Chị Nhuận đang kiểm tra xuất -nhập hàng hoá.

Chị Nhuận đang kiểm tra xuất -nhập hàng hoá.

(HBĐT) - Tháng bảy, đất trời Hòa Bình như cô gái đỏng đảnh. Đang nắng chang chang là thế bỗng sập mưa. Người phụ nữ ở tuổi ngoài 40 có khuôn mặt tròn và nhân hậu ngồi bên tôi, nhìn mưa giăng giăng cứ thở dài. Chị Phạm Thị Nhuận, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại Định Nhuận thổ lộ nỗi lo lắng:

 

- Công việc kinh doanh em không sợ nắng hay mưa vì bao nhiêu năm đã quen rồi. Nhưng trời cứ như thế này, em sợ  ngày mai đi vào Tân Lạc cùng với HPN tỉnh để triển khai xây nhà tình nghĩa hơi vất vả đây. Năm kia, chúng em cũng góp 15   triệu đồng cùng địa phương    xây nhà tình nghĩa cho thương binh Bùi Văn Sòn ở Phong Phú (Tân Lạc). 

 Vừa uống nước, tôi lắng nghe anh chị Nhuận say sưa ôn lại kỷ niệm những ngày làm việc trên công trình thế kỷ ở Hòa Bình. Niềm tự hào xen lẫn nỗi buồn khi hậu sông Đà đến với muôn nhà. Chị Nhuận đang làm ở Công ty dân dụng, còn anh Định ở Công ty thủy công. Đang say sưa là thế bỗng hết việc và đành phải nghỉ chế độ 176. Hai vợ chồng cầm được hơn chục triệu đồng ngẩn ngơ trước sự biến động của xã hội lúc bấy giờ mà lo xọp cả người. Vợ đi chợ buôn bán vặt kiếm tiền mua thức ăn. Anh đi nhận lái xe thuê lấy tiền nuôi con ăn học. Bươn trải mấy năm trời thiếu vẫn hoàn thiếu, cuối cùng, hai vợ chồng đành gom số tiền ít ỏi còn lại mở một cửa hàng bán lẻ công nghệ phẩm, hàng tiêu dùng cho bà con trong khu phố. Từ một cửa hàng vài chục mặt hàng, dần dần anh chị có một quầy lớn với hàng trăm mặt hàng. Khi sức mua của xã hội tăng lên, anh chị quyết định vay vốn thành lập Công ty từ năm 1997. Thấp thoáng đã  hơn 10 năm bươn trải với thương trường. Năm 2008, anh chị quyết định gom hết tiền của trong nhà xây dựng Siêu thị Vì Hòa Bình.

Trước khi đến thăm Công ty CPTM Định Nhuận, tôi tranh thủ ghé qua UBND phường Tân Hòa của TPHB. Các anh lãnh đạo phường báo cho tôi hay đây là một gia đình, công ty làm ăn khá. Đặc biệt, vợ chồng ông bà chủ cùng với hơn 40 người lao động của Công ty đã đóng góp cả công, của trong phong trào “Đền ơn - đáp nghĩa” và các hoạt động từ thiện khác. Tôi nhắc lại lời ngợi khen của chính quyền cơ sở với công ty, anh chị Định Nhuận cười và tâm sự:

 - Các bác lãnh đạo phường động viên chúng em đấy thôi, mình đã làm được là bao so với những đơn vị khác. Nói thực với anh, chúng em thấm câu nói: “Thương người như thể thương thân”, nhất là đối với những người đã hy sinh thân thể, một phần máu thịt của họ cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đến giờ còn gặp bao khó khăn, không may mắn trong cuộc sống thường nhật thì càng cần được chú ý. Mình ăn no hơn, mặc ấm hơn, có điều kiện hơn một chút phải nghĩ đến những người đó  chứ anh!

 

Tôi lặng trong phút giây sau khi nghe câu nói ấy từ vợ chồng chủ một doanh nghiệp chưa phải tiếng tăm hay lợi nhuận thu về một vài tỷ đồng một năm. Doanh số bán buôn mỗi năm của công ty chưa đạt tới con số 100  tỷ đồng. Hàng năm, doanh nghiệp của anh chị cũng đã làm đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước và lo cho  hơn 40 con người trong công ty đủ lương tháng từ 2 - 2,5 triệu đồng đã là quá giỏi. Vậy mà khi tìm hiểu kỹ mới biết họ làm công việc từ tâm, từ thiện đã hơn chục năm nay với tổng số tiền trích từ lợi nhuận kinh doanh lên tới trên 100 triệu đồng. Những túi quà đầy tình nhân ái của Công ty đã đến tay các cháu nhỏ nhiễm chất độc da cam khắp nơi từ Tân Lạc đến Mai Châu hay Đà Bắc xa xôi. Những quyển sổ tiết kiệm anh chị gửi về Hội CTĐ T.ư để sẻ chia với những thân nhân các chiến sĩ đã bị di chứng của chiến tranh. Những món quà của anh chị tuy chỉ vài trăm ngàn đồng nhưng đã đến với các gia đình chính sách, gia đình thương binh - liệt sĩ ở tất cả 11 huyện, thành phố trong tỉnh. Phường Tân Hòa, nơi gia đình anh chị và Công ty Định Nhuận đang ở, cùng xã Mường Khến - Tân Lạc, nơi chị sinh ra, hàng năm, cứ đến ngày thương binh - liệt sỹ lại nhận được những túi quà và cử chỉ nghĩa tình. Năm nào, Công ty cũng dành tiền góp cho quỹ chất độc da cam và xây nhà tình nghĩa qua Phòng LĐ-TB&XH thành phố và tỉnh... Giọng nói của anh Định đều đều mà da diết:

 

- Có đi mới thấu hiểu nỗi đau anh ạ. Các cháu bị di chứng của cha trong cuộc chiến tranh nên mới bị tật nguyền, gia đình phải sống trong nghèo khó. Khi đi đã định mức quà cho mỗi cháu rồi. Quà phát xong nhưng chúng em không sao lên xe về được vì nhìn thấy đôi mắt các cháu trông chờ vời vợi. Vợ chồng em lại rút hết số tiền trong ví để chia cho mỗi cháu một chút chỉ để đủ tiền mua xăng về thành phố Hòa Bình.

 

Chị Nhuận tiếp lời chồng như để tâm tình với tôi về tình cảm, tình thương và nghĩa vụ của những người em, người con với các thương binh - liệt sỹ:

 

- Khi biết tin anh trai em hy sinh ở chiến trường phía Nam, cả nhà em suy sụp tư tưởng và sức khỏe. Gia đình mình có một người hy sinh đã thế thì những ông bố, bà mẹ có hai, ba người con mất đi họ còn đau đớn đến nhường nào...

 

Câu chuyện của tôi với vợ chồng chủ doanh nghiệp Định Nhuận như không muốn dứt. Anh xin phép ra đón hàng từ Hà Nội gửi lên, chị Nhuận tiếp thêm nước cho tôi và hỏi:

 

- Anh đi nhiều lắm phải không?

 

Tôi chưa hiểu hết ý câu chị hỏi. Thấy tôi đang mông lung, chị tiếp lời:

 

- Nếu có điều kiện, anh làm cầu nối cho chúng em với các địa chỉ của các cháu bị nhiễm chất độc da cam ở vùng sâu, xa mà chúng em chưa có điều kiện để biết. Chúng em đang dự định tập hợp chị em, bạn bè ở thành phố đi một chuyến về những nơi như thế để trao quà cho các cháu. Tết Tân Mão, chúng em cũng đi trao 25 suất quà Tết mỗi suất 500.000 đồng cho các cháu là nạn nhân chất độc da cam trong tỉnh. Mình phải đi tận nơi, trao tận tay và thăm hỏi mới nhớ lâu anh ạ!

 

Tôi thực sự cảm kích trước tấm lòng của người phụ nữ nhỏ nhắn, nói năng nhẹ nhàng. Tôi bảo rằng sức chị như thế này làm sao đi xa được. Chị cười rất tự nhiên và nói rằng : “Anh chưa hiểu em rồi. Năm cơn bão Chan Chu tràn vào miền Trung, em đi vào tận Đà Nẵng để trao hơn 30 triệu đồng và 1.000 thùng mì tôm của công ty cứu trợ cho đồng bào bị thảm họa thiên nhiên đấy. Đã có tâm thì khó mấy cũng làm, xa mấy cũng đi. Mình khổ vài bữa bằng sao người ta khổ cả đời”. Càng nói chuyện với chị, tôi càng phát hiện ra một thứ ánh sáng lung linh từ tâm hồn người phụ nữ có nước da đen giòn này. Thế mới biết, lòng cao cả, tình nhân ái của con người không phải là thứ đem khoe với đời. Họ lẳng lặng làm, tự nguyện làm và luôn trăn trở rằng mình làm như thế vẫn chưa được là bao. Một gia đình với hai vợ chồng và hai cô con gái đã từng đồng hành trong những chuyến đi về khắp mọi miền quê để làm một việc chia sẻ nỗi đau với những người không may mắn, những người đã hy sinh một phần xương máu vì độc lập, tự do của đất nước hôm nay...

 

Nhân dân TPHB, các tổ chức chính quyền, đoàn thể của các cấp ở Hòa Bình và Trung ương đã ghi nhận tấm lòng cao cả, ý chí vươn lên, nhân cách sống trọn nghĩa, vẹn tình của vợ chồng chủ doanh nghiệp CPTM Định Nhuận. Gần ba mươi bằng khen, giấy khen treo trên tường kia đã nói với tôi và những ai biết về họ điều ấy.

 

 

                                                                                     Huy Định

                                                                                         (TTV)

 

Các tin khác

Ông Nguyễn Hồng Dương thường xuyên kiểm tra khả năng vận hành của máy xúc để đảm bảo hiệu suất công việc cao nhất.
Ông Bùi Đắc Quang – Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Tùng là người đầu tiên phát hiện, nhân giống thành công thảo dược giảo cổ lam trên đất Hòa Bình.
Cồng chiêng không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống của người Mường.
Ông Nguyễn Văn Thực, tổ 13, phường?Thái Bình (TPHB) hướng dẫn cách đánh cồng chiêng cho vợ và cháu gái.

Những người giữ rừng cho phố

(HBĐT) - Thành phố Hoà Bình đang đổi thay từng ngày. Những quả đồi, những bờ ruộng đang dần bị thu hẹp bởi quá trình đô thị hoá. Nhưng có hai người quyết tâm trồng, bảo vệ cánh rừng lim có hàng trăm năm nay giữa lòng thành phố. Họ mong ước cánh rừng này là lá phổi xanh cho thành phố trong tương lai.

Đà Bắc: Đã hết rồi mùa đói

(HBĐT) - Trước kia, lên Đà Bắc vào tháng 5, khi những nương ngô xanh biếc phất cờ cũng là lúc người dân ở huyện vùng cao này bước vào mùa đói. Còn bây giờ, nhìn những nương ngô xanh bạt ngàn khiến cho đồi núi trập trùng cũng trở nên trù phú, hứa hẹn một cuộc sống ấm no. Đà Bắc đã hết rồi mùa đói.

Chuyện ghi ở Cổng trời

Kỳ 2: Lớp học đặc biệt

(HBĐT) - Chuyện tự bỏ tiền ra làm đường của người dân xóm Đằng Long thì nhiều người đã biết. Nhưng hàng đêm, trong ánh đèn dầu leo lét, người dân ở đây vẫn duy trì những lớp học dạy làm người và học làm người thì không phải ai cũng biết.

Chuyện ghi ở cổng trời

(HBĐT) - Hẹn mãi chúng tôi mới có dịp quay trở lại bản người Dao Đằng Long xã Bắc Sơn (Kim Bôi). Có quá nhiều thay đổi so với cách đây hơn 2 năm khi chúng tôi đến. Con đường trải nhựa vào bản Dao quanh co theo dốc, qua đá núi đã thay cho lối mòn nhỏ lốc cốc vó ngựa thồ..

Học Bác lòng nhân ái bao la

(HBĐT) - “Cơn bão” HIV/AIDS đổ vào thôn Đá Bạc, xã Liên Sơn (Lương Sơn) như một tai họa bất ngờ ập xuống làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Những người nông dân thuần túy bỗng một ngày phải đối mặt với căn bệnh thế kỷ trở nên hoang mang, sợ hãi, xa lánh, kỳ thị với chính hàng xóm, láng giềng bởi trong nhà có người mắc HIV. Trước tình hình đó, bí thư chi bộ thôn - ông Cao Thế Kỷ - cùng với lãnh đạo thôn đã chụm đầu bàn bạc, tìm cách xốc lại hoạt động của thôn, xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử, giúp người có HIV sống hòa nhập cộng đồng.

Hình ảnh Bác còn mãi trong tim

(HBĐT) - “Gần 60 năm đã trôi qua nhưng hình ảnh Bác Hồ - người Cha già giản dị, hiền hậu với nụ cười trìu mến, luôn quan tâm thăm hỏi mọi người vẫn còn mãi khắc sâu trong trái tim tôi. Chính từ tấm gương đạo đức của Bác đã giúp tôi từ một thanh niên xung phong (TNXP) trở thành người cán bộ tốt để xứng đáng với những lời căn dặn của Người” - đó là tâm sự của ông Nguyễn Văn Dề, xóm Giếng, xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn), người đã từng nhiều lần được gặp Bác Hồ trong những năm tháng ở Chiến khu Việt Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục