Ông Nguyễn Hồng Dương thường xuyên kiểm tra khả năng vận hành của máy xúc để đảm bảo hiệu suất công việc cao nhất.
(HBĐT) - Ông 72 tuổi, “Cái tuổi nó đuổi xuân đi”. Ôm trong mình nỗi đau màu da cam suốt 35 năm qua, người lính pháo binh ấy chưa bao giờ thấy mình là người bất hạnh, càng không cho rằng mình là nạn nhân khốn khổ của chiến tranh. Từ trước đến nay, ông chấp nhận mọi cái giá trong cuộc đời bởi ông luôn sống lạc quan và trái tim lúc nào cũng nghêu ngao những vẫn thơ biết hát…
Những vần thơ “hát” giữa bom đạn chiến tranh
Ông là Nguyễn Hồng Dương, người gốc Thanh Thủy, Phú Thọ nhưng đã định cư hơn 35 năm nay tại khu Thành Công, thị trấn Thanh Hà, huyện Lạc Thủy. Hơn 35 năm kể từ khi ông trở về với thời bình. Quãng thời gian đó dù có kéo dài hơn nữa cũng không thể làm phai nhạt bớt hồi ức chiến tranh lúc nào cũng thôi thúc như một phần cơ thể và tâm hồn ông. Ông nhớ như in từng dấu mốc trong quãng đời binh nghiệp.
“Tháng 4/1962, lúc đó, tôi 22 tuổi, nhập ngũ tại Lữ đoàn 374, Bộ Tư lệnh Pháo binh. Sau một thời gian rèn luyện để sẵn sàng chiến đấu, tôi được tham gia đánh trận đầu tiên ở Suối Hai (Sơn Tây) tháng 7/1965. Đến tháng 3/1967 hành quân vào chiến trường miền
Hơn 13 năm chiến đấu, ông tự hào bao nhiêu thì cũng thấy nhức nhối bấy nhiêu khi hồi ức chiến tranh nhiều lúc dội về rõ mồn một với ầm ào tiếng đạn bom, máy bay, pháo lửa, kèm theo nỗi ám ảnh đau đớn về đồng đội đã hy sinh. Khốc liệt nhất với ông có lẽ là hồi ức về Quảng Trị mùa hè năm 1972. Khi đó, nước sông Ba Lòng dâng cao như kéo lũ, bộ đội ta quyết tâm đưa pháo sang sông rồi đánh nhau nảy lửa với địch… Càng nhớ lại càng thấm thía thế nào là sự tàn khốc của chiến tranh…
“Nhưng cũng trong chính sự tàn khốc đó, niềm tin chiến thắng đã cứu tâm hồn tôi, khiến tôi lạc quan, yêu đời và thậm chí còn hứng khởi làm được mấy bài thơ “nghiệp dư”! Tập tành làm thơ, có đoạn ngang ngang không biết sửa thế nào cho thuận nên chuyển thể sang… hát! Ấy thế mà lấy làm đắc ý lắm…”- Ông vừa kể vừa cười khà khà, đoạn, đọc “khoe” vài câu trong bài “Hồi tưởng”- ông viết đầu năm 1972 trước khi ông tham gia chiến dịch Quảng Trị:
Xuân 68, tôi ở làng Vây
Đón giao thừa không bánh chưng, bánh tét
Không pháo cối, pháo hoa cũng chẳng có chi hết
Chỉ có pháo 130 ngạo nghễ vươn nòng
Pháo của quân giải phóng trút bão lửa đùng đùng
Căn cứ Mỹ chìm trong lửa khói
Quân giải phóng bắn pháo
Cả nước mừng xuân chiến công vang dội
Đường 9- Khe Sanh vang mãi tiếng đàn Ta lư…
“Tôi vượt qua nỗi đau bằng phương thuốc lạc quan”
Tháng 8/1976, ông Nguyễn Hồng Dương bị căn bệnh sốt rét hành hạ, phải điều về Bệnh viện Khu IV (Đô Lương, Nghệ An) điều trị tích cực rồi sau đó về Trại an dưỡng của Bộ Tư lệnh Pháo binh. Do điều kiện sức khỏe không cho phép tiếp tục cống hiến trong quân ngũ, tháng 12/1976, ông chuyển ngành về công tác tại Nông trường Thanh Hà (nay thuộc thị trấn Thanh Hà, huyện Lạc Thủy). Gặp người bạn đời cũng là công nhân nông trường, ông lập gia đình đầu năm 1977 và sau đó họ có với nhau hai người con, một gái, một trai, nay đều đã trưởng thành và có gia đình riêng yên ấm.
Ông Dương kể: Từ chiến trường trở về nguyên vẹn, tôi vẫn cho rằng mình vô cùng may mắn. Nhưng sau đó, tôi mơ hồ nhận thấy mình bị nhiễm chất độc da cam/điôxin khi cơ thể bắt đầu xuất hiện triệu chứng bất thường. Vào những lúc thay đổi thời tiết, tôi bị phát trứng cá mủ khắp lưng và ngực, vừa ngứa vừa đau mà không làm cách nào cho đỡ. Tham khảo danh mục 17 bệnh có trong nạn nhân chất độc da cam/điôxin, tôi còn bị thêm bệnh đái tháo đường và gai đốt cột sống. Còn kết quả giám định kết luận rằng tôi bị nhiễm độc mức độ 82%...
Giọng ông trầm xuống và như nghẹn đắng trong cổ họng: “Tuy bị nhiễm độc điôxin nhưng tôi vẫn cho rằng mình vô cùng may mắn vì chất độc oái oăm này không lây nhiễm sang đời con, đời cháu tôi. Tôi cảm tạ cuộc đời vì đã ban cho tôi niềm may mắn tột cùng đó…”
Còn riêng với bản thân ông, hơn 30 năm sống chung với chất độc quái ác trong cơ thể, người lính pháo binh ấy chưa bao giờ coi mình là nạn nhân của chiến tranh. Ông luôn sống hết mình với một niềm lạc quan vô điều kiện. Lựa chọn Hòa Bình là quê hương thứ hai, ông dốc lòng, dốc sức xây dựng tổ ấm và sự nghiệp. Có hậu phương vững chắc là gia đình, ông Dương nhiệt tình cống hiến cho công việc. Có đức, có tài, ông không những đảm trách vai trò quan trọng trong Nông trường Thanh Hà mà sau đó còn được lần lượt bầu giữ các chức vụ: Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Hà, Bí thư Đảng ủy thị trấn Thanh Hà. Đến năm 2004, ông về hưu ở tuổi 65 nhưng bầu nhiệt huyết đang sôi khiến ông không đành lòng an dưỡng tuổi già. Năm 2005, người lính già có mái tóc bạc phơ và đôi mắt đầy vết chân chim đó quyết định đầu tư mạnh vào lĩnh vực vận tải- xây dựng. Bao nhiêu vốn liếng dồn lại cộng thêm nguồn vay từ ngân hàng, ông thuê nhân công, mua máy xúc, máy ủi, máy xát đá và ô tô để chở vật liệu xây dựng, nhận các hợp đồng xúc ủi, san lấp, làm đường… Bao nhiêu kinh nghiệm và bản lĩnh được tôi đúc trong hơn 10 năm làm lính pháo binh được ông Dương áp dụng linh hoạt và hiệu quả vào công việc kinh doanh vận tải, mang lại cho ông doanh thu hơn tỷ đồng mỗi năm. Tấm gương làm kinh tế giỏi của ông Nguyễn Hồng Dương được nhiều người dân thị trấn Thanh Hà “tâm phục, khẩu phục”. Nhưng hơn hết, họ mến mộ bản lĩnh của ông – người chưa bao giờ coi mình là nạn nhân của chất độc da cam/điôxin mà ngược lại, đã biết cách chế ngự nỗi đau để có thể sống hết mình, lạc quan và tự tại.
Có lần mới đây, chất độc da cam/điôxin lại hành hạ cơ thể ông đến mức ông phải nhập viện cấp cứu. Nằm trên giường bệnh khi đã qua cơn nguy kịch, ông Dương lại phơi phới làm thơ – giống như ngày xưa ông mặc nhiên ngâm nga những câu thơ của mình giữa ầm ào bom đạn. Những vần thơ đã đi qua mấy chục năm trời mà chưa biết gieo thế nào cho đúng điệu. Nhưng nếu ngày xưa, đó là đôi cánh đưa tâm hồn người lính trẻ vượt qua sự tàn khốc muôn trùng của chiến tranh thì ngày nay – giữa thời bình, những vần thơ lạc quan đó đã trở thành phương thuốc tinh thần giúp người lính già vượt qua nỗi đau bệnh tật.
Đúng như ông Dương nói: “Tôi vượt qua nỗi đau bằng phương thuốc lạc quan và nhờ vậy, cuộc đời tôi không có phút giây nào hoài phí”.
Thu Trang
(HBĐT) - Trước kia, lên Đà Bắc vào tháng 5, khi những nương ngô xanh biếc phất cờ cũng là lúc người dân ở huyện vùng cao này bước vào mùa đói. Còn bây giờ, nhìn những nương ngô xanh bạt ngàn khiến cho đồi núi trập trùng cũng trở nên trù phú, hứa hẹn một cuộc sống ấm no. Đà Bắc đã hết rồi mùa đói.
Kỳ 2: Lớp học đặc biệt
(HBĐT) - Chuyện tự bỏ tiền ra làm đường của người dân xóm Đằng Long thì nhiều người đã biết. Nhưng hàng đêm, trong ánh đèn dầu leo lét, người dân ở đây vẫn duy trì những lớp học dạy làm người và học làm người thì không phải ai cũng biết.
(HBĐT) - Hẹn mãi chúng tôi mới có dịp quay trở lại bản người Dao Đằng Long xã Bắc Sơn (Kim Bôi). Có quá nhiều thay đổi so với cách đây hơn 2 năm khi chúng tôi đến. Con đường trải nhựa vào bản Dao quanh co theo dốc, qua đá núi đã thay cho lối mòn nhỏ lốc cốc vó ngựa thồ..
(HBĐT) - “Cơn bão” HIV/AIDS đổ vào thôn Đá Bạc, xã Liên Sơn (Lương Sơn) như một tai họa bất ngờ ập xuống làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Những người nông dân thuần túy bỗng một ngày phải đối mặt với căn bệnh thế kỷ trở nên hoang mang, sợ hãi, xa lánh, kỳ thị với chính hàng xóm, láng giềng bởi trong nhà có người mắc HIV. Trước tình hình đó, bí thư chi bộ thôn - ông Cao Thế Kỷ - cùng với lãnh đạo thôn đã chụm đầu bàn bạc, tìm cách xốc lại hoạt động của thôn, xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử, giúp người có HIV sống hòa nhập cộng đồng.
(HBĐT) - “Gần 60 năm đã trôi qua nhưng hình ảnh Bác Hồ - người Cha già giản dị, hiền hậu với nụ cười trìu mến, luôn quan tâm thăm hỏi mọi người vẫn còn mãi khắc sâu trong trái tim tôi. Chính từ tấm gương đạo đức của Bác đã giúp tôi từ một thanh niên xung phong (TNXP) trở thành người cán bộ tốt để xứng đáng với những lời căn dặn của Người” - đó là tâm sự của ông Nguyễn Văn Dề, xóm Giếng, xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn), người đã từng nhiều lần được gặp Bác Hồ trong những năm tháng ở Chiến khu Việt Bắc.
(HBĐT) - Khi màn đêm buông xuống, tiếng trống rộn ràng lại được phát đi từ khắp các nhà văn hoá trong xã Văn Sơn (Lạc Sơn).