Trung tâm Công tác xã hội đã thực sự trở thành mái ấm gia đình luôn yêu thương, đùm bọc các em.

Trung tâm Công tác xã hội đã thực sự trở thành mái ấm gia đình luôn yêu thương, đùm bọc các em.

(HBĐT) - Nơi đây, không thiếu những trẻ có hoàn cảnh éo le, nghiệt ngã. Em mồ côi cha, em không còn mẹ, em bị bỏ rơi... Mỗi em một số phận, một cuộc đời bất hạnh trước khi đến với Trung tâm Công tác xã hội. Để bù đắp những mất mát, thiệt thòi, cán bộ Trung tâm đã tận tình chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục các em bằng tình thương, trách nhiệm của người cha, người mẹ với mong muốn các em luôn cảm nhận nơi đây là “mái ấm gia đình”.

 

“Mỗi con một số phận, một hoàn cảnh éo le”

Đôi mắt tròn, đen, nước da trắng hồng, đôi môi chúm chím với nụ cười luôn hiện hữu của em Lê Thị Gấm làm chúng tôi cảm thấy xót xa trước một phận người. Bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng, không ai biết cha mẹ em là ai. Ngày về Trung tâm, em còn đỏ hỏn, suốt ngày quấy khóc vì thiếu bàn tay chăm sóc, thiếu dòng sữa ngọt mát của mẹ, thiếu sự bao bọc, ấm áp của cha. Được các cô, chú ở Trung tâm đưa về nuôi dưỡng, hết lòng yêu thương, chăm sóc, em lớn lên từng ngày, khỏe mạnh như trẻ cùng tháng. 9 tháng tuổi, em còn quá nhỏ để cảm nhận được những thiệt thòi mà em đã phải gánh chịu.  

Theo lời kể, cháu Trần Văn Hòa là trẻ mồ côi sinh thiếu tháng, em phải nuôi trong lồng kính gần 4 tháng mới được đón về Trung tâm. Khi về, tình trạng sức khỏe của Hòa rất yếu, em không tự mút sữa được mà phải bón từng thìa. Không có tháng nào là Hòa không ốm, nhẹ thì uống thuốc, nặng phải tiêm và nhập viện, chủ yếu là các bệnh về nhiễm khuẩn đường hô hấp. Nếu được bú sữa mẹ từ nhỏ, có lẽ cháu Hòa sẽ có sức khỏe ổn định hơn và sẽ ít ốm đau như bây giờ.  

Trong 6 trẻ sơ sinh ở Trung tâm có 4 trẻ bị bỏ rơi ở các bệnh viện, 2 cháu có mẹ bị tâm thần. Đáng chú ý là trường hợp của cháu Nguyễn Thị Tuyết có mẹ là chị Nguyễn Thị Hoa đối tượng tâm thần thuộc sự quản lý của Trung tâm. Trước khi về Trung tâm chị Hoa thường hay lang thang tại khu vực phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) Phòng LĐ, TB & XH đã hoàn thiện hồ sơ và đưa vào Trung tâm trong tình trạng chị đang mang thai ở tháng thứ 8. Sau khi sinh Tuyết ngày 18/7/2014, chị được đưa vào khu nuôi dưỡng dành cho bệnh nhân tâm thần. Mang thai ở thể trạng sức khỏe không tốt, bé Tuyết được sinh ra với nhiều biểu hiện bất thường và khó nuôi. Việc cho em ăn là cả một vấn đề vì cứ nuốt vào là em lại trớ ra. Đôi mắt em vô hồn, vô cảm thiếu đi những nét tinh anh thường thấy ở những đứa trẻ đồng trang lứa.  

Đồng chí Đỗ Văn Chiến, giám đốc Trung tâm Công tác xã hội cho biết: ở đây, mỗi một em là số phận, một hoàn cảnh đáng thương. Hầu hết các em đều mồ côi cha, mẹ hoặc bị bỏ rơi không nơi nương tựa. Cuộc sống của các em không được bình yên như những đứa trẻ bình thường khác, do đó, Trung tâm luôn xác định chăm sóc, nuôi dưỡng các em không chỉ là trách nhiệm và nghĩa vụ mà đó còn là lòng yêu thương, sự  bao bọc của người cha, người mẹ như với những đứa con của mình. 

Bù đắp thiệt thòi bằng những yêu thương 

Xót xa, muốn bù đắp cho các con những thiệt thòi trong cuộc sống đó là mong muốn chung của những ông bố bà mẹ ở Trung tâm. Có thể nói, công việc ở đây có tính đặc thù cao và phải xuất phát từ tấm lòng yêu thương thực sự thì mới có thể gắn bó được với nghề.  

Tại phòng chăm sóc trẻ sơ sinh, cán bộ Trung tâm phải làm việc 24/24h, Chị Nguyễn Thị Thu Hương làm việc tại đây từ khi con trai thứ 2 được hơn 1 tuổi, do hoàn cảnh công việc, chị phải gửi con về nhờ ông bà nội trông nom cho đến khi con chuẩn bị vào lớp 1 chị mới đón về. Chị chia sẻ: Có những buổi tối ôm các con trong tay thấy nhớ và thương con của mình đang phải gửi cho ông bà chăm sóc. Nhưng những lúc như vậy lại càng thấy xót xa cho hoàn cảnh của các con hơn khi chưa một lần nhận được âu yếm, bế bồng của người thân.

Khi đã chăm sóc trẻ, hiểu được thể trạng sức khỏe, tính cách sinh hoạt riêng của từng bé nên mỗi lần con ốm, các mẹ đều trực tiếp chăm sóc ăn uống, thuốc men. Có những lúc là ngày nghỉ nhưng các mẹ cũng đi làm vì đơn giản là không yên tâm gửi bé cho người khác lúc các bé còn ốm mệt. Nhớ lại những ngày đầu chăm sóc bé Trần Văn Hòa, chị Hương chia sẻ: Con yếu đến nỗi khóc nghe còn không rõ tiếng, các mẹ đã kiên trì chăm từng bữa ăn, giấc ngủ. Còn chưa kể đến lúc con ốm, quấy khóc suốt đêm. ôm con trên tay, đôi mắt rưng rưng chỉ ước rằng mình có thể ốm thay được cho con rồi mọi chuyện cũng qua. Giờ đây, Hòa đã được hơn 1 tuổi, con nhanh nhẹn, khỏe mạnh và phát triển bình thường như các bạn. Làm một người mẹ cũng chỉ mong có vậy!

 

Hiện nay, Trung tâm đang chăm sóc 41 trẻ, trừ những trẻ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ còn lại 100%  em đều được đến trường. Để giúp các em hòa nhập, theo kịp với các bạn cùng khóa, mỗi buổi tối, Trung tâm đã cắt cử cán bộ có nghiệp vụ sư phạm kèm cặp, hỗ trợ các em học tập. Vượt qua số phận, có nhiều em đã trở thành con ngoan, trò giỏi với thành tích học tập tốt. Sự quan tâm đối với các em không bao giờ là đủ, cùng với Trung tâm, các tổ chức chính trị, cá nhân đã luôn thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các em trong cuộc sống. Đồng chí  Đỗ Xuân Chiến cho biết thêm: “Đặc biệt là các ngày lễ, tết, các bố, mẹ đã gác mọi việc của gia đình riêng cùng với các con dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Trung thu cùng nhau làm đèn ông sao, Tết đến cùng nhau rửa lá, gói bánh trong không khí đầm ấm của gia đình". 

Nghe những tiếng bi bô tập nói, nhìn những ánh mắt trong veo, tiếng cười đùa ríu rít như thể đây không chỉ là nơi các em đã đến và ghé qua mà bằng tình yêu của những người làm công tác xã hội ở Trung tâm sẽ mở ra cho các em một trang đời hoàn toàn mới. Ngày mai, các em sẽ nhớ về nơi đây, nhớ về Trung tâm Công tác xã hội như nhớ về một miền ký ức đẹp đẽ, mái ấm gia đình, niềm vui có thật.

 

 

                                                                               H.N

 

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục