Nhân dân xóm Ênh, xã Tân Minh (Đà Bắc) phát triển nghề chẻ tăm, mành cho thu nhập cao, góp phần ổn định đời sống.
(HBĐT) - Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có trên 1.000 nghề truyền thống, làng có nghề với 3 nhóm nghề truyền thống: dệt thổ cẩm, mây, tre đan và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Với mục tiêu bảo tồn, xây dựng và phát triển được các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống có tiềm năng lợi thế, tạo thành các sản phẩm bản sắc, có giá trị văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc trong tỉnh, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 11 về phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020. Đây được xác định là hướng mở để tỉnh phát triển các ngành nghề nông thôn.
Khó khăn trong phát triển nghề và làng nghề truyền thống
May mặc không phải là thế mạnh của tỉnh nhưng các mặt hàng may mặc phát triển mạnh trong những năm qua mặc dù chịu sự cạnh tranh hàng dệt may của Trung Quốc. Nghề may mặc khu vực nông thôn của tỉnh chủ yếu do các hộ gia đình thực hiện, sản phẩm thuộc loại bình dân, phục vụ cho nhu cầu tại chỗ. Toàn tỉnh có 208 cơ sở làm nghề dệt may, thêu ren với khoảng gần 1.000 lao động, doanh thu ước đạt gần 40 tỷ đồng (đạt bình quân 190 triệu đồng/cơ sở/năm). Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống, mang bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc tỉnh. Bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm không chỉ đem lại nguồn thu nhập cho các hộ gia đình mà còn góp phần lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống của người Mường, Thái, Tày, Dao, Mông…. Sản phẩm dệt thổ cẩm của các làng nghề luôn hấp dẫn khách du lịch trong, ngoài nước ưa thích mua làm đồ lưu niệm vì được làm từ sợi bông tự nhiên, nhuộm màu tự nhiên và dệt thủ công bằng khung dệt truyền thống. Năm 2013, tỉnh ta đã có quyết định công nhận 2 làng nghề truyền thống gồm: làng nghề dệt thổ cẩm và du lịch bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu) và làng nghề dệt thổ cẩm làng Lục, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn).
Những năm qua, nhiều huyện như Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn... đã được khôi phục và phát triển trở lại nghề dệt thổ cẩm. Đặc biệt, trên địa bàn huyện Tân Lạc đã thành lập đực 2 HTX Vọng Ngàn và Suối Hai chuyên sản xuất hàng thổ cẩm truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là người dân vẫn chưa thực sự mặn mà với nghề này bởi sản phẩm thổ cẩm làm ra vẫn chưa trở thành hàng hóa, chủ yếu là sản xuất theo đơn đặt hàng nhưng cũng không thường xuyên, giá thấp hoặc bán ở những phiên chợ cũng không được nhiều. Khó khăn lớn nhất đối với mặt hàng thổ cẩm của các làng nghề ở tỉnh là đầu ra và giá thành cho sản phẩm. Vì quy trình sản xuất hoàn toàn thủ công nên một sản phẩm thổ cẩm thực chất của người Mường, Thái, Tày, Dao, Mông... làm ra có giá cao hơn nhiều so với các sản phẩm cùng mẫu mã sản xuất công nghiệp. Thực tế đã dẫn đến hiện tượng đa số các gian hàng tại các điểm du lịch trên địa bàn đều bày bán sản phẩm giả thổ cẩm để kinh doanh.
Hiện nay, trong nhóm ngành nghề thủ công mỹ nghệ có 2 nhóm nghề chính đang có xu hướng phát triển, đó là sản xuất thủ công mỹ nghệ từ gỗ (17 cơ sở/hộ) và sản xuất đồ lưu niệm (3 cơ sở) với khoảng trên 100 lao động, doanh thu hàng năm ước đạt trên 5.328 triệu đồng (đạt bình quân 266,4 triệu đồng/cơ sở/năm). Nhiều đồ mỹ nghệ được sản xuất từ gỗ địa phương cũng đã được chào hàng ở khắp mọi nơi trong nước, đặc biệt là trong các hội chợ thương mại - du lịch - văn hóa của tỉnh tổ chức. Có nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ của bà con các dân tộc ở tỉnh đã đến với khách du lịch.
Những năm gần đây, nghề chế tác đá cảnh đã du nhập về Hòa Bình, làng nghề chế tác đá cảnh đang được hình thành tại thôn Sỏi, xã Phú Thành (Lạc Thủy) với hơn 80 hộ làm nghề, thu hút trên 1.000 lao động, thu nhập bình quân đạt 150 - 200 triệu đồng/hộ. Các sản phẩm từ đá ở thôn Sỏi không chỉ đã từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng đa dạng của thị trường trong mà còn xuất khẩu ra các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc...
Theo Chi cục phát triển nông nghiệp thuộc Sở NN&PTNT, mặc dù đã có những bước phát triển mới, tuy nhiên, phát triển nghề, làng nghề truyền thống vẫn mang tính tự phát. Gần 80% các cơ sở không đủ vốn để đầu tư đổi mới kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất, sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, thiếu nguyên liệu tại chỗ vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ nơi khác, chưa có chợ đầu mối cung cấp nguyên liệu, phụ liệu. Sự liên kết trong các lĩnh vực đào tạo nghề, cung cấp thông tin thị trường, tiêu thụ sản phẩm chưa được chặt chẽ. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng, một mặt do các sản phẩm thủ công còn đơn điệu về mẫu mã, chất lượng chưa cao, hầu hết sản phẩm chưa có thương hiệu nhãn mác hàng hoá nên sức cạnh tranh kém và thị trường xuất khẩu đang bị thu hẹp, chưa khai thác được thế mạnh của thị trường trong nước, mặt khác, do thiếu thông tin thị trường, thiếu các trung tâm trưng bày giới thiệu sản phẩm. Trong khi đó, phần lớn sản phẩm của ngành nghề nông thôn kể cả nghề truyền thống của tỉnh chưa có nhãn hiệu - thương hiệu hàng hóa. Hiện mới có 2 loại sản phẩm của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp nhãn hiệu tập thể gồm rượu cần đặc sản (cấp tháng 11/2011) và thổ cẩm Mai Châu (cấp tháng 4/2013). Một trong những yếu tố quyết định đến duy trì và phát triển nghề truyền thống là trình độ công nghệ, kỹ thuật nhìn chung còn thấp, đổi mới công nghệ, mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm diễn ra chậm chưa theo kịp yêu cầu của thị trường.phần nhiều lao động chưa qua đào tạo. Một số chương trình đào tạo nghề còn chưa tiến hành theo chiều sâu, chưa quan tâm nhiều đến hiệu quả của công tác đào tạo. Người thợ thủ công chưa có chế độ bảo hiểm, chưa tạo sự hấp dẫn với lớp trẻ vào làm nghề.
Hướng mở trong phát triển nghề và làng nghề truyền thống của tỉnh
Với mục tiêu bảo tồn, xây dựng và phát triển được các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống có tiềm năng lợi thế, tạo thành các sản phẩm bản sắc, có giá trị văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc trong tỉnh, hiệu quả cao góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất; xây dựng đội ngũ nghệ nhân và thợ kỹ thuật hành nghề, ngày 23/6/2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3024 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, ngày 13/6/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 11 về phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020.
Theo đó, tỉnh ta tập trung phát triển các nhóm ngành: bảo quản và chế biến nông - lâm thủy sản; sản xuất vật liệu xây dựng, mây - tre đan, dệt may, cơ khí nhỏ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất thủ công mỹ nghệ; gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh... Phấn đấu đến năm 2015 có 5 làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống, khoảng 4.000 lao động được đào tạo nghề mỗi năm; giai đoạn 2016 – 2020 công nhận 10 làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống, khoảng 5.000 lao động được đào tạo nghề mỗi năm. Đến năm 2020 giải quyết được khoảng 85,3 ngàn lao động làm việc tại các cơ sở ngành nghề nông thôn.
Để hoàn thành các mục tiêu, UBND tỉnh đã giao các sở, ngành, địa phương xây dựng chính sách khuyến khích, phát triển các cơ sở nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống tham gia sản phẩm đáp ứng về chất lượng, phong phú về mẫu mã như các mặt hàng: dệt thổ cẩm, mây - tre đan, đá cảnh, gốm sứ... Khai thác lợi thế sẵn có, phát triển theo quy hoạch gắn với vùng nguyên liệu. Giảm thiểu tác động bất lợi về môi trường... Đáng quan tâm là tỉnh có chủ trương hỗ trợ bằng tiền 1 lần 50 triệu đồng, sau khi các cơ sở nghề truyền thồng, làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận; hỗ trợ các cơ sở tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ; chuyển giao công nghệ tiên tiến vào các khâu sản xuất, xử lý môi trường, hỗ trợ 300 triệu đồng/cơ sở tương đương 30% tổng mức đầu tư; hỗ trợ cho lao đông của các cơ sở tham gia các chương trình đào tạo nghề theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Miễn tiền thuế thuê đất 3-5 năm đầu cho các cơ sở mới thành lập nằm ngoài điều kiện hưởng các ưu đãi về miễn giảm tiền thuê đất và sử dụng đất áp dụng trong Luật Đầu tư. Hỗ trợ giải phóng mặt bằng, nhất là cho các dự án có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.
Theo Chi cục phát triển nông nghiệp, những chủ trương mà tỉnh đưa ra sẽ là động lực để nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống của tỉnh từng bước chuyển dịch từ quy mô nhỏ mang tính truyền thống sang phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, phát triển các loại sản phẩm mới có chất lượng cao, được định hướng đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ, có đầu tư về máy móc hỗ trợ sản xuất nên nhiều sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao, không chỉ phục vụ thị trường trong vùng mà còn chiếm lĩnh được các thị trường rộng lớn khác trong và ngoài tỉnh.
Ngọc Vinh
(HBĐT) - Thực hiện Quyết định số 3298 của UBND TP Hòa Bình về việc phê duyệt hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà văn hóa (NVH) tổ dân phố số 1+ 2, phường Thái Bình, vừa qua, nhân dân nơi đây đã đóng góp mỗi hộ 1 triệu đồng để xây dựng NVH chung của hai tổ. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhân dân, NVH được bàn giao đưa vào sử dụng chưa được bao lâu đã xuống cấp, nước tràn vào nhà sau mỗi trận mưa, phải đục lỗ gạch để thoát nước, trần xệ phải đóng lại và không minh bạch trong thu - chi tài chính.
(HBĐT) - Đó là cách gọi vui của nhiều người dành cho những người thợ làm than tổ ong. Họ được gọi là những “thợ mỏ” trên mặt đất khi hàng ngày phải tiếp xúc với lớp than đen đúa, làm việc trong không gian đen ngòm, nóng bức.
(HBĐT) - Như Báo Hòa Bình điện tử đưa thông tin trong bài “Chưa phát hiện có hiện tượng xe CSGT dẫn xe quá tải quay đầu trốn trạm cân trên tuyến Quốc lộ 6” đăng ngày 24/9 trong mục Ký – Phóng sự. Cụ thể: Ngay sau khi nhận được những thông tin của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) về lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tại trạm KTTTX trên QL6 của Tổng cục ĐBVN, đồng chí Giám đốc CAT đã có công văn số 398/CAT-PC64-PV11 ngày 22/9/2014 đề nghị lãnh đạo Tổng cục ĐBVN làm rõ một số nội dung nêu trong báo cáo số 4893/TCĐBVN-ATGT và cung cấp những tài liệu, chứng cứ, hình ảnh (nếu có) về dấu hiệu sai phạm của lực lượng CSGT để lực lượng chức năng CAT điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định.
(HBĐT) - Kể từ đầu tháng 9 đến nay, tại 3 địa phương gồm xã Dân Hòa, Mông Hóa (Kỳ Sơn), Cuối Hạ (Kim Bôi), Tân Vinh, Trường Sơn, Cao Răm, Nhuận Trạch (Lương Sơn) bùng phát dịch tụ huyết trùng trên đàn trâu, bò. Hậu quả làm hàng trăm con trâu, bò nuôi trong dân bị ốm, chết. Nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng bởi với giá trị lên đến vài chục triệu đồng, mỗi con trâu, bò bị chết chẳng khác nào mất cả “đầu cơ nghiệp” đối với nông dân.
(HBĐT) - Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) vừa có văn bản số 4839 ngày 19/9/2014 báo cáo Bộ GT-VT về “tình trạng và kết quả xử lý xe quá tải trên QL6 - Hòa Bình”. Theo báo cáo, hàng ngày trên QL6 đoạn qua Tân Lạc trung bình có 1.169 xe tải loại trên 10 tấn lưu thông. Trong đó, xe quá tải chủ yếu có biển số Sơn La và đi từ hướng Sơn La về, chở hàng vượt tải trọng của xe từ 50% đến 200%.
(HBĐT) - Trận mưa lịch sử kéo dài từ tối 20 đến rạng sáng ngày 21/9 để lại nỗi ám ảnh và lo sợ cho người dân nhiều tổ dân phố phường Thái Bình sinh sống dọc QL6, đường lên Bình Thanh, khu vực ven đồi núi, suối Chăm.