(HBĐT) - Không khí trong lành, yên tĩnh, cuộc sống không xô bồ là những điểm mà nhiều người ở Hà Nội hay các tỉnh, thành phố lựa chọn lên Hòa Bình là điểm đến để sinh sống và thụ hưởng.
Chọn nơi lập nghiệp
Một ngày cuối đông, chúng tôi có dịp đến thăm anh Vũ Đức Hiếu, Giám đốc Bảo tàng Không gian văn hoá Mường ở phường Thái Bình (TP Hoà Bình). Khi nhắc đến anh, hầu như người Hoà Bình ai cũng biết. Bởi anh là người đầu tiên của tỉnh xây dựng bảo tàng tư nhân để lưu giữ bản sắc văn hoá của người Mường. Rót chèn trà hoa nhài mời khách, anh chia sẻ: Từ ngày có dịch, bảo tàng rất vắng khách. Để không bị hư hỏng nhà, đồ vật, anh thường xuyên ở luân phiên các nhà và lau đồ. Không có sức làm hết được, nhiều lúc phải thuê người. Từ ngày khai trương bảo tàng và duy trì hoạt động, xây dựng, sưu tầm của bảo tàng vẫn phải bù lỗ. Để "nuôi” bảo tàng, anh lấy nguồn thu nhập từ sáng tác tranh và làm gốm. Tuy nhiên, nguồn thu này cũng thất thường. Nhiều lúc không có tiền thuê người, anh phải tự làm lấy. Qua câu chuyện, tôi nói đùa: Đất đang sốt, anh bán đi nghỉ hưu cũng được. Anh cười: Không bán được, đây là tâm huyết cả đời, mình yêu đất Hoà Bình, yêu cái chân chất, mộc mạc của người Hoà Bình, muốn gìn giữ cho đời sau.
Cuộc sống hiện đại, làm mai một dần những nét văn hóa đậm đà bản sắc ấy. Nếu không ai lưu giữ lại thì một ngày nào đó, sẽ chẳng còn gì. Những ngày lang thang khắp xứ Mường Bi, Vang, Thàng, Động, cái gì thấy hay, thấy lạ là sưu tầm, khám phá. Nhiều đêm ngủ ở bản, uống rượu cần, ăn cỗ lá, nghe những ông bố, bà mế kể lại tích "Đẻ đất, đẻ nước”, anh rất ấn tượng với gốc gác của người Việt cổ. Nét đặc trưng còn được thể hiện trong lễ hội như: Khai hạ, Đình Cổi. Ẩm thực người Mường đậm đà, gần gũi… Từ những khám phá đó, anh có ý tưởng xây dựng Bảo tàng. Sau hơn 10 năm xây dựng và sưu tầm, Bảo tàng Không gian văn hóa Mường của anh được thương hiệu sách hướng dẫn du lịch "Lonely Planet” chọn là 1 trong 9 điểm đến hàng đầu du lịch Việt Nam. Có thể nói, đây là một công trình ý nghĩa trong bối cảnh nhiều giá trị văn hóa Mường nói riêng, văn hóa các dân tộc thiểu số nói chung đang dần mai một.
Ngoài câu chuyện anh Hiếu làm Bảo tàng Không gian văn hoá Mường, có lẽ ít người biết được anh gốc gác ở Vụ Bản, Nam Định, sinh ra tại Hà Nội, lớn lên và trưởng thành trên đất Mường Hòa Bình. Năm 2000, đỗ thủ khoa Khoa Công nghiệp thuỷ tinh - trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Năm 2001 tốt nghiệp Khoa lý luận và lịch sử mỹ thuật. Từ năm 2001, anh làm tạp chí Văn nghệ công nhân, từng mở phòng trưng bày các tác phẩm hội họa tại Thủ đô Hà Nội, đã tham gia trưng bày tác phẩm tại Anh, Singapore, Hồng Kông, cũng có vài đầu sách viết chung với mấy người khác. Nghề báo nhiều cái hay, được đi đây đó, được lựa chọn vùng đất mình sinh sống, cuối cùng anh chọn Hoà Bình. Và nghề vẽ mới là nghề giúp anh kiếm sống. Anh là một hoạ sĩ. Đầu năm 2007 anh quyết định về Hoà Bình làm bảo tàng, vẽ tranh và làm gốm.
Chọn nơi để nghỉ ngơi, thư giãn
Một lần tình cờ tôi quen Nguyễn Thái Hưng, nhà ở quận Hai Bà Trưng (TP Hà Nội). Hưng có một nhà hàng ở Hồ Tây. Ngoài kinh doanh, anh còn là kiến trúc sư nhận thiết kế nhà vườn ở Hà Nội, Hòa Bình. Điều đặc biệt là Hưng có sở thích ngủ ở Hòa Bình. Cách đây gần 10 năm, anh có mua một mảnh đất vườn ở xã Bắc Phong (Cao Phong) bên dưới dòng suối Tráng với giá hơn 800 triệu đồng. Sau khi mua đất trồng cây, những lúc rảnh rỗi, tôi thường lên đây ngủ. Không xây nhà bởi không có người trông coi, Hưng thích ngủ trong những căn lều của nhà người quen giữa vườn hoặc trong rừng. Hưng chia sẻ: Tôi thích không khí nơi đây, mỗi lần lên đây ngủ thấy ngon giấc và bình an. Ngủ xong một đêm quên đi những nhọc nhằn vất vả, lo toan để nạp năng lượng cho những ngày tiếp theo. Nhiều hôm lang thang cả ngày trên vườn rồi leo đồi chẳng muốn về. Cùng sở thích yêu đất, yêu rừng, yêu con người Hòa Bình là anh Nguyễn Xuân Tuấn ở quận Hoàng Mai (TP Hà Nội). Là người làm báo, đi đây đó nhiều, cuối cùng anh chọn Hòa Bình mua đất để làm nghề tay trái. Anh chia sẻ: Cuộc sống thanh bình, không vội vã, tấp nập là điều mà tôi thích ở nơi này. Mỗi lần lên đây, tôi ngủ sâu giấc, sau giấc ngủ thấy người nhẹ nhàng khỏe mạnh, đầu óc khoáng đạt. Giờ đây, khi giao thông thuận tiện việc đi lại dễ dàng nên khoảng cách giữa Hà Nội và Hòa Bình không còn xa nên tôi thường xuyên ở lại. Nhiều lúc chiều tối mới lên chỉ để được ngủ ở Hòa Bình.
Trong thời gian gần đây, không chỉ có người đứng tuổi mà nhiều thanh niên cũng chọn đất Hòa Bình để sở hữu "ngôi nhà thứ hai" để tránh cuộc sống xô bồ, ồn ã nơi phố thị, tìm về với thiên nhiên để tâm hồn được thư giãn hơn. Đó là thiên thời, địa lợi mà thiên nhiên ban tặng cho đất và người Hòa Bình.
Việt Lâm