Các cô gái bản Mông du xuân, đón Tết
(HBĐT) - Về thăm lại Mai Châu trong những giáp Tết, niềm vui lớn nhất đối với chúng tôi là được chứng kiến đời sống đồng bào vùng cao này đang ngày càng khởi sắc.
Những tia nắng ấm áp của mùa xuân, sức xuân đang tràn ngập trên mọi nẻo đường của huyện. Sau những ngày giá rét, Mai Châu những ngày này nắng ấm tràn ngập, trời xanh ngắt. Bây giờ, vùng cao Mai Châu đang rộn ràng không khí tết. Những cành mai, cành đào thi nhau khoe sắc thắm. Chợ vùng cao những ngày này dù không phải là phiên nhưng cũng tấp nập người mua - bán.
Mai Châu từ lâu đã được du khách trong và ngoài nước biết đến là điểm du lịch về văn hóa qua những bản làng. Nhiều bản làng nơi đây còn lưu giữ được nguyên vẹn những nếp nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái. Du khách đến với Mai Châu được tận hưởng không khí trong lành, ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ và được tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái, Mông qua các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng, được trải tâm hồn mình vào những câu tục ngữ phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của người dân.
Chúng tôi đến bản Lác, xã Chiềng Châu - nơi có tuổi đời trên 700 năm, là nơi sinh sống của người dân tộc Thái với 5 dòng họ. Trước đây, dân bản chỉ sống dựa vào nghề trồng lúa nương và dệt thổ cẩm. Nhiều năm nay, bản Lác được biết đến với loại hình du lịch cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Trong bản, đường đi lối lại vuông vức. Giữa bản có một con suối róc rách chảy qua, nước trong vắt. Cây cối xum xuê và những mảnh ao be bé, xinh xinh mọc đầy hoa súng chen giữa các ngôi nhà. Bao quanh bản là những ruộng lúa. Khách vào bản thích lên nhà nào tùy ý thích, bà con luôn sẵn sàng đón tiếp. Khách ngồi bên những khung cửa sổ rộng rãi tha hồ đón gió lành và ngắm những cánh đồng hoặc lá xanh mướt hoặc vàng ngời lên trên nền những ngọn núi màu lam xa xa. Những ngày Tết, người dân bản đang tấp nập đến thăm nhà nhau, các cô gái tung tăng trong những chiếc váy Thái dịu dàng, các chàng trai bản xúng xính trong những bộ quần áo mới, họ tụ họp với nhau để hát đối, ném còn…Nhà nhà đều bảo nhau giữ gìn an ninh thôn xóm thật tốt để có cái Tết thực sự vui vẻ.
Rời bản Lác, chúng tôi đến với người Mông ở xã Pà Cò. Nơi đây giờ không còn sắc tím đỏ mê hoặc của cây thuốc phiện mà đắm chìm trong màu trắng tinh khiết của vườn mận, hồng thắm sắc đào, những cánh đồng cải dầu, tiếng chim ríu rít hòa cùng với tiếng đại ngàn… trên khắp các triền đồi, quanh những nếp nhà nhẹ nhàng toả khói lam chiều. Những làng bản dân tộc vẫn còn nguyên những bản sắc cổ truyền và lễ hội đón xuân. Pà Cò nổi tiếng với những vườn đào, mận, cũng là nơi mà nhiều người ở dưới xuôi tìm đến khi cuối năm, những mong mang xuống phố được một cành đào rừng với những nụ, hoa khỏe khoắn, lộc non mơn mởn. Tiếp vị khách đường xa, ông Sùng A Sa, Chủ tịch UBND xã Pà Cò nói như reo: “Ơn Đảng, ơn Chính phủ, cuộc sống của người Mông mình đã khấm khá, ổn định hơn trước nhiều”. Cũng theo ông A Sa, nhịp sống ở Pà Cò bắt đầu đổi thay từ năm 1993, khi Nhà nước thực hiện chính sách định canh, định cư và các chương trình đầu tư phát triển KT-XH. Thực hiện chủ trương xoá bỏ cây thuốc phiện, người dân Pà Cò được hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng với các loại cây có giá trị kinh tế cao như chè Shan Tuyết, ngô lai, mận… Nhờ thế, Pà Cò đã xoá được hộ đói, các loại cây mới bước đầu mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Ghé thăm bản Chà Đáy, chúng tôi ngỡ ngàng trước nhịp sống ngày giáp Tết. Không chỉ lo chuẩn bị các món ăn đặc trưng của dân tộc mình trong dịp Tết, người Mông còn thích đi chơi trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc mình. Cuối năm, đi trên những thung lũng ngập tràn màu sắc hoa đào, hoa cải, chúng tôi bắt gặp những nhóm người Mông đi chơi Tết, tiếng khèn, tiếng đàn môi theo mỗi bước đi, họ len lỏi trên những vách núi để đến từng xóm bản giao lưu tìm bạn.
Bí thư Huyện uỷ Mai Châu Khà Phúc Dằng phấn khởi cho biết: 5 năm qua (2005-2010), Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Mai Châu đã đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, giành được những thành tựu quan trọng, toàn diện về KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Tăng trưởng kinh tế được duy trì, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Lương thực bình quân đạt 532 kg/người/năm; huyện không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo còn 16,15%. Tết này, người dân vùng cao Mai Châu ăn Tết đầm ấm, hạnh phúc hơn.
Càng vào sâu các xã trong huyện, con đường càng gập ghềnh nhưng bức tranh sơn thủy lại càng trở nên rực rỡ, kỳ diệu. Chiều xuống, cả cánh đồng nhuốm một màu vàng. Khung cảnh thật tuyệt vời. Cả rừng hoa đào, hoa mận chìm trong sương mù. Thanh bình và rất nên thơ. Những đứa trẻ vui đùa bên những cành đào đã nở hoa. Chia tay mảnh đất Mai Châu khi trời đã về chiều. Những mảng ruộng bậc thang xanh mướt phủ khắp những triền đồi, những con suối len lỏi qua những bản làng ngày đêm róc rách, những nếp nhà sàn xinh xinh, những làn khói trắng bảng lảng lẫn với sương và mây…
Đinh Thắng
(HBĐT) - Trong những năm gần đây, xã Tân Phong có bước phát triển mạnh, luôn đứng ở tốp đầu trong các phong trào thi đua yêu nước của huyện Cao Phong. Tân Phong đã xóa được hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 10%.
(HBĐT) - Những ngày cuối năm, chuyến xe về xuôi dường như thêm phần tấp nập. Những cành đào phai, lá dong... và những bình rượu cần vàng óng đặc trưng cho ẩm thực xứ Mường cũng nườn nượp theo xe về phố. Đã từ lâu, rượu cần trở thành sản vật quý của núi rừng được cả những người dân miền xuôi yêu thích. Có lẽ không chỉ bởi mùi vị thơm nồng khó tả, rượu cần hấp dẫn lòng người còn bởi những tinh hoa trong chế biến và thưởng thức.
(HBĐT) - Mới chỉ có vài năm mà TP Hòa Bình đổi thay đến ngỡ ngàng. Đổi thay trong tư duy hành động và trong cả diện mạo. Về tư duy, đó là sự đồng lòng nhất trí từ các cấp lãnh đạo đến mỗi công dân, tất cả như đang có trách nhiệm hơn, phấn đấu xây dựng TP Hòa Bình xứng tầm khu vực. Diện mạo đó là sự đổi mới từng ngày trên từng ngõ phố, KDC và cả trong mỗi gia đình.
(HBĐT) -Ngày thủy điện Suối Nhạp (Suối Nhạp A) chính thức thức hòa lưới điện quốc gia, núi rừng Đà Bắc rộn rã tiếng ca vui. Hàng nghìn người từ khắp nơi đến chứng kiến công trình thủy điện ra đời tại vùng rừng núi heo hút Đồng Chum. Từ sớm tinh mơ, bà con 2 xã Đồng Chum, Đồng Ruộng lựa chọn những bộ quần áo đẹp nhất băng núi, vượt rừng đến thăm công trình thủy điện Suối Nhạp nghe văn nghệ và chứng kiến các tổ máy hiện đại phát lên dòng điện bừng sáng núi rừng Đà Bắc.
(HBĐT) - 25 vụ cháy làm 2 người chết, thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu trị giá trên trên 16 tỉ đồng và 113,84 ha rừng. Đó là con số mà phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn (Công an tỉnh) cho biết về tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh năm 2010. Đáng chú ý là cháy tăng cả về số vụ và thiệt hại. Qua phân tích cho thấy, số vụ cháy chủ yếu xảy ra vào mùa hanh khô, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
(HBĐT)- “Dù có đơn vị chủ quản, được các cấp, ngành chức năng, chính quyền địa phương cấp phép khai thác nhưng trên thực tế, với cách làm giao khoán sản phẩm cho người lao động, hoạt động khai thác than ở đây cũng chẳng khác gì những lò than “thổ phỉ”. Mạnh ai người ấy làm. Rủi ro rơi vào ai, người ấy thiệt. Nỗi lo cơm áo, gạo tiền cũng chẳng để cho người ta nghĩ điều gì đang đợi mình ở dưới những miệng lò sâu hun hút vào lòng đất”- phút trải lòng của một thợ đào than khiến chúng tôi day dứt với những “đời than”.