Chiều xuân làng chài.
(HBĐT) - Tháng chạp, nước sông Đà xanh màu ngọc bích. Đứng giữa cây cầu bắc qua dòng sông khỏa tầm mắt, làng chài như một dải lụa nằm nép mình bên bờ kè phía tả ngạn thuộc tổ 4, phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình.
Trong cái se của những ngày áp Tết, cùng chèo thuyền với anh công an viên Ngô Văn Son đi dọc bờ sông mới thấy hết sự đổi thay của trên bến, dưới thuyền của làng chài nói riêng và thành phố nói chung. Mùa xuân, nước sông trong vắt, đàn cá tung tăng bơi lội. Dòng sông êm đềm, thanh bình như cuộc sống của những người gắn bó với sông nước. Anh Son tâm sự: Dân chài chúng tôi gắn bó với khúc sông này từ khi bắt đầu xây dựng thủy điện. Hầu hết đều từ xã Cổ Đô, Thái Hòa, huyện Ba Vì (TP Hà Nội). Nhớ những ngày đầu, mỗi gia đình chỉ có một chiếc thuyền nan hoặc gỗ. Con cá, con tôm kiếm được bán rẻ như cho. Con cái sinh ra ở nhà theo bố mẹ học nghề chài lưới. Số người biết chữ đếm trên đầu ngón tay. Nay, mọi thứ đã khác xưa nhiều. Gia đình nào cũng làm được nhà nổi, có những ngôi nhà mái tôn, cửa kính trị giá trên 150 triệu đồng như nhà các anh: Nguyễn Văn Tiến, Lê Văn Huân… 100% gia đình có phương tiện nghe, nhìn, hầu hết các hộ đều mua được tủ lạnh, xe máy. Buổi sáng, các cháu nhỏ ríu rít xuôi thuyền theo bố, mẹ lên bờ để đi học. Thế hệ trẻ làng chài không còn mù chữ mà nhiều cháu đã học hết THPT đi làm công nhân hoặc tiếp tục học nghề. Gia đình anh Ngô Văn Son có hai con, con lớn làm nghề lái xe taxi, còn Ngô Văn Dũng đang học lớp 11, dự định khi tốt nghiệp sẽ học tại trường cao đẳng nghề.
Không chỉ được học hành, trẻ em làng chài còn được chăm sóc sức khỏe chu đáo, được tiêm phòng, cân kiểm tra theo dõi hàng tháng. Ông Lê Văn Thông, tổ trưởng làng chài cho biết: Nhờ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, 53 hộ dân vạn chài đã có hộ khẩu, trước chỉ là tạm trú. Đây thực sự là bước ngoặt bởi mọi việc giao dịch hành chính đều dễ dàng hơn. Trên bến dưới thuyền cùng đoàn kết xây dựng địa bàn giàu mạnh, văn minh. Tổ phụ nữ cũng vừa được thành lập thuộc chi hội tổ 4, phường Tân Thịnh. Vào hội, chị em được cùng sinh hoạt với những thông tin bổ ích cho bản thân và gia đình như: CSSKSS, phát triển kinh tế, vui văn hóa, văn nghệ. Cùng với sự phát triển của thành phố, làng chài cũng có nhiều tiến bộ, nhất là từ khi dự án kè hai bên bờ sông Đà hoàn thành tạo thuận lợi cho bà con đi lại, mua bán trao đổi hàng hóa. Với 100% đồng bào công giáo, trên 120 nhân khẩu luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và những quy định của địa phương. Trong làng không có người mắc tệ nạn xã hội. Việc đánh bắt thủy sản không dùng xung điện. Mỗi người đều được tuyên truyền làm như vậy là hủy hoại tương lai của chính những người sống bằng nghề đánh bắt cá, tôm. Hoạt động vui xuân đón Tết thực hiện theo nếp sống mới vui vẻ nhưng không lãng phí.
Gần 30 năm gắn bó với sông nước, hầu như Tết năm nào bà Lê Thị Tâm cũng gói bánh chưng. Bà tâm sự: Mua bánh ở chợ nhanh và tiện thật nhưng thiếu không khí Tết. Truyền thống của người Việt vẫn phải giữ cho con cháu. Ở làng chài này cũng có khi 4 – 5 gia đình mua chung một con lợn cùng thịt trong ngày 29 hoặc 30 âm lịch. Vị thơm ngậy của bánh chưng và tiếng lợn kêu ngày áp Tết làm rộn ràng cả một khúc sông. Nhưng thú vị nhất có lẽ là được xem pháo hoa đêm giao thừa. Trong giờ phút chuyển giao thiêng liêng nhất, mọi người từ khắp nơi đổ về cầu Hòa Bình và 2 bên bờ sông để chiêm ngưỡng những bông pháo hoa lung linh tỏa ánh hào quang xuống dòng sông. Đây có lẽ là điểm xem pháo hoa đẹp nhất của thành phố. Vì vậy, năm nào bà Tâm và dân làng chài cũng háo hức chờ đón và chung niềm vui với cả thành phố vào xuân. Sau giao thừa, gia đình nào cũng ra múc nước giữa dòng sông về dùng để lấy may như việc hái lộc, đến sáng mồng một đi chúc tết nhau. Khi chia tay, bà Tâm mời chúng tôi giao thừa hãy đến làng chài xem bắn pháo hoa và vui Tết với bà con - những con người thân thiện.
Cẩm Lệ
(HBĐT) - Những ngày cuối năm, chuyến xe về xuôi dường như thêm phần tấp nập. Những cành đào phai, lá dong... và những bình rượu cần vàng óng đặc trưng cho ẩm thực xứ Mường cũng nườn nượp theo xe về phố. Đã từ lâu, rượu cần trở thành sản vật quý của núi rừng được cả những người dân miền xuôi yêu thích. Có lẽ không chỉ bởi mùi vị thơm nồng khó tả, rượu cần hấp dẫn lòng người còn bởi những tinh hoa trong chế biến và thưởng thức.
(HBĐT) - Mới chỉ có vài năm mà TP Hòa Bình đổi thay đến ngỡ ngàng. Đổi thay trong tư duy hành động và trong cả diện mạo. Về tư duy, đó là sự đồng lòng nhất trí từ các cấp lãnh đạo đến mỗi công dân, tất cả như đang có trách nhiệm hơn, phấn đấu xây dựng TP Hòa Bình xứng tầm khu vực. Diện mạo đó là sự đổi mới từng ngày trên từng ngõ phố, KDC và cả trong mỗi gia đình.
(HBĐT) -Ngày thủy điện Suối Nhạp (Suối Nhạp A) chính thức thức hòa lưới điện quốc gia, núi rừng Đà Bắc rộn rã tiếng ca vui. Hàng nghìn người từ khắp nơi đến chứng kiến công trình thủy điện ra đời tại vùng rừng núi heo hút Đồng Chum. Từ sớm tinh mơ, bà con 2 xã Đồng Chum, Đồng Ruộng lựa chọn những bộ quần áo đẹp nhất băng núi, vượt rừng đến thăm công trình thủy điện Suối Nhạp nghe văn nghệ và chứng kiến các tổ máy hiện đại phát lên dòng điện bừng sáng núi rừng Đà Bắc.
(HBĐT) - 25 vụ cháy làm 2 người chết, thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu trị giá trên trên 16 tỉ đồng và 113,84 ha rừng. Đó là con số mà phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn (Công an tỉnh) cho biết về tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh năm 2010. Đáng chú ý là cháy tăng cả về số vụ và thiệt hại. Qua phân tích cho thấy, số vụ cháy chủ yếu xảy ra vào mùa hanh khô, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
(HBĐT)- “Dù có đơn vị chủ quản, được các cấp, ngành chức năng, chính quyền địa phương cấp phép khai thác nhưng trên thực tế, với cách làm giao khoán sản phẩm cho người lao động, hoạt động khai thác than ở đây cũng chẳng khác gì những lò than “thổ phỉ”. Mạnh ai người ấy làm. Rủi ro rơi vào ai, người ấy thiệt. Nỗi lo cơm áo, gạo tiền cũng chẳng để cho người ta nghĩ điều gì đang đợi mình ở dưới những miệng lò sâu hun hút vào lòng đất”- phút trải lòng của một thợ đào than khiến chúng tôi day dứt với những “đời than”.
(HBĐT) - Là một trong những địa phương có diện tích rừng tự nhiên, rừng đặc dụng với trữ lượng gỗ lớn, đa dạng, phong phú về chủng loại. Tuy nhiên, trong những năm qua, huyện Mai Châu cũng đang phải đối mặt với tình trạng chặt phá, khai thác lâm sản trái phép (KTLSTP) lén lút diễn ra khá mạnh, nhất là ở các xã có rừng tự nhiên. “Tình trạng KTLSTP khó kiểm soát đã dẫn đến suy kiệt tài nguyên rừng nhanh chóng. Ở Mai Châu bây giờ, các loại cây gỗ quý, các loại cây cổ thụ hầu như đã bị chặt hạ...” - Ông Hà Công Khuyên, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm (KL) huyện Mai Châu cho biết.