Một máy thuỷ điện mini, nguồn sáng của người dân thôn Lộng.
(HBĐT) - Cách UBND xã khoảng 10 km, thôn Lộng, xã Thanh Nông (Lạc Thủy) vẫn ngày đêm khắc khoải mong ước có điện thắp sáng thế nhưng cho đến nay, cả thôn vẫn chìm trong bóng đen của núi rừng. Trong “cái khó ló cái khôn”, để đối phó với tình trạng này, bà con đã giải quyết bằng cách làm các thủy điện mi-ni. Lợi ích của những công trình này đem lại là không phải bàn, tuy nhiên, trong khát khao có được chút ánh sáng ấy, bà con luôn phải đối mặt với những hiểm nguy rình rập.
Thôn Lộng đến thời điểm này là thôn duy nhất của xã Thanh Nông chưa có hệ thống điện lưới quốc gia. Từ bao đời nay, người dân thuộc vùng sâu của xã vẫn luôn sống trong cảnh “mù” và “đói” thông tin. Khoảng chục năm trước, máy thủy điện lần đầu tiên xuất hiện ở thôn Lộng. Ông Bùi Văn Thỉnh, người dân ở thôn cho biết: Dù ánh sáng điện lờ mờ nhưng bọn trẻ, những người già cứ ngắm không chán. Sau đó, người dân trong thôn bảo nhau góp tiền mua ánh sáng, từ đây, máy thủy điện thực sự “đổ bộ” vào thôn Lộng. Người dân tận dụng dòng chảy của các khe, suối để đặt máy phát điện. Hàng trăm, hàng nghìn mét dây điện, chủ yếu là dây trần rất nhỏ được bắt chằng chịt như mạng nhện từ các khe, suối theo các cột dựng tạm hay mắc trực tiếp vào cây trên rừng theo đó vươn về thôn, làm bừng sáng lên những ngôi nhà. Có điện, bà con trong thôn mừng lắm, nhiều gia đình cố tích cóp để mua cho được tivi, đầu đĩa để mở nhạc, mua bóng điện về thắp thâu đêm. Nhưng do bà con còn thiếu kiến thức về an toàn sử dụng điện nên nhiều hộ gia đình đã mắc các dây điện lên ngay các cột tre tạm bợ, thấp, có chỗ dây được vắt ngang qua những quả đồi, qua đường mòn bằng những sợi dây trần rất nguy hiểm, khó phát hiện, đặc biệt là khi trời tối.
Câu chuyện về những nguy hiểm liên quan đến nguồn ánh sáng này vẫn luôn là nỗi ám ảnh đối với nhiều người. Nhớ lại chuyện bị điện giật, khuôn mặt bà Bạch Thị Riệu hằn lên vẻ sợ hãi như chuyện mới xảy ra. Bà kể: Một buổi trưa, khi đang nằm nghỉ, nghe tiếng con trai là Bùi Văn Luân, khi đó 4 tuổi, lên nương nhổ lạc, không may vấp phải dây điện trần và bị giật. Thấy vậy, tôi chạy lên gỡ nhưng không ngờ bị điện hút luôn vào, làm tôi ngất đi. Khi tỉnh dậy thấy mình đang nằm điều trị trong trạm xá. Kể lại chuyện này, ông Thỉnh, chồng bà Riệu cho hay: Khi thấy vợ, con bị điện giật nằm dưới đất, tôi chạy tới định đỡ vợ, một dòng điện mạnh làm tê hết một cánh tay. Tôi hiểu ngay ra sự việc, liền tóm tóc vợ lôi ra, lúc đó, vợ tôi đã bất tỉnh, được mọi người đưa đi trạm xá, may mà vợ, con tôi cũng tỉnh lại. Tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng từ lần đó đến giờ, bà Riệu trở nên gầy yếu, không lao động nặng được nữa. Đường dây điện khiến gia đình ông suýt mất mạng là đường dây của nhà ông Bùi Văn Điện, nhà ông không dùng điện đó. Chính ông Viền, phó thôn cũng từng suýt mất mạng nếu như mọi người không phát hiện, kịp thời ngắt điện.
Ông Thỉnh cho biết thêm, nguồn điện từ thuỷ điện mini cũng mạnh tương đương với nguồn điện cao thế, tức là lên đến 220V và có thể mạnh mạnh hơn nữa nếu người dân sử dụng máy có công suất lớn hơn.
Không chỉ có gia đình bà Riệu, ông Viền, theo người dân ở thôn Lộng còn có nhiều người khác cũng bị “dính bẫy” điện giật. Có người lên nương, đi cày, bừa do không nhìn thấy dây điện hoặc dây bị đứt rơi xuống cũng bị giật. Chuyện trâu, bò dính “bẫy” là chuyện thường ngày. Đơn cử như trâu của gia đình ông Vịnh, do dây thấp lại là dây trần nên trâu của ông vướng phải may mà gia đình ông phát hiện đã kịp thời chặt dây điện mới cứu được trâu. Ở thôn chưa có trường hợp nguy hiểm dẫn đến chết người, tuy nhiên, đó là mối nguy hiểm luôn tiềm ẩn.
Theo trưởng thôn Bùi Văn Điện, cả thôn có 50 hộ dân, thu nhập của bà con còn rất thấp. Trước đây, bà con dùng khá nhiều máy phát mi-ni và dây dẫn chủ yếu là dây trần, rất nhỏ. Nhưng sau nhiều vụ tai nạn về điện, bà con đã bớt dùng máy phát điện, chấp nhận với đèn dầu. Những hộ còn dùng điện đã thay dây trần bằng dây có vỏ bọc. Ông Điện cho biết, hiện nay, cả thôn chỉ còn có 4 máy thủy điện mini, cứ 3 - 4 gia đình dùng chung một máy, thậm chí có máy còn dùng được cho 7 - 8 gia đình Nhưng theo ông Thỉnh, hiện nay thôn phải còn 8 thủy điện mini.
Ngoài thôn Lộng, thôn Nước Ruộng của xã Nam Thượng (Kim Bôi) cũng có tình trạng người dân sử dụng máy thuỷ điện mi-ni để thắp sáng. Anh Bùi Văn Xiêm, trưởng thôn Nước Ruộng cho biết: Thôn nước Ruộng có 89 hộ dân, trước đây, việc sử dụng máy phát điện mini phổ biến nhưng hiện nay chỉ còn khoảng chục máy thôi. Bà con chủ yếu dùng các đường dây trần mắc tạm vào cây, chuyện người dân bị điện giật không ít, tuy nhiên chưa có trường hợp nào tử vong vì điện giật.
Tuy mang tiếng là có điện nhưng máy móc thường xuyên hỏng hóc, vào mùa khô, khe, suối cạn nước nên máy cũng không dùng được. Hàng đêm, bà con vẫn phải dùng đèn dầu để thắp sáng. Trong thời điểm hiện nay, khi mà tình trạng thiếu điện đang trở nên phổ biến, việc người dân sẽ tìm cách để tạo ra nguồn điện phục vụ nhu cầu của cuộc sống, và với cách sử dụng thuỷ điện mi-ni sẽ trở nên rất nguy hiểm.
Rời thôn Lộng trong chiều mưa, thấp thoáng dưới khe suối, hình ảnh những chiếc máy thủy điện mi-ni cùng những đứa trẻ chiều về lại cùng đàn trâu tắm suối, đùa giỡn với bao nguy hiểm khiến cho nhiều người phải giật mình.
(HBĐT) - Xã Toàn Sơn (Đà Bắc) chủ yếu là người Dao sinh sống. Từ bao đời nay, những người Dao ở đây đã có tục nhận con nuôi, trong đó có cả những người Kinh ở miền xuôi. Điều đặc biệt, những người con nuôi ở đây đều ăn đời, ở kiếp với người Dao.
Bài 2: Tháo gỡ nút thắt trong xã hội hóa hoạt động du lịch
Bài 1: Thực tế phát triển chưa xứng tầm với tiềm năng
(HBĐT) - Xác định những tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của tỉnh, ngày 21/8/2007, Tỉnh uỷ Hoà Bình đã ban hành Nghị quyết 11-NQ/TU về phát triển du lịch. Trong đó chú trọng thu hút nguồn nhân lực và các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho du lịch, đẩy mạnh hoạt động xã hội hoá du lịch.
(HBĐT)- Giá rẻ, mẫu mã khá đẹp, bắt mắt nên những mặt hàng, từ quần áo, giày dép đến bánh, kẹo... thuộc diện “hàng gia công” được người tiêu dùng ở nông thôn ưa chuộng. Phần lớn người tiêu dùng mua vì hợp túi tiền, mua cho có chứ không nhiều người để ý đến việc sử dụng mặt hàng đó có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay gây hại đến sức khoẻ hay không.
(HBĐT) - Nạn khai thác vàng trái phép ở thôn Lộng, xã Thanh Nông (Lạc Thuỷ) sau một thời gian tạm lắng bởi sự truy quét quyết liệt của các ngành chức năng, nay bùng phát trở lại. Mức độ khai thác có phần quy mô, tinh vi hơn nhờ sự hỗ trợ của máy móc, thiết bị hiện đại. Để tận mắt chứng kiến “công trường” khai thác vàng này, chúng tôi đã có một cuộc hành trình đầy mạo hiểm vào bãi vàng Thung Voi.
(HBĐT) - Vầy Nưa đã thay đổi quá nhiều so với thời điểm tôi đến cách đây hơn 1 năm trước. Khi ấy, chặng đường từ thị trấn Đà Bắc vào trung tâm xã chỉ khoảng hơn chục km nhưng lại là một thử thách đầy ái ngại cho những người mới đặt chân đến và cả những người bản địa dù đã thuộc lòng con đường cheo leo dốc núi. Chúng tôi, những người làm báo Hoà Bình vẫn thường xuyên có mặt ở miền đá núi ấy để xây đắp nghĩa tình từ Hiền Lương cho đến Vầy Nưa.