(HBĐT)- Đinh Đức Chiến, Giám đốc HTX nông nghiệp an toàn Yên Thủy (Yên Thủy); Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Độc Lập (TP Hòa Bình); Bùi Văn Tường, Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh nông nghiệp 0789 (Tân Lạc); Trần Trung Đức, Giám đốc HTX chuối Viba (Lương Sơn)… Đó là những thanh niên tiêu biểu, đại diện cho thế hệ trẻ mạnh dạn lựa chọn mô hình HTX để khởi nghiệp. Các HTX do thanh niên làm chủ dù mới thành lập, song đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho thanh niên và người dân địa phương.



Anh Bùi Văn Tường, Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh nông nghiệp 0789, xóm Sung, xã Thanh Hối (Tân Lạc) là một trong những thanh niên tiêu biểu khởi nghiệp thành công từ mô hình HTX. 

Vài năm trở lại đây, số lượng HTX do những chủ nhân trẻ đứng đầu ngày càng tăng và hoạt động hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề: Dịch vụ tổng hợp, nông nghiệp, du lịch sinh thái… Những giám đốc độ tuổi 8X, 9X mạnh dạn đổi mới trong lãnh đạo, điều hành, thổi một luồng gió mới vào khu vực kinh tế tập thể (KTTT). Thế hệ trẻ năng động, sáng tạo, tiên phong áp dụng KHKT, công nghệ thông tin vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Anh Bùi Văn Tường, Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh nông nghiệp 0789, xóm Sung, xã Thanh Hối (Tân Lạc) chia sẻ: Sau nhiều năm gắn bó với mô hình ươm giống cây dổi và một số cây lâm nghiệp, năm 2020, với mong muốn mở rộng quy mô vườn ươm, tìm kiếm những thị trường tiềm năng tiêu thụ cây giống, tôi mạnh dạn thành lập HTX sản xuất và kinh doanh nông nghiệp 0789. Trung bình mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường hàng trăm nghìn cây giống, chủ yếu là cây bản địa như trám đen, trám trắng, dổi… Giá bán đối với cây thực sinh khoảng 5.000 - 6.000 đồng/cây; đối với cây ghép từ 30.000 - 40.000 đồng/cây. Toàn bộ cây giống đều có hồ sơ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ nên được người dân tin tưởng. HTX chúng tôi là cơ sở giống cây lâm nghiệp lớn nhất của huyện Tân Lạc, cung cấp cho thị trường trong tỉnh và nhiều tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên. Ngoài ươm giống, tôi vận động các thành viên trồng rừng sản xuất, trồng cây trám đen, trám trắng. Hiện, HTX tạo việc làm cho khoảng 10 lao động thời vụ, mức lương 3 - 4 triệu đồng/người/tháng, 4 lao động được đóng bảo hiểm. Vừa qua, dự án "Bảo tồn và phát triển giá trị cây trám đen tại Hòa Bình” của tôi vinh dự đạt giải ba tại Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên tỉnh lần thứ III, năm 2021.

Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, nhất là đối với các HTX do thanh niên làm chủ, Tỉnh Đoàn đã ký quy chế phối hợp với Liên minh HTX tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển mô hình KTTT, HTX trong thanh niên. Ngoài ra, Tỉnh Đoàn tích cực tuyên truyền, hỗ trợ vốn và kêu gọi nguồn vốn đầu tư, ủy thác với hệ thống ngân hàng để đoàn viên thanh niên được vay vốn phát triển kinh tế. Nổi bật, Tỉnh Đoàn phối hợp Sở KH&CN, Liên minh HTX tỉnh tổ chức cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên tỉnh. Năm 2021 tổ chức cuộc thi lần thứ 3, thu hút được nhiều thanh niên tham gia, trong đó, những dự án đạt giải cao thuộc về các giám đốc HTX như: "Ép dầu, giải pháp nâng cao giá trị cho cây lạc” của anh Đinh Đức Chiến, Giám đốc HTX nông nghiệp an toàn Yên Thủy đạt giải nhất; "Ứng dụng khoa học công nghệ vào sấy và sản xuất trà bí đao tạo việc làm cho người dân vùng dân tộc thiểu số” của anh Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Độc Lập đạt giải nhì; "Bảo tồn và phát triển giá trị cây trám đen tại Hòa Bình” của anh Bùi Văn Tường, Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh nông nghiệp 0789 đạt giải ba…

 Đánh giá về sự phát triển của các HTX do thế hệ trẻ làm chủ, đồng chí Trần An Định, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh nhận định: Lợi thế của người trẻ là có kiến thức, được đào tạo bài bản; năng động, sáng tạo, biết cách nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0 thì thanh niên luôn tiên phong ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã chủ động phối hợp Tỉnh Đoàn và các cơ quan chức năng tổ chức các hội nghị tập huấn nâng cao năng lực, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xúc tiến thương mại; tạo điều kiện để các bạn trẻ phát huy thế mạnh của KTTT lập thân, lập nghiệp.


Thu Thủy

Các tin khác


Chàng trai dân tộc Mông gieo hy vọng trên thung lũng Hang Kia

(HBĐT) - Với sự sáng tạo, khát khao của tuổi trẻ, tình yêu quê hương và trăn trở tìm hướng đi đúng đắn, giúp tạo sinh kế cho đồng bào, chàng thanh niên người dân tộc Mông Giàng A La (sinh năm 1996), xóm Hang Kia, xã Hang Kia (Mai Châu) đã học hỏi kinh nghiệm, xây dựng ý tưởng làm du lịch bền vững, hy vọng một ngày không xa quê hương mình sẽ trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn du khách trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Xa Thị Huệ - cô học trò nhỏ vượt khó học giỏi

(HBĐT) - Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại xóm Sổ, xóm đặc biệt khó khăn của xã vùng sâu, vùng xa Trung Thành (Đà Bắc), trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Xa Thị Huệ đạt tổng 29,75 điểm. Nhiều người thân, bạn bè ngỡ ngàng bởi điểm số quá cao, nhưng nếu biết được sự cố gắng, vượt khó của cô học trò nhỏ người dân tộc Tày, chắc hẳn không khỏi thán phục.

Cô giáo “giỏi việc trường - đảm việc nhà"

(HBĐT) - 22 năm bước chân vào nghề giáo cũng là 22 năm cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thanh gắn bó với trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (TP Hòa Bình), ngôi trường được coi là trung tâm chất lượng cao khối THPT của tỉnh.

Người thầy 5 năm mang lập trình STEM đến với học sinh dân tộc thiểu số

(HBĐT) - Với những nỗ lực trong tìm kiếm cơ hội, ứng dụng công nghệ vào giảng dạy để góp phần mang những môn học thời đại công nghệ 4.0 đến với học sinh dân tộc thiểu số (DTTS), thầy giáo Bùi Minh Đức, trường TH&THCS Phú Lương (Lạc Sơn) là 1 trong 50 giáo viên tiêu biểu của cả nước được vinh danh trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2021, do T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp Bộ GD&ĐT, Tập đoàn Thiên Long tổ chức.

Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi từ mô hình kinh tế tổng hợp

(HBĐT) - Với mong muốn phát triển kinh tế gia đình và góp phần xây dựng quê hương, cựu chiến binh (CCB) Đinh Văn Kỳ, xóm Đá Đỏ, xã Tân Thành (Mai Châu) đã đầu tư phát triển mô hình nuôi cá, trồng rừng… Không phụ công người, sau nhiều năm cần cù lao động, thành quả thu được là một trang trại tổng hợp mỗi năm mang về nguồn thu nhập khoảng trên 400 triệu đồng.

Người lưu giữ lịch Đoi ở Mường Bi

(HBĐT) -Trên 4 vùng Mường (Bi - Vang - Thàng - Động), những người lưu giữ và biết xem bộ lịch cổ xưa của người Mường (lịch Đoi) chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Một trong số ít người đang nắm giữ "bảo bối” này là ông Bùi Văn Lựng, nghệ nhân mo Mường ở xóm Mường Lầm, xã Phong Phú (Tân Lạc).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục