Tết của người Mông được ví như một cuộc triển lãm văn hóa với những sắc thái, những mảng màu đan xen một cách độc đáo và cuốn hút.

Tết của người Mông được ví như một cuộc triển lãm văn hóa với những sắc thái, những mảng màu đan xen một cách độc đáo và cuốn hút.

Năm nay hoa đào nở sớm. Khi những nhánh đào nứt mầm, trổ nụ bung những cánh hoa phớt hồng rung rinh trong gió núi cũng là lúc người Mông ở Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) rộn ràng đón xuân về.

 

Xuân ở đại ngàn Hang Kia, Pà Cò

Đã khá lâu rồi tôi mới trở lại Hang Kia, Pà Cò, vẫn cảm nhận rõ sự bình yên trong cái lạnh giá theo gió ùa về len lỏi qua từng lớp áo dày. Thật may khi dịp này trở lại đúng vào thời điểm người Mông đang chuẩn bị đón tết. ở đâu cũng là hình ảnh quen thuộc với bóng trẻ nhỏ nô đùa dưới tán mận già, cùng tiếng máy may tanh tách lẫn trong những âm thanh của núi rừng khua đều từ xa vọng về. Từng khoảnh khắc ấy như càng làm cho cuộc sống ở đây thêm bình yên.

Không phải lần đầu được đón tết trong không khí vui vẻ, đầm ấm cùng với người Mông, nhưng tôi vẫn thấy háo hức lạ thường. Trong những cơn gió của đất trời, tôi chợt thèm một vòng rượu nồng ấm bên bếp lửa, thoải mái thưởng thức món bánh dày vốn chỉ có trong những ngày tết rồi rạo rực với điệu múa xòe của những thiếu nữ hây hây má đỏ; miên man theo những giai điệu tình tứ của tiếng khèn môi được cất lên từ những chàng trai Mông đang khao khát trao gửi yêu thương.

Tết của đồng bào người Mông diễn ra trong khoảng thời gian 1 tháng. Bắt đầu từ đầu tháng chạp (tháng 12 âm lịch) khi ngô, lúa trên nương đã được mang hết về nhà. Trong tháng tết, người Mông chỉ vui chơi. Với người Mông, những ngày đầu năm mới là những ngày vui nhất. Tết của mỗi gia đình được ấn định bằng lễ cúng tiễn đưa năm cũ và đón năm mới để đón tổ tiên về cùng ăn tết. Khi làm lễ cúng, người ta thường hay cắm lá xanh ở cửa. Điều đó như là một tín hiệu để người ngoài không được vào trong thời khắc linh thiêng đó. Sau lễ cúng tiễn đưa năm cũ, người Mông chính thức đón năm mới.

       

                               Tết Mông không thể thiếu bánh dày.

Trong những ngày tết của người Mông không thể thiếu bánh dày. Thứ bánh được làm bằng loại gạo nếp ngon nhất, trắng và dẻo nhất được trồng trên nương. Sau khi đồ chín, xôi được đổ vào cối giã khi còn nóng. Bánh dày ở đây được dùng trong lễ cúng và để ăn trong suốt những ngày tết. Đây cũng là một thứ quà tết dành để biếu khách phương xa đầy ý nghĩa. Anh bạn người Mông Sùng A Pha cho hay: Trước khi đón tết, các gia đình người Mông ở Hang Kia, Pà Cò thường mổ lợn. Lợn to, nhỏ là tùy theo khả năng, điều kiện của mỗi nhà. Ngày mổ lợn cũng được coi là một ngày vui sum vầy. Khi ấy, chủ nhà sẽ mời anh em, bè bạn tới cùng ăn uống. Đối với người Mông, tết là một trong những thời điểm quan trọng nhất trong năm. Do vậy, người Mông thường chuẩn bị tết trước đó cả tháng. Trước hết, người ta thường quét dọn nhà cửa. Trong đó, việc đầu tiên là quét dọn bồ hóng trên gác bếp, trên xà nhà, tiếp đó mới dọn nhà. Với người Mông, đây là việc rất quan trọng. Nó mang ý nghĩa quét bỏ những điều xấu, thứ xấu để đón năm mới sạch sẽ, tốt lành. Như một "pho sử" sống về những phong tục, tập quán của đồng bào người Mông, Sùng A Dềnh, Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Mai Châu cho biết: Khi nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ, tinh tươm, người Mông mới chuẩn bị bàn thờ. Đó là một miếng giấy hình chữ nhật được cắt trang trí hình răng cưa ở phía dưới, nó có ý nghĩa giống như một thứ rào cản không cho ma quỷ vào làm hại gia chủ. Có một điều đặc biệt là chỉ trong dịp tết, người Mông mới làm bát hương. Bát hương được đan bằng giang, tre trong đựng gạo và phía trên được đậy bằng một mảnh giấy và cạp bằng một sợi dây màu đỏ. Giấy dùng trong lễ cúng là loại giấy bổi được làm trước đó bằng loại cây sậy lấy trên núi về ngâm, giã thành bột rồi đổ ra khung lưới phơi khô. Loại giấy này tuy cứng nhưng dai, được dùng để dán vào các đồ vật trong nhà như: cuốc, thuổng, dao, rựa, lù cở... Bởi theo quan niệm của người Mông, mọi vật đều có linh hồn nên trong những ngày tết họ đều dán giấy và thắp hương cho chúng giống như là một sự tri ân sau một năm làm lụng vất vả.

Cuộc triển lãm văn hóa nơi rẻo cao

Tết với người Mông cũng đồng nghĩa với vui chơi. Không giống như những nơi khác, dân tộc khác, tết của người Mông được ví như một cuộc triển lãm văn hóa với những sắc thái, những mảng màu đan xen một cách độc đáo và cuốn hút. Như cái tinh thần, cốt lõi, cái khí phách của một dân tộc trượng nghĩa, hiền hòa.

Trong dịp tết, người Mông thường tổ chức hội để vui chơi. Những trò chơi trong hội thường là những trò chơi đối kháng, thể hiện những nét duyên dáng, khéo léo hoặc những trò chơi sức mạnh tập thể như: bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, đánh quay, lẩy pao, đánh cầu lông gà... Đó không chỉ là những cuộc đua sức mà đó còn là nơi để những chàng trai, cô gái thể hiện tài năng và sự cuốn hút với mọi cái nhìn. Thế nên mọi người đều tham gia với một tinh thần hứng khởi, vui vẻ trong tiếng hò reo trong sáng, nhiệt tình như bản chất vốn có của người Mông. Mặc dù các trò chơi đều diễn ra với mức độ cạnh tranh quyết liệt nhưng lẽ thắng thua không được đặt làm trọng mà người Mông quan niệm đây chính là cơ hội tốt để các chàng trai, cô gái lựa chọn bạn đời cho mình. Từ các cuộc vui, đã có nhiều mối lương duyên bén ngọt. Đi chơi hội cũng là dịp để những chàng trai, cô gái từ khắp các bản người Mông phô diễn những nét duyên dáng, quyến rũ trong bộ váy áo rực rỡ sắc hoa của núi rừng do chính đôi tay khéo léo của những cô gái tuổi vừa độ mười chín, đôi mươi thêu dệt từng đường kim, mũi chỉ trong suốt cả năm ròng. Nếu ví mỗi bộ váy áo là một tác phẩm nghệ thuật cầu kỳ, đa phong cách thì nơi diễn ra phần hội chính là một cuộc triển lãm văn hóa sinh động vô cùng độc đáo. Nó đủ sức làm choáng ngợp những ánh nhìn của những người lần đầu đặt chân lên chốn rẻo cao còn nhiều lam lũ này. Đến nay, dù trải qua nhiều tác động về KT-XH, sinh hoạt văn hóa của đồng bào người Mông ở Hang Kia, Pà Cò đã ít nhiều thay đổi. Nhưng cái cốt lõi, giá trị văn hóa tinh thần, bản sắc, hồn cốt dân tộc trong những ngày lễ, tết vẫn được gìn giữ vẹn nguyên. Chính điều này đã tạo nên những nét văn hóa riêng độc đáo với những tộc người khác.

                                                                                  Mạnh Hùng

 

 

Các tin khác

Ở nơi giao hòa giữa trời đất, Thung Mài hiện ra ngỡ ngàng thật lạ, thật đẹp, thật bình yên.
Thực hiện Đề án 03 của Tỉnh ủy, Hang Kia đang bừng tỉnh sau những mê muội.
Các bến thuyền có vai trò quan trọng trong giao lưu hàng hóa, thúc đẩy KT-XH vùng sông Đà. (Trong ảnh: Cảng Ba cấp phục vụ lưu thông hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế các xã vùng lòng hồ thủy điện  Hòa Bình).
Chị Đặng Thị Thu kiểm tra chất lượng cam Canh.

Khát khao tạo dựng thương hiệu cho quê hương

(HBĐT) - Một nắm ngô từ bàn tay người thanh niên được tung lên, chưa kịp chạm mặt đất, hàng ngàn con gà lông óng vàng, mượt mà từ đâu lao đến quây lấy chủ. Phía bên có đến cả trăm chú lợn rừng lai với lợn bản địa mũm mĩm to có, nhỏ có từ trong các lùm cây, trên những vách đá nhọn hoắt lao về bu lấy hàng rào dây thép cạnh trại gà... Đó là khung cảnh án tượng khi chúng tôi đến thăm gia đình anh Khương Đức Thụ ở xóm Sèo, xã Cao Sơn (Đà Bắc).

Theo dấu chân những người làm chiếu bóng

(HBĐT) - Trong màn đêm dần buông, dọc những đường mòn bên sườn núi, ánh đèn pin soi đường cho những đôi chân quanh năm quẩn quanh với ruộng vườn. Từ các ngả đường, người dân xóm Cạn 2, xã Xuân Phong (Cao Phong) đổ về nhà văn hóa, nơi những người làm chiếu bóng thuộc Trung tâm Điện ảnh Băng hình tỉnh chiếu phim phục vụ.

“Kỹ sư” lúa ở Mường Bi

(HBĐT) - Cũng có dáng vẻ lam lũ, hiền lành, chất phác như bao người nông dân ở xứ Mường Bi. Cũng lăn lộn với đồng đất quê hương, với từng hạt lúa, củ khoai. Nhưng ở ông lại có một điều đặc biệt. Đó là tình yêu, đam mê với các giống lúa, ruộng đồng. Với tình yêu và niềm đam mê đó, ông đã lai tạo, phục tráng thành công nhiều giống lúa chất lượng cao phù hợp với điều kiện đồng đất quê mình. Nhiều người vui miệng bảo ông là “kỹ sư” lúa. Đó là ông Bùi Cao Tường ở xóm Cộng 3, xã Quy Hậu (Tân Lạc).

Người làm trống duy nhất ở Hòa Bình

(HBĐT) - Khi ở quê nhà, nghề làm trống đã trở nên khó cạnh tranh và muốn gìn giữ nghề gia truyền của tổ tiên để lại, anh đã cùng với vợ con lên vùng đất Hòa Bình để sinh cơ, lập nghiệp.

Có một “dòng sông” tiếng Nga từng chảy...

(HBĐT) - Còn nhớ, nhân kỷ niệm cách mạng Tháng Mười Nga cách đây vài năm, khán giả VTV lần đầu được biết tới bài hát “Tiếng Nga mãi cùng ta” do 2 giảng viên trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, 2 nhạc sĩ nghiệp dư: Phan Văn Bích và Lê Văn Nhân trình bày. Giai điệu thiết tha cùng ngôn từ trong sáng, dễ cảm nhận, bài hát đã được nhiều khán giả yêu thích, nhất là những người từng học, từng yêu tiếng Nga một thời.

Xóm Tân Thành ngày ấy - bây giờ

(HBĐT) - Chúng tôi về xóm đạo Tân Thành, xã Hợp Thành (Kỳ Sơn) vào buổi chiều muộn khi bà con giáo dân nơi đây đang chuẩn bị đi lễ nhà thờ. Niềm vui lộ rõ trên khuôn mặt của từng người dân khi cuộc sống hôm nay đang khởi sắc từng ngày và nhớ về với những tháng ngày lênh đênh sông nước của một quá khứ chưa xa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục