Anh Khương Đức Thụ chăm sóc đàn lợn đặc sản của gia đình.
(HBĐT) - Một nắm ngô từ bàn tay người thanh niên được tung lên, chưa kịp chạm mặt đất, hàng ngàn con gà lông óng vàng, mượt mà từ đâu lao đến quây lấy chủ. Phía bên có đến cả trăm chú lợn rừng lai với lợn bản địa mũm mĩm to có, nhỏ có từ trong các lùm cây, trên những vách đá nhọn hoắt lao về bu lấy hàng rào dây thép cạnh trại gà... Đó là khung cảnh án tượng khi chúng tôi đến thăm gia đình anh Khương Đức Thụ ở xóm Sèo, xã Cao Sơn (Đà Bắc).
Không cam chịu cảnh nghèo
Sinh năm 1983, cái tuổi cùng trang lứa hiện giờ còn khá nhiều bạn bè vẫn còn làm thuê, cuốc mướn. ít ai có thể biết được chỉ vài năm về trước, anh Khương Đức Thụ chỉ với hai bàn tay trắng đã làm nên cơ nghiệp như ngày hôm nay. Gần chục năm về trước, vừa học xong THPT, nhìn xóm quê nghèo xác xơ, người dân chỉ biết trông chờ vào đồng áng và rừng. Nhiều hộ bao năm cũng chẳng thoát được nghèo chứ chưa nói đến làm giàu. Với một ước mơ cháy bỏng, Thụ xin bố mẹ cho thi và vào học tại trường Cao đẳng chăn nuôi, thú y. Hơn 2 năm chuyên cần học tập, bao tiền bạc bố mẹ dành dụm đã chu cấp cho Thụ học tập, ngày ra trường cũng là lúc của nả dành dụm của cả gia đình đã hết.
Năm 2005, trở về với vốn liếng chỉ có kiến thức về chăn nuôi, Thụ mạnh dạn xin bố mẹ vay tiền đầu tư nuôi gà, nuôi lợn. Thấy con cũng có chí, hơn nữa, cũng tiếc công sức bao năm nuôi con ăn học, bố mẹ Thụ cũng đành chiều lòng con trẻ vay mượn tiền bạc của anh em, họ hàng. Thấy thương cảm cho hoàn cảnh, anh em, bè bạn mỗi người cũng cho vay vài triệu đồng, cộng vào tất thảy cũng được hai, ba chục triệu đồng. Với Thụ, số tiền ấy tuy không nhiều những cũng đáng kể để với khát khao lập nghiệp.
Khởi nghiệp, đất nhà sẵn có khoảng chừng 6.000 m2, đa số đất đồi, vốn liếng vay được chút ít, Thụ mạnh dạn đầu tư chuồng, trại, đồng thời chịu khó đi nhiều nơi xa như Hà Tây, Hà Nội học tập cách chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ vài chục con gà, vài ba con lợn thịt, với tính chịu khó, dành dụm cộng với kiến thức sẵn có, Thụ đã dần dần ăn nên làm ra.
Vài năm lại đây, thấy Thụ làm ăn có hiệu quả, một số ngân hàng đã tiếp cận và cho Thụ vay vốn, tuy chưa nhiều, song cũng giúp đỡ cho Thụ đỡ phần nào khó khăn về tài chính. Một thời gian, thấy giống lợn rừng lai với lợn nhà được một số người chăn nuôi có hiệu quả cao, Thụ đã mạnh dạn làm đơn vay vốn Ngân hàng CSXH huyện cộng thêm vốn bán gà, bán lợn đến cả chục triệu đồng mua lợn giống rừng từ Thái Lan về lai với lợn bản địa.
Đến nay, trang trại của Thụ có hàng ngàn con gà ta cùng cả trăm con lợn rừng lai, trong đó có trên 20 lợn giống cả bố lẫn mẹ. Mỗi năm, thu nhập của cả gia đình cũng đến vài trăm triệu đồng. Theo như Thụ nói, Cao Sơn tuy xa với trung tâm tỉnh lỵ nhưng các lái buôn từ thành phố thường xuyên vào đây hỏi mua gà và lợn rừng lai, nhiều người gọi điện mang ra ngoài thành phố nhưng chăn nuôi đến đâu bán hết đến đó, không đủ đáp ứng yêu cầu cho khách.
Ước mong làm giàu cho quê hương
Sẵn có kiến thức chăn nuôi, thấy nuôi gia súc, gia cầm có lợi nhuận cao, sau khi lập gia đình riêng, Thụ bàn với vợ mở của hàng bán thức ăn gia súc, gia cầm và thuốc thú y cho người dân có nhu cầu chăn nuôi ngay chợ Cao Sơn. Thấy vợ chồng Thụ ăn nên làm ra, nhiều người dân trong xã cũng tìm hiểu để học cách làm giàu. Bất cứ ai đến học tập, Thụ đều tận tâm giúp đỡ, từ giống, cách chăn nuôi cho đến các loại thuốc phòng bệnh gia súc, gia cầm. Vì vậy, nhiều người dân ở Cao Sơn giờ đang dần tiếp cận với chăn nuôi quy mô lớn. Thay vì chăn nuôi như trước đây vài con gà, vài con lợn, giờ đây, nhiều hộ đã có hàng trăm con gà, vài chục con lợn, cả lợn bản địa và lợn bản địa lai với lợn rừng.
Vừa cùng Thụ ngắm đàn lợn rừng lai vờn nhau trên những mỏm đá, xa xa, vài chú choai choai thoắt ẩn, thoắt hiện trong lùm cây ra sức gặm lá dại trong rừng, vừa nghe Thụ tâm sự, Cao Sơn nhiều lợi thế lắm! Điều quan trọng là người dân có quyết tâm làm giàu. Đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là những giống đặc sản càng ngày khách hàng càng ưa chuộng. Chính vì vậy, ngoài nông nghiệp, hướng đi bền vững nhất đối với người dân Cao Sơn về lâu về dài chủ yếu vẫn là chăn nuôi.
Trong tâm khảm, Thụ còn thành thực, một mình gia đình em giờ làm tuy cũng có của ăn, của để nhưng để tạo ra một vùng hàng hóa và được nhiều người biết đến thì cần có sự chung tay của các hộ dân. Chăn nuôi gia súc, gia cầm sạch, hơn nữa lại là đặc sản với nhu cầu bây giờ bao nhiêu mà chẳng tiêu thụ được. Vì vậy, mong muốn lớn nhất của xã Cao Sơn là tận dụng thế mạnh về đất, nguồn thức ăn vừa sạch, vừa sẵn có cho gia súc, gia cầm cùng nhau góp sức, góp của, nhất là tài chính tạo ra một vùng chăn nuôi quy mô lớn. Có như vậy, người dân mới vươn lên làm giàu được. Trông chờ vào rừng cũng như cây nông nghiệp, khó làm giàu lắm.
Chia tay Thụ trên cung đường trải nhựa êm ái. Cao Sơn thanh bình trong nắng chiều óng ả. Trên cao, những rừng cây theo ánh chiều ngả bóng, dưới nương, ruộng xanh mượt ngô, sắn và dong riềng. Cảm nhận Cao Sơn như đang được thay đổi từng ngày. Thay đổi không chỉ bởi sự cần cù, chịu khó của người dân Cao Sơn, trên hết, cái quý là có những con người có tâm huyết và khát khao làm giàu cho gia đình, mong muốn làm giàu cho cả cộng đồng, quê hương. Trăn trở với ước mong tiếp tục làm giàu cho gia đình, quê hương, Thu bày tỏ: Nếu người dân Cao Sơn vẫn chưa thật sự quan tâm nhiều đến chăn nuôi, trong thời gian tới, gia đình em sẽ đầu tư để mở rộng thêm trang trại nuôi gà ta và lợn rừng lên gấp nhiều lần. Thấy gia đình em làm ăn theo hướng bền vững, nhiều bà con sẽ tiếp tục học theo cách làm của em thôi. Quả thật, em rất muốn làm điều gì đó để người dân thập phương khi nghĩ đến Cao Sơn sẽ nghĩ đến cộng đồng của một thương hiệu nào đó. ít ra, trước mắt dù chưa thật sự được nhiều hộ hưởng ứng, nhưng đã có nhiều người mỗi khi nhớ đến Cao Sơn đã có thể nghĩ đến gà ta và lợn rừng lai.
Hồng Trung
(HBĐT) - Chúng tôi về xóm đạo Tân Thành, xã Hợp Thành (Kỳ Sơn) vào buổi chiều muộn khi bà con giáo dân nơi đây đang chuẩn bị đi lễ nhà thờ. Niềm vui lộ rõ trên khuôn mặt của từng người dân khi cuộc sống hôm nay đang khởi sắc từng ngày và nhớ về với những tháng ngày lênh đênh sông nước của một quá khứ chưa xa.
(HBĐT) - Chẳng biết đó là may mắn hay là một cơ duyên, khi đến thăm bến tàu không số dưới chân ngọn đồi Nghinh Phong thuộc phường Vạn Hoa, quận Đồ Sơn (Hải Phòng), chúng tôi đã được gặp, trò chuyện và được nghe những nhân chứng sống kể lại câu chuyện huyền thoại về tuyến đường vận tải quân sự có một không hai trong lịch sử chiến tranh thế giới: đường Hồ Chí Minh trên biển - con đường của niềm tin chiến thắng.
(HBĐT) - Đồng Nghê, nơi được coi là nơi “rừng thiêng, nước độc” - một trong những địa danh vùng cao, xa nhất của huyện Đà Bắc. Khi nhắc tới nơi này, nhiều người đã phải “ớn lạnh” bởi cái cảm giác xa xôi, cách trở, vất vả khi đến đây.
(HBĐT) - Từ năm 2009 trở về trước, không chỉ người dân sở tại, bất cứ ai có việc phải vào xã Cư Yên, nhất là đến các xóm Rậm, Tốt Yên, Ruộng, Phú Ngọc, Hang Đá, Hang Đồi 1, Hang Đồi 2, Ao Đa, Gò Mỡ, Ao Chúa… đều ái ngại, bởi phải vượt qua những ổ trâu, ổ voi gồ ghề, mưa lầy lội, nắng thì bụi. Hệ thống hạ tầng giao thông xuống cấp đã gây khó khăn lớn cho các phương tiện trong lưu thông và việc đi lại của nhân dân. Ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an toàn giao thông, đời sống của dân cư và nhiệm vụ phát triển KT-XH trên địa bàn.
(HBĐT) - Doanh nghiệp, doanh nhân- những chiến sỹ trên mặt trận kinh tế thời bình với trách nhiệm vì cộng đồng cao cả vì mục tiêu an sinh xã hội. Kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, ghi nhận và trân trọng những đóng góp sự đóng góp đắc lực của giới doanh nghiệp, doanh nhân, đồng thời là dịp để tôn vinh cộng động doanh nghiệp, doanh nhân phát huy hơn nữa truyền thống tốt đẹp trong công cuộc xây dựng quê hương giàu mạnh.
(HBĐT) - Có một điều đặc biệt, nghề chính của gã không phải làm nông nghiệp nhưng những người dân nghèo ở xã Phú Thành và cả huyện Lạc Thủy vẫn coi gã như một “thần nông”. Điều đó đã được minh chứng và khẳng định bởi giải thưởng “Sao Thần Nông” mà gã là một trong số rất ít người ở tỉnh được trao tặng: Gã là Nguyễn Cao Kỳ ở xóm Rị, xã Phú Thành (Lạc Thủy).