Vận chuyển máy móc hàng hóa lên thi công thủy điện Suối Nhạp tháng 3/2009

Vận chuyển máy móc hàng hóa lên thi công thủy điện Suối Nhạp tháng 3/2009

(HBĐT) -Ngày thủy điện Suối Nhạp (Suối Nhạp A) chính thức thức hòa lưới điện quốc gia, núi rừng Đà Bắc rộn rã tiếng ca vui. Hàng nghìn người từ khắp nơi đến chứng kiến công trình thủy điện ra đời tại vùng rừng núi heo hút Đồng Chum. Từ sớm tinh mơ, bà con 2 xã Đồng Chum, Đồng Ruộng lựa chọn những bộ quần áo đẹp nhất băng núi, vượt rừng đến thăm công trình thủy điện Suối Nhạp nghe văn nghệ và chứng kiến các tổ máy hiện đại phát lên dòng điện bừng sáng núi rừng Đà Bắc.

 

Con đập sừng sững chắn ngang dòng suối Nhạp đầy ắp nước. Suối Nhạp đã được trị thủy. Sức nước ngàn năm nay được chuyển hóa thành ánh sáng điện năng, hòa lên lưới điện quốc gia, toả đi muôn nơi, góp phần cải thiện tình trạng cấp điện đang căng thẳng trên địa bàn. Đó là niềm vui khôn tả của bà con dân bản và những cán bộ, kỹ sư Công ty CP Đầu tư năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn (Công ty Hoàng Sơn).

 

Đứng bên tổ máy, nhìn tuốc bin chạy rầm rầm phát điện, kỹ sư Vĩnh- người có mấy chục năm làm thủy điện, gần chục năm nay về  đầu quân cho Công ty Hoàng Sơn, được giao trọng trách là chỉ huy trưởng thi công Dự án thủy điện suối Nhạp chứa chan hạnh phúc. Ông bồi hồi nhớ lại những ngày gian khó triển khai dự án Nhà máy thủy điện Suối Nhạp. Từ khảo sát, nghiên cứu, chuẩn bị các thủ tục đầu tư, rồi triển khai xây dựng nhà máy ròng rã suốt  4 năm trời. Công trình thủy điện Suối Nhạp do Công ty Hoàng Sơn là chủ đầu tư và đảm nhiệm thi công, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có công suất 4 MW, sản lượng điện hàng năm đạt khoảng 15 triệu KWh. Công trình được triển khai trên địa bàn 2 xã khó khăn bậc nhất của huyện vùng cao Đà Bắc là Đồng Ruộng và Đồng Chum. Nơi núi rừng xa xôi, hẻo lánh cách trung tâm huyện 70 km, chưa có đường giao thông bộ. Việc vận chuyển, đi lại duy nhất là bằng đường thủy. Trong quá trình thi công, hầu như ngày nào Công ty Hoàng Sơn cũng phải vận chuyển máy móc, thiết bị, thực phẩm, cán bộ, kỹ sư lên chỉ đạo thi công nhà máy.

 

Hệ thống thông tin liên lạc, điện qua chưa có và không ổn định. Mặt khác, Dự án được triển khai vào đúng thời điểm lạm phát tăng cao (những năm 2008-2009)- thời điểm cao độ của dự án, giá vật tư, vật liệu, nhân công tăng chóng mặt, trung bình mỗi tháng mất hơn 700 triệu đồng tiền dầu máy, mặt bằng đặt tổ máy phải xả núi tới 200 m đá, chất đá mài rắn như sắt, cứ 20 cm mất 1 mũi khoan, 1 ngày hỏng 1 giong cầu máy giá 2,7 triệu đồng. Rồi vật tư, máy móc, thực phẩm đều phải vận chuyển bằng đường sông, tàu công ty đi lại 1 ngày vài chuyến xuôi ngược lòng hồ. Tất cả làm suất đầu tư tăng cao hơn mức bình thường.

 

Đầu tư vào các dự án thủy điện phải là những người vốn lớn và “bạo gan”. Các chuyên gia tính toán, trung bình cứ 1 MW cần 1 triệu USD. Như vậy, Công ty Hoàng Sơn sẽ phải bỏ ra khoảng 80 tỷ đồng để triển khai Dự án thủy điện Suối Nhạp công suất 4 MW. Đến ngày vận hành và phát điện, tổng mức đầu tư của dự án Thủy điện Suối Nhạp giai đoạn 1 đã lên trên 100 tỷ đồng, đấy là Hoàng Sơn tự đảm nhiệm thi công.

 

          

             Cán bộ kỹ sư công ty Hoàng Sơn vận hành Thủy điện Suối Nhạp

 

Đến nay có thể khẳng định, dự án thủy điện Suối Nhạp là dự án có quy mô lớn nhất  trong các dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh. Hồ chứa, đập tích nước cao 25 m, dài gần 100 m, hệ thống kênh dẫn nước dài 1,5 km, cột bơm áp lực cao 62 m và nhiều hạng mục khác…Đối với dự án này, nguồn nước để vận hành nhà máy liên tục rất khả quan. Công  trình được xây dựng trên nhánh cấp 1 của sông Đà là dòng suối Nhạp có lưu vực khoảng 150 km2, nguồn nước ổn định và dồi dào, được hình thành từ trên núi núi cao Đà Bắc có khu bảo tồn Pu Canh quanh năm tươi tốt. Hoàng Sơn đã ký hợp đồng mua bán điện với Tổng công ty Điện lực Miền Bắc trong vòng 20 năm với giá bán điện vào giờ cao điểm là 2.099 đồng/KWh.

 

Thủy điện Suối Nhạp đi vào vận hành sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển KT-XH của huyện Đà Bắc và của tỉnh. Ước tính sẽ thực hiện doanh thu 20 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách khoảng 4 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho con em các xã Đồng Chum, Đồng Ruộng, Mường Chiềng. Dự án thủy điện Suối Nhạp nằm trong chiến lược đầu tư táo bạo và dài hơi và hoàn toàn có cơ sở của tập thể lãnh đạo công ty Hoàng Sơn. Ngày khánh thành và hòa lưới điện quốc gia của dự án thủy điện Suối Nhạp giai đoạn 1 cũng chính là thời gian Công ty Hoàng Sơn tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án ( thủy điện Đồng Chum 2). Hai dự án có mối quan hệ hữu cơ. Công trình đầu mối chặn dòng suối Nhạp thuộc địa phận xã Đồng Chum. Nhà máy thuộc địa phận xã Đồng Ruộng. Hạ lưu thủy điện Suối Nhạp A là hồ chứa của thủy điện Hòa Bình. Khi thủy điện Hòa Bình tích đầy nước thì gian máy của thủy điện Suối Nhạp A ngập sâu 5 m dưới mặt hồ. Hạ lưu thủy điện Đồng Chum chính là hồ chứa của Thủy điện Suối Nhạp A, khi thủy điện Suối Nhạp A tích đầy nước thì gian máy của thủy điện Đồng Chum 2 ngập sâu 3 m dưới mặt nước hồ.

 

Ông Nguyễn Nam Chung, GĐ Công ty Hoàng Sơn cho biết: Dự án thủy điện Đồng Chum 2 sẽ thuận lợi trong thi công hơn thủy điện Suối Nhạp A. Bởi công ty tích luỹ được những kinh nghiệm quý báu trong quá trình triển khai dự án Suối Nhạp A. Mặt khác, tuyến đường Nhạp Ngoài, xã Đồng Chum đi xã Đồng Ruộng đã hoàn thành nên có thể vận chuyển cả đường thủy và đường bộ tiến độ dự án sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Dự án Thủy điện Đồng Chum 2 có tổng mức đầu tư dự kiến là 225 tỷ đồng, gồm 4 tổ máy, công suất 9,2 MW, sản lượng điện bình quân 33,5 triệu KWh, khi vận hành sẽ thực hiện doanh thu khoảng 40 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 9-10 tỷ đồng.

 

Núi rừng Đồng Chum, Đồng Ruộng rộn rã niềm vui ngày thủy điện Suối Nhạp hòa lưới điện quốc gia và dự án thủy điện Đồng Chum 2 sẽ tiến hành khởi công, đặt mục tiêu đến cuối năm 2012 sẽ hoàn thành.

                                                                       

                                       

                                                                                        Lê Chung

 

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục