Đoàn công tác CBPV Báo Hòa Bình thắp hương tri ân các Anh hùng liệt sỹ tại ngã ba Đồng Lộc.

Đoàn công tác CBPV Báo Hòa Bình thắp hương tri ân các Anh hùng liệt sỹ tại ngã ba Đồng Lộc.

(HBĐT) - Giọng nói trúc trắc, sự chân tình nồng ấm của con người miền Trung - nơi cong mình “gánh” 2 đầu đất nước chẳng dễ để quên. Và càng không thể quên những huyền thoại bất tử của những người con miền “nắng lửa”...

 

Bài I - Hương bồ kết nơi "ngã ba bom"

 

Giữa mênh mang nắng, gió trời Đồng Lộc bỗng như cồn lên nỗi nhớ mùi hương bồ kết và tiếng cười giòn tan, trong veo; những khúc hát, câu hò trong bom đạn của những cô gái mười bảy, mười tám, đôi mươi đã hóa thành bất tử...

 

Ngã ba bom” và những “cọc tiêu sống”

 

Chu vi chưa đầy 1 km2, nhưng trong chiến tranh, ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc - Hà Tĩnh) được ví như một “ngã ba bom” trên con đường Trường Sơn huyền thoại. Với vị trí như một “nút thắt” trong mạng lưới giao thông chiến lược Bắc - Nam, ngã ba Đồng Lộc trở thành nơi giặc Mỹ tập trung đánh phá vô cùng ác liệt.

 

Với dã tâm biến nơi đây thành một tọa độ chết không một cây cỏ nào có thể bén rễ, nảy mầm. Trong 7 tháng ném bom đạn hạn chế (từ tháng 4 đến tháng 10/1968), Mỹ đã huy động hàng trăm lượt máy bay đánh 1.863 lần, rải trên 50 nghìn quả bom các loại và bắn xuống mảnh đất này hàng chục nghìn đạn rocket. Với cường độ đánh phá ngày càng tăng, suốt ngày đêm không lúc nào ngã ba Đồng Lộc ngớt tiếng bom, đạn. Đất đá bị đào đi, xới lại nhiều lần, hố bom chồng chất hố bom. Bom đạn nhiều đến nỗi nói như cô Vũ Hồng Anh, nguyên là chiến sỹ thuộc C422, N43 TNXP Hà Nội trong hành trình về thăm lại chiến trường xưa mà chúng tôi may mắn gặp tại ngã ba Đồng Lộc thì bom đạn Mỹ rải xuống ngã ba Đồng Lộc là nhiều vô kể. Trận đánh nào cũng vậy, máy bay Mỹ đến rải bom như... vãi trấu. Vì thế, trong chiến tranh, chúng tôi vẫn gọi ngã ba Đồng Lộc là ngã ba bom. Nói thế để thấy, cuộc chiến đấu ở nơi ngã ba này trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ác liệt đến như thế nào.

 

Dù vậy, bất chấp cái dã tâm tàn bạo của giặc Mỹ, bất chấp bom đạn ác liệt, ngã ba Đồng Lộc vẫn căng tràn sức sống. Mạch máu giao thông trên cung đường vẫn được thông suốt. Bởi ở đó luôn có những trái tim quả cảm cùng chung một nhịp đập, ý chí, quyết tâm: máu có thể chảy, chảy thành sông cũng không tiếc nhưng mạch máu cho chiến trường không thể bị tắc.  

 

Quyết tâm đó, ý chí đó, họ đã vượt qua mưa bom, bão đạn để lập lên những chiến công đã đi vào huyền thoại; dựng lên một kỳ đài bằng xương, bằng máu của tuổi trẻ ở ngã ba Đồng Lộc. Hiện thân cho kỳ đài đó chính là 10 cô gái TNXP. Đến trọng điểm ngã ba Đồng Lộc, những cô gái can trường ấy hầu như lúc nào cũng có mặt trên đường với cuốc, xẻng, gánh gồng, cùng nụ cười tươi rói trong những điệu hát, câu hò. Bằng đôi tay, sức trẻ và cả ý chí căm hờn, họ đã quên mình đang đứng ở giữa cái lằn ranh giới sống - chết, thậm chí có nhiều đêm, mịt mùng giữa bóng tối, các chị còn mặc áo trắng, cầm tay nhau làm hàng rào, trở thành những cọc tiêu sống để mở đường, dẫn lối cho xe vượt qua ngã ba bom để vào chiến trường được an toàn.

 

"10 đóa hoa" bất tử

 

Đường đến ngã ba Đồng Lộc lần nào cũng vậy, nắng cứ rát xơ mái đầu. Nhìn về ngọn núi Trọ Voi - nơi yên nghỉ của 10 cô TNXP trời vẫn ngắt xanh một màu... Ngày ấy, 10 cô gái TNXP thuộc tiểu đội 4, đại đội 552, tổng đội 55 do chị Võ Thị Tần làm tiểu đội trưởng. Các chị đều là những người con sinh ra và lớn lên trên quê hương Hà Tĩnh. Khi ấy, tuổi đời các chị đang còn rất trẻ, chị Võ Thị Hà, cô em út của tiểu đội khi hy sinh mới vừa tròn 17 tuổi. Còn 3 người chị cả lớn tuổi nhất là chị Võ Thị Tần tiểu đội trưởng, Hồ Thị Cúc tiểu đội phó, Võ Thị Nhỏ khi hy sinh cũng mới ở tuổi 24. Đến trọng điểm ngã ba Đồng Lộc với nhiệm vụ san lấp hố bom, làm đường tránh và mở đường cho xe ra tiền tuyến. Công việc của các chị chủ yếu được làm vào ban đêm. Nhưng ngày 24/7/1968, suốt buổi sáng máy bay địch liên tục quần lượn trên bầu trời Đồng Lộc, mặt đường 15A nham nhở hố bom. Trong điều kiện đó lại phải nhanh chóng sửa đường đảm bảo cho một đoàn xe lớn chi viện cho chiến trường vào buổi chiều. Vì thế, đúng 12h trưa sau khi nhận lệnh, bất chấp cái nắng oi ả của trưa hè các chị đã nhanh chóng ra đường san lấp hố bom. Giữa những đợt quần thảo, bắn phá ác liệt của máy bay Mỹ, các chị vẫn kiên cường bám đường. Có những đợt bom, các chị bị đất đá vùi lấp nhưng rồi lại rũ đất đứng dậy làm nhiệm vụ với một quyết tâm sắt đá: bằng bất cứ giá nào, chiều nay, tuyến đường cũng phải được thông suốt. Đến lượt bom lần thứ 15 vào lúc 16 giờ chiều, công việc của các chị sắp hoàn thành, các hố bom đã được lấp đầy, một tốp máy bay lao xuống trút bom dữ dội. Một quả bom rơi trúng vào căn hầm nơi các chị tạm trú, khói bom bao trùm lên tất cả 10 cô gái. Sau tiếng bom, 1 phút, 2 phút rồi 5 phút trôi qua, không ai trong số 10 cô gái lại tiếp tục rũ đất đứng dậy làm đường nữa. Mấy cái cuốc xẻng nằm văng xa, mấy chiếc nón rách bươm nằm ngổn ngang bên cạnh tuyến đường 15A. Trong khói bom mù mịt, cả trận địa ào xuống hố bom đào bới và gọi tên từng người: Tần ơi! Cúc ơi! Hà ở mô rồi?! Nhưng không ai trong số các chị trả lời. Cả trận địa lặng đi rồi vỡ oà nên tiếng khóc nức nở, nghẹn ngào của những người đồng đội. Suốt đêm hôm đó và 2 ngày hôm sau, đồng đội của các chị đã tập trung bên hố bom, dùng cuốc, xẻng và dùng tay của mình đào bới đất để tìm kiếm thi thể của 10 người em gái, 10 người đồng đội. Nhưng tìm mãi  mới chỉ tìm thấy được 9 chị. 10 chiếc quan tài, 9 chiếc đã có chủ. Còn riêng chị Hồ Thị Cúc thì vẫn chưa tìm thấy. Những người đồng đội đã nghĩ, bom đạn đã hất tung chị Cúc đi đâu mất rồi. Nhưng họ vẫn tâm niệm, dù trong bất cứ hoàn cảnh thì 10 chị em, 10 cô gái cũng phải được an táng cùng một lúc. Không thể nào an táng 9 người trước được. Vì cuộc đời họ đã sống và chiến đấu bên nhau. Họ đã gắn chặt với nhau bằng những kỷ niệm vui buồn của tuổi trẻ. Đến chiều tối của ngày thứ 3, sau khi đọc xong bài thơ Cúc ơi! được viết trong nỗi tiếc thương, đồng đội mới oà ra khi tìm thấy thi thể của Hồ Thị Cúc ở trong căn hầm ngay bên cạnh đường 15A. Nhưng do ở sâu quá nên đồng đội chưa tìm thấy. Lúc tìm thấy, chị Cúc đang ở trong tư thế ngồi, đầu đội nón, 10 đầu ngón tay của chị đã bị bầm tím và rớm máu. Đồng đội cho rằng lúc bom nổ hầm sập, chắc chắn là chị Cúc còn sống và chị chỉ còn một cách duy nhất là dùng 10 đầu ngón tay đào bới đất tìm đường ra khỏi căn hầm để làm tiếp những cung đường còn lại nhưng do hầm sâu quá, đất dày quá, bới mãi không ra được nên chị đã hy sinh ở trong đó.

 

Sau khi tìm thấy chị Cúc, lễ truy điệu diễn ra trong sự im lặng, uất ức, nghẹn ngào. 10 đoá hoa bất tử đã cùng với hàng nghìn người con ngã xuống nơi đây hoà vào đất mẹ - nơi trái tim Đồng Lộc.

 

(Còn nữa)

Bài II: Vũng Chùa - yên bình với điệu hò khoan

 

 

                                                                            Mạnh Hùng

 

 

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục