác như có hàng nghìn, hàng vạn con sâu đang gặm nhấm dần từng thớ thịt, ăn mòn từng mẩu xương, khi thì làm Công khốn khổ với những cơn nóng lạnh bất thường. Đối mặt với đớn đau, đã không ít lần anh gào thét, giằng xé. Thậm chí, có lần Công còn định chặt đứt cả 10 đầu ngón tay để những cơn đau và chất độc trong người tuôn ra xối xả cùng máu. Nhưng rồi quãng thời gian khó khăn nhất cũng trôi qua trong sự động viên của gia đình và người thân. 2 năm với nhiều người không phải là khoảng thời gian dài. Nhưng với Bùi Văn Công, 2 năm cai nghiện là một quãng thời gian rất dài để thử thách ý chí, nghị lực và quyết tâm. Với Bùi Văn Công, thì cái thành công lớn nhất trong quá trình cai nghiện đó là luôn giữ được mình. Đoạn tuyệt hoàn toàn với quá khứ, kiên quyết không để bạn xấu rủ rê.
“Từ lúc cai thấy sức khỏe dần dần trở lại với mình và tự tin hẳn lên để hòa nhập với cuộc sống, với cộng đồng”, Công cho biết. Khi thấy việc cai nghiện đã ổn, Công lao vào làm việc như để bù đắp khoảng trống lỗi lầm anh gây ra cho gia đình. Được sự giúp đỡ của gia đình, sự động viên của hàng xóm, láng giềng, anh em bè bạn, Bùi Văn Công đã thành lập một tổ hút cát gồm 10 người và học tập làm mô hình kinh tế VAC tại nhà thì anh đào ao thả nhiều loại cá (Trắm cỏ, trê, Trôi, rô phi…) nguồn thu từ mô hình kinh tế VAC mỗi năm từ 15 đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi năm gia đình anh nuôi 3 lứa lợn. Trung bình mỗi lứa khoảng 10 con. Từ cách làm trên, bình quân mỗi năm gia đình anh còn thu về hơn 40 triệu đồng.
Cuộc sống hiện nay tuy không dư dả nhưng bằng sức lao động chân chính, Công cũng đủ nuôi sống bố mẹ và gia đình. Anh bảo: Những sai lầm trong quá khứ thế là quá đủ. Bây giờ tôi không còn day dứt nữa mà thấy mình thật hạnh phúc vì đã trở về là chính mình, là một công dân có ích.
Ngô Thủy
(HBĐT) - Tiếng chặt, tiếng cưa máy rền rít, tiếng cây đổ rào rạo đã làm cho cánh rừng già Phục Trâu, Nước Mọc thuộc xóm Ké, xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc trở thành công trường khai thác gỗ. Lần theo những móng trâu hằn sâu trên con đường mòn độc đạo, chúng tôi xâm nhập rừng già sau một ngày mưa tầm tã.
(HBĐT) - Trở lại vùng “đất nóng” Hang Kia, huyện Mai Châu khi chưa thể quên tiếng súng nổ vang động núi rừng đầy uy hiếp trong ngày 05/2/2010 vừa qua. Mặc dù đã lên tinh thần trước, nhưng trên suốt chặng đường hơn 100km, tôi vẫn luôn mang một cảm giác không mấy bình yên khi trở lại thung lũng Hang Kia...
(HBĐT) - Thời gian đã nhuộm sương trắng mái đầu người nghệ sĩ bước sang tuổi 75, cái tuổi không còn cho người ta sức khoẻ dồi dào để hào sảng câu hát. Nhưng thời gian không làm phai nhạt trong ông niềm say mê, tâm huyết với câu hát chèo. Trong một buổi sáng tháng 5 yên bình ở Tiểu khu 2, Bãi Lạng, Lương Sơn, giọng ca “thổ đồng” của nghệ sĩ Minh Sáng lại vang lên, đưa chúng tôi trở về với oan khiên Nguyễn Trãi…
(HBĐT) - Tính ra, có 3 cái mốc quan trọng đã cơ bản làm thay đổi cuộc sống ở Tân Dân. Thứ nhất đó là việc kéo điện lưới quốc gia, tiếp đến là đường giao thông được mở đến trung tâm xã và cuối cùng là việc chuyển địa giới hành chính của xã về huyện Mai Châu. Những cái mốc này đã dần “kéo” Tân Dân ra khỏi cái “ốc đảo” của đói nghèo
(HBĐT) - “A lô… A lô… Đã đến giờ nghe đài, xin mời bà con chú ý! A lô… A lô…” Nói đoạn, ông nhanh nhẹn đặt micrô hướng vào cái đài nhỏ, thành thạo chỉnh tần số sóng FM để bắt chương trình thời sự buổi sáng quen thuộc.
(HBĐT) - “Đảng viên phải là những công dân tiên phong và gương mẫu trong sự nghiệp làm kinh tế, làm giàu cho nhà, cho nước và phải có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức người lao động làm giàu…”. Nhưng với ông Cao Thế Kỷ là Bí thư chi bộ xóm Đá Bạc, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn còn có một trách nhiệm khác là giúp đỡ những người có HIV. Ông là người đầu tiên xông vào trận chiến với căn bệnh thế kỷ. Và thắp lên cho bao số phận ngọn lửa của niềm hi vọng.