Huyện Kim Bôi tổ chức phun tiêu độc, khử trùng ngăn chặn, khống chế lây lan dịch từ xã Cuối Hạ sang các địa bàn khác.
(HBĐT) - Kể từ đầu tháng 9 đến nay, tại 3 địa phương gồm xã Dân Hòa, Mông Hóa (Kỳ Sơn), Cuối Hạ (Kim Bôi), Tân Vinh, Trường Sơn, Cao Răm, Nhuận Trạch (Lương Sơn) bùng phát dịch tụ huyết trùng trên đàn trâu, bò. Hậu quả làm hàng trăm con trâu, bò nuôi trong dân bị ốm, chết. Nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng bởi với giá trị lên đến vài chục triệu đồng, mỗi con trâu, bò bị chết chẳng khác nào mất cả “đầu cơ nghiệp” đối với nông dân.
Có một thực tế là nguyên nhân bùng phát dịch tụ huyết trùng chính từ ý thức, nhận thức của người chăn nuôi bởi những năm qua, tỷ lệ tiêm vắcxin phòng bệnh tụ huyết trùng trên đàn trâu, bò ở hầu hết các huyện, thành phố đạt rất thấp. Đơn cử như ở vụ xuân – hè vừa rồi, tỷ lệ tiêm mũi tụ huyết trùng của xã Dân Hòa (Kỳ Sơn) chỉ đạt 11,4%. Đối với huyện Kim Bôi, tỷ lệ tiêm mũi tụ huyết trùng cho đàn trâu, bò đạt 21%, Lương Sơn đạt 20%, Lạc Thủy đạt 35%, thành phố Hòa Bình đạt 34%. Chị Nguyễn Thị Đào, cán bộ trạm thú y huyện Kỳ Sơn cho biết: Kể cả những xóm xa nhất, thú y viên cũng lặn lội tận nơi để phục vụ nhu cầu tiêm phòng cho gia súc của bà con. Tuy nhiên, không phải hộ chăn nuôi nào cũng có nhận thức đầy đủ, thậm chí nhiều năm nay, ở một số xã như Mông Hóa, Dân Hòa không có nhiều chuyển biến về công tác tiêm phòng. Có hộ chăn nuôi quy mô lớn nhưng chủ quan từ chối tiêm, có hộ được thú y viên đến gặp nhiều lần nhưng lần nào chuồng trại cũng trống trơn bởi lý do trâu, bò đi đồi chưa về.
Đáng chú ý, thói quen chăn thả tự do gia súc tồn tại cũng để lại những hệ lụy dịch bệnh, cụ thể như vụ dịch tụ huyết trùng này đều xảy ra ở những nơi có tập quán thả rông trâu, bò. Trong đợt dịch, hộ ông Đinh Xuân Thao ở xóm Đễnh, xã Dân Hòa thiệt hại nặng nề nhất với 12 con chết do dịch tụ huyết trùng. Ông Thao ân hận: “Giá như gia đình tôi không để đàn trâu đi ăn ở đồi xa trong một thời gian dài. Giá như có sự quản lý, chăm sóc tại chuồng sẽ không để xảy ra sự việc đau xót như này”. Thú y viên của xã cho biết vào đầu tháng 9, khi đi tìm đàn trâu thả rông trên đồi cách xa khu vực chuồng trại đến vài kilômét, gia đình ông Thao phát hiện đàn trâu bệnh đã chết từ trước đó nhiều giờ. Đa số trâu đã trong tình trạng phân hủy và được kiểm tra, xác định nguyên nhân chết do dịch tụ huyết trùng.
Đồng chí Phạm Vinh Xương – Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Từ nhiều năm nay, dịch tụ huyết trùng không ghi nhận ở các địa phương trong tỉnh. Việc bùng phát dịch trong năm 2014 có 3 nguyên nhân, trong đó có một phần diễn biến thời tiết phức tạp, mưa nhiều làm mầm bệnh phát tán lây lan thành dịch, các nguyên nhân thuộc về ý thức hộ chăn nuôi là không chấp hành pháp lệnh thú y về tiêm phòng, tỷ lệ tiêm phòng vắcxin tụ huyết trùng thấp trong nhiều năm không đảm bảo hiệu giá miễn dịch cho vật nuôi và tình trạng môi trường chăn nuôi, bãi chăn thả chung dễ tồn tại mầm bệnh lây nhiễm cho trâu, bò. Đợt dịch cũng được đánh giá có độc lực khá cao, gây chết đến 72% trâu, bò mắc bệnh.
Qua tổng hợp của các huyện có tổng số 73 con gồm 65 con trâu và 8 con bò bị ốm, 53 con gồm 49 con trâu và 4 con bò bị chết. Số trâu, bò phát hiện chết do dịch tụ huyết trùng được đem chôn hủy để tránh phát tán mầm bệnh. Số trâu, bò bệnh đang được điều trị tích cực bằng thuốc. Nhằm ngăn chặn, không để dịch tiếp tục lây lan ra diện rộng, các huyện, thành phố đang kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn. Sở NN & PTNT vừa ban hành công văn số 984 về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tụ huyết trùng trâu, bò. Theo đó, yêu cầu UBND các huyện, thành phố, các cơ quan chức năng kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cấp huyện, xã, tổ chức giám sát đến tận hộ chăn nuôi, kiểm soát chặt động vật và các sản phẩm động vật ra, vào địa bàn. Riêng với 3 huyện có dịch triển khai tiêm vắcxin phòng tụ huyết trùng trên đàn trâu, bò, lợn. Về phía người dân cần đưa toàn bộ số trâu, bò thả rông trên đồi, rừng về chăm sóc tại nhà để thuận tiện cho công tác theo dõi và tiêm phòng bổ sung. Lưu ý, không được phép mổ thịt những gia súc bệnh, chết để bán hoặc chia nhau, nghiêm cấm bán những trâu, bò bệnh nhằm hạn chế lây lan mầm bệnh sang địa phương khác, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phát triển sản xuất, chăn nuôi của tỉnh.
Bùi Minh
(HBĐT) - Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi được đồng nghiệp Báo Tuyên Quang đưa đến thăm chiến khu Tân Trào. Nơi cách đây 69 năm Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng đã đưa ra quyết định: Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Đó cũng là nơi Bác Hồ nói câu bất hủ mà không một người Việt Nam nào quên được: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
(HBĐT) - Cách mạng tháng Tám (CMT8) thành công, chính quyền về tay nhân dân, ông được nhận vào Ty Liêm phóng tỉnh (tiền thân của Công an tỉnh) và trở thành một trong những chiến sỹ an ninh đầu tiên của tỉnh thời kỳ đất nước vừa mới giành độc lập. Được giao nhiệm vụ làm giao liên, trinh sát kiêm công tác văn phòng. Khi ấy ông mới 15 tuổi. Đã gần 70 năm trôi qua, những chiến công trong gian khó của lực lượng an ninh trong những ngày đầu chính quyền cách mạng non trẻ vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của ông - Đại tá Trần Văn Lộc, nguyên Phó Giám đốc thường trực, Bí thư Đảng ủy Công an tỉnh Hà Sơn Bình.
(HBĐT) - Trước ngày 1/4, họ vẫn làm công việc bình thường theo chức năng, nhiệm vụ của thanh tra giao thông, CSGT, cán bộ quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, từ khi có Quyết định của Chính phủ về lắp đặt các trạm cân trọng tải xe di động trên các tuyến quốc lộ, họ được tiếp nhận chung một nhiệm vụ mới - trực trạm cân. Về cơ bản vẫn là những công việc quen thuộc nhưng áp lực được tăng theo cấp số nhân.
(HBĐT) - Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, từ ngày 1/7/2011, các bệnh viện công trên địa bàn tỉnh không thu phí trông giữ các loại xe đạp, mô tô, ô tô ra vào bệnh viện.
(HBĐT) - Theo Sở GT-VT, hiện nay, UBND các huyện, thành phố quản lý 57 cầu treo, tập trung ở các huyện: Tân Lạc, Lạc Sơn, Mai Châu. Tuy nhiên, phần lớn các cây cầu này đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại và trở thành mối nguy đến tính mạng, tài sản của nhân dân.
(HBĐT) - Nhờ quyết liệt thực hiện phương châm “vào từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng người nghiện ma túy”, thời gian qua tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy (TNMT) trên địa bàn huyện Mai Châu đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều địa bàn được giữ vững, không để ma túy xâm nhập.