Ông Vi Xuân Đức, Chủ tịch UBND xã Mai Hạ chỉ cho chúng tôi biết vị trí của Đồng Uống xưa, giờ đã thành diện tích đất canh tác của người dân.
(HBĐT) - Chỉ đến khi được nghe ông Khà Phúc Dằng, Bí thư Huyện ủy Mai Châu khẳng định: "Những vụ thảm sát xảy ra liên tiếp ở đồn Đồng Uống (xã Mai Hạ) do giặc Pháp lập trong những năm 1947 - 1949 làm khoảng hơn 100 người dân Mai Châu, Thanh Hóa và các tỉnh lân cận bị giết", chúng tôi mới dám tin đó là sự thật.
Những mảnh vỡ ký ức
Đến Mai Châu nhiều, hầu như nơi nào tôi cũng đã từng đặt chân tới. Nhưng có lẽ câu chuyện về những vụ thảm sát ở đồn Đồng Uống của ông Vi Xuân Đức, Chủ tịch UBND xã Mai Hạ đã thực sự làm chúng tôi bất ngờ. Bất ngờ là bởi câu chuyện đó đến giờ chỉ còn rất ít người biết và nhớ. Sau hơn 60 năm nhưng không có một dòng chữ nào ghi lại tội ác của những kẻ giết người man rợ. Chúng tôi còn bất ngờ cả với những trăn trở của ông Chủ tịch xã có nét mặt khắc khổ nhưng hay cười này. ông bảo: Sắp mãn nhiệm rồi! Kể ra chẳng có điều gì để tiếc nuối. Nhưng thú thực, bây giờ tớ chỉ mong được cấp trên quan tâm đầu tư cho xây dựng khu tưởng niệm những người bị giặc pháp giết ở đồn Đồng Uống. Huyện, xã và nhân dân ủng hộ lắm. Trước đây, chúng tôi còn mời cả họa sỹ về thiết kế, phác họa phù điêu, lập đề án xây dựng khu tưởng niệm. Nhưng chẳng hiểu sao đến giờ nó lại bị... chết yểu. Khu đất của đồn Đồng Uống xưa giờ vẫn còn lại những dấu vết cũ. Cứ như thế này rồi cũng sẽ mất.
Ông Chủ tịch xã bật dậy bước nhanh về phía tủ hồ sơ, đôi tay thoăn thoắt lần giở, ánh mắt đăm chiêu sục tìm. Dễ phải đến gần 10 phút, khuôn mặt ông mới giãn nở nụ cười. Tôi thấy trên tay ông là xấp tài liệu mỏng, cũ kỹ và hoen ố những vết mực. Có lẽ nó đã được ghi chép từ lâu bởi một người chẳng mấy khi cầm bút. Nét chữ còn ngượng nghịu. Đây là bản tự khai của một người từng đi lính cho Pháp. Cũng là người trực tiếp cầm súng tham gia bắn giết đồng bào mình ở đồn Đồng Uống thời kỳ những năm 1947 - 1949, đưa cho chúng tôi xấp tài liệu cũ, giọng ông Chủ tịch xã nghẹn lại. Đón xấp tài liệu cũ từ tay ông với nét chữ xiêu vẹo trên nền giấy cũ nhưng cũng không khó để đọc những dòng đầu tiên: “Tôi tên là Khà Văn Loan ở xóm Nghẹ, xã Vạn Mai... Năm 1947, tôi đi lính cho Pháp đóng ở đồn Đồng Uống... Trong thời gian đi lính cho Pháp ở đồn Đồng Uống từ năm 1947 - 1949, tôi đã tham gia bắn giết những người bị coi là Việt Minh bị bắt và đưa về đây... Trong khoảng thời gian đóng đồn ở Đồng Uống đã có khoảng hơn 100 người nghi là Việt Minh bị bắn giết”. Với chúng tôi, những con chữ như nhảy múa trên trang giấy ố vàng kể về một thời đau thương ở mảnh đất này. ông Chủ tịch UBND xã Mai Hạ Vi Xuân Đức nói như nghẹn: Ông ấy chết rồi, cách đây 2 năm! Như không để chúng tôi thất vọng, ông nói tiếp: Tuy ông ấy chết rồi nhưng hiện nay ở Mai Hạ và cả ở Mai Châu vẫn còn có nhân chứng sống được chứng kiến những vụ bắn giết dã man của giặc Pháp, tay sai ở đồn Đồng Uống. Nói rồi, ông phăm phăm dẫn chúng tôi đến nhà ông Hà Công Biên, năm nay đã 71 tuổi ở xóm Chiềng Hạ (Mai Hạ). Thời điểm ấy, ông cụ móm mém ngồi trước mặt chúng tôi mới 9 tuổi. Cái tuổi đủ để thấy và hằn vào trong ký ức cảnh đồng bào mình bị bắn giết một cách man rợ. Hồi ấy, chính mắt cụ Biên đã từng được chứng kiến lính tây ở đồn Đồng Uống bắn giết liền lúc cả chục người. Sau một hồi nhẩm đếm, ông lão mới run run: Vì nhà gần, lại là trẻ con, chúng tôi hay chơi ở gần đồn nên thỉnh thoảng cũng được chứng kiến cảnh bắn giết. Số bị giết mà tôi được thấy vào khoảng... 30 người. Họ đều bị quy là Việt Minh.
Đồn Đồng Uống được lập năm 1947 nhằm án ngữ tuyến đường 15 huyết mạch nối giữa vùng đồng bằng với vùng Tây Bắc. Với vị trí chiến lược đó, ngoài lập đồn, thực dân Pháp còn xây dựng sân bay dã chiến ở đây. Cụ Hà Công Biên còn nhớ: Trong khoảng thời gian 2 năm tồn tại của đồn Đồng Uống, quân Pháp và bè lũ tay sai triệt để thực hiện chính sách tìm và diệt. Chúng thường xuyên đi càn quét bắt bộ đội, du kích về giam ở đồn. Thường thì chúng chỉ giam giữ một vài ngày rồi lại mang ra bắn. Mỗi lần bắn dăm, bảy người một lượt ấy chứ! Lần nào nhiều cũng phải đến cả chục người. Chúng nó ác lắm. Đưa người ta từ trong nhà giam ra bắt tự đào huyệt rồi xếp hàng trên bờ hào. Còn binh lính thì cứ ở trong xả đạn. Người chết đổ luôn xuống hố đào sẵn.
Điều ấy cũng đã được chính ông Khà Văn Loan thuật lại trong những trang viết mà ông Vi Xuân Đức, Chủ tịch UBND xã Mai Hạ đưa cho chúng tôi. Không chỉ có vậy, theo như họa sỹ Mai Chí Tẩu, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh - người trước đây đã được huyện, xã mời về nghiên cứu triển khai đề án xây dựng khu tưởng niệm những người bị giặc Pháp giết ở đồn Đồng Uống, trong quá trình điền dã tìm hiểu, thu thập tài liệu, gặp nhiều nhân chứng sống, ông đã được họ kể cho nghe chuyện về những vụ thảm sát và những ngón đòn tra tấn tàn bạo tưởng như chỉ có ở thời trung cổ của binh lính ở đồn Đồng Uống.
Trao đổi với chúng tôi xung quanh câu chuyện về đồn Đồng Uống, ông Khà Phúc Dằng, Bí thư Huyện ủy Mai Châu đã khẳng định những vụ thảm sát ở đồn Đồng Uống thời kỳ 1947 - 1949 là câu chuyện hoàn toàn có thật. Ông cho biết: Thực tế từ những năm chưa tách tỉnh, huyện cũng đã tổ chức sưu tầm tư liệu để làm bia tưởng niệm, ghi lại chứng tích tội ác của giặc Pháp nhưng rồi cuối cùng cho đến giờ vẫn chưa thực hiện được. Trong số những người bị bắn giết ở đồn Đồng Uống có nhiều người là cán bộ Việt Minh hoạt động ở vùng Mai Châu, Thanh Hóa và thượng Lào như ông cụ thân sinh anh Hà Văn Tuấn, nguyên là Chủ tịch UBND huyện. Trước đây, trong sưu tầm tư liệu, chúng tôi cũng đã được gặp nhiều nhân chứng sống như ông Khà Văn Loan ở xóm Nghẹ, xã Vạn Mai và cả những người từng làm phu phen, tạp dịch ở đồn Đồng Uống. Theo như lời kể của ông Loan, từ khi đóng đồn từ tháng 7/1947 - 11/1949, binh lính ở đồn Đồng Uống đã giết hại khoảng 100 người. Trong đó, không chỉ riêng người ở Mai Châu, chúng còn mang ở những nơi khác đến. Thời kỳ đi sưu tầm tư liệu, chúng tôi còn được một bà cụ là người giã gạo cho binh lính đồn Đồng Uống kể lại là hầu như không có ngày nào vào làm phu dịch trong đồn là bà không chứng kiến cảnh bắn giết.
Trở lại câu chuyện với ông họa sỹ già Mai Chí Tẩu, như gặp được một người bạn tâm giao để trải lòng với những trăn trở và tâm nguyện còn dang dở, ông bảo: Bản thân tôi đã mất nhiều năm đi tìm hiểu vụ thảm sát ở đồn Đồng Uống. Cũng hiểu, trăn trở với ước nguyện, khát khao có một khu tưởng niệm để ghi nhớ những người bị giết hại và nói lên tội ác của thực dân Pháp khi xâm chiếm mảnh đất này của người dân Mai Châu... Bây giờ tôi cũng chỉ muốn làm sao xã, huyện đừng để dân lấn chiếm mất khu đất di tích đồn Đồng Uống. Nếu bây giờ chưa có đủ kinh phí để xây dựng khu tưởng niệm ghi lại tội ác của giặc Pháp xâm lược và tay sai cho xứng tầm với vị trí lịch sử thì cũng nên giữ lại mảnh đất đó.
Quả thật, lẽ nào cứ để cái tượng đài đau thương ấy mãi tồn tại trong tâm tưởng như những mảnh vỡ ghép lại thành một bức tranh đơn sắc về những ngày đẫm máu trong một giai đoạn lịch sử đen tối của Mai Châu?
Bài 2: Giữ gìn di sản văn hóa cho dân tộc
(HBĐT) - Không gian văn hóa cồng chiêng Mường đã khẳng định được giá trị qua chiều dài lịch sử phát triển nhưng lại đang có nguy cơ bị mai một không chỉ ở số lượng mà cả về số bài chiêng và các nghệ nhân biết đánh chiêng giai điệu. Những giá trị văn hóa cồng chiêng quý giá đó cần được bảo tồn và phát huy bản sắc trong công cuộc đổi mới và phát triển.
Bài 1: Kiệt tác văn hóa trước cơ hội lớn
(HBĐT) - Đối với người Mường, cồng chiêng không chỉ đơn thuần là nhạc cụ mà đã trở thành giá trị văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng. Không gian văn hóa cồng chiêng Mường với phương thức trình diễn độc đáo đã tồn tại và phát triển cùng lịch sử phát triển của người Mường. Kiệt tác này đang được lập hồ sơ đề cử trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
(HBĐT) - Thành phố Hoà Bình đang đổi thay từng ngày. Những quả đồi, những bờ ruộng đang dần bị thu hẹp bởi quá trình đô thị hoá. Nhưng có hai người quyết tâm trồng, bảo vệ cánh rừng lim có hàng trăm năm nay giữa lòng thành phố. Họ mong ước cánh rừng này là lá phổi xanh cho thành phố trong tương lai.
(HBĐT) - Trước kia, lên Đà Bắc vào tháng 5, khi những nương ngô xanh biếc phất cờ cũng là lúc người dân ở huyện vùng cao này bước vào mùa đói. Còn bây giờ, nhìn những nương ngô xanh bạt ngàn khiến cho đồi núi trập trùng cũng trở nên trù phú, hứa hẹn một cuộc sống ấm no. Đà Bắc đã hết rồi mùa đói.
Kỳ 2: Lớp học đặc biệt
(HBĐT) - Chuyện tự bỏ tiền ra làm đường của người dân xóm Đằng Long thì nhiều người đã biết. Nhưng hàng đêm, trong ánh đèn dầu leo lét, người dân ở đây vẫn duy trì những lớp học dạy làm người và học làm người thì không phải ai cũng biết.
(HBĐT) - Hẹn mãi chúng tôi mới có dịp quay trở lại bản người Dao Đằng Long xã Bắc Sơn (Kim Bôi). Có quá nhiều thay đổi so với cách đây hơn 2 năm khi chúng tôi đến. Con đường trải nhựa vào bản Dao quanh co theo dốc, qua đá núi đã thay cho lối mòn nhỏ lốc cốc vó ngựa thồ..