Ở tuổi 52, ông Bùi Văn Nế ( phải), xóm Khú, xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn) tham gia lớp học văn hóa – nghề với mong muốn có kiến thức để làm việc và dạy dỗ con cháu.
(HBĐT) - Hơn một năm nay, những ngày nghỉ cuối tuần luôn có ý nghĩa đặc biệt đối với chị Bùi Thị Lan, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn). Vào những ngày này, tạm gác lại công việc Hội, không bận rộn với mùa màng, chị Lan vượt hơn 20 km đường đèo, dốc để tham gia lớp học đặc biệt nơi vùng cao Ngọc Sơn. Đó là lớp văn hóa - nghề do trường TH Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh tổ chức.
Với hơn 70 học viên tham gia và có tới 1/3 học viên là những người đã lớn tuổi hoặc đã đi làm nhưng vẫn sẵn sàng vượt từ 3 - 4 km đường đất để đến lớp đúng giờ, lớp học đã thực sự trở thành điểm sáng trong phong trào khuyến học nơi vùng cao này.
Cái khó... ló cái khôn
Đó là cách mà những người dân nơi vùng cao Ngọc Sơn lý giải về lớp văn hóa – nghề được tổ chức ngay tại xã mình. Ông Bùi Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn - một trong những người đầu tiên vận động thành lập lớp học tâm sự: Từ bao đời nay, con em ba xã vùng cao Ngọc Sơn, Ngọc Lâu và Tự Do luôn ao ước có một lớp “ nhô” chương trình THPT tại xã để có thể theo học nhằm vơi bớt gánh nặng cho gia đình. Do điều kiện cơ sở vật chất, lớp học như vậy không hình thành được. Làm sao để con em nghèo không thất học là những trăn trở chung của chính quyền cả ba xã vùng cao.
Từ thực tế đó, năm 2008, UBND xã Ngọc Sơn đã mạnh dạn đề nghị TTGDTX huyện Lạc Sơn mở lớp bổ túc văn hóa cho con em của họ ngay trên địa bàn xã. Tuy nhiên, khi TTGDTX huyện lên khảo sát để mở lớp, một điều bất ngờ đã xảy ra. Không chỉ thanh niên mà đông đảo các vị phụ huynh học sinh, cán bộ đoàn thể ở thôn, xóm cũng bày tỏ nguyện vọng mong muốn được tham gia lớp học. Chưa hết, ngay cả những hội viên nông dân, phụ nữ khi biết có lớp bổ túc văn hóa cũng nhiệt tình đăng ký tham gia. “ Một công đôi việc, vừa giúp các học viên có kiến thức văn hóa, vừa có được một nghề để tạo lập cuộc sống, chúng tôi quyết định điều chỉnh chương trình học bằng cách liên hệ với trường TH Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh tổ chức lớp văn hóa – nghề ngay tại xã. Mặc dù đường đi lại khó khăn nhưng các thầy, cô giáo trong trường đã nhận lời, điều này thực sự trở thành một động lực rất lớn đối với người dân ba xã vùng cao. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, con số đăng ký đã lên đến 80 người. Cá biệt, có nhiều người từ các vùng thấp như Nhân Nghĩa, Vũ Lâm nhưng hàng tuần vẫn vượt hơn 20 km đường dốc để đến với lớp học. Lớp văn hóa – nghề với chuyên ngành lâm sinh ra đời từ đấy. Ông Dương cho biết.
Đến nay, lớp học đã khai giảng được hơn 1 năm. Thầy giáo Nguyễn Trung Hiếu, giáo viên chủ nhiệm lớp cho biết: Hiện nay, các học viên đang hoàn thành chương trình học lớp 11, chuẩn bị cho chương trình lớp 12 trước khi bước vào học nghề. Mặc dù chương trình học khá nặng đối với các học viên nhiều tuổi nhưng có một điều đặc biệt là lớp học luôn luôn đông đủ.
Khơi dậy một phong trào khuyến học mạnh mẽ.
Là một trong những học viên cao tuổi nhất của lớp nhưng với ông Bùi Văn Nế - xóm Khú – xã Ngọc Sơn những ngày thứ bảy, chủ nhật luôn có một ý nghĩa đặc biệt. Rời bỏ ghế nhà trường gần 20 năm, tham gia công tác ở UBND xã từ những ngày đầu thành lập, công việc bận rộn, ông Nế không có cơ hội để đi học và hoàn thiện nốt bằng cấp của mình. Giờ đây, cuộc sống thay đổi, đòi hỏi của công việc ngày càng cao nên việc tham gia lớp văn hóa - nghề ngay tại xã đã giúp ích nhiều cho công việc của ông. Nhưng đó không phải là mục đích chính, ông Nế tâm sự: ở tuổi 52, tôi không quan trọng hoàn thiện bằng cấp, tôi chỉ muốn học, có kiến thức để làm việc tốt hơn và để sau này có thể dạy con, cháu. Không giống như ông Nế, với chị Bùi Thị Thu, xóm Trung Sơn, xã Ngọc Sơn, việc theo học lớp văn hóa – nghề lại có ý nghĩa đơn giản khác. Trước đây, là thành viên hội phụ nữ xã, chị được tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn. Đã đi học nhiều nghề nhưng không có điều kiện để theo nghề vì không có vốn sản xuất. Nhà có nhiều đất đồi, chị muốn có kiến thức để có thể tận dụng quỹ đất phát triển kinh tế, xóa đói - giảm nghèo. Vì vậy, ngay khi biết có lớp trung cấp nghề về lâm sinh chị đã đăng ký theo học. Không chỉ với ông Nế, chị Thu, lớp học đã thực sự góp phần nâng cao kiến thức cho người dân. Ông Dương, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn phấn khởi: sau khi học xong lớp văn hóa nghề, hơn 70% cán bộ xã có trình độ đạt chuẩn. Ngoài Ngọc Sơn, lớp học cũng đã góp phần đào tạo, nâng cao kiến thức cho nhiều cán bộ xã, thôn ở các xã vùng cao khác.
Không dừng lại ở đó, lớp văn hóa - nghề tại Ngọc Sơn đã thực sự khơi dậy phong trào hiếu học mạnh mẽ. Phong trào đó bắt đầu từ chuyển biến nhận thức của chính người dân. Hiện nay, tỷ lệ trẻ em huy động ra lớp tại ba xã ngọc Lâu, Ngọc Sơn và Tự Do luôn đạt 100%. "Các bậc phụ huynh cũng đã quan tâm đến sự học của con em mình từ việc giáo dục con em tại nhà, phối hợp với nhà trường quản lý con em và tích cực ủng hộ nhà trường trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất chứ không còn "khoán trắng" cho các thầy, cô giáo ở trường nữa". Cô Trần Thị Ánh, hiệu phó trường mầm non Ngọc Sơn cho biết. Điều này đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng dạy và học ở Ngọc Sơn. Năm học 2010 - 2011, tỷ lệ học sinh chuyển lớp chuyển cấp ở Ngọc Sơn đạt 100%. Toàn xã có 11 em học sinh giỏi cấp huyện và 2 em học sinh giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh theo học các trường cấp THPT tại huyện ngày càng đông.
Giờ đây, ở Ngọc Sơn, không khó để tìm hiểu về những gia đình hiếu học, những gia đình mà bố, mẹ vẫn tham gia học bổ túc văn hóa nhưng con em của họ đều đang học tập tại các trường ĐH, cao đẳng chuyên nghiệp hoặc làm việc trong các cơ quan Nhà nước. Lý giải cho kết quả này, nhiều bậc phụ huynh đã không ngần ngại chia sẻ chính những ngày tham gia lớp học, về nhà cùng con ôn bài, cùng con tranh luận một bài văn, bài toán đã giúp họ ý thức được về sự học để động viên con gắng học hơn nữa. Từ những gia đình như thế, phong trào khuyến học thực sự đang lạn rộng nơi các xã vùng cao Lạc Sơn.
Phương Linh.
Bài 1: Kiệt tác văn hóa trước cơ hội lớn
(HBĐT) - Đối với người Mường, cồng chiêng không chỉ đơn thuần là nhạc cụ mà đã trở thành giá trị văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng. Không gian văn hóa cồng chiêng Mường với phương thức trình diễn độc đáo đã tồn tại và phát triển cùng lịch sử phát triển của người Mường. Kiệt tác này đang được lập hồ sơ đề cử trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
(HBĐT) - Thành phố Hoà Bình đang đổi thay từng ngày. Những quả đồi, những bờ ruộng đang dần bị thu hẹp bởi quá trình đô thị hoá. Nhưng có hai người quyết tâm trồng, bảo vệ cánh rừng lim có hàng trăm năm nay giữa lòng thành phố. Họ mong ước cánh rừng này là lá phổi xanh cho thành phố trong tương lai.
(HBĐT) - Trước kia, lên Đà Bắc vào tháng 5, khi những nương ngô xanh biếc phất cờ cũng là lúc người dân ở huyện vùng cao này bước vào mùa đói. Còn bây giờ, nhìn những nương ngô xanh bạt ngàn khiến cho đồi núi trập trùng cũng trở nên trù phú, hứa hẹn một cuộc sống ấm no. Đà Bắc đã hết rồi mùa đói.
Kỳ 2: Lớp học đặc biệt
(HBĐT) - Chuyện tự bỏ tiền ra làm đường của người dân xóm Đằng Long thì nhiều người đã biết. Nhưng hàng đêm, trong ánh đèn dầu leo lét, người dân ở đây vẫn duy trì những lớp học dạy làm người và học làm người thì không phải ai cũng biết.
(HBĐT) - Hẹn mãi chúng tôi mới có dịp quay trở lại bản người Dao Đằng Long xã Bắc Sơn (Kim Bôi). Có quá nhiều thay đổi so với cách đây hơn 2 năm khi chúng tôi đến. Con đường trải nhựa vào bản Dao quanh co theo dốc, qua đá núi đã thay cho lối mòn nhỏ lốc cốc vó ngựa thồ..
(HBĐT) - “Cơn bão” HIV/AIDS đổ vào thôn Đá Bạc, xã Liên Sơn (Lương Sơn) như một tai họa bất ngờ ập xuống làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Những người nông dân thuần túy bỗng một ngày phải đối mặt với căn bệnh thế kỷ trở nên hoang mang, sợ hãi, xa lánh, kỳ thị với chính hàng xóm, láng giềng bởi trong nhà có người mắc HIV. Trước tình hình đó, bí thư chi bộ thôn - ông Cao Thế Kỷ - cùng với lãnh đạo thôn đã chụm đầu bàn bạc, tìm cách xốc lại hoạt động của thôn, xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử, giúp người có HIV sống hòa nhập cộng đồng.