Ông Hà Công Bảy một trong số ít người đang còn sống được tham gia các hoạt động cùng những người lính Tây Tiến.
(HBĐT)- Thú thực cho đến bây giờ, chúng tôi cũng chẳng hiểu tại sao mình cứ luôn bị cuốn vào những chuyến đi, những ngả đường lên miền Tây Tiến. Tại dư vị thơm dẻo ngọt ngào của mùi “cơm lên khói” và những điệu múa, tiếng khèn “man điệu” của những chàng trai, cô gái lộng lẫy trong sắc màu thổ cẩm đầy mê hoặc của vùng đất Mai Châu như một thứ men say?! Có lẽ còn hơn thế nữa, về miền Tây Tiến còn để thỏa nỗi nhớ chơi vơi, mông lung như thực, như mơ... của một vùng đất gian khó đang từng ngày chuyển mình mạnh mẽ.
Huyền thoại miền Tây Tiến.
Khởi đầu từ con đường mang tên Tây Tiến, chúng tôi lại tìm về với những ký ức còn chưa phôi pha ở giữa núi rừng miền Tây Bắc. Con đường lên miền Tây Tiến giờ đây không còn heo hút với những “đèo mây”, “dốc gió”. Lên Mai Châu- miền Tây Tiến- mùa này có lẽ là thời điểm đẹp nhất. Đẹp bởi bạt ngàn hoa cúc quỳ nhuộm nắng, vàng rực rỡ. Đẹp bởi núi rừng Tây Bắc ẩn hiện trong sương sớm, trong mây bồng bềnh trắng muốt. Giống như một cánh cửa đóng sập trước mắt rồi lại mở toang ra những khoảng trời mướt xanh điểm tô thêm màu trắng muốt tinh khiết của hoa ban. Loài hoa được coi như là biểu tượng cho núi rừng miền Tây Bắc.
Lên Mai Châu nhiều, được sống, được biết và trải nghiệm qua nhiều “mùa em thơm nếp xôi” nhưng với chúng tôi, Mai Châu vẫn là vùng đất đầy cuốn hút và mê hoặc. Hẹn trước với anh Hà Văn Hùng, Phó Ban Công an xã Mai Hịch, chúng tôi trở lại vùng đất này để tìm lại ký ức của một vùng đất anh hùng và những câu chuyện của những người lính Tây Tiến đã trở thành huyền thoại. Nằm cách thị trấn Mai Châu khoảng 15 km, đường vào Mai Hịch vẫn “ôm” theo núi, sát cạnh những chân ruộng phì nhiêu yên bình. Trong câu chuyện của anh Hùng, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, vùng đất Mai Hịch còn có tên Mường Hịch, là một trong những nơi trú, đóng và cũng là địa bàn hoạt động chủ yếu của đoàn quân Tây Tiến ở miền biên viễn xa xôi này. Chính vì lẽ đó, vùng đất này đã trở nên nổi tiếng khi được nhà thơ Quang Dũng - một người lính trong đoàn quân Tây Tiến khi xưa vẽ lên trong những câu thơ oai hùng.
Xóm Hịch 1, xã Mai Hịch (Mai Châu) còn gọi là xóm Cháy, nơi đoàn quân Tây Tiến trú đóng trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp.
Trở lại Mai Hịch tìm lại trong ký ức về vùng đất khi xưa còn nhiều hoang vắng, thỉnh thoảng lại vang lên những tiếng à uồm đầy ngạo nghễ, như thách thức của bầy cọp dữ nơi cánh rừng phía trước mặt, chúng tôi được cụ Hà Công Bảy ở xóm Hịch 1 - là một trong số ít những người còn sống được chứng kiến và sống cùng với những chiến sỹ trong đoàn quân Tây Tiến trong thời gian họ hoạt động, chiến đấu ở vùng rừng núi miền Tây Bắc này - kể cho nghe về những năm tháng gian khổ nhưng hào hùng. Ông cụ ngồi trước mặt đã làm chúng tôi đi đi từ ngạc nhiên này đến hết ngạc nhiên khác. Ngạc nhiên là bởi đã bước sang tuổi 81, da đã mồi, chân đã yếu, tay đã chậm nhưng trí nhớ vẫn còn mẫn tiệp đến tuyệt vời. Trong ngôi nhà sàn rộng rãi, lồng lộng gió núi, chúng tôi được nghe ông Bảy hát trọn vẹn bài ca “Du kích” mà ông thuộc lòng từ khi mới mười bốn, mười lăm tuổi. Ông bảo: bài hát này là do những người lính Tây Tiến dạy trong những đêm trăng. Ông thích bài hát này và thích cả bài thơ Tây Tiến nữa, bởi vì bài hát đó đã thể hiện đúng tinh thần quyết chiến đấu và chiến thắng của người dân Mai Hịch trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Thời ấy, khi biết Mường Hịch là nơi đóng quân của ta, nơi đây đã trở thành mục tiêu ném bom của giặc Pháp. Xóm Hịch đã 2 lần bị giặc ném bom cháy hết nhà cửa. Do vậy, đây còn có tên là xóm Cháy. Tuy vậy, người dân vẫn kiên trì đấu tranh một lòng bảo vệ cách mạng. Với tinh thần đó, Mường Hịch đã trở thành căn cứ kháng chiến trong toàn vùng, chưa khi nào giặc Pháp khuất phục được tinh thần, ý chí chiến đấu của nhân dân dù cho cuộc sống vẫn nghèo khó, sự áp bóc lột của các tầng lớp quan lang, tạo, phìa và thực dân Pháp.
Đi lên từ gian khó.
Anh bạn tôi chính gốc là người Thái đã nhiều lần nhấn mạnh: Lên Mai Châu vào bất kỳ thời điểm nào, thời gian nào. người ta cũng thấy đẹp. Cảnh đẹp ở đây có thể ví nó giống như một thiếu nữ đang độ xuân thì đầy quyến rũ.
Suy ngẫm đó quả thực chẳng sai bởi nếu ai đã từng một lần vượt những con “dốc gió”, qua những “đèo mây” về miền Tây Tiến hẳn sẽ cùng chung với cách nhìn đó. Nhưng ở đây không chỉ có vậy, với vị thế của mình miền Tây Tiến đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ. Đồng chí Khà Phúc Dằng, Bí thư Huyện ủy Mai Châu cho biết: Xác định là huyện miền núi có nhiều khó khăn nhưng với tinh thần đoàn kết đã chú trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Nhờ đó, đến nay thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt hơn 8 triệu đồng/năm. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 16,15%. Đến nay, 100% số xã trong toàn huyện có đường ô tô đến trung tâm xã. Hơn 50% đường giao thông nông thôn trong toàn huyện được bê tông hóa. 100% số xã và hơn 95% số hộ được dùng điện lưới quốc gia, 88% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. Đặc biệt, phát huy tiềm năng, lợi thế của mình, Mai Châu đang đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng để quảng bá, gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc. Nhờ đó, đến nay, Mai Châu đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Trở lại Mường Hịch, chúng tôi ngỡ ngàng với những đổi thay. Mai Hịch hiện nay đã thay đổi, phát triển theo hướng sản xuất đa dạng, đa ngành, đa nghề. Đời sống người dân đã từng bước thay đổi và không ngừng được nâng cao. Bí thư Đảng ủy xã Mai Hịch Vì Văn Thuận cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, trong những năm qua, Mai Hịch đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo bước đột phá phát triển kinh tế theo hướng hàng hoá. Ngoài ra, Mai Hịch cũng chủ động đẩy mạnh trồng rừng kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản theo hướng hàng hóa có giá trị kinh tế cao như cá dầm xanh. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình đã mở mang các nghề TTCN, dịch vụ góp phần tạo, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động trong xã. Theo đó đã nâng mức thu nhập bình quân của xã đạt gần 7 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 16%.
Rời Mai Hịch trên suốt chặng đường về, chúng tôi cứ mông lung nỗi “nhớ chơi vơi”. Chẳng biết đó có phải là nỗi nhớ với rừng núi ngút ngàn trong “biển mây” đặc quánh hay với với xiêm áo lộng lẫy của cô em hây hây má ửng hồng đang ngồi bên bếp thêm củi, lửa đỏ cho cơm lên khói trong “mùa em thơm nếp xôi”?!
Miền Tây Tiến, nhất định chúng tôi sẽ trở lại!
Mạnh Hùng
(HBĐT) - Gần 40 năm trôi qua nhưng lịch sử vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức ông Hoàng Văn Chung, Chủ tịch Hội CCB xã Hợp Hoà (Lương Sơn). Đó là một ngày mùa đông, giá rét, sương mù dày đặc, cả vùng đất Hợp Hoà đang chìm trong đêm yên tĩnh. Lúc đó khoảng hơn 23h, bỗng có một tiếng nổ lớn vang lên. Chiếc máy bay F111 của không quân Mỹ đã bị tự vệ thủ đô bắn và rơi xuống xóm Suối Cỏ thuộc địa bàn xã Hợp Hoà.
(HBĐT) - Những trận đánh máy bay Mỹ của dân quân xã Mỹ Hòa không chỉ được ghi lại trong những trang sử hào hùng mà cho đến tận bây giờ, trận đánh đó vẫn luôn là một phần trong ký ức thuở trai trẻ hào hùng của những chiến sỹ dân quân xã Mỹ Hòa (Tân Lạc) khi xưa. Càng đặc biệt hơn, vào ngày 18/5/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba cho nhân dân, cán bộ và dân quân xã Mỹ Hòa vì “Đã lập nhiều thành tích xuất sắc trong các trận chiến đấu với máy bay Mỹ”.
(HBĐT) - Sau hơn 10 năm gặp cụ Nguyễn Văn Hậu, nguyên Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UB Hành chính tỉnh để lấy tư liệu viết về ngày giải phóng miền Nam (30-4), câu chuyện của cụ không còn sôi nổi, tràn ngập ký ức như trước nhưng những năm tháng Hoà Bình cùng cả nước lên đường đánh Mỹ vẫn được nhắc lại với sự trân trọng. Trong đó có hình ảnh một Hoà Bình với tình cảm keo sơn, kết nghĩa Hoà Bình - Gia Định trong những năm 60 của thế kỷ trước được cụ nhắc tới từ hình ảnh của người con miền Nam: bà Hồ Thị Bi, bác Tô Ký... những nhân chứng một thời hào hùng đó.
(HBĐT) - Cách UBND xã khoảng 10 km, thôn Lộng, xã Thanh Nông (Lạc Thủy) vẫn ngày đêm khắc khoải mong ước có điện thắp sáng thế nhưng cho đến nay, cả thôn vẫn chìm trong bóng đen của núi rừng. Trong “cái khó ló cái khôn”, để đối phó với tình trạng này, bà con đã giải quyết bằng cách làm các thủy điện mi-ni. Lợi ích của những công trình này đem lại là không phải bàn, tuy nhiên, trong khát khao có được chút ánh sáng ấy, bà con luôn phải đối mặt với những hiểm nguy rình rập.
(HBĐT) - “...Tôi chỉ muốn làm ra để cảnh cáo những người không thật thà. Đừng vì mối lợi nhỏ mà làm tổn hại tới lòng tin và hại tới người khác. Hơn nữa, qua việc này sẽ cảnh cáo với những kẻ trộm cắp đừng tưởng việc gì cũng qua được bàn tay pháp luật và cũng để bảo vệ sản xuất cho người dân”.
(HBĐT) - Trong khi nguồn dược liệu quý ở nhiều khu rừng tự nhiên đang ngày càng bị khai thác cạn kiện thì từ nhiều năm qua, bằng tình yêu với các loại cây rừng, cây thuốc, ông Bùi Việt Hùng ở phường Chăm Mát, TP.Hòa Bình đang âm thầm nhân giống, gìn giữ nhiều loại cây thuốc quý hiếm.