"Kỹ sư" Bùi Cao Tường và giống lúa chất lượng cao được lai tạo.
(HBĐT) - Cũng có dáng vẻ lam lũ, hiền lành, chất phác như bao người nông dân ở xứ Mường Bi. Cũng lăn lộn với đồng đất quê hương, với từng hạt lúa, củ khoai. Nhưng ở ông lại có một điều đặc biệt. Đó là tình yêu, đam mê với các giống lúa, ruộng đồng. Với tình yêu và niềm đam mê đó, ông đã lai tạo, phục tráng thành công nhiều giống lúa chất lượng cao phù hợp với điều kiện đồng đất quê mình. Nhiều người vui miệng bảo ông là “kỹ sư” lúa. Đó là ông Bùi Cao Tường ở xóm Cộng 3, xã Quy Hậu (Tân Lạc).
“Cha đẻ” của nhiều giống lúa chất lượng cao
Thú thực là chúng tôi hơi bị bất ngờ khi được ông chia sẻ: tớ cũng chỉ là một anh nông dân bình thường chưa hề được qua đào tạo một lớp chính quy về kiến thức, kỹ năng trong sản xuất giống lúa nào. Có chăng chỉ tham gia các lớp tập huấn ngắn ngày về sản xuất giống lúa nông hộ do tổ chức Oxfam (Bỉ) phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức. Ngoài ra, kiến thức chủ yếu được thu lượm từ kinh nghiệm sản xuất của bản thân.
Tuy vậy, từ kiến thức thu nhận được qua các đợt tập huấn cùng với kinh nghiệm của bản thân, từ năm 2009 đến nay, ông đã cùng với những người nông dân tham gia nhóm sản xuất giống lúa nông hộ của xã Quy Hậu phục tráng, lai tạo được 7 giống lúa có năng suất, chất lượng cao, đặc tính tốt, phù hợp với điều kiện sản xuất cũng như thổ nhưỡng, chăm sóc ở địa bàn. Điều này đã làm thay đổi tư duy, tập quán sản xuất cũ, lạc hậu cố hữu vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Ông bảo: Từ trước tới nay, người dân mình chủ yếu phụ thuộc vào nguồn giống từ bên ngoài. Sau nhiều năm đưa vào sản xuất, canh tác, các loại giống này dần bị thoái hóa, bộc lộ nhiều nhược điểm như chống chịu hạn, sâu bệnh kém, năng suất không ổn định nhưng do chưa tìm được nguồn giống nào khác phù hợp nên người dân vẫn phải tiếp tục sử dụng các loại giống đó. Tuy nhiên, từ khi triển khai chương trình sản xuất giống nông hộ do tổ chức Oxfam (Bỉ) phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tài trợ ở Quy Hậu, ông đã trở thành một trong những người tiên phong trong lai tạo, phục tráng các loại giống lúa có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nguồn giống tại chỗ cho người dân sở tại. Tính từ khi tham gia nhóm sản xuất giống lúa nông hộ từ năm 2009 đến nay, ông đã cùng với 20 thành viên trong xã đã lai tạo, phục tráng được 7 giống lúa. Đây chủ yếu là các loại giống lúa đặc sản của địa phương được phục tráng lại sau một thời gian dài bị “lãng quên”. Mỗi giống lúa được “kỹ sư” Tường và các hội viên trong nhóm sản xuất giống lúa nông hộ của xã tạo ra đều có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với đặc tính sinh trưởng phát triển của vùng ruộng trũng, đất khô cằn, thiếu nước hay thừa nước.
Tạo ra bước đột phá về giống ở vùng đất khô hạn
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Quy Hậu Bùi Hồng Như cho biết: diện tích cấy lúa hàng năm của xã là 204 ha. Trong đó có nhiều diện tích đất khô hạn, không đảm bảo nước tưới nên năng suất cũng khá bấp bênh, có những năm hạn thường thì bị mất trắng. Tuy nhiên trong 3 năm lại đây, toàn bộ diện tích đó đã được gieo cấy bằng giống lúa chịu hạn do xã tự sản xuất nên tình trạng đó không còn xảy ra.
Giống lúa chịu hạn tốt mà ông Chủ tịch UBND xã nói đến chính là bộ giống L6 do “kỹ sư” Bùi Cao Tường và những thành viên trong nhóm sản xuất giống nông hộ tạo ra. Nói về bộ giống này, ông Tường cho biết: Quá trình nghiên cứu, chọn dòng phân ly qua 6 vụ, xã đã lựa chọn được được bộ giống có triển vọng đưa vào sản xuất đại trà. Bộ giống này gồm có giống lúa HT9, HTY92, MCR4, MCR3 và L6. Ngoài ra, xã cũng đang trong quá trình lai tạo thêm bộ giống chất lượng cao, có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chống chịu hạn, sâu bệnh tốt và rất có triển vọng là giống QH1, QH2. Đây chính là một trong những bộ giống mà xã cảm thấy ưng ý nhất. Đặc biệt là giống L6, đây có thể xem là lời giải cho bài toán cho sản xuất lúa ở vùng khô hạn ở Quy Hậu, nhất là trong sản xuất vụ chiêm - xuân, thường ở một số khu ruộng không đảm bảo về nguồn nước tưới nhưng cấy bộ giống này vẫn đảm bảo có thu, thậm chí thu cao. Về đặc tính, đó là một trong những giống lúa có năng suất khá cao, khả năng chống chịu hạn, sâu bệnh tốt, thời gian sinh trưởng đến khi thu hoạch chỉ trong khoảng từ 100 - 110 ngày. Đặc biệt, bộ giống này có khả năng thích nghi tốt trong điều kiện thiếu nước, thổ nhưỡng không phù hợp. Dù ở chỗ khu ruộng hạn, đất xấu hay tốt đều có thể cấy được, năng suất bình quân luôn đạt ở mức từ 55 - 60 tạ/ha. Thực tế sản xuất qua 6 vụ, đến nay, so với các loại giống khác, dù đã không ít lần gặp khó khăn về nguồn nước tưới, bị hạn hán, sâu bệnh nhưng giống lúa L6 vẫn trụ vững, chưa lần nào bị mất trắng. Về quy trình gieo cấy, kỹ thuật chăm sóc cũng vẫn như các loại giống lúa người dân địa phương đã quen sản xuất. So về công chăm sóc với giống lúa này, người nông dân bỏ ít công hơn so với các giống lúa khác. Những bộ giống lúa chất lượng cao do chính những người nông dân lai tạo đã tạo ra bước đột phá trong tự chủ về nguồn giống chất lượng cao không chỉ ở Quy Hậu mà cho đến nay, người nông dân ở nhiều nơi cũng đang tìm đến để đưa loại giống lúa này về sản xuất trên đồng ruộng của mình.
Thành công của những giống lúa nông hộ do “kỹ sư” Bùi Cao Tường tạo ra không chỉ thể hiện ở những thửa ruộng của gia đình đã từng bước được đón nhận và nhân rộng ra trên khắp các cánh đồng rộng lớn của xã Quy Hậu và các xã lân cận. Theo nhẩm tính của ông Bùi Hồng Như, Chủ tịch UBND xã Quy Hậu, tính đến thời điểm này, cả xã có đến hơn 30% diện tích đất lúa đã, đang sử dụng các loại giống lúa do nhóm của ông Bùi Cao Tường tạo ra. Đặc biệt, nếu tính về giá trị kinh tế thì những giống lúa do “kỹ sư” Bùi Cao Tường tạo ra có sự vượt trội hơn các giống lúa được người dân mua về. Ngoài ra, có một điều thú vị là lúa giống của “kỹ sư” Bùi Cao Tường không bán mà chỉ mang ra trao đổi. Cứ 10 cân thóc giống đổi lấy 15kg thóc thịt, bởi ông luôn tâm niệm: Mình làm giống cũng là để phục vụ nhân dân chứ tính lời lãi gì. Hiện tại, mỗi năm ông cũng chỉ cung ứng khoảng 1,5 tấn lúa giống cho bà con. So với các loại giống bán trên thị trường hiện nay, giống lúa của ông rẻ hơn 4 - 5 lần, thậm chí cả chục lần, bởi theo giá thị trường hiện nay, giống lúa rẻ nhất cũng bán với giá 30.000 đồng/kg, còn giống lúa chất lượng cao có giá từ 50 – 80.000 đồng/kg.
Làm chủ, ứng dụng thành công KHKT, những người nông dân chân lấm tay bùn như ông Bùi Cao Tường đã trở thành những chuyên gia không phải là chuyện hiếm. Nhưng với tình yêu, niềm đam mê ấy, những con người này đã và đang tạo ra những bước đột phá trong sản xuất ở những vùng quê nghèo. Với ông, niềm vui lớn nhất là những vụ mùa bội thu và nụ cười luôn nở trên môi những người nông dân nghèo. Với những giống lúa lai tạo được, ông tin rồi đây, trên đồng đất quê mình là những cánh đồng lúa vàng trĩu hạt và cuộc sống ấm no, đủ đầy.
Mạnh Hùng
(HBĐT) - Đồng Nghê, nơi được coi là nơi “rừng thiêng, nước độc” - một trong những địa danh vùng cao, xa nhất của huyện Đà Bắc. Khi nhắc tới nơi này, nhiều người đã phải “ớn lạnh” bởi cái cảm giác xa xôi, cách trở, vất vả khi đến đây.
(HBĐT) - Từ năm 2009 trở về trước, không chỉ người dân sở tại, bất cứ ai có việc phải vào xã Cư Yên, nhất là đến các xóm Rậm, Tốt Yên, Ruộng, Phú Ngọc, Hang Đá, Hang Đồi 1, Hang Đồi 2, Ao Đa, Gò Mỡ, Ao Chúa… đều ái ngại, bởi phải vượt qua những ổ trâu, ổ voi gồ ghề, mưa lầy lội, nắng thì bụi. Hệ thống hạ tầng giao thông xuống cấp đã gây khó khăn lớn cho các phương tiện trong lưu thông và việc đi lại của nhân dân. Ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an toàn giao thông, đời sống của dân cư và nhiệm vụ phát triển KT-XH trên địa bàn.
(HBĐT) - Doanh nghiệp, doanh nhân- những chiến sỹ trên mặt trận kinh tế thời bình với trách nhiệm vì cộng đồng cao cả vì mục tiêu an sinh xã hội. Kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, ghi nhận và trân trọng những đóng góp sự đóng góp đắc lực của giới doanh nghiệp, doanh nhân, đồng thời là dịp để tôn vinh cộng động doanh nghiệp, doanh nhân phát huy hơn nữa truyền thống tốt đẹp trong công cuộc xây dựng quê hương giàu mạnh.
(HBĐT) - Có một điều đặc biệt, nghề chính của gã không phải làm nông nghiệp nhưng những người dân nghèo ở xã Phú Thành và cả huyện Lạc Thủy vẫn coi gã như một “thần nông”. Điều đó đã được minh chứng và khẳng định bởi giải thưởng “Sao Thần Nông” mà gã là một trong số rất ít người ở tỉnh được trao tặng: Gã là Nguyễn Cao Kỳ ở xóm Rị, xã Phú Thành (Lạc Thủy).
(HBĐT) - Khu du lịch Cửu thác Tú Sơn (Kim Bôi) gắn với những huyền thoạt văn hóa đất Mường mang lại những cảm nhận tốt đẹp trong lòng du khách.
(HBĐT) - “Hôm nào cũng vậy, các em phải đi học từ lúc tờ mờ sáng. Mấy em trên một chiếc thuyền nan, thay nhau chèo lái. Nhiều hôm thời tiết xấu, đang chèo thuyền giữa hồ, gặp mưa giông, các em đành phải vào bờ trú ẩn, nên bị muộn học” - Cô giáo Ninh Thị Lý (chủ nhiệm lớp ghép 4,5 chi tiểu học xóm Vôi, xã Thái Thịnh - TPHB) phảng phất một nụ cười buồn khi kể về những đứa học trò nhỏ bé của mình.