Điểm di tích lịch sử cấp quốc gia bến K15 - km số 0 của Đường Hồ Chí Minh trên biển, quận Đồ Sơn (TP Hải Phòng).
Di tích lịch sử cấp quốc gia bến K15 - km số 0 của Đường Hồ Chí Minh trên biển tọa lạc trong một khung cảnh hữu tình thuộc phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng. Sau lưng là ngọn núi vươn mình ra biển thuộc dải Cửu Long tạo thành một vụng nhỏ mang hình tay ngai. Hiện, di tích bến K15 chỉ còn lại 15 trụ bê tông cầu cảng nằm cách bờ khoảng 30m trong quần thể khu du lịch sinh thái, tâm linh của Đồ Sơn. Khác với sự thầm lặng ra đi của những chuyến tàu không số năm xưa, bến K15 giờ tấp nập tàu chở khách ra thăm quan Hòn Dấu - địa danh du lịch nổi tiếng của Đồ Sơn, "mắt ngọc” của Hải Phòng. Hơn thế, rảo bước trong khuôn viên di tích du khách có thể thưởng thức trọn vẹn khung cảnh núi non, biển nước mênh mông, hữu tình của Đồ Sơn.
Thăm quan, tìm hiểu khu di tích được biết: Với mưu đồ hình thành một quân cảng để tập kết, vận chuyển phương tiện chiến tranh từ tàu biển vào đất liền, phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lâu dài, năm 1950, thực dân Pháp xây dựng một bến cảng tại Đồ Sơn, người dân quen gọi là bến Nghiêng. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Theo đó, ngày 15/5/1955, tại bến Nghiêng, những tên thực dân Pháp cuối cùng đã phải rút khỏi Hải Phòng bằng đường biển, chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa. 7 năm sau (năm 1962), bến Nghiêng được T.Ư Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn là điểm tập kết hàng hóa đặc biệt chi viện cho chiến trường miền Nam. Để đảm bảo các yếu tố kỹ thuật và bí mật, Quân ủy T.Ư chỉ đạo Đoàn 759 chuyển sang bến tàu mới kín gió hơn ở dưới chân đồi Nghinh Phong, gần với bến Nghiêng và lấy mật danh là bến K15. Ngày 15/4/1963, chiếc cọc đầu tiên được khởi công. Sau 1 tháng, cầu cảng K15 hoàn thành, bắt đầu nhiệm vụ lịch sử vận chuyển hàng nghìn tấn vũ khí, phương tiện và hàng trăm cán bộ chi viện cho chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày ấy, để giữ bí mật, những chuyến tàu "không số” thường chọn lúc thời tiết sóng to, gió lớn để ra khơi. Những thủy thủ tàu đều ở độ tuổi mười tám, đôi mươi. Tuy còn rất trẻ, nhưng trước khi lên đường làm nhiệm vụ đã xác định tư tưởng sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tàu, hàng hóa vận chuyển và bí mật của con đường. Bởi thế đến hôm nay, bến K15 luôn được nhắc đến như một bản anh hùng ca bất diệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đưa chúng tôi ngắm bình minh trên bến tàu không số K15, nhà báo Nguyễn Anh Tú, Phó Chủ tịch TT Hội Nhà báo Hải Phòng chia sẻ: Tưởng nhớ chiến công của những thủy thủ tàu không số, TP Hải Phòng cùng Bộ Tư lệnh Hải quân đã xây dựng Đài tưởng niệm Đường Hồ Chí Minh trên biển ngay cạnh di tích bến K15. Công trình được xây dựng và hoàn thành vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng Hải Phòng (năm 2005). Ngày 18/8/2008, bến K15 được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.
Hiện tại, bến K15 vẫn luôn được nhắc đến như một bản hùng ca bất diệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ hôm nay. Hàng năm, di tích bến K15 và Tượng đài kỷ niệm Đường Hồ Chí Minh trên biển đón hàng vạn lượt du khách thăm quan, học tập, trải nghiệm. Tại đây, hàng trăm buổi nói chuyện, tọa đàm theo chuyên đề, ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc, của Đảng, Đoàn Thanh niên, quân đội, các cuộc gặp mặt nhân chứng lịch sử, báo công, biểu dương học sinh tiêu biểu, tổ chức kết nạp Đảng cho đoàn viên ưu tú trong các nhà trường... đã được tổ chức. Với vị trí đắc địa, di tích bến K15 còn được kết nối để trở thành một đầu mối quan trọng cho tuyến du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh và bãi biển của quận Đồ Sơn như: Casino Đồ Sơn huyền thoại và bí ẩn; biệt thự Bảo Đại; Hòn Dấu resort; khu du lịch quốc tế Đồi Rồng… hấp dẫn du khách muôn phương.
Lam Nguyệt
(Hội Nhà báo tỉnh)
Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 13km, đầm sen quý thuộc Trung tâm Thực nghiệm, Nghiên cứu và Phát triển nguồn gens cây sen (tại ngõ 234 Ngô Xuân Quản, Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội) đang vào mùa sen nở rộ.
Với chủ đề "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông/Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển", Ngày hội văn hoá dân tộc Mông lần thứ III sẽ diễn ra trong 3 ngày vào tháng 9/2021 tại thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu.