Hàng ngày, ông Nguyễn Văn Dề vẫn đi khắp các cánh đồng bảo vệ mùa màng cho bà con trong xã.

Hàng ngày, ông Nguyễn Văn Dề vẫn đi khắp các cánh đồng bảo vệ mùa màng cho bà con trong xã.

(HBĐT) - “Gần 60 năm đã trôi qua nhưng hình ảnh Bác Hồ - người Cha già giản dị, hiền hậu với nụ cười trìu mến, luôn quan tâm thăm hỏi mọi người vẫn còn mãi khắc sâu trong trái tim tôi. Chính từ tấm gương đạo đức của Bác đã giúp tôi từ một thanh niên xung phong (TNXP) trở thành người cán bộ tốt để xứng đáng với những lời căn dặn của Người” - đó là tâm sự của ông Nguyễn Văn Dề, xóm Giếng, xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn), người đã từng nhiều lần được gặp Bác Hồ trong những năm tháng ở Chiến khu Việt Bắc.

 

Ngày đó, khi ông đang ở Đội TNXP Cù Chính Lan tham gia chiến dịch Tây Bắc, Tư Đoàn có yêu cầu tuyển đội TNXP đặc biệt. Vì là công tác bí mật nên không được nói trước sẽ đi đâu và làm công việc gì. Trong khi nhiều người còn do dự, chàng thanh niên dân tộc Mường Nguyễn Văn Dề cùng một số đồng chí khác đã giơ tay tình nguyện gia nhập đội. Ngày 5/3/1953, tạm biệt quê hương cùng những người thân yêu, Nguyễn Văn Dề khoác ba lô lên đường nhận nhiệm vụ mới. Đội TNXP đặc biệt được đưa đến khu căn cứ cách mạng Sơn Dương (Tuyên Quang). Sau một tháng huấn luyện, chuyển đến Tân Trào và được biết đây là nơi cơ quan đầu não của cách mạng.

 

Hàng ngày lao động sản xuất, ông Dề cứ khát khao sẽ được gặp Bác Hồ. Thế rồi, trong một buổi trưa khi đơn vị đang ăn cơm, thật bất ngờ thấy Bác Hồ chống gậy cùng một số anh em bảo vệ tới. Bác cười hiền từ, thăm hỏi các cháu: “ăn cơm có đủ no không”?. “Dạ, thưa Bác đủ no ạ”.  Nhưng Bác lại động viên: “Bây giờ hoàn cảnh nước nhà còn khó khăn, phải lo cho đấu tranh, làm sao các cháu đủ no được. Bác chỉ mong các cháu ăn cho có sức khỏe để làm tốt nhiệm vụ phục vụ kháng chiến”. Thế rồi Bác đi thăm nơi ở, bếp ăn, khu vệ sinh và dặn dò các cháu phải ăn ở cho vệ sinh, sạch sẽ.

 

Có một lần, đơn vị đang tổ chức sinh hoạt tập thể thì Bác Hồ đến ân cần hỏi thăm mọi người. ông Dề còn nhớ mãi lời nói: “Bác bận công việc chưa có nhiều thời gian thăm hỏi sức khỏe mọi người. Hôm nay, Bác tham gia sinh hoạt cùng các cháu. Để tạo không khí vui vẻ Bác đề nghị lần lượt các cháu lên hát”. Kết thúc buổi sinh hoạt vui nhộn Bác bắt nhịp bài hát Kết đoàn trong niềm vui sướng của mọi người.

 

Ông Dề nhớ lại kỷ niệm một buổi đánh bóng chuyền, lúc có bóng, ông chuyền cho đồng đội để đập bóng sang đội bạn, trong đó có Bác Hồ tham gia. Nhưng đồng đội không đập mà bỏ nhỏ. Bác cười vui: “A, các chú bỏ nhỏ Bác nhá” và rồi Bác khen ngợi thanh niên ta thật nhanh nhẹn, thông minh.

 

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954, đoàn quân cách mạng về tiếp quản thủ đô, Nguyễn Văn Dề cũng hoàn thành nhiệm vụ TNXP đặc biệt và được chuyển ngành sang Bộ Công an, cử đi học lớp quản lý hộ khẩu ở Hà Đông. Vui mừng khôn tả, tại đây lại một lần nữa Nguyễn Văn Dề được gặp lại Bác Hồ trong một lần Bác đến thăm trường. Vẫn hình ảnh gần gũi, thân thương, giọng nói đầm ấm, Bác căn dặn: “Các cháu giữ gìn sức khỏe để đi nhận nhiệm vụ mới của Đảng. Nhiệm vụ lần này nặng nề nên các cháu cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt. Bác vừa đi thăm nơi ăn ở, thấy các cháu đông người nhưng còn bỏ phí nhiều cơm lắm. Bác mong các cháu có ý thức tiết kiệm hơn”.

 

Mỗi lần gặp Bác, Nguyễn Văn Dề lại gặp một đức tính cao đẹp mà ông nguyện noi theo, Học tập Bác, trong suốt cuộc đời công tác từ TNXP, đến chiến sỹ công an, cán bộ ngành tổ chức, tuyên giáo và Trưởng ban văn hóa huyện Kỳ Sơn, ở cương vị nào, ông cũng nỗ lực rèn luyện đạo đức, tác phong, trau dồi nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để trở thành người cán bộ tốt.

 

Giờ đây đã gần 80 tuổi đời và 53 năm tuổi Đảng nhưng khát vọng cống hiến và tình yêu lao động trong ông vẫn còn cháy bỏng. Không chỉ nuôi dưỡng, giáo dục các con, cháu trở thành những công dân có ích với cả 3 người con trai, một cháu nội đều xung phong nhập ngũ và hoàn thành tốt nghĩa vụ quân sự. ông còn hăng say lao động để làm gương cho con cháu.

 

Không những thế, vừa qua, ông Dề còn tình nguyện tham gia Đội bảo nông bảo vệ mùa màng cho các xóm: Thông, Giếng 1, Giếng 2, Đồng Hương có diện tích gần 100 ha. Ngày nắng cũng như ngày mưa, với chiếc xe đạp, ông đi 5 - 6 km, hết cánh đồng này, tới bãi ngô kia bảo vệ không cho trâu, bò phá hoại, giúp người dân yên tâm sản xuất, đảm bảo thu hoạch. “Công việc tuy nhỏ bé nhưng thật ý nghĩa bởi mình vẫn còn làm được những việc có ích cho xã hội”. ông bộc bạch.

 

 

                                                                          Hoàng Nga

 

Các tin khác

Hội khuyến học xã Văn Sơn kiểm tra việc học của các em học sinh.
Thành phố Hòa Bình rự rỡ cờ hoa, băng zôn, khẩu hiệu chào mừng ngày bầu cử.
Ông Hà Công Bảy một trong số ít người đang còn sống được tham gia các hoạt động cùng những người lính Tây Tiến.
Con trâu vẫn là đầu cơ nghiệp.

Thị trường điện máy -điện lạnh ảm đạm

(HBĐT) - Mùa nóng đã bắt đầu với những đợt nắng nóng nhẹ và cũng là lúc thị trường điện máy, điện lạnh bắt đầu hoạt động. Tuy nhiên, đến nay, thị trường này vẫn chưa được nhiều người quan tâm nhiều. Giới kinh doanh điện máy ở TP Hòa Bình nhận định, mùa kinh doanh hè năm 2011 không dễ dàng, sức cạnh tranh rất cao khi người dân hạn chế chi tiêu cũng bởi ảnh hưởng của “bão giá”.

Người dân Lạc Sơn khắc sâu hình ảnh người lính Tây Tiến

(HBĐT)- Tìm về nơi in dấu đoàn quân Tây Tiến năm xưa, chúng tôi được đồng chí Bùi Văn Mượt, Phó Chủ tịch Hội CCB và cán bộ Hội CCB huyện Lạc Sơn, xã Liên Vũ, Thượng Cốc giới thiệu, đưa đến thăm cụ Bùi Văn Chuôm, 82 tuổi ở xóm Cháy, xã Liên Vũ. Cụ Chuôm đã từng tham gia chiến đấu tại Trung đoàn 12 Hòa Bình - Trung đoàn thay thế Trung đoàn Tây Tiến sau khi Trung đoàn Tây Tiến tiến quân sang vùng căn cứ khác. Trong ngôi nhà sàn ấm áp của cụ Chuôm, những người lính cùng ôn lại kỷ niệm một thời hào hùng và những hình ảnh đẹp về người lính Tây Tiến.

Mơ một giấc ngủ tròn

(HBĐT)- Hơn 30 năm trước, ông Bùi Đức Hón, xóm Định II- xã Mãn Đức (Tân Lạc) đã lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Khi đất nước hòa bình, ông trở về với cuộc sống đời thường và xây dựng gia đình. Nhưng thật không may khi sinh ra đứa con không lành lặn. Bởi di chứng của chiến tranh, chất độc điôxin đã ngấm vào máu, từng ngày dày vò ông và đứa con trai tội nghiệp.

Sống mãi chiến thắng đồi bù

(HBĐT) - Gần 40 năm trôi qua nhưng lịch sử vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức ông Hoàng Văn Chung, Chủ tịch Hội CCB xã Hợp Hoà (Lương Sơn). Đó là một ngày mùa đông, giá rét, sương mù dày đặc, cả vùng đất Hợp Hoà đang chìm trong đêm yên tĩnh. Lúc đó khoảng hơn 23h, bỗng có một tiếng nổ lớn vang lên. Chiếc máy bay F111 của không quân Mỹ đã bị tự vệ thủ đô bắn và rơi xuống xóm Suối Cỏ thuộc địa bàn xã Hợp Hoà.

Mỹ Hòa - Nơi ghi dấu chiến công anh hùng

(HBĐT) - Những trận đánh máy bay Mỹ của dân quân xã Mỹ Hòa không chỉ được ghi lại trong những trang sử hào hùng mà cho đến tận bây giờ, trận đánh đó vẫn luôn là một phần trong ký ức thuở trai trẻ hào hùng của những chiến sỹ dân quân xã Mỹ Hòa (Tân Lạc) khi xưa. Càng đặc biệt hơn, vào ngày 18/5/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba cho nhân dân, cán bộ và dân quân xã Mỹ Hòa vì “Đã lập nhiều thành tích xuất sắc trong các trận chiến đấu với máy bay Mỹ”.

Ký ức một thời về Hòa Bình - Gia Định

(HBĐT) - Sau hơn 10 năm gặp cụ Nguyễn Văn Hậu, nguyên Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UB Hành chính tỉnh để lấy tư liệu viết về ngày giải phóng miền Nam (30-4), câu chuyện của cụ không còn sôi nổi, tràn ngập ký ức như trước nhưng những năm tháng Hoà Bình cùng cả nước lên đường đánh Mỹ vẫn được nhắc lại với sự trân trọng. Trong đó có hình ảnh một Hoà Bình với tình cảm keo sơn, kết nghĩa Hoà Bình - Gia Định trong những năm 60 của thế kỷ trước được cụ nhắc tới từ hình ảnh của người con miền Nam: bà Hồ Thị Bi, bác Tô Ký... những nhân chứng một thời hào hùng đó.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục